"Quỹ đen" : Tiền tốt sao lại biến thành ... tiền xấu

Chia sẻ

Cơn lốc đàn ông tặng quà cho phụ nữ nhân ngày 8/3 chưa kịp lắng xuống thì bão ngầm trong các gia đình cũng bùng phát khi vấn đề “quỹ đen” hậu quà tặng lộ diện. Nhiều người vợ đặt dấu hỏi “Chồng có bao nhiêu “quỹ đen” đang giấu mình?”, “Tại sao chồng lại có “quỹ đen” khủng như vậy?”…

Chồng không có quyền lập "quỹ đen" tiền tỷ?

Hậu 8/3, không ít câu chuyện những người phụ nữ nhận được quà giá trị của chồng lại rơi vào cảnh 4 phần vui, 6 phần tâm tư. Điển hình như trường hợp của cô bạn tôi. Trong ngày lễ vừa qua, cô "gây bão" trên tài khoản mạng xã hội khi đăng tải hình ảnh món quà “siêu khủng” được chồng tặng. Đó là một chiếc ô tô giá trị gần 2 tỷ đồng, cùng lời chúc vợ yêu đậm chất ngôn tình. Vậy nhưng, sau khi nhận được món quà hạnh phúc đó, vợ chồng cô lại xảy ra mâu thuẫn "nảy lửa", khiến hôn nhân đối diện với nguy cơ rạn nứt.

Ngay tối hôm nhận được quà tặng, cô bạn tôi đặt nghi vấn: "Tiền đâu ra mà anh có để mua tặng em chiếc ô tô này?". Chồng cô thật thà bảo đó là tiền riêng anh tích cóp, dành dụm lâu nay để "hiện thực hóa" giấc mơ xế hộp cho vợ. Nhưng thay vì cảm kích, cô vợ lại tiếp tục truy hỏi: "Mỗi tháng anh kiếm được bao nhiêu tiền? Và để ra "quỹ đen" bao nhiêu một tháng?".

Anh bảo khoản tiền lương, tiền thưởng thu nhập cố định, anh đưa hết cho vợ để góp vào khối tài sản chung trong hôn nhân, số tiền gọi là "quỹ đen" kia thực chất là tiền anh tích cóp được lâu nay. Anh đã đưa số tiền đó để anh trai đầu tư chứng khoán làm ăn sau lưng vợ. Nhờ anh trai có tài nắm bắt thị trường, số tiền hai anh em đầu tư thắng lớn. Bây giờ số tiền đó đã sinh sôi lên hơn 2 tỷ đồng. Và, anh đã dùng số tiền đó để mua ô tô tặng vợ.

Anh cho rằng "quỹ đen" không hề xấu và cuối cùng nó vẫn thuộc về cô một cách hợp pháp. Tuy nhiên, cô không đồng ý, bảo chồng không có quyền lập "quỹ đen" tiền tỷ trong hôn nhân. Vì nếu anh giữ "quỹ đen" lớn như thế, nguy cơ để làm "việc xấu" không khó. Câu chuyện "quỹ đen" tiền tỷ của chồng cô tiếp tục trở thành nguyên nhân khiến mâu thuẫn vợ chồng "leo thang" khi cô cho rằng, nếu anh cho vợ biết tới số tiền đó thì họ sẽ đổi ngôi nhà lớn hơn để gia đình có không gian sống thoải mái thay vì mua ô tô.

Câu chuyện đến tai bố mẹ chồng cô, ông bà bênh con trai cho rằng số tiền "quỹ đen" kia vốn tài "tài sản riêng hợp pháp" của anh. Một khi nó đã là "tài sản riêng hợp pháp" thì anh có quyền sử dụng thế nào tùy ý, con dâu không có quyền can thiệp hay "cho phép" nó được tồn tại hay không trong hôn nhân của hai người. Giờ thì hạnh phúc của vợ chồng cô bạn tôi đang lục đục vì vấn đề "quỹ đen" được xem là "tài sản riêng hợp pháp" mà bố mẹ chồng nêu ra.

Bó hoa kết 100 lượng vàng tặng vợ trị giá 7 tỷ đồng Bó hoa kết 100 lượng vàng tặng vợ trị giá 7 tỷ đồng "gây bão" trong ngày 8/3 vừa qua  Ảnh: Int

"Quỹ đen" nên được công khai là "tài sản riêng hợp pháp"?

Hình ảnh "gây bão" trong ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 năm nay trên mạng xã hội và trở thành "trend" trên nhiều tài khoản cá nhân là bó hoa 100 lượng vàng trị giá 7 tỷ đồng tặng vợ của một người chồng. Nhiều người ca tụng anh chồng tuyệt vời, nhưng đằng sau đó không ít người vợ đặt câu hỏi: "Số tiền mua bó hoa kia là tiền riêng của chồng hay là tiền chung của vợ chồng? Nếu là tiền riêng, thì việc có "quỹ đen" tiền tỷ sau lưng vợ của anh chồng kia là không chấp nhận được". Vì nó là nguyên nhân khiến cho nhiều người chồng lăng nhăng cặp bồ, tạo cơ ngơi cho vợ bé con riêng bên ngoài khiến hạnh phúc gia đình đổ vỡ.

