Cùng con bước vào không gian mạng

Bài 1: Nhận diện những nguy cơ không an toàn trên không gian mạng

Trung Thu
Chia sẻ

(PNTĐ) - Mạng internet giúp trẻ dễ dàng tiếp cận thông tin và hội nhập với thế giới một cách dễ dàng và nhanh chóng. Nhưng không gian mạng cũng là nơi trẻ dễ gặp phải các nguy cơ. Vì vậy, cha mẹ và người chăm sóc trẻ cần nâng cao cảnh giác, giúp đỡ, giám sát trẻ sử dụng mạng an toàn.

Theo chuyên gia Nguyễn Thị Quỳnh Hoa, Viện Nghiên cứu Thanh niên, thì Việt Nam là một trong số những nước có tốc độ phát triển nhanh về công nghệ thông tin. Theo số liệu của ComScore - một trong những công ty dẫn đầu thế giới về đo lường và đánh giá hiệu quả các giải pháp marketing trực tuyến từng công bố báo cáo về thị trường trực tuyến tại Việt Nam và châu Á, trong hơn 30 triệu người sử dụng internet tại Việt Nam, có khoảng 87,5% đã và đang sử dụng các mạng xã hội, đa số là những người trẻ tuổi, nằm trong độ tuổi 15-34.

Cùng với những ích lợi to lớn, bà Hoa cho rằng, mạng internet và mạng xã hội cũng mang đến nhiều tác động tiêu cực, nhiều nguy cơ mà thanh thiếu niên phải đối mặt khi không biết cách kiểm soát chúng. Cụ thể:

1. Nguy cơ tiếp cận thông tin xấu, độc hại

Thực tế hiện nay, tình trạng thanh thiếu niên khi tương tác trên không gian mạng dễ dàng nhận được đường link tới những trang mạng xã hội có những video clip phản cảm, mang tính kích động, bạo lực hoặc gợi dục. Chẳng hạn các video clip về các nhân vật hoạt hình nổi tiếng được thanh thiếu niên yêu thích như Elsa, Spiderman, Disney, Marvel, Joker, Superman... bị biến tấu dưới hình thức ăn mặc hở hang, gợi dục, nhiều hành động máu me, bạo lực liên tục được lặp đi lặp lại. Thanh thiếu niên có thể tiếp cận dạng thông tin này trên mạng xã hội mà không biết đó là thực hay hư, là sai hay đúng, nhưng sẽ vô thức hùa theo đám đông để bình luận, “ném đá”, thậm chí là chửi bới, lăng mạ người khác, để rồi sau đó là hậu quả ngoài đời thực không thể lường hết được.

Cũng theo chuyên gia, thời gian qua, trên mạng xã hội còn xuất hiện những clip đánh đập, hành hung nữ sinh hay hình ảnh, thước phim nhạy cảm liên quan đến chuyện tình cảm lứa đôi, những clip chia sẻ cách tự làm tổn hại bản thân, thậm chí tự tử. Hậu quả là một số thanh thiếu niên không chỉ thể hiện sự đồng tình mà còn có những hành động bắt chước theo một cách mù quáng.

Bài 1: Nhận diện những nguy cơ không an toàn trên không gian mạng - ảnh 1
Ảnh minh họa

2. Nguy cơ bị xâm phạm đời tư

Đây cũng là một nguy cơ cần được lưu tâm. Cụ thể, theo một khảo sát cho thấy, có tới 16,8% thanh thiếu niên được hỏi đã từng bị ai đó tìm cách lấy trộm mật khẩu tài khoản mạng xã hội; 15,4% thanh thiếu niên đã từng bị làm giả trang thông tin cá nhân trên mạng xã hội với mục đích xấu. 7,5% thanh thiếu niên đã từng bị phát tán, lan truyền những bí mật riêng tư; Có 15,5% thanh thiếu niên được hỏi cho biết đã từng bị chế giễu, trêu chọc vì những điểm xấu trên hình ảnh mà mình đăng tải trên internet; 12,9% thanh thiếu niên đã từng bị châm chọc, đả kích; 12,4% thanh thiếu niên đã từng bị gửi tin nhắn đe dọa, trêu chọc với nội dụng ác ý trên mạng xã hội; 11,8% thanh thiếu niên đã từng bị chia sẻ những tin đồn không đúng sự thật về mình để người khác cùng đọc. Những hành vi này có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý, tinh thần của nạn nhân, khiến nạn nhân bị tác động tiêu cực về tâm lý. 

