Nhận con trước khi chết

Chia sẻ

Ông San ốm nặng. Tuổi cũng cổ lai hy rồi, chắc chả còn được mấy chốc. Ông bèn nói vợ gọi anh Tăng, con trai ông hàng xóm qua cho ông nhờ chút việc. Anh Tăng qua, ông lại nói vợ gọi các con đến. Trước đông đủ vợ con, ông thều thào tuyên bố nhận anh Tăng là con trai ruột trước sự thất kinh của mọi người...

Gia đình ông San khá giả nhất trong xóm. Nhà ông cũng đã có con trai trưởng, con trai thứ, cùng với 2 con gái nữa, chứ có ít ỏi gì đâu. Hơn 50 năm qua, anh Tăng sống cùng với bố mẹ cạnh nhà ông San, cũng có bao giờ thấy điều tiếng gì là con rơi con vãi đâu! Anh Tăng còn được tiếng là con có hiếu. Nhà bố mẹ anh hiếm hoi, có nhõn mình anh, mấy năm trước, mẹ anh không may bị cảm mất nên anh càng thương yêu chăm chút cho bố anh hơn. Bởi vậy khi nghe ông San thều thào nhận anh là con đẻ của ông, chứ bố anh chỉ có công nuôi thôi, thì anh San thực sự choáng. Bà San thì gào khóc ầm ĩ: “Ối ông San ơi là ông San ơi! Sao ông lại làm cái việc tày đình, tày liếp này! Sao ông dấu kín suốt mấy chục năm qua? Ông chả hé răng cho vợ con biết”.

Thấy vợ gào khóc ầm ĩ, ông San xua xua tay, cố thều thào giải thích: “Tôi không làm gì xấu. Việc tôi qua lại với bà ấy là bởi ông Tân do bệnh quai bị biến chứng nên không có con, bà ấy muốn xin tôi đứa con để vợ chồng nương tựa tuổi già. Nay bà ấy mất để lại anh Tăng đây...”. Anh Tăng bỗng rơi vào tình cảnh trớ trêu, anh ngẩn ra một lúc rồi quả quyết: “Cháu hôm nay mới nghe lần đầu, chả biết thực hư thế nào. Xin phép 2 bác cho cháu về... suy nghĩ đã”. Ông San vội kéo tay anh Tăng nắm chặt lấy: “Anh đừng về... Tôi... Bố... muốn anh ở lại đây, nhận làm con trai rồi lo hậu sự cho... bố...”. Nhưng anh Tăng cương quyết đứng lên: “Vâng... bác cứ cho con về bên nhà đã. Có gì thì con lại sang”.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Tuy anh Tăng đã vội vã bỏ về, nhưng do bà San gào khóc ầm ĩ, nên hàng xóm tưởng ông San đã ra đi, nên vội vã chạy sang xem sự tình thế nào. Không ngờ họ biết được câu chuyện ông San nhận “con rơi”. Thế là toang cả làng trên xóm dưới. Người thì trách ông San mấy chục năm qua vô trách nhiệm, bỏ mặc mẹ con anh Tăng sống thiếu thốn khó khăn, may mà anh Tăng có sức khỏe tốt nên gần đây nhà ấy mới đỡ khổ. Người thì mừng cho anh Tăng “Thế là từ đây được hưởng lộc nhà giàu”. Chuyện cứ thế râm ran mọi hang cùng ngõ hẻm của xã. Nhưng không một ai biết, hay để ý đến, đó là nỗi buồn in hằn trên khuôn mặt ông Tân, bố anh Tăng.

Ông Tân nghe mọi người đồn thổi, ban đầu ông không tin, rồi không muốn tin. Nhà ông hiếm hoi có mỗi mụn con. Do sức khỏe ông không tốt nên kinh tế cứ khó khăn mãi, cho đến gần đây gọi là tạm ổn, 2 đứa cháu nội thì cũng đi ra thành phố học rồi đi công tác xa cả, nên nhà chỉ còn 2 bố con. Nhà ông San đông con nhiều cháu thế rồi, sao lại còn đòi nhận con trai ông? Nếu thằng Tăng mà chạy theo nhà giàu thì ông chả còn ai bầu bạn? Ông Tân cứ nghĩ lẩn thẩn thế. Rồi ông suy lại chuyện xưa. Vợ ông cũng mất rồi, chả còn bà để mà hỏi xem sự thể đúng sai thế nào? Lúc còn trẻ, ông cũng vào loại điển trai. Việc ông lấy vợ mãi chả sinh con, cũng có người nói tại ông bị biến chứng quai bị.

