Gánh nặng công việc chăm sóc không lương đối với phụ nữ dân tộc thiểu số

HỒNG NHUNG
Chia sẻ

(PNTĐ) - Gánh nặng công việc chăm sóc không lương (CVCSKL) nặng nề đã cản trở nhiều phụ nữ trong độ tuổi lao động có được việc làm bền vững, ổn định. Khi dân số Việt Nam già hoá, gánh nặng chăm sóc người cao tuổi không được trả công cũng tăng lên, ảnh hưởng rất lớn đến phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ vùng dân tộc thiểu số.

Việc nhà, chăm con là… của phụ nữ?

Chị Quàng Thị Hương (trú tại xã Thèn Sin, huyện Tam Đường, Lai Châu) cho biết, gia đình chị có 4 người gồm vợ chồng chị và 2 con nhỏ 2 tuổi và 1 tuổi. Do hoàn cảnh gia đình, chồng chị đi làm thợ xây ở Hà Nội. Vì không có lớp học cho trẻ dưới 2 tuổi nên chị Hương phải ở nhà trông con. “Công việc hàng ngày của tôi là chăm sóc con, giặt giũ và làm việc nhà. Hôm nào đi làm nương thì tôi phải gửi con nhà hàng xóm. Vướng bận con nhỏ, hầu như tôi không có thu nhập nên kinh tế rất bấp bênh” - chị Hương thở dài.

Chị Hoàng Thị Sếnh (trú tại xã Tiên Nguyên, huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang) cũng cho biết, mỗi ngày chị mất hơn 2 giờ chỉ để đưa con đi học và đón con về. Chị Sếnh mong muốn nhà trường có bán trú để con ăn nghỉ lại buổi trưa, như vậy chị mới có thời gian làm việc khác. Còn chị Lù Thị Viên (xã Yên Thành, huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang) cũng kể, nhà có con nhỏ, nên mỗi khi đi làm, chị đều phải đưa các con theo, bất kể trời nắng chang chang. Nhiều hôm trời nắng quá, muỗi đốt, con không chịu được đành phải về nhà. Điều này ảnh hưởng rất nhiều đến công việc và thu nhập của gia đình. Chị mong con được học bán trú để cải thiện công việc của bản thân. 

Tổ chức về Bình đẳng giới và Trao quyền cho Phụ nữ (UN Women) và Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) định nghĩa công việc chăm sóc không lương bao gồm: CVCSKL gián tiếp như việc nhà, nấu nướng và chuẩn bị thức ăn, dọn dẹp, giặt giũ quần áo, lấy nước và chất đốt; CVCSKL trực tiếp như chăm sóc trẻ em, người lớn tuổi và người khuyết tật.

Tại Việt Nam, phụ nữ dành khoảng 20h/tuần cho công việc chăm sóc gia đình, gần gấp đôi thời gian của nam giới cho công việc chăm sóc gia đình (10,7h/ tuần). Trong cộng đồng dân tộc thiểu số, khoảng cách này còn lớn hơn, gây ra các trở ngại cho phụ nữ khi tham gia vào các hoạt động lao động sản xuất. Dù công việc ngốn khá nhiều thời gian cho mỗi gia đình và đóng góp không nhỏ cho sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước, nhưng công việc này vẫn chưa nhận được sự đánh giá và trân trọng từ chồng và các thành viên khác trong gia đình.

Gánh nặng công việc chăm sóc không lương đối với phụ nữ dân tộc thiểu số - ảnh 1
Gánh nặng công việc chăm sóc không lương khiến phụ nữ dân tộc thiểu số gặp nhiều rào cản

Khảo sát thực trạng công việc chăm sóc không lương ở vùng dân tộc thiểu số Hà Giang và Lai Châu mới đây cho thấy, trung bình mỗi ngày, một phụ nữ dân tộc thiểu số dành khoảng 5 giờ cho các CVCSKL, nhiều hơn nam giới 2,1 giờ. CVCSKL chiếm nhiều thời gian của phụ nữ dân tộc thiểu số nhất bao gồm chăm sóc trẻ em, người già, người ốm, người khuyết tật (30,3% tổng thời gian); việc dọn dẹp, nấu nướng trong gia đình (19,1%) và đi lấy củi (13,2%). Chỉ tính giá trị kinh tế của CVCSKL, trung bình một phụ nữ dân tộc thiểu số đóng góp khoảng 2,7 triệu đồng vào thu nhập hàng tháng của hộ gia đình, tương ứng khoảng 52,4% tổng thu nhập của hộ. 

TS. Nguyễn Thu Phương, đại diện nhóm nghiên cứu của Trung tâm Phân tích và Dự báo cho biết, hiện nay, tại các địa phương có người dân tộc thiểu số đang thiếu dịch vụ nhà dưỡng lão cho người già, cơ sở dành cho người khuyết tật và giới thiệu việc làm cho phụ nữ. Gần 87% hộ dân tộc thiểu số cho biết có trạm y tế công và 57% cho biết có các dự án/công trình cấp nước sạch tại nhà ở khu vực họ sinh sống. Ngược lại, một số dịch vụ có thể giúp giảm gánh nặng CVCSKL cho phụ nữ, giúp họ tìm việc làm có trả lương lại đang thiếu. Chỉ 11,4% hộ đồng bào dân tộc thiểu số cho biết sẵn có nhà dưỡng lão cho người già, 11,2% cho biết sẵn có trung tâm dành cho người khuyết tật, và 18,9% cho biết sẵn có trung tâm giới thiệu việc làm cho phụ nữ…

