"Khoản mở" tài chính trong hôn nhân

Chia sẻ

"Quỹ đen" là "khoản mở" tài chính trong hôn nhân của vợ chồng. Nó cũng có thể được xem là "tài sản riêng hợp pháp" nếu như ngay từ đầu vợ chồng có tiếng nói chung về vấn đề tiền bạc.

Cần có tiếng nói chung về tài chính gia đình

Theo tôi, mọi câu chuyện liên quan đến "quỹ đen", hay "tiền riêng", "tài sản riêng" đều nằm trong vấn đề tài chính gia đình. Nếu vợ chồng cùng có tiếng nói chung về vấn đề kinh tế ngay từ đầu thì việc tạo lập "quỹ đen" không còn quan trọng, thậm chí họ có thể xem đó là "tài sản riêng hợp pháp" của mỗi người. Cuộc sống hôn nhân cũng không bị tác động bởi việc tồn tại "quỹ đen" hay không.

Văn hóa truyền thống của người Việt rất đề cao sự hy sinh cá nhân trong gia đình, nhất là giữa vợ chồng với nhau. Do đó, vấn đề tài sản, tiền bạc trong hôn nhân vẫn còn nhập nhằng kiểu "tiền anh cũng là tiền em" hay "của chồng công vợ". Vì vậy, ít cặp vợ chồng phân định rạch ròi với bạn đời về nghĩa vụ đóng góp kinh tế trong cuộc sống hàng ngày. Không ít người vợ một vai hai gánh vừa chăm sóc gia đình, vừa trụ cột kinh tế nhưng vẫn phải cung phụng tiền bạc cho người chồng lười biếng tiêu xài.

Hay, ngược lại, những người đàn ông vật lộn với gánh nặng kinh tế trong khi người vợ làm ít tiêu nhiều. Sự không công bằng và bình đẳng trong nghĩa vụ tài chính đối với gia đình là nguyên nhân khiến vợ chồng mâu thuẫn và phát sinh những khoản "quỹ đen" trong hôn nhân. Đồng thời đây cũng là nguyên nhân khiến những người vợ, người chồng bị thiệt thòi, thậm chí bị xâm hại quyền lợi tài sản khi hôn nhân gặp sự cố, dẫn đến đổ vỡ.

Soi chiếu vào vấn đề tiền bạc trong hôn nhân ở phương Tây, tôi thấy họ rất công bằng và bình đẳng trong vấn đề tài chính gia đình. Ngay từ thời điểm kết hôn, cả hai đã có sự thỏa thuận và lựa chọn chế độ tài sản trong hôn nhân. Theo đó, vợ chồng có quyền với tài sản mình làm ra, quyền tạo lập tài sản riêng, nghĩa vụ đóng góp vào tài sản chung... Việc có tiếng nói chung về vấn đề tài chính ngay từ đầu đã giúp vợ chồng không bị thiệt thòi quyền lợi, bảo đảm đầy đủ quyền và nghĩa vụ của mỗi bên.

Đặc biệt, ai có bao nhiêu "quỹ đen" cũng không quan trọng với đối phương và ảnh hưởng đến cuộc sống hôn nhân.

Chúng ta đang sống trong thời đại hội nhập toàn cầu, thiết nghĩ trong cuộc sống gia đình nói chung, hôn nhân nói riêng cũng cần tiếp thu cái mới, văn minh từ bên ngoài, bài trừ những hủ tục", quan niệm còn mang tính định kiến giới. Có như vậy, câu chuyện "quỹ đen" không còn là nguyên nhân khiến vợ chồng đổ vỡ tình cảm, hôn nhân bất ổn, con cái thiệt thòi theo như lâu nay vẫn xảy ra.

Trần Hòa Bình
(Nghĩa Tân, Cầu Giấy,
Hà Nội)

Cũng như đàn ông, phụ nữ cũng cần có “quỹ đen” để chi tiêu các khoản cá nhânảnh minh họaCũng như đàn ông, phụ nữ cũng cần có “quỹ đen” để chi tiêu các khoản cá nhân (Ảnh minh họa)

Vợ chồng cần có "khoản mở" tài chính

Lâu nay, kinh tế là một trong những yếu tố quyết định đến hạnh phúc hôn nhân. Khi tài chính bất ổn, khó khăn xuất hiện, vợ chồng dễ rơi vào tình trạng bất đồng, mâu thuẫn trong chi tiêu chung lẫn chi tiêu cá nhân của mỗi người. Bấy giờ, "quỹ đen", "tiền riêng" trở nên "nhạy cảm" hơn bao giờ hết, nếu không khéo xử lý, nó sẽ biến thành cơn lốc thổi tung hạnh phúc gia đình.

Do đó, theo tôi, trong hôn nhân, vợ chồng nên có “khoản mở” về tài chính. Nghĩa là, ngoài nghĩa vụ tạo lập tài sản chung để duy trì cuộc sống gia đình, nuôi dạy con cái, tích lũy để phòng khi đau ốm, hay đầu tư làm giàu… vợ chồng nên thống nhất có một “khoản mở” kinh tế cho nhau.

