Mua bán người: Tội ác cần nghiêm trị

Kỳ 4: Nhiều lỗ hổng pháp lý trong phòng, chống mua bán người

Bài và ảnh: Hồng Nhung
Chia sẻ

(PNTĐ) - Tình trạng mua bán người còn nhiều diễn biến phức tạp, trong đó có nguyên nhân xuất phát từ một số khó khăn vướng mắc khi áp dụng các quy định của pháp luật như Bộ luật Hình sự (BLHS) và Luật Phòng, chống mua bán người vào thực tiễn. Từ đó, dẫn tới hậu quả tội phạm mua bán người chưa bị trừng trị nghiêm minh hoặc để lọt tội phạm.

Kỳ 4: Nhiều lỗ hổng pháp lý trong phòng, chống mua bán người - ảnh 1
Đối tượng Lê Thị Mỹ Hạnh, sinh năm 1985, trú tại TP Cần Thơ (trái) bị bắt giữ về hành vi bán con đẻ sang Trung Quốc cùng đối tượng Triệu Thành Long, sinh năm 1994, trú tại tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc.

Tội phạm mua bán người đang có độ ẩn cao

Trong những năm gần đây, Chính phủ Việt Nam đặc biệt quan tâm, chỉ đạo quyết liệt trong công tác đấu tranh với tội phạm mua bán người. Tuy nhiên, tội phạm này ở nước ta vẫn đang có độ ẩn cao, nhiều thủ đoạn tinh vi, phức tạp. Nhiều vụ việc chưa được phát hiện và khởi tố kịp thời. Công tác xác minh, xác định nạn nhân còn nhiều hạn chế, ảnh hưởng đến hiệu quả của hoạt động hỗ trợ, bảo vệ nạn nhân. 

Theo các chuyên gia, hệ thống pháp luật của Việt Nam liên quan đến phòng, chống mua bán người còn có sự đan xen, mâu thuẫn, chưa có sự thống nhất. 

Cụ thể, theo Bộ Công an, một số quy định hiện không bảo đảm tính đồng bộ và thống nhất của hệ thống pháp luật của Nhà nước ta, không còn phù hợp với quy định của các luật được ban hành sau như: Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2021), Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự và các văn bản về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của các bộ, ngành có liên quan). Các quy định cụ thể của Luật Phòng, chống mua bán người chưa tương thích với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là một bên ký kết liên quan đến phòng chống mua bán người. Bên cạnh đó, các căn cứ xác định nạn nhân bị mua bán theo quy định của Luật Phòng, chống mua bán người và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật để họ hưởng các chế độ hỗ trợ chưa phù hợp với thực tiễn, dẫn đến khó khăn về chi trả kinh phí thực hiện tiếp nhận nạn nhân bị mua bán. 

Bà Lê Thị Ngọc Bích, nhân viên tham vấn của Trung tâm Phụ nữ và phát triển (Hội LHPN Việt Nam) cho biết, nạn nhân của tội phạm mua bán người trở về không chỉ tập trung vào phụ nữ, trẻ em như trước đây mà đã có nhiều nam giới, trẻ sơ sinh, phụ nữ mang thai… Các đối tượng mua bán người sử dụng các thủ đoạn tinh vi, khó phát hiện, thường núp dưới các hình thức vỏ bọc hợp pháp như xuất cảnh du lịch, xuất khẩu lao động, kết hôn có yếu tố nước ngoài, cho nhận con nuôi... nên rất khó ngăn chặn, phát hiện. Do đó, cần thiết sửa đổi Luật Phòng chống mua bán người để phù hợp với thực tiễn.