Báo cáo “Thực trạng công việc chăm sóc không lương ở Việt Nam: Rào cản tham gia thị trường lao động” do Trung tâm Phân tích và Dự báo, thuộc Viện Hàn làm Khoa học xã hội Việt Nam và tổ chức CARE Quốc tệ tại Việt Nam thực hiện trong giai đoạn 2021-2022 cũng cho thấy, phụ nữ hầu như là người làm công việc chăm sóc chính trong nhà. So với các nhóm CVCSKL khác nhau, phụ nữ đặc biệt chiếm tỷ lệ cao hơn nhiều so với nam giới gánh trách nhiệm việc nhà thường nhật. Tỷ lệ phụ nữ làm việc nhà thường nhật chiếm 93,2%, chăm sóc con cái chiếm 59,4%. Mỗi tuần, thời gian phụ nữ dành để làm CVCSKL nhiều hơn 8,3 giờ so với nam giới, sau khi đã kiểm soát các đặc điểm như độ tuổi, tình trạng hôn nhân, dân tộc, học vấn, khu vực thành thị/nông thôn, ngành kinh tế, việc làm chính thức/phi chính thức và thu nhập của người lao động được trả công. 

Nghiên cứu cũng chỉ ra, thời gian phữ nữ dành cho việc làm có trả lương thấp hơn đáng kể so với nam giới, bằng 76,3% số thời gian nam giới dành cho công việc có trả lương. Bên cạnh đó, việc sử dụng dịch vụ chăm sóc trẻ em hiện có của các hộ có con dưới 6 tuổi còn hạn chế. Nguyên nhân là do trở ngại từ khoảng cách từ nhà đến trường, điều kiện đi lại khó khăn, thời tiết…

Rào cản từ định kiến giới

Theo thống kê, hiện nay, cả nước có khoảng hơn 13 triệu người dân tộc thiểu số, trong đó phụ nữ chiếm 49,8%. Tỷ lệ phụ nữ và nam giới tương đối cân bằng, nhưng phụ nữ dân tộc thiểu số đang là nhóm đối tượng yếu thế. Họ đang phải chịu nhiều thiệt thòi, bất bình đẳng về giới trong gia đình và ngoài xã hội. 

Bất bình đẳng dễ nhận biết nhất là nam giới được coi là người chủ gia đình khi có tới 74% nam giới ở các hộ gia đình dân tộc thiểu số đứng tên độc lập về quyền sở hữu đất đai, tín dụng. Sau khi kết hôn, nam giới vẫn được ưu tiên đi học, còn phụ nữ phải ở nhà thực hiện thiên chức làm mẹ, làm vợ. Ngoài ra, bạo lực trong gia đình dân tộc thiểu số xảy ra khá phổ biến, nhất là ở những dân tộc phụ hệ. Đáng lo ngại hơn, 40/53 dân tộc thiểu số ở nước ta có tỷ lệ tảo hôn từ 20% trở lên, trong đó, trẻ em gái dưới 16 tuổi kết hôn cao gấp 3,4 lần trẻ em trai.

Gánh nặng công việc chăm sóc không lương đối với phụ nữ dân tộc thiểu số - ảnh 2
Phụ nữ bị mặc định là người làm CVCSKL

Nguyên nhân khiến cho phụ nữ phải chịu sự bất bình đẳng “kép” và tạo ra khoảng cách chênh lệch lớn về giới trong các vấn đề kinh tế - xã hội ở vùng dân tộc thiểu số là do quan niệm trọng nam khinh nữ, do thái độ đề cao vai trò của nam giới từ cộng đồng và chính bản thân người phụ nữ đã ăn sâu vào tiềm thức.

Trao đổi về vấn đề này, Ths. Ngô Thị Thanh Hương, Tổ chức CARE Quốc tế tại Việt Nam cho rằng, khuôn mẫu giới nói chung và khuôn mẫu giới về CVCSKL của phụ nữ đang tồn tại rất mạnh. Theo khảo sát, 70,8% người được khảo sát tại hai tỉnh Hà Giang và Lai Châu cho rằng việc nhà như dọn dẹp nhà cửa, giặt giũ, đi chợ, nấu nướng phù hợp với nữ giới và nữ giới nên làm, 51,5% đồng tình với quan niệm nam giới không làm việc nhà. 27,4% nam giới không làm việc nhà vì sợ bị chê cười. Khuôn mẫu này càng được củng cố khi nữ giới luôn tin rằng việc này là đúng (76.8%). Điều này gây ảnh hưởng đến việc tái phân bổ CVCSKL giữa các thành viên trong gia đình, nhất là sự tham gia của nam giới. 

Chị Khoàng Thị Thanh Nga - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Lai Châu cũng thừa nhận, mặc dù phụ nữ đóng vai trò rất quan trọng trong gia đình và xã hội nhưng họ thiệt thòi rất nhiều. Ở vùng dân tộc thiểu số, các chị em còn rụt rè, không dám tiếp xúc với bên ngoài. Phụ nữ không có tiếng nói trong quyết định các vấn đề như việc học tập của con, mua sắm đồ dùng gia đình… “Chúng tôi truyền thông, giáo dục, nâng cao nhận thức cho chị em phụ nữ, thành lập các tổ tiết kiệm, nâng cao quyền năng phụ nữ về kinh tế giúp họ có thể phát triển kinh tế, tự chủ dòng tiền, khởi nghiệp thành công. Không những thế, thông qua các chương trình, hội thi, chúng tôi lồng ghép giới cho cả đối tượng nam và nữ, giúp nam giới hiểu và chia sẻ việc nhà với vợ” – chị Nga cho biết.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.