Tuy nhiên, cũng có người cho rằng thời hiện đại, "quỹ đen" nên được xem là văn minh thay vì bất chính như quan niệm lâu nay. Và, nó cần công khai như "tài sản riêng hợp pháp" của vợ, chồng. Vì thực chất, "quỹ đen" là khoản tiền riêng cá nhân của vợ, hoặc chồng chi dùng vào các mục đích thiết yếu riêng của mỗi người để không ảnh hưởng đến "quỹ chung" của gia đình. Tiền từ "quỹ đen" không xấu vậy tại sao chúng ta lại nhìn nhận nó dưới góc độ mờ ám, không minh bạch?

Thời hiện đại, cả vợ và chồng đều được xem là trụ cột kinh tế gia đình khi hai người đều có khả năng, cơ hội làm việc kiếm tiền như nhau. Chuyện chi tiêu, quyết định kinh tế trong gia đình theo đó cũng trở nên bình đẳng hơn giữa hai vợ chồng. Khi pháp luật bổ sung thêm quy định vợ, chồng có quyền tạo lập tài sản riêng trong hôn nhân bên cạnh tài sản chung, thì chúng ta có nên xem "quỹ đen" là "tài sản riêng hợp pháp".

Vì thực tế, đó là khoản tiền riêng do vợ/chồng làm ra thì họ có quyền được tự do công khai sử dụng, thay vì phải lén lút và bị quy kết là xấu. Một khi "quỹ đen" trở thành hợp pháp thì nó phải được bạn đời nhìn nhận một cách văn minh hơn. Vợ chồng cũng không mâu thuẫn, hạnh phúc không bị ảnh hưởng.

Có nên thừa nhận “quỹ đen” là “tài sản riêng hợp pháp” của vợ chồng trong hôn nhân? Việc để “quỹ đen” công khai tồn tại liệu có ảnh hưởng đến tài sản chung của vợ chồng?

Những nguy cơ từ “quỹ đen” có được tiêu trừ khi “quỹ đen” được công khai, nhìn nhận dưới góc độ “hợp pháp” hay không? Để có cái nhìn đa chiều về vấn đề này, kính mời bạn đọc tham gia thảo luận chủ đề: Có nên xem “quỹ đen” là “tài sản riêng hợp pháp” trong hôn nhân?

Bài thảo luận gửi về chuyên mục Hôn nhân gia đình, Báo Phụ nữ Thủ đô, số 7, Tôn Thất Thuyết, Cầu Giấy, Hà Nội; hoặc email: baophunuthudo@gmail.com. Bài được đăng tải sẽ được tòa soạn trả nhuận bút, báo biếu theo quy định hiện hành.

 THU GIANG

Tin cùng chuyên mục

Rối loạn nhân cách ranh giới tuổi mới lớn

Rối loạn nhân cách ranh giới tuổi mới lớn

(PNTĐ) - Rối loạn nhân cách ranh giới (BPD) là một rối loạn tâm thần ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng điều chỉnh cảm xúc của một người. Sự mất kiểm soát cảm xúc này có thể làm tăng tính bốc đồng, ảnh hưởng đến cách một người cảm nhận về bản thân và tác động tiêu cực đến mối quan hệ của họ với những người khác. Bệnh thường xảy ra ở tuổi mới lớn.
Khổ vì mẹ chồng hay... soi

Khổ vì mẹ chồng hay... soi

(PNTĐ) - Từ ngày có mẹ chồng lên ở cùng, Trang nhàn hẳn việc chăm con và dọn dẹp nhà cửa. Thế nhưng, sự soi mói, để ý của bà khiến cuộc sống của cô trở nên ngột ngạt.
Bế tắc khi xác định cha cho con ngoài giá thú

Bế tắc khi xác định cha cho con ngoài giá thú

(PNTĐ) - Khi ra đời, lẽ ra được quyền có đủ cả cha và mẹ nhưng những đứa trẻ ấy lại phải ngậm ngùi mang danh “con ngoài giá thú”. Bỏ qua trường hợp người phụ nữ chủ động chọn làm mẹ đơn thân nhờ sự giúp đỡ của y học, các em là kết quả của mối quan hệ yêu đương “ngoài luồng”, người bố sau cuộc vui thì “quất ngựa truy phong”... Trong khi đó, việc “xác định bố cho con” vô cùng khó khăn vì không đủ chứng cứ, nếu xác định được thì người mẹ cũng vi phạm Luật Hôn nhân và Gia đình.