Bên cạnh đó, một số vướng mắc, bất cập, đặc biệt là quy định về tội phạm mua bán người trong Bộ luật Hình sự (BLHS) cũng gây khó khăn trong công tác điều tra, xét xử. Theo GS.TS Trung tướng Trần Minh Hưởng, Học viện Cảnh sát Nhân dân, việc định tội danh mua bán người được quy định tại Điều 150 và Điều 151 của Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 đang còn nội dung chưa phù hợp so với quy định của pháp luật quốc tế về tội danh này. Cụ thể, trong cấu thành cơ bản của tội mua bán người dưới 16 tuổi (Điều 151) chỉ quy định có hành vi và mục đích, không bao gồm thủ đoạn. Như vậy, trong trường hợp, một người được tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp mà không có hành vi chuyển giao hoặc tiếp nhận xảy ra cho dù có chứng minh được thủ đoạn và mục đích cũng không cấu thành tội phạm mua bán người (Điều 150) hay tội phạm mua bán người dưới 16 tuổi (Điều 151).

Bên cạnh đó, một số quy định của pháp luật liên quan đến phòng, chống tội phạm mua bán người còn khó hiể̉u, chưa rõ ràng, chưa thống nhất với nhau. Khó khăn, vướng mắc trong giải quyết những vụ án mua bán người không có nạn nhân hoặc nạn nhân chưa trở về; khi xác định người phiên dịch, người dịch thuật tham gia quá trình điều tra vụ án mua bán người; chưa có nguyên tắc không trừng phạt (xử lý hành chính hoặc xử lý hình sự) đối với nạn nhân của tội phạm mua bán người có những hành vi phạm tội là hệ quả trực tiếp của tội phạm mua bán người; quy định pháp luật về hỗ trợ nạn nhân của tội phạm mua bán người không phù hợp và theo kịp sự thay đổi về kinh tế, xã hội…
Hoàn thiện hệ thống pháp lý để khắc phục khó khăn, vướng mắc
PGS.TS Nguyễn Văn Hương, Trường Đại học Luật Hà Nội cho rằng, trong Bộ luật Hình sự hiện hành, quy định về tội phạm mua bán người có nhiều bất cập, chồng chéo, thậm chí “trùng” với dấu hiệu pháp lý của một số tội phạm khác. Điều này dẫn đến sự không chính xác trong việc định tội danh, thậm chí cùng một hành vi phạm tội nhưng các tòa án khác nhau xét xử, kết án người phạm tội về các tội danh khác nhau mà “vẫn đúng”. 

Kỳ 4: Nhiều lỗ hổng pháp lý trong phòng, chống mua bán người - ảnh 2
Bị cáo Phạm Thị Vân (SN 1979, trú tại xã Vân Nội, huyện Đông Anh, Hà Nội) vừa bị TAND TP Hà Nội đưa ra xét xử về tội mua bán người sau gần 20 năm trốn truy nã.

PGS.TS Nguyễn Văn Hương đề nghị, để khắc phục những bất cập trong Bộ luật hình sự năm 2015, các quy định cần được chỉnh sửa, hoàn thiện, cụ thể là chỉnh sửa quy định tại Điều 150 và Điều 151; trường hợp người phạm tội mua bán người sau đó có hành vi bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể nạn nhân… hoàn toàn có thể xử lý thêm ở các tội danh tương ứng trong Bộ luật Hình sự theo nguyên tắc phạm nhiều tội. Điều này vừa tránh chồng chéo, bất cập trong quy định của Bộ luật Hình sự, vừa đảm bảo quy định của điều luật phản ánh đúng bản chất của hai loại tội phạm này. 

Đồng quan điểm, TS Nguyễn Thị Thanh Thuỳ, Học viện An ninh Nhân dân cho biết, Bộ luật Hình sự cần hoàn thiện quy định về tội phạm mua bán người như: Cần bổ sung chủ thể là pháp nhân thương mại đối với tội phạm mua bán người để tránh bỏ lọt tội phạm, đảm bảo tính nghiêm minh trong đấu tranh, xử lý loại tội phạm này. Sửa đổi tên điều luật quy định tại Điều 151 BLHS thành tội “mua bán người dưới 18 tuổi” nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho nhóm đối tượng là người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi. Bổ sung điều luật quy định về tội mua bán bào thai là một tội danh độc lập trong BLHS; bổ sung hướng dẫn xử lý đối với hành vi tổ chức cho phụ nữ mang thai đi nước ngoài sinh con sau đó bán con tại nước ngoài…

