Bảo đảm bình đẳng giới trong tiếp cận, thụ hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe

Hạ Thi
Chia sẻ

(PNTĐ) - Luật Bình đẳng giới quy định nam, nữ bình đẳng trong tham gia các hoạt động giáo dục, truyền thông về chăm sóc sức khỏe, sức khỏe sinh sản và sử dụng các dịch vụ y tế. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc đảm bảo bình đẳng giới trong tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe vẫn còn nhiều rào cản.

Nhiều chiến lược, chương trình hành động đảm bảo bình đẳng giới trong lĩnh vực y tế

Ngày 3/3/2021, Chính phủ ban hành Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030 (kèm theo Nghị quyết số 28/NQ-CP). Chiến lược nhằm mục tiêu tiếp tục thu hẹp khoảng cách giới, tạo điều kiện, cơ hội để phụ nữ và nam giới tham gia, thụ hưởng bình đẳng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước. Theo đó, việc đảm bảo bình đẳng giới (BĐG) trong tiếp cận và thụ hưởng dịch vụ chăm sóc sức khỏe trong lĩnh vực y tế có 4 chỉ tiêu cụ thể, gồm: Tỷ số giới tính khi sinh ở mức 111 bé trai/100 bé gái sinh ra sống vào năm 2025 và 109 bé trai/100 bé gái sinh ra sống vào năm 2030; tỷ lệ tử vong bà mẹ liên quan đến thai sản giảm còn 42/100.000 trẻ sinh sống vào năm 2025 và xuống dưới 42/100.000 vào năm 2030; tỷ suất sinh ở vị thành niên giảm từ 23 ca sinh/1.000 phụ nữ xuống 18/1.000 vào năm 2025 và dưới 18/1.000 vào năm 2030; tỷ lệ tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có ít nhất một cơ sở y tế cung cấp thí điểm dịch vụ chăm sóc sức khỏe dành cho người đồng tính, song tính và chuyển giới đạt 40% vào năm 2025 và 70% vào năm 2030.

 Cùng với đó, ngày 4/6/2021, Bộ Y tế cũng đã phê duyệt Kế hoạch Hành động quốc gia về chăm sóc sức khỏe sinh sản, tập trung vào chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ giai đoạn 2021-2025, với mục tiêu: Cải thiện tình trạng sức khỏe sinh sản, tập trung vào cải thiện sức khỏe bà mẹ, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, ưu tiên các vùng khó khăn nhằm giảm sự khác biệt về các chỉ tiêu sức khỏe, dinh dưỡng, tử vong mẹ, tử vong trẻ em giữa các vùng miền, hướng tới thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững vào năm 2030.

Bảo đảm bình đẳng giới trong tiếp cận, thụ hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe - ảnh 1
Tư vấn chăm sóc sức khỏe hậu Covid-19 cho phụ nữ khuyết tật tại Hà Nội  ảnh: Thanh Hòa

Theo đó, kế hoạch cũng đề ra mục tiêu cụ thể về cải thiện tình trạng sức khỏe bà mẹ, thu hẹp sự khác biệt về tử vong mẹ và các chỉ tiêu sức khỏe bà mẹ giữa các vùng miền như: Giảm tỷ số tử vong mẹ xuống còn 42/100.000 trẻ đẻ sống, trong đó vùng khó khăn xuống còn 70/100.000 trẻ đẻ sống; tăng tỷ lệ phụ nữ đẻ được khám thai 4 lần trong 3 thai kỳ lên 85%, trong đó vùng khó khăn đạt 65%; duy trì tỷ lệ phụ nữ đẻ tại cơ sở y tế ở mức trên 97%, trong đó vùng khó khăn đạt trên 85%; tăng tỷ lệ bà mẹ và trẻ sơ sinh được chăm sóc tại nhà trong tuần đầu sau sinh đạt 70%, trong đó vùng khó khăn đạt 50%; giảm tỷ lệ thiếu máu của phụ nữ mang thai xuống dưới 20%, trong đó vùng khó khăn xuống dưới 23%.

Trước đó, Chính phủ và Bộ Y tế cũng đã ban hành các chính sách liên quan để đảm bảo cho người dân và đặc biệt là phụ nữ có khả năng tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe như: Chiến lược quốc gia về Bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020; Chiến lược quốc gia bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân giai đoạn 2011-2020, tầm nhìn đến năm 2030; Chiến lược Dân số và Sức khỏe sinh sản Việt Nam giai đoạn 2011-2020; chương trình Kế hoạch hóa gia đình…

Khi đưa vào triển khai, các chiến lược, kế hoạch hành động quốc gia đã thúc đẩy việc nâng cao tỷ lệ phụ nữ tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ y tế. Tại hội thảo chia sẻ thông tin về công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em, ông Trần Đăng Khoa, Phó Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ và Trẻ em, Bộ Y tế cho biết, trong thời gian qua công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em đạt nhiều thành tích. Các chỉ số giảm tử vong mẹ, giảm tử vong trẻ em và giảm suy dinh dưỡng trẻ em ở Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Thống kê của Vụ Sức khỏe Bà mẹ và Trẻ em cho thấy, công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em ở nước ta đã có nhiều chuyển biến tích cực. Trong đó, tỷ lệ phụ nữ sinh được khám thai từ 4 lần trở lên đạt hơn 80%; tỷ lệ phụ nữ sinh sản được nhân viên y tế đỡ duy trì 95-97%; tỷ lệ chăm sóc sau sinh trong 7 ngày đầu đạt khoảng 80%.

