Em chồng khó tính

Nguyễn Thanh Nga
Chia sẻ

(PNTĐ) -

Nghe tiếng xe máy bóp còi inh ỏi, Thương nghĩ chồng mình đã tan ca đi làm về. Thương hớn hở chạy ra mở cửa. Hào hứng khi chạy xuống vui bao nhiêu thì lúc mở cửa ra, mặt Thương méo xệch vì hụt hẫng bấy nhiêu.

Lại là Mai - cô em chồng của Thương trở về. Thương cố nén lòng hỏi Mai vài câu xã giao rồi nặng nề lê bước vào phòng với tâm trạng buồn bã.

Thương về làm dâu ở đây đã ba năm. Vốn tính chịu thương chịu khó nên cô luôn tâm huyết lo cho nhà chồng, vun vén tất cả mọi công việc. Nhà chồng Thương là một ngôi nhà nhỏ ở làng quê nhưng rất đông người cùng chung sống: Ông nội chồng, bố mẹ chồng và cô em chồng. Vợ chồng Thương chui rúc trong căn buồng chật hẹp, lại sinh thêm một bé gái nữa nên càng chật chội hơn.

Mọi sinh hoạt thường đảo lộn khi trong căn nhà chật chội, đông người, mà có những người vô ý thức, như cô em chồng của Thương. Mai luôn bày bừa và xả rác vô tội vạ khắp nơi trong nhà. Quần áo thay ra cô vứt nguyên tại trận, cơm Mai không nấu, nhà Mai không dọn. Nếu Thương góp ý, Mai ngúng nguẩy giận Thương cả ngày luôn.

Thương nhịn Mai như nhịn cơm sống, nhiều lúc Thương nghĩ mình chẳng khác gì ôsin trong gia đình này. Đi làm công ty về đã mệt lại một đống việc con cái, nấu nướng, dọn dẹp nhà cửa và hầu hạ ông nội chồng ốm đau, cô em chồng khó tính.

Hồi chưa lấy chồng, Mai thường xuyên gọi bạn bè đến nhà tụ tập ăn uống. Bát đũa bày ra lung tung, xong bữa Mai và các bạn bỏ đi chơi tới khuya, để lại một “đống chiến trường” cho Thương tha hồ dọn dẹp.

Chồng Thương hiểu nỗi khổ của vợ nên anh khuyên vợ cố nhẫn nhịn, dù sao Mai cũng là con gái và sắp đi lấy chồng. Thương chẳng hẹp hòi gì nên cũng nhịn cho qua. Thấy chồng Thương dọn dẹp giúp vợ, Mai buông lời bóng gió trách anh trai nhu nhược, sợ vợ.

Những câu chuyện chẳng liên quan cứ như từ trên trời rơi xuống như thế làm Thương rất buồn. Thương luôn có cảm giác như cuộc hôn nhân này như quả bom nổ chậm, chỉ chờ ai đó châm ngòi là có thể bùng nổ ngay.

Em chồng khó tính - ảnh 1
Ảnh minh họa

Rồi mọi chuyện cũng qua cho đến ngày Mai đi lấy chồng. Thương thầm mừng trong lòng bởi từ nay cô sẽ thoát khỏi cô em chồng khó tính lại vô ý thức. Ngày cưới Mai, cô rưng rưng khi Mai ôm mẹ và khóc vì phải lấy chồng xa.

Nhưng trong sâu thẳm, Thương mừng vì muốn Mai hiểu ra nỗi khổ của phận phụ nữ đi làm dâu những gia đình khó tính. Đoàn rước dâu đi khuất ngõ, Thương nhẹ lòng buông tiếng thở dài, vuốt đôi má phúng phính của đứa con gái, nắm tay chồng đi phía ngôi nhà mình.

Nhưng chuyện không dễ dàng như buông một tiếng thở, sau khi Mai về nhà chồng được một tháng thì Thương nghe tin sét đánh là hai vợ chồng Mai sẽ về lại căn nhà này ở cùng gia đình Thương để tiện việc đi làm ở công ty gần đó.

Trong hôn nhân, một người chồng yêu thương chưa đủ, khi sống trong một gia đình với nhiều thế hệ thì mọi người phải cùng có ý thức yêu thương, bảo ban nhau mới làm cho gia đình ấy tốt đẹp hơn được.

Thương cũng nói chuyện với chồng và bố mẹ chồng. Mẹ chồng Thương vốn yêu con gái hết lòng, bà thương Mai vất vả nên cũng muốn Mai trở về cho mẹ con đỡ xa nhau. Mẹ chồng chẳng hiểu và cũng không nghe những thổn thức mà Thương vừa giãi bày.

