“Nghe thầy đọc thơ” - mở ra những chân trời yêu thương kì diệu

Chia sẻ

Đã có rất nhiều bài thơ viết về người thầy bởi tình cảm của học trò dành cho thầy cô luôn tràn đầy, tha thiết. Nhưng có lẽ mỗi người sẽ luôn giữ trọn cảm xúc trong veo và ấm áp trước những vần thơ của cậu học trò nhỏ Trần Đăng Khoa dành cho thầy mình - những vần thơ lấp lánh cảm nhận về cuộc sống, tình người. Đó là bài thơ “Nghe thầy đọc thơ”, viết năm 1967, in trong tập “Góc sân và khoảng trời”.

Giọng đọc thơ của thầy hay chính tâm hồn người thầy đã gieo những hạt mầm yêu thương trắc ẩn, mở ra thế giới diệu kỳ gần gũi cho biết bao thế hệ học sinh.

Em nghe thầy đọc bao ngày

Tiếng thơ đỏ nắng, xanh cây quanh nhà

Không phải vô cớ mà người ta nói “văn học là nhân học”; học văn cũng chính là học làm người. Người thầy dạy văn không chỉ truyền đạt kiến thức văn chương mà còn thổi hồn vào câu chữ để học trò hiểu đời và hiểu người; biết sống nhân văn, biết yêu cái đẹp. Trong đó, thơ ca là hiện thân của cái đẹp vừa cụ thể, vừa vô hình. Thầy sẽ là người dẫn đường cho trò đi vào thế giới đó mà giọng đọc, lời bình chính là cầu nối. Để sau mỗi bài giảng, giờ học, trò nhận thấy cuộc sống tràn đầy màu sắc, thi vị. Tiếng thơ của thầy làm nắng ngoài kia như đỏ hơn, cây quanh nhà xanh hơn? Hay nắng và cây cũng rung động trước tiếng giảng bài ấm áp, truyền cảm vọng ra từ lớp học? Học không chỉ là quá trình tiếp thu kiến thức mới, khám phá thế giới mà còn là quá trình nuôi dưỡng cảm nhận, khám phá chiều sâu tâm hồn. Và cậu trò nhỏ đã được mở mang bao điều từ thế giới nhỏ bé của mình:

Mái chèo nghiêng mặt sông xa
Bâng khuâng nghe vọng tiếng bà năm xưa
Nghe trăng thở động tàu dừa
Rào rào nghe chuyển cơn mưa giữa trời...

Làm sao không lay động trước những vần thơ giản dị mà tinh tế đến thế. Những hình ảnh quen thuộc của làng quê: mái chèo, mặt sông, ánh trăng, tàu dừa… hiện lên sống động qua cách miêu tả vừa chân thực vừa uyển chuyển. Các động từ, tính từ, các từ tượng hình, tượng thanh: nghiêng, vọng, thở, bâng khuâng, rào rào… nhịp nhàng âm thanh cuộc sống. Một chú bé 9, 10 tuổi đã khắc họa bức tranh tràn đầy cảm xúc, suy tư.

“Nghe thầy đọc thơ” - mở ra những chân trời yêu thương kì diệu - ảnh 1

Là sự nhạy cảm của tâm hồn thơ bé đã phát hiện ra nét nghiêng của mái chèo vát mỏng khua nước trên sông, lắng được văng vẳng tiếng người xưa vọng về, âm thanh sột soạt trên tàu dừa như tiếng thở của trăng, dấu hiệu chuyển dạ của đất trời… hay bởi tâm tình, nhiệt huyết của thầy gửi vào từng câu chữ? Có lẽ là sự hòa trộn của cả hai. Người thầy hết mình đã truyền tình yêu và những rung động đến bao tâm hồn đang đón đợi.