Vẫn còn những rào cản và thách thức bình đẳng giới với nhiều nhóm đối tượng

Mặc dù có những cam kết về mặt chính sách và các chương trình quốc gia quan trọng về bình đẳng giới trong y tế, nhưng, tình trạng bất bình đẳng giới trong lĩnh vực này vẫn tồn tại. Điều này đặc biệt chú ý trong lĩnh vực sức khỏe sinh sản và tình dục- hai lĩnh vực chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của chuẩn mực giới. 

Nghiên cứu Tổng quan về bình đẳng giới ở Việt Nam năm 2021 cho thấy rõ hơn tình trạng bất bình đẳng trong việc tránh thai giữa phụ nữ và nam giới. Ở Việt Nam trong 10 năm qua, tỷ lệ sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại ở tổng số phụ nữ vẫn ở mức cao, trên 60%. Tuy nhiên, việc sử dụng biện pháp tránh thai chủ yếu do phụ nữ chịu trách nhiệm chính trong thực hiện tránh thai. Theo báo cáo của Bộ Y tế, trong tổng số 2,76 triệu người chấp nhận sử dụng biện pháp tránh thai thì 1,2 triệu người đang sử dụng thuốc uống và 472,776 người đang sử dụng dụng cụ tử cung. Về triệt sản, có 10.702 phụ nữ thắt ống dẫn trứng, trong khi chỉ có 231 nam giới thắt ống dẫn tinh. 

Bảo đảm bình đẳng giới trong tiếp cận, thụ hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe - ảnh 2
Nam giới cũng cần tiếp cận thông tin chăm sóc sức khỏe sinh sản  Ảnh: Int

Tại Việt Nam vẫn còn quan niệm thiên chức của người phụ nữ nằm ở nhiệm vụ sinh con và chăm sóc con cái. Mặc dù nam giới có ảnh hưởng mạnh đến quyết định sinh đẻ, nhưng việc sử dụng các biện pháp tránh thai và kế hoạch hóa gia đình vẫn được xem là trách nhiệm của phụ nữ, thay vì là một vấn đề đòi hỏi sự đầu tư thích đáng và hỗ trợ toàn diện của toàn xã hội. Hơn nữa, những điều cấm kỵ về văn hóa bắt nguồn từ các chuẩn mực mang tính định kiến giới vốn chống lại tính dục của phụ nữ. Việc mang thai trước hôn nhân và phá thai càng cản trở phụ nữ tiếp cận thông tin về sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục. Trong nhiều trường hợp, bắt buộc họ phải chấp nhận tìm đến các phương pháp xử lý nhiều rủi ro cho sức khỏe.

 Tình trạng bất bình đẳng giới còn tồn tại trong nhóm phụ nữ khuyết tật khi họ tiếp cận với các dịch vụ y tế và chăm sóc sức khỏe. Nghiên cứu Tổng quan về Bình đẳng giới ở Việt Nam năm 2021 cho thấy, tỷ lệ phụ nữ khuyết tật liên quan đến vận động tiếp cận được các thiết bị hỗ trợ thấp hơn nam giới. Mặc dù số liệu thống kê chính thức về sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục của người khuyết tật còn hạn chế. Nhưng phát hiện từ một số nghiên cứu quy mô nhỏ cho thấy người khuyết tật có mức độ hiểu biết về sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục thấp hơn so với người không khuyết tật ở cùng lứa tuổi. Do họ thiếu khả năng tiếp cận với các dữ liệu đáng tin cậy, cũng như tình trạng kỳ thị của xã hội đối với người khuyết tật.  

Một nhóm đối tượng khác vẫn còn chịu nhiều bất bình đẳng giới trong việc thụ hưởng các dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe là nhóm người đồng tính, chuyển giới, song giới (LGBT). Ở Việt Nam, quan hệ tình dục đồng giới không phải là bất hợp pháp do Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 đã bỏ quy định cấm hôn nhân đồng giới. Tuy nhiên, pháp luật vẫn chưa công nhận tính hợp pháp của hôn nhân đồng giới. Vì vậy, người LGBT tiếp tục gặp khó khăn do thiếu các cơ sở hoặc dịch vụ chăm sóc sức khỏe thân thiện với họ, và do sự phân biệt đối xử từ phía những người chăm sóc tại các cơ sở y tế. Tình trạng các cán bộ y tế không có kiến thức và rất ít kinh nghiệm để đáp ứng những nhu cầu chăm sóc sức khỏe đặc thù của người LGBT vẫn còn phổ biến. Do đó, phẫu thuật xác định giới tính cực kỳ rủi ro ở Việt Nam. Đây chính là những trở ngại ngăn cản nhóm dân số này được chăm sóc và điều trị thích hợp. Trong một số trường hợp, người chuyển giới đã tự tiêm cho mình các loại hóa chất rẻ tiền, không đảm bảo, dẫn đến tổn hại sức khỏe, thậm chí tử vong. 

Do vậy, để tăng cường việc đảm bảo bình đẳng giới trong tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, chúng ta cần tăng cường thu thập dữ liệu phân tách theo giới tính trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, để thúc đẩy các ứng phó có mục tiêu, và điều chỉnh phù hợp hơn trong việc thực hiện các chiến lược, kế hoạch hành động quốc gia về bình đẳng giới trong lĩnh vực y tế. 

Tin cùng chuyên mục

Người cha không cùng giọt máu

Người cha không cùng giọt máu

(PNTĐ) - Chị lấy chồng năm 22 tuổi rồi làm mẹ của hai cô con gái. Hôn nhân của chị có thể nói là êm đềm, chị được chồng yêu chiều và tự do làm những gì mình thích. Nhìn hai đứa con ngày một lớn, chị thấy càng trân trọng hạnh phúc mình đang có.