Một con số cũng đáng lưu ý khác là có 10,1% thanh thiếu niên được hỏi đã từng bị ghép, chế ảnh trái phép trên mạng xã hội với mục đích xấu. Theo bà Hoa, ở Việt Nam cũng đã có một số trường hợp bị gán ghép ảnh gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống riêng tư của nạn nhân. 

3. Nguy cơ bị bắt nạt trực tuyến

Tình trạng bắt nạt trực tuyến được đánh giá là một vấn đề khá nhức nhối. Các biểu hiện trẻ bị bắt nạt trực tuyến xuất hiện ở các mức độ khác nhau như “bị gọi bằng biệt danh xấu”; “bị nhận xét tiêu cực trên mạng xã hội" “bị nhóm bạn trên mạng loại bạn ra và không cho bạn tham gia vào nhóm đó nữa”; “bị gửi những hình ảnh hoặc video có nội dung tiêu cực (bạo lực, tình dục,...) qua tin nhắn"; “bị chặn tài khoản, hủy kết bạn, lảng tránh không nói chuyện trên mạng”. 

Bà Nguyễn Thị Quỳnh Hoa cho biết, những kẻ bắt nạt có thể phát tán những lời nói và hình ảnh bạo lực, gây tổn thương và hạ nhục nạn nhân chỉ bằng một lần nhấn phím. Điều đó có nghĩa, các biểu hiện bắt nạt có xu hướng lan truyền không kiểm soát trên mạng xã hội và do đó sẽ nguy hại hơn nhiều so với các hình thức bắt nạt “truyền thống” như bắt nạt thân thể (ví dụ: Đấm, đá,...), bắt nạt về tài sản (sử dụng đồ của bạn mà không được cho phép...). Một khi đoạn tin nhắn, bức ảnh, video bất lợi hay tên gọi xấu của nạn nhân được đưa lên mạng, nó có thể được xem và sao chép lại theo cấp số nhân với tốc độ chóng mặt, ngoài tầm kiểm soát của cả nạn nhân, thủ phạm và bất cứ ai liên quan. 

Hậu quả để lại từ việc bị bắt nạt trực tuyến là nạn nhân cảm thấy stress, lo âu và thậm chí là có triệu chứng của trầm cảm. 

Bài 1: Nhận diện những nguy cơ không an toàn trên không gian mạng - ảnh 2
Ảnh minh họa

4. Nguy cơ bị xâm hại tình dục

Theo kết quả khảo sát “Những trải nghiệm không mong muốn khi sử dụng Internet" do Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số (CCIHP) và Bộ Lao động Thương binh và Xã hội thực hiện năm 2014, gần 36,5% số trẻ trải nghiệm các thông tin, hình ảnh liên quan đến bạo lực. Hơn 13% buộc phải tiếp xúc không mong muốn với tài liệu khiêu dâm. Gần 16% trẻ gặp hành vi dụ dỗ tình dục qua mạng. 

Tương tự, các nghiên cứu về xâm hại tình dục trẻ em trực tuyến của UNICEF và ChildFund tại Việt Nam những năm qua cho thấy một bộ phận trẻ em đã bị chia sẻ những hình ảnh khiêu dâm qua điện thoại di động hoặc internet. Ngoài ra, các hình thức xâm hại tình dục trẻ em trực tuyến khác cũng được chỉ ra bao gồm: “Phô diễn cơ thể”, “trò chuyện tình dục". Cũng theo một nghiên cứu, một bộ phận không nhỏ thanh thiếu niên (13,5%-23,8%) đã từng gặp phải những vấn để về xâm hại tình dục như: Kẻ xấu nhắn tin, gửi những hình ảnh, đường link liên quan đến các bộ phận nhạy cảm của cơ thể (23,8%); nhắn tin, gửi những video nhạy cảm (20,2%); dụ dỗ, ép phô bày các bộ phận cơ thể qua webcam (13,5%).