Thế rồi thấy vợ mang thai, lại sinh cậu con trai khỏe mạnh, thế là đủ, nên dù sau này bà chả sinh thêm đứa nào nữa, thì ông cũng không thắc mắc. Cuộc sống nhà ông tuy neo người, kinh tế cũng không khá giả, nhưng bởi ông sống tình cảm, yêu thương con cháu hết lòng, nên con cháu ông cũng thương yêu ông bà cha mẹ. Chuyện tưởng hạnh phúc giản đơn thế thôi, không ngờ lại có người ra tay cướp mất? Nhưng nghĩ rằng ông San đang cận kề cái chết, ông Tân cũng không muốn sang “hỏi cho ra lẽ”, không đôi co làm gì. Miễn là thằng Tăng nó không phụ bạc bố nó mà chạy theo cái nhà giàu kia. Cứ thế 2 bố con ông Tân ngày ngày lặng lẽ, nhiều khi anh Tăng bối rối không dám nhìn thẳng vào bố như trước. Cả 2 cứ lặng lẽ thế, nín thở chờ xem ông San bệnh nặng thế thì lúc nào sẽ trút hơi thở cuối cùng.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Ông San chưa chết, nhưng con cháu ông kéo về đầy chật cả nhà. Anh con trưởng cũng bay từ nước ngoài về, tinh thần cũng là xem việc hậu sự của bố, nhưng cũng vì bà San gào khóc bắt anh “về mà xử lý chuyện bố anh “thối thây” đi nhận con rơi”. “Tưởng là nhận cái đứa nó giàu sang, danh giá gì! Lại đi nhận cái đứa nghèo rớt mồng tơi! Không lẽ lôi nó về cho nó chia của à?”. Mỗi ngày bà San lại “khóc” một bài kiểu như vậy! Nghe theo lời bà San, lo sợ vì nguy cơ anh Tăng sẽ chia của nếu thực sự anh được ông San nhận về, thành ra tất tần tật các con cháu ông San, bất kể là trai hay gái, đi đâu, gặp ai, cũng đều dẩu cái mỏ lên: “Còn lâu mẹ con, bà cháu chúng tôi mới cho cái đồ rách mồng tơi ấy nhận nhé! Có mà nhận vơ! Ông San chẳng qua ốm nặng quá nên mất trí thôi! Chứ ai cho nhận mà nhận!”.

Thế rồi chả biết ông trời thương ông San hay hành ông San, ông lại khỏe mạnh trở lại. Ông San không chết, nên cái sự “nhận anh Tăng để thêm anh con trai lo hậu sự cho ông” đã không thành. Ông San lúc tưởng sắp chết, thì cố quyết nói một lời nói thật, quyết nhận con. Nay ông sống khỏe lại thì trước sức ép của vợ và đàn con vừa dâu vừa rể gần chục đứa, đều đanh đá ghê gớm cả, không cho ông nhận vớ nhận vẩn cái anh Tăng kia về. Ông San đành im lặng, chả dám hé răng nhắc lại chuyện nhận con, thậm chí không dám cả gặp anh Tăng. Có lần ông đang dò dẫm đi ra quán phở ăn sáng, thấy anh Tăng đi xe máy từ xa tới, ông vội vã tót ngay vào con ngõ bên cạnh, để khỏi giáp mặt, chả biết phải ăn nói ra sao với “ông con vãi”.