GS.TS Trần Minh Hưởng cũng kiến nghị điều chỉnh hình thái mua bán bào thai; mua bán người trong giai đoạn chưa đạt; trách nhiệm của các đối tượng tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp trong đường dây tổ chức mua bán người; các trường hợp nhân đạo được miễn trách nhiệm hình sự trong tội phạm mua bán người… vào Bộ luật Hình sự năm 2015 để hoàn thiện hệ thống pháp lý liên quan đến tội phạm mua bán người.  

Theo GS.TS Trần Minh Hưởng, trước hết, Bộ Công an cần nhanh chóng hoàn thiện tổng kết, đánh giá những hạn chế của Luật Phòng, chố́ng mua bán người để báo cáo Chính phủ đề nghị Quốc hội sửa đổi, trong đó tập trung những nội dung là: Bổ sung quy định giải thích từ ngữ hoặc đưa ra định nghĩa như: mua bán người; chuyển giao hoặc tiếp nhận chuyển giao; tuyển mộ, tuyển dụng, vận chuyển, chứa chấp... để phù hợp với các quy định của pháp luật khác và áp dụng thống nhất. Bổ sung các nguyên tắc trong việc thực hiện phòng, chống mua bán người, bao gồm nguyên tắc không trừng phạt với hành vi vi phạm của nạn nhân là hệ quả trực tiếp của hành vi mua bán người. 

Bên cạnh đó, các quy định về tiêu chí để xác định nạn nhân của tội phạm mua bán người và chế độ chính sách hỗ trợ người đang trong quá trình xác định là nạn nhân bị mua bán, làm cơ sở giúp các cơ quan chức năng tiến hành xác minh, xác định nạn nhân được nhanh chóng và kịp thời, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình hỗ̃ trợ, bảo vệ nạn nhân. Việc đảm bảo cơ chế hỗ trợ họ trong giai đoạn chờ xác minh là cơ sở quan trọng để đảm bảo giá trị nhân đạo trong công tác hỗ trợ nạn nhân, góp phần đẩy mạnh chính sách lấy nạn nhân là trung tâm. 

Hiện nay, Bộ Công an đang lấy ý kiến về việc đề xuất dự thảo Luật gồm 8 chương, 62 điều (tăng 4 điều so với Luật Phòng, chống mua bán người năm 2011, trong đó, sửa đổi, bổ sung nội dung 35 điều, xây dựng mới 5 điều, bỏ 1 điều). Bên cạnh những quy định chung, dự thảo đã đề xuất những quy định cụ thể về phòng ngừa mua bán người; phát hiện, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống mua bán người; tiếp nhận, xác định và bảo vệ người trong quá trình xác định là nạn nhân; hỗ trợ người trong quá trình xác định là nạn nhân; quản lý Nhà nước và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức về phòng, chống mua bán người; hợp tác quốc tế trong phòng, chống mua bán người. 

Hy vọng đây sẽ là bước tiến giúp bù đắp những lỗ hổng trong quy định hiện hành, qua đó tăng hiệu lực phòng chống mua bán người.

(Còn nữa)

Tin cùng chuyên mục

Nữ lãnh đạo Chính phủ tại vị lâu nhất thế giới

Nữ lãnh đạo Chính phủ tại vị lâu nhất thế giới

(PNTĐ) - Ở tuổi 76, bà Sheikh Hasina tiếp tục được người dân tín nhiệm bầu giữ chức Thủ tướng Bangladesh nhiệm kỳ thứ 4 liên tiếp và được coi là: “nữ lãnh đạo Chính phủ tại vị lâu nhất thế giới”. Trong vai trò Thủ tướng, bà đã đưa đất nước tiến lên và đạt được nhiều thành tựu đáng trân trọng.