Trần Đăng Khoa còn có một số bài thơ viết về thầy giáo: Bàn chân thầy giáo, Thầy giáo đi bộ đội… bài nào cũng chân thực và cảm động. Cậu bé được mệnh danh thần đồng thơ ấy không viết về những gì cao siêu, choáng ngợp. Chỉ là những tình cảm, câu chuyện, nỗi niềm… hết sức chân thực, gần gũi nhưng lại chạm đến trái tim mọi người; bởi cậu nói hộ cảm xúc cho mọi người bằng cách rất riêng, vừa uyển chuyển, tinh tế lại vô cùng chân thành, tha thiết.

Đêm nay thầy ở đâu rồi
Nhớ thầy, em lại lặng ngồi em nghe...

Không hề lên gân, phô trương hay phóng bút; chỉ là một câu hỏi thủ thỉ mà đã bộc lộ tình cảm chân thành. Còn thấy rõ sự ảnh hưởng của người thầy tự nhiên và lớn lao đến thế nào. Đâu cần thúc ép, giục giã… lời thầy vẫn luôn ở trong trò, những bài giảng của thầy sẽ theo trò, âm vang và thấm thía. Như mạch nước ngầm tưới mát, như dòng sông bồi đắp phù sa.

Có bản ghi hai câu cuối khác:

Thêm yêu tiếng hát, nụ cười
Nghe thơ em thấy đất trời đẹp ra!

Dù là bản nào vẫn thấy sáng lên hình ảnh người thầy – như người truyền lửa, người gieo hạt cần mẫn thực hiện sứ mệnh thiêng liêng - dù sứ mệnh ấy không ít gian lao, nhọc nhằn và thầm lặng.

Bài thơ nhỏ nhưng chứa đựng biết bao cảm xúc, ý nghĩa. Mở ra những chân trời, gợi niềm say mê hứng thú khám phá và làm ấm lòng những người thầy, người cô chân chính vẫn ngày đêm chèo chở con đò tri thức.

NHẤT MẠT HƯƠNG

Tin cùng chuyên mục

Làm gì khi con biết yêu?

Làm gì khi con biết yêu?

(PNTĐ) - Khi phát hiện con, nhất là con đang trong cấp học phổ thông biết yêu, một số cha mẹ lo lắng, hoang mang, một số lại bình tĩnh đón nhận. Cũng có cha mẹ chọn cách quyết liệt ngăn cấm, nhưng có người lại “ngó lơ” để con được tự nhiên với những rung động đầu đời. Chia sẻ của Thạc sĩ Tâm lý lâm sàng Nguyễn Hải Vân, chuyên viên tâm lý học đường Trường liên cấp Tiểu học và THCS Ngôi Sao Hà Nội sẽ giúp các cha mẹ có thêm câu trả lời cần làm gì khi con biết yêu.
Góp sức đưa xã đảo thành điểm du lịch xanh

Góp sức đưa xã đảo thành điểm du lịch xanh

(PNTĐ) - Xã đảo Minh Châu là nơi bao đời nay người dân sống dựa vào nghề chăn nuôi với những chuồng trại lợn, bò, mùi hôi từ chất thải gia súc. Và rồi, có một người phụ nữ nhỏ nhắn đang mạnh dạn góp sức để biến Minh Châu thành một điểm du lịch xanh, sạch trong tương lai. Đó chính là bà Ngô Thị Thanh Vân – Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ và Dịch vụ Bảo vệ môi trường Minh Châu Organic Farm.
Sống xanh ở Thủ đô

Sống xanh ở Thủ đô

(PNTĐ) - Trong bối cảnh biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng, sống xanh đã trở thành xu hướng tích cực lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng, đặc biệt là ở giới trẻ. Từ việc hạn chế sử dụng đồ nhựa, chọn phương tiện giao thông thân thiện với môi trường, đến việc tham gia các hoạt động tình nguyện vì thiên nhiên – những hành động tưởng chừng nhỏ bé ấy lại đang góp phần xây dựng một Thủ đô Hà Nội ngày một xanh.