Cứ thế, cuộc sống của các bên đều hết sức khổ sở. Anh Tăng sợ hãi nhất là mỗi khi ra khỏi nhà, đi đâu mà đụng mặt mấy mẹ con bà cháu nhà bà San, đứa nào cũng quắc mắt đành hanh, “chửi đổng”, bằng mọi giá ngăn cản không cho anh gần gũi, chứ đừng nói nhận ông San là bố! Thế là từ 2 nhà hàng xóm sống với nhau rất gần gũi, đúng nghĩa “tối lửa tắt đèn có nhau”, nay thành ra “kẻ thù không đội trời mưa”. Anh Tăng trước đây hay qua nhà ông San giúp đỡ những việc nặng chỉ có đàn ông mới gánh vác, thì nay anh còn chả dám nhìn sang nhà ấy, chứ đừng nói dám bén mảng qua, đến câu chào hàng ngày anh cũng còn chả dám.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Cứ thế, 2 bên ngày ngày khốn khổ. Nhưng có một người còn khốn khổ gấp vạn lần, mà không ai để ý, đó là ông Tân. Nỗi buồn mỗi ngày gặm nhấm ông. Ông chỉ có mỗi người con duy nhất, nó khỏe mạnh, tử tế, sống biết nhường nhịn, biết yêu thương ông bà cha mẹ. Nó là chỗ dựa duy nhất của ông. Ngày nào ông cũng lo là nếu nó nhận làm con nhà kia thì ông sẽ sống ra sao? Liệu cái sự giàu của nhà họ có cuốn mất con ông theo không? Cứ thế, ông không dám hỏi con. Ông cũng không biết có nên sang nhà bên ấy nói ông San một trận là ông ta hồ đồ hay không? Chả biết có bằng chứng gì mà ông ta dám nhận con của ông là con ông ta? Mà nếu có bằng chứng gì đi nữa thì ông ta cũng phải có lương tâm, ông ta đông con nhiều cháu rồi, trong khi ông già ốm yếu này chỉ có mỗi một mụn con hương khói tổ tiên là Tăng mà thôi.

Cứ suy nghĩ nhiều, lo lắng nhiều, nên ông Tân đổ bệnh. Ông nằm liệt ít ngày, rồi không qua khỏi. Ông Tân đi, mang theo rất nhiều tiếng thở dài thương cảm của bà con làng xóm. Còn anh Tăng, đàn ông vốn ít khóc, nhưng anh đã khóc cha anh cạn khô nước mắt: “Cha ơi! Sao cha lại bỏ con lại một mình?!”. Bà cụ nhà bên, đã 90 tuổi, xót xa: “Giá mà ông Tân nghe được tiếng khóc buốt gan ruột của anh Tăng thì ông sẽ nhắm mắt thanh thản! Con trai ông vẫn là con trai ông! Nó đâu có chạy theo nhà giàu! Đó là ông ăn ở phúc đức đó ông Tân ạ!”.

TRẦN THÁI HÒA

Tin cùng chuyên mục

Phụ nữ dân tộc thiểu số gìn giữ văn hóa dân tộc

Phụ nữ dân tộc thiểu số gìn giữ văn hóa dân tộc

(PNTĐ) - Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước và Thành phố Hà Nội luôn dành sự quan tâm sâu sắc đến công tác bình đẳng giới, không ngừng thúc đẩy vai trò, quyền lợi và sự đóng góp của phụ nữ trong mọi lĩnh vực của đời sống chính trị, kinh tế - xã hội. Nhờ những nỗ lực bền bỉ, Hà Nội đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, đặc biệt là trong việc nâng cao quyền bình đẳng giới cho phụ nữ vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Không chỉ khẳng định vị thế của người phụ nữ trong xã hội, không ít cá nhân còn phát huy vai trò của họ trong công cuộc bảo tồn và gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc.
Đất lành

Đất lành

(PNTĐ) - Thoan vẫn còn nhớ như in ngày hôm đó, khi vợ chồng cô được mời bạn bè, hàng xóm tới tân gia. Căn nhà nhỏ thôi, nhưng là mồ hôi nước mắt và tâm huyết hàng chục năm cố gắng của cả hai vợ chồng...
Xây dựng môi trường an toàn cho phụ nữ, trẻ em

Xây dựng môi trường an toàn cho phụ nữ, trẻ em

(PNTĐ) - Thời gian qua, Hội LHPN Hà Nội đã ra mắt nhiều mô hình cụ thể như “Thôn, tổ dân phố an toàn cho phụ nữ, trẻ em”, “Thành phố an toàn, thân thiện với phụ nữ và trẻ em”, “Làng quê an toàn”… Các mô hình nhằm thúc đẩy bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình, mua bán người, xâm hại tình dục, bạo lực học đường; tạo điều kiện cho phụ nữ, trẻ em phát huy nội lực, vai trò chủ động phòng ngừa ứng phó với bạo lực…
Sau những lời khó nghe

Sau những lời khó nghe

(PNTĐ) - Mẹ chồng Phương khó tính, hay chê bai và ít khi thể hiện cảm xúc. Nhưng sau những lời góp ý lạnh lùng ấy, cô nhận ra một điều: Yêu thương đôi khi không cần phải nói ra, mà thể hiện qua những hành động nhỏ mỗi ngày.