Hà Nội:

Đánh thức tiềm năng phát triển kinh tế đêm

Bài và ảnh: HOÀNG NGUYÊN
Chia sẻ

(PNTĐ) -Phát triển kinh tế đêm ở Hà Nội được biết đến từ nhiều năm nay với các hoạt động dịch vụ du lịch về đêm ở khu phố cổ, phố đi bộ quanh Hồ Gươm. Lợi ích từ kinh tế đêm đã được khẳng định là giúp tăng khả năng thu hút khách, tăng chi tiêu và kéo dài thời gian lưu trú của khách du lịch.

Đánh thức tiềm năng phát triển kinh tế đêm - ảnh 1
Lễ hội Du lịch Hà Nội 2022 về đêm thu hút nhiều khách du lịch.

Kinh tế ban đêm là tất cả những hoạt động, dịch vụ diễn ra sau 17 giờ hôm trước đến 6 giờ sáng hôm sau, bao gồm: Lễ hội, sự kiện, ẩm thực, nghệ thuật, âm nhạc, các chương trình giải trí... Trên thế giới, nhiều quốc gia đã và đang đẩy mạnh hình thức kinh tế đêm này và ghi nhận kết quả cao. Nghiên cứu của Ernst & Young (E&Y) cho thấy, ngành công nghiệp về đêm của nước Anh đóng góp khoảng 6% GDP với quy mô xấp xỉ 66 tỷ bảng Anh, tạo ra hơn 1,25 triệu việc làm. Ở Thái Lan, ước tính việc kéo dài thời gian hoạt động tại các cơ sở giải trí sẽ tăng 25% chi tiêu của du khách và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cho đất nước này...

Tại Việt Nam, tháng 7/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1129/QĐ-TTg Phê duyệt Đề án phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam. Hà Nội là một địa phương tiên phong triển khai các sản phẩm du lịch đêm, nổi bật như hoạt động tại các khu phố đi bộ, tour đêm Hoàng thành Thăng Long, tour đêm tại di tích Hỏa Lò... mang đến nhiều trải nghiệm hấp dẫn du khách, tạo nét riêng có của du lịch Thủ đô. Tuy nhiên, không ít du khách khi đến Hà Nội cho rằng cần có thêm các hoạt động vui chơi, mua sắm và “nới” khung giờ kéo dài muộn hơn, giải quyết tình trạng kẹt xe, tổ chức nơi để phương tiện và cần đa dạng hơn các sản phẩm du lịch đêm.

Ông Phùng Xuân Khánh, Giám đốc Công ty Du lịch Tiên Phong cho rằng, giải pháp thúc đẩy khách đến Hà Nội cần có các hoạt động chợ đêm, mặc dù hiện đã diễn ra rồi nhưng chưa đa dạng, chưa bài bản, chưa quy củ. Hơn nữa, về thời gian hoạt động chợ đêm không diễn ra thâu đêm thì cũng phải đến 2-3 giờ sáng. Hoạt động chợ đêm không chỉ phục vụ du khách quốc tế mà còn thu hút các tỉnh, thành phố lân cận về Thủ đô. Hiện nay, dịch vụ ăn uống đêm chủ yếu là thanh niên địa bàn Hà Nội sử dụng, ít khách ở các tỉnh, thành phố khác đến. Nguyên nhân là vấn đề kẹt xe, giao thông không thuận lợi. Vì vậy, Hà Nội cần có các tuyến xe đi vào và quy hoạch các điểm trông giữ xe trước khi vào nội đô. Ví như hàng tuần vào tối thứ 6, thứ 7 có các tuyến xe ở đầu cửa ngõ, các trạm - điểm trông giữ xe để khách ở các tỉnh, thành phố vào chơi phố đi bộ, tham gia chợ đêm, thưởng thức văn hóa ẩm thực và show diễn văn hóa về Hà Nội nghìn năm văn hiến.

Ông Nguyễn Văn Phượng, Phó Chủ tịch UBND xã Hồng Vân, huyện Thường Tín cho biết, về phát triển du lịch đêm, xã đã xây dựng ban hành quy chế không gian đi bộ đêm với địa điểm ở giữa cánh đồng, không liên quan đến khu dân cư cho thấy lượng khách cao gấp 10 lần so với ban ngày. Để đảm bảo an ninh, an toàn, xã Hồng Vân đã ban hành quy chế, thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát các hoạt động từ kinh doanh, dịch vụ đến các đơn vị lữ hành đều phải chấp hành, các ý kiến của khách hàng sẽ được xử lý nhanh chóng. “Du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, có đặc trưng văn hóa nên chúng tôi cũng quy định các điều kiện riêng đối với hoạt động kinh doanh về đêm, cùng với phục vụ các sản phẩm gắn với văn hóa địa phương, nhất là phải an ninh, an toàn để phát triển bền vững” - ông Phượng cho biết.

Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam Phùng Quang Thắng, hoạt động du lịch trong kinh tế đêm cần sự tham gia của nhiều lĩnh vực và cần sự tham gia của người dân. Để làm được điều đó, đòi hỏi cơ quan quản lý có cơ chế chính sách phù hợp, đặc thù cho hoạt động kinh tế đêm, qua đó doanh nghiệp xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù như du lịch văn hóa, du lịch ẩm thực đêm, du lịch mua sắm. Khu vực có thể tập trung cho kinh tế đêm là phố cổ thuộc quận Hoàn Kiếm có thể xây dựng một số tour trải nghiệm về đêm đặc thù kết hợp với tour ẩm thực.

Bà Đặng Hương Giang, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội khẳng định: Phát triển kinh tế du lịch đêm là một trong những hoạt động trọng điểm được thành phố Hà Nội đặc biệt quan tâm, và đã có chỉ đạo về việc phát triển loại hình kinh tế này trở thành một phần không thể thiếu của sự phát triển kinh tế, xã hội. Việc thành phố Hà Nội tổ chức thành công các lễ hội, sự kiện văn hóa lớn không chỉ mở ra hướng phát triển nền kinh tế ban đêm, thúc đẩy ngành công nghiệp văn hóa của Thủ đô mà còn khẳng định thương hiệu Hà Nội là điểm đến thân thiện.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Người phụ nữ làm kinh tế giỏi

Người phụ nữ làm kinh tế giỏi

(PNTĐ) - Chị Ngô Thị Thức, sinh năm 1975, là hội viên chi hội phụ nữ số 8 Hội Liên hiệp phụ nữ phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, hiện là Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Cốm mộc Ngô Thức điển hình cho tấm gương vượt khó vươn lên làm kinh tế giỏi.
Sáng kiến nhỏ mang hiệu quả lớn

Sáng kiến nhỏ mang hiệu quả lớn

(PNTĐ) - Với danh mục đồ dùng dạy học hiện hành, bảng tuần hoàn các nguyên tố hóa học chỉ có loại in trên giấy. Tuy nhiên khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 các nguyên tố hoá học lại được đọc theo danh pháp quốc tế vì thế rất khó khăn cho việc phát âm theo cách mới.
Điều chỉnh tổ chức giao thông tại quận Ba Đình từ 15/3

Điều chỉnh tổ chức giao thông tại quận Ba Đình từ 15/3

(PNTĐ) - Sở Xây dựng Hà Nội vừa ban hành Thông báo số 232/TB-SXD về việc điều chỉnh tổ chức giao thông trên các tuyến đường Trần Phú (đoạn Lê Trực đến Kim Mã), đường Thanh Báo (đoạn và chiều từ Nguyễn Thái Học đến Trần Phú) thuộc địa bàn quận Ba Đình, từ ngày 15/3 - 15/9/2025.
Thắp sáng ước mơ hoàn lương cho các phạm nhân

Thắp sáng ước mơ hoàn lương cho các phạm nhân

(PNTĐ) - Chương trình "Thắp sáng ước mơ hoàn lương" nhằm góp phần xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, giúp phạm nhân, trại viên độ tuổi thanh niên xóa bỏ mặc cảm, yên tâm cải tạo, có thêm niềm tin, nghị lực, ý chí vươn lên, tích cực học tập, lao động cải tạo, sớm về với cộng đồng và trở thành người có ích cho xã hội.
Kết nối thương mại và du lịch Nhật Bản-Thái Lan-Việt Nam

Kết nối thương mại và du lịch Nhật Bản-Thái Lan-Việt Nam

(PNTĐ) - Sáng 15/3 tại Udon Thani, Thái Lan, Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Fukuoka, Nhật Bản phối hợp với Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Khon Kaen, Thái Lan đã tổ chức Diễn đàn "Kết Nối Thương Mại, Du Lịch Nhật Bản - Thái Lan - Việt Nam". Sự kiện có sự phối hợp của các hiệp hội doanh nghiệp, Hội đoàn người Việt và cộng đồng người Việt tại Nhật Bản và Thái Lan.