LÍNH HẢI QUÂN

Thái Dũng
Chia sẻ

(PNTĐ) -Bài thơ "Lính hải quân" của nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn bày tỏ tình cảm mến thương, trân quý và biết ơn đối với các chiến sĩ hải quân, những con người bình dị nhưng có lý tưởng và phẩm chất cao đẹp...

Anh trẻ quá - mặt sạm đen vất vả
Sóng gió trùng dương tàu lạ rập rình
Anh tập bắn tập bơi rồi thả nổi 
Để tình huống nào cũng sẽ hồi sinh

Vậy mà gặp chúng tôi các anh hiền quá
Nụ cười tươi, ánh mắt trong veo
Anh nhớ mẹ, anh thương người vợ trẻ
Có anh thì tha thiết nhớ con yêu

Anh cứ nhớ cứ thương về phía ấy
Phía bao người yêu mến tựa vào anh
Tựa vào anh là biển bờ Tổ quốc
Là nhân dân đang lao động hết mình

Tất cả đã vì anh như sắn khoai ngô lúa
Đã vác mang dệt lụa chăn tằm
Đã thả cá nuôi gà đóng tàu xây nhà mới
Để anh rèn luyện đêm ngày - ơi người lính hải quân

Lính thủy quý yêu ơi! Đất nước còn gian khó
Tựa vào anh - toàn vẹn nước non nhà
Chàng lính biển sạm đen nắng gió 
Mà hiền như sông núi nước Nam ta.

                                              Phan Thị Thanh Nhàn

LÍNH HẢI QUÂN  - ảnh 1
Ảnh minh họa 

LỜI BÌNH:
Bài thơ "Lính hải quân"  của nhà thơ  Phan Thị Thanh Nhàn bày tỏ tình cảm mến thương, trân quý và biết ơn đối với các chiến sĩ hải quân, những con người bình dị nhưng có lý tưởng và phẩm chất cao đẹp.

 Thi phẩm gồm năm khổ thơ viết theo thể tự do nhưng không quá phóng túng. Những câu thơ mở đầu giới thiệu về người lính biển rất chân thực: "Anh trẻ quá - mặt sạm đen vất vả/ Sóng gió trùng dương tàu lạ rập rình/ Anh tập bắn, tập bơi rồi thả nổi/ Để tình huống nào cũng sẽ hồi sinh!". Chiến sĩ hải quân cùng với chỉ huy và đồng đội có nhiệm vụ quản lý, kiểm soát chặt chẽ các vùng biển, hải đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam trên biển Đông, giữ gìn an ninh, bảo vệ chủ quyền lãnh hải. Người gia nhập đơn vị phải trải qua một quá trình huấn luyện toàn diện và nghiêm túc. Tuy đã nắm vững các thao tác quân sự song vẫn phải thường xuyên tập luyện, trau dồi kỹ năng để đối phó với nhiều tình huống khi thường xuyên phải đối mặt với “tàu lạ rập rình nơi sóng gió trùng dương”. Các anh còn rất trẻ nhưng nắng táp, mưa giông trên thao trường khiến nước da sạm đen để thành thạo được kỹ năng bắn, bơi, thả nổi. Ngoài ra các anh còn luôn sẵn sàng để có thể cứu hộ, cứu nạn giúp đỡ ngư dân hay các tàu thuyền khác khi gặp nạn. Chỉ với mấy câu, nhà thơ đã thấu hiểu những gian nan, vất vả của lính hải quân. Hơn ai  hết, các anh hiểu rõ: “Thao trường có đổ mồ hôi/ Chiến trường chiến sĩ đỡ rơi màu đào”. Tái hiện những công việc thường nhật của người chiến sĩ, người viết gửi gắm tấm lòng mến thương, trân quý.  

LÍNH HẢI QUÂN  - ảnh 2
Ảnh minh họa 

Tiếp đó, nữ sĩ nhớ lại những cuộc gặp gỡ và tái hiện chân dung người lính hải quân qua những hình ảnh dung dị: “Vậy mà gặp chúng tôi các anh hiền quá/ Nụ cười tươi, ánh mắt trong veo". Nhà thơ đã chọn được hình ảnh đắt giá qua nụ cười tươi tắn, trẻ trung, ánh mắt “trong veo” làm toát lên bản chất trung hậu, dễ mến của người lính hải quân. Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn có một người em trai tên Phan Văn Khải là liệt sĩ chống Mỹ khi còn rất trẻ, vào bộ đội, đã trực tiếp chiến đấu ngoài mặt trận và hy sinh anh dũng. Tham dự trại sáng tác,  được đến với các đơn vị ở nhiều binh chủng, gặp nhiều đối tượng, nhà thơ  thấu hiểu và đồng cảm với mỗi quân nhân như hiểu nỗi lòng của đứa em trai mình. Lời thơ xiết bao thương mến khi nói về góc riêng tư trong trái tim mỗi lính biển: "Anh nhớ mẹ, anh thương người vợ trẻ/ Có anh thì tha thiết nhớ con yêu". Từng câu, từng ý thơ đã nói thay tình cảm của người đi xa hướng về gia đình, hậu phương. Những câu cuối bài như tiếng gọi thân thương, trìu mến: "Lính thủy quý yêu ơi! Đất nước còn gian khó/ Tựa vào anh - toàn  vẹn nước non nhà/  Chàng lính biển sạm đen nắng gió/ Mà hiền như sông núi nước Nam ta". Với cái nhìn của người từng trải cùng trái tim chan chứa tình đời, nhà thơ hiểu rõ cuộc sống của các chiến sĩ hải quân tuy còn thiếu thốn  nhưng các anh vẫn đứng vững nơi sóng gió, là niềm tin, điểm tựa vững chắc cho nhân dân và đất nước. Câu thơ “Tựa vào anh - toàn vẹn nước non nhà” không chỉ ghi nhận công lao, bày tỏ tình cảm mến yêu, quý trọng mà còn nói lên lòng biết ơn với những người lính vừa can trường, nghị lực vừa hiền lành, nhân ái.  

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Cuộc sống mới

Cuộc sống mới

(PNTĐ) - Ngày tốt nghiệp đại học, Linh không nghe lời bố mẹ, tự mình khăn gói lên đường lập nghiệp ở một tỉnh miền núi, cách nhà 50km. Tất nhiên, vì thế mà mối tình đầu dù là sâu nặng nhưng cũng lỡ dở khi người yêu không tán thành quyết định của Linh.
Đừng “giá như” nữa nhé!

Đừng “giá như” nữa nhé!

(PNTĐ) - Hôm nay, khi con gái nói sẽ đưa người yêu về ra mắt, lòng bà Phương bỗng bâng khuâng. Bà sợ rằng, mình lại đi vào vết xe đổ như đã từng xảy ra với con trai cả của mình, để rồi, quá khứ đã qua không thể nào lấy lại được, chỉ biết luyến tiếc bằng hai chữ “giá như”.