Chồng Thương loay hoay giữa một bên là vợ, một bên là em gái nên cũng không biết phải dàn xếp ra sao. Những mâu thuẫn cứ thế chất chồng ngày một lớn. Thương chẳng biết mình còn có thể nhẫn nhịn tới bao giờ được nữa.

Thương hay buồn và khóc một mình bởi cô không biết phải làm thế nào để thoát khỏi tình cảnh này. Từ ngày về đây, Mai vốn tính cũ chẳng đổi thay lại thêm thai nghén mệt mỏi, càng trở nên khó tính, bày bừa và khó chịu hơn cả trước kia.

Thương quyết định dọn đồ đi thuê trọ. Thương không thể chịu đựng thêm một chút nào nữa trong cuộc hôn nhân chằng chịt những mâu thuẫn chất chồng này, Thương cần thời gian yên tĩnh để suy nghĩ xem có tiếp tục cuộc hôn nhân này nữa không. Chồng Thương thấy Thương ra đi, anh hiểu cũng một phần do mình. 

Căn nhà vắng bóng Thương một thời gian, cả nhà họp nhau lại, ai cũng nhận thấy Thương là một người con dâu tốt, không có ai nhẫn nhịn và chăm chỉ như Thương.

Mai cúi gằm mặt nhận ra sự quá đáng của mình. Mai và chồng quyết định trở về quê chồng làm ăn và lập nghiệp, bởi phận gái theo chồng chứ không phải lúc nào cũng lấy cớ để trở về nhà ngoại sống được.

Nhận được lời xin lỗi chân tình của các thành viên trong gia đình. Thương khăn gói cùng con trở về. Căn nhà dường như được gọn gàng hơn khi có sự ý thức của từng người trong nhà. Thương thấy lòng rộn ràng nhìn chồng hạnh phúc như hồi mới yêu.

Tin cùng chuyên mục

Điều gì đảm bảo hạnh phúc?

Điều gì đảm bảo hạnh phúc?

(PNTĐ) - Sau mỗi câu chuyện không hay trong gia đình, người ta thường nhắc đến kèm hai từ “giá như”. “Giá như hồi ấy không tham công tiếc việc quá”, “Giá như hồi ấy mình nghe chồng/vợ một chút”, hay “giá như hai vợ chồng không cố đẻ thằng con trai”… Ừ thì giá như được xoay chuyển quá khứ theo ý mình, thì chắc hẳn gia đình nào cũng sẽ hạnh phúc.
Vượt qua thử thách bằng giữ vững niềm tin

Vượt qua thử thách bằng giữ vững niềm tin

(PNTĐ) - Với nhiều gia đình, hạnh phúc không phải là một con đường dễ đi. Thế nhưng, chỉ vì “chúng ta là một gia đình” mà họ sẵn sàng nắm tay nhau cùng vượt qua giông bão. Bởi khi nghĩ về một gia đình hạnh phúc, họ luôn nghĩ về cách mà họ cùng nhau bắt đầu một gia đình, là sự cam kết, tự nguyện hay mong muốn được san sẻ cuộc sống cùng nhau.
Hạnh phúc là sự hòa hợp tự nhiên

Hạnh phúc là sự hòa hợp tự nhiên

(PNTĐ) -Hạnh phúc (happy) là một khái niệm được nhắc đến khá nhiều từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây. Kể từ khi Jayme Illien, chuyên gia Liên hợp quốc đưa ra ý tưởng và được Liên hợp quốc phê duyệt, ngày 20/3, Ngày Hạnh phúc (International Day of Happiness) đã trở thành một lời nhắn gửi đến mỗi chúng ta phải sống như thế nào để thấu hiểu, sẻ chia.
Sau ly hôn liệu có thể làm bạn?

Sau ly hôn liệu có thể làm bạn?

(PNTĐ) - Vợ chồng không thể cùng nhau đi đến hết cuộc đời, đó là duyên số. Nhưng cái nghĩa, cái tình và mối ràng buộc với con cái thì không thể chối bỏ. Sau ly hôn nhiều đôi coi nhau như kẻ thù không đội trời chung. Họ chặn hết mọi mối liên hệ, có khi còn cấm cản không cho gặp con. Rồi đôi bên thi nhau nhồi vào đầu bọn trẻ những điều không tốt đẹp về bố, mẹ của chúng. Vậy sau ly hôn liệu có thể là bạn?