Thay vì tra hỏi bạn đời có “quỹ đen”, “tiền riêng” giấu ở đâu, chúng ta chấp nhận khoản tiền đó tồn tại. Thậm chí nếu đối phương không có khả năng để có “khoản mở” đó, vợ/chồng nên tạo điều kiện cho nhau. Tôi ủng hộ cách xử lý với vấn đề tiền bạc của trường hợp gia đình bạn Nguyễn Bích Ngọc (khu đô thị Văn Quán, Hà Đông, Hà Nội) đăng ở diễn đàn thảo luận số 14 (ngày 06/04/2022). Khi vợ mình ở nhà làm nội trợ, ngoài khoản tiền sinh hoạt đưa cho vợ, anh chồng còn chủ động mở tài khoản riêng cho vợ. Anh không quản lý số tiền riêng đó, để chị tự do chi tiêu các khoản cá nhân. Đây chính là “khoản mở” tài chính trong hôn nhân của vợ chồng.

Hay như câu chuyện của bố mẹ chồng tôi. Bố chồng làm kinh doanh, đảm nhiệm trụ cột kinh tế và giữ tay hòm chìa khóa tài chính gia đình, còn mẹ chồng làm nội trợ, quản tiền chợ mỗi ngày. Tôi cứ nghĩ, với cách tính toán đó của ông, bà chẳng bao giờ biết đến các khoản tiền lớn trong gia đình. Thế nhưng, tôi ngạc nhiên khi mẹ chồng tôi bảo có mấy trăm triệu "tiền riêng" gửi tiết kiệm và một mảnh đất thuộc "tài sản riêng". Điều ngạc nhiên hơn là bố chồng tôi cũng biết khoản "quỹ đen" đó của vợ, và không có ý kiến gì. Hóa ra, bố mẹ chồng tôi thỏa thuận với nhau, tiền ông kiếm về được, khoản lớn ông sẽ giữ để đầu tư làm ăn, khoản nhỏ ông đưa cho bà chi tiêu trong gia đình, trong đó có cả phần dôi dư để bà chi tiêu các khoản cá nhân.

Nếu bà khéo sắp xếp, có thể để ra một khoản tiết kiệm riêng cho mình và ông đồng ý với điều đó. Bao năm qua, mẹ chồng tôi đã làm rất tốt vai trò nội trợ, khéo léo chi tiêu trong gia đình, và tiết kiệm được một khoản. Số tiền đó ngày một sinh sôi khi bà mạnh dạn góp vốn mua đất đai với người thân bên ngoại. Qua nhiều lần mua đi bán lại, bà mua được một mảnh đất đứng tên mình, lại vừa có một cuốn sổ tiết kiệm.

Khi vợ chồng có “khoản mở” tài chính cho nhau thì “quỹ đen” không còn xấu và sẽ trở thành “tài sản riêng hợp pháp” trong hôn nhân.

Nguyễn Trần Bình An
(Phú Thượng, Tây Hồ,
Hà Nội)

Mời bạn đọc tham gia thảo luận chủ đề: Có nên xem “quỹ đen” là "tài sản riêng hợp pháp" trong hôn nhân? Bài tham gia thảo luận gửi về chuyên mục Hôn nhân gia đình, báo Phụ nữ Thủ đô, số 7, Tôn Thất Thuyết, Cầu Giấy, Hà Nội; hoặc email: baophunuthudo@gmail.com. Bài được đăng tải sẽ được tòa soạn trả nhuận bút, báo biếu theo quy định hiện hành.

Tin cùng chuyên mục

Rối loạn nhân cách ranh giới tuổi mới lớn

Rối loạn nhân cách ranh giới tuổi mới lớn

(PNTĐ) - Rối loạn nhân cách ranh giới (BPD) là một rối loạn tâm thần ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng điều chỉnh cảm xúc của một người. Sự mất kiểm soát cảm xúc này có thể làm tăng tính bốc đồng, ảnh hưởng đến cách một người cảm nhận về bản thân và tác động tiêu cực đến mối quan hệ của họ với những người khác. Bệnh thường xảy ra ở tuổi mới lớn.
Khổ vì mẹ chồng hay... soi

Khổ vì mẹ chồng hay... soi

(PNTĐ) - Từ ngày có mẹ chồng lên ở cùng, Trang nhàn hẳn việc chăm con và dọn dẹp nhà cửa. Thế nhưng, sự soi mói, để ý của bà khiến cuộc sống của cô trở nên ngột ngạt.
Bế tắc khi xác định cha cho con ngoài giá thú

Bế tắc khi xác định cha cho con ngoài giá thú

(PNTĐ) - Khi ra đời, lẽ ra được quyền có đủ cả cha và mẹ nhưng những đứa trẻ ấy lại phải ngậm ngùi mang danh “con ngoài giá thú”. Bỏ qua trường hợp người phụ nữ chủ động chọn làm mẹ đơn thân nhờ sự giúp đỡ của y học, các em là kết quả của mối quan hệ yêu đương “ngoài luồng”, người bố sau cuộc vui thì “quất ngựa truy phong”... Trong khi đó, việc “xác định bố cho con” vô cùng khó khăn vì không đủ chứng cứ, nếu xác định được thì người mẹ cũng vi phạm Luật Hôn nhân và Gia đình.