5. Nguy cơ bị tổn hại về sức khỏe tinh thần

Theo bà Hoa, công nghệ hiện đại phát triển giống như con dao hai lưỡi, nó đem đến sự kết nối rộng khắp nhưng cũng làm tăng sự căng thẳng về cảm xúc. Các nền tảng mạng xã hội được thiết kế với chủ đích thu hút sự chú ý của người dùng lâu nhất có thể, đánh vào thiên kiến và lỗ hổng tâm lý trong chúng ta như mong muốn được công nhận hay nỗi sợ bị từ chối. 

Trên thực tế, khi thanh thiếu niên cô đơn trong cuộc sống thực, sử dụng mạng xã hội để bù đắp cho điểm yếu về kỹ năng xã hội của mình, họ có thể sẽ cảm thấy càng cô đơn hơn về lâu về dài.

Qua nghiên cứu đã ghi nhận học sinh thường xuyên dành thời gian vào internet có nguy cơ về sức khỏe tâm thần cao gấp 1,83 lần so với học sinh thỉnh thoảng, ít khi hoặc chưa bao giờ vào internet. Học sinh thường xuyên chán nản, lo lắng khi không truy cập được internet cũng có vấn đề về sức khỏe cao gấp 5 lần so với nhóm học sinh chưa bao giờ, ít khi vào internet.

Việc nắm bắt các nguy cơ mất an toàn là rất cần thiết, qua đó giúp cha mẹ, người thân của trẻ chủ động hỗ trợ trẻ khi bước vào thế giới mạng.

Bài 2: Giúp trẻ sử dụng internet an toàn

Tin cùng chuyên mục

Tự chủ là sống có trách nhiệm

Tự chủ là sống có trách nhiệm

(PNTĐ) - Trung ương Hội LHPN Việt Nam xác định nội hàm của người phụ nữ thời đại mới hiện nay là Tri thức - Đạo đức - Sức khỏe - Trách nhiệm. Trong đó, riêng yếu tố “Trách nhiệm” được làm rõ, không phải là trách nhiệm chung chung, mà là trách nhiệm với bản thân, gia đình, cộng đồng. Người phụ nữ hiện đại có định hướng bản thân và tự lập thì trước hết phải có trách nhiệm với mình.
Để phụ nữ hiện đại tỏa sáng thời công nghệ số

Để phụ nữ hiện đại tỏa sáng thời công nghệ số

(PNTĐ) - Chủ đề toàn cầu của ngày Quốc tế phụ nữ 8/3 năm nay là “DigitALL: Đổi mới và công nghệ vì bình đẳng giới” và hưởng ứng chủ đề ưu tiên của Khóa họp lần thứ 67 của Ủy ban Địa vị Phụ nữ của Liên hợp quốc (CSW67) “Đổi mới, công nghệ và giáo dục trong thời đại kỹ thuật số để đạt được bình đẳng giới và trao quyền cho tất cả phụ nữ và trẻ em gái”. Điều này cho thấy chuyển đổi số với tiềm năng lớn, được tin rằng sẽ trở thành một “động lực thay đổi” quan trọng đối với bình đẳng giới, trao quyền cho phụ nữ.
Một giấc mộng dài

Một giấc mộng dài

(PNTĐ) - Suốt mấy năm nay, chưa ngày nào Thùy thôi nhớ về người ấy. Một mối quan hệ không thể gọi thành tên, mà sao lúc nào cũng làm cô day dứt, khát khao được một lần quay trở lại.