Nhớ về những dịp Tết Trung thu của miền ấu thơ

NGUYỄN THỊ HẢI (Đại Học Văn Hóa)
Chia sẻ

(PNTĐ) - Những ngày còn thơ bé sống ở làng quê, hễ cứ chuẩn bị tới Tết Trung thu là không chỉ riêng tôi mà hầu như tất cả bọn trẻ con trong xóm đều háo hức mong chờ cho đêm Trung thu tới thật nhanh, để cả bọn được rước đèn và phá cỗ dưới trăng thỏa thích.

Không như Tết Trung thu của thời nay, khi mà kinh tế khá giả thì nhà nào cũng có thể mua sắm cho con cái vài ba hộp bánh, mấy loại đồ chơi hiện đại đa sắc màu chạy bằng pin..., trung thu của tuổi thơ tôi nghèo khó sống ở làng quê, chỉ ao ước được vài món đồ chơi dân dã nhất cũng còn khó. Thậm chí là chiếc lồng đèn để đi rước cùng bạn bè vào đêm chính hội, nhiều năm tôi cũng đâu được bố mẹ mua cho, bởi đơn giản là nhà quá nghèo, đến cái ăn cái mặc của mấy anh chị em chúng tôi nhiều khi còn thiếu sau hụt trước. Bố mẹ thương chúng tôi thua thiệt so với lũ trẻ của các hộ gia đình khác nhưng cũng chẳng biết làm sao. Những lúc bùi ngùi như vậy, mẹ thường ngoảnh mặt đi và gạt nước mắt... Bố thì cũng chỉ biết động viên mấy anh chị em chúng tôi và hứa mai này nhà mình kinh tế khá lên thì bố mẹ sẽ tổ chức cho các con mâm cỗ Tết Trung thu thịnh soạn, tươm tất bằng nhà người ta...

Nhớ về những dịp Tết Trung thu của miền ấu thơ - ảnh 1
Ảnh minh họa

Biết thân phận gia đình mình nghèo, khốn khó như vậy nên chẳng bao giờ mấy anh chị em chúng tôi đòi hỏi cái gì để làm bố mẹ phải buồn, phải nghĩ suy. Tôi còn nhớ, khi những dịp Tết Trung thu còn khoảng vài tuần lễ nữa là tới, thấy một vài đứa bạn cùng trang lứa được bố mẹ mua cho lồng đèn, đèn kéo quân, trống ếch... lúc đó trong tôi rất thèm muốn được sở hữu những món đồ chơi như thế nhưng chỉ biết ngậm ngùi ước trong lòng. Đến khi “thèm” và thích các món đồ chơi đó quá nên tôi hỏi mượn các món đồ chơi của bạn để mày mò nghiên cứu tự làm.

Và chiếc lồng đèn ông sao năm cánh là bước tiến “đột phá” tôi đã làm được, dẫu không thể đẹp như lồng đèn mua ở cửa hàng, ở chợ nhưng cũng khá giống, đẹp lạ... Những năm tôi vào cấp 2 trường làng, dịp cận trung thu, ngoài thời gian phải tới trường học ra thì những lúc rảnh rỗi tôi thường chúi đầu vào làm lồng đèn cho các em, cho tôi, và cho những bạn hàng xóm nghèo. Các buổi tổ chức làm lồng đèn như thế luôn vui nhộn. Bọn chúng tôi phân công mỗi đứa một việc, đứa thì chẻ tre vót khung nan lồng đèn; đứa lo giấy màu để dán; trong khi những đứa khéo tay thì đảm nhiệm khâu lắp ráp, hoàn chỉnh các công việc trang trí... Một dịp Trung thu bọn chúng tôi phải hoàn thành cả chục chiếc lồng đèn, bởi mỗi đứa đều muốn sở hữu riêng một chiếc, không đứa nào chịu chơi chung với nhau.   

Nhớ về những dịp Tết Trung thu của miền ấu thơ - ảnh 2
Ảnh minh họa

Luôn hài lòng và thích thú với những chiếc lồng đèn tự làm, hay vài món đồ chơi khác như: Chong chóng, con quay, đèn kéo quân, mặt nạ..., nhưng niềm mong ngóng và thích thú lớn hơn cả của bọn chúng tôi là được ăn nhiều bánh, hoa quả trong đêm rằm phá cỗ. Thế nhưng, như đã nói, nhà tôi nghèo nên Trung thu nào mẹ cũng chỉ có thể sửa soạn được một mâm cỗ Tết với những quả bưởi, quả na, mít, ổi, nhãn... hái trong vườn, chứ bánh dẻo bánh nướng hiếm năm mới có. Bánh dẻo bánh nướng được coi là món “chủ đạo” của mâm cỗ Tết Trung thu, nhưng nó lại là món ăn xa xỉ đối với nhiều đứa trẻ quê nghèo như tôi.

Thực ra thì năm nào Tết Trung thu trong xã cũng vận động quyên góp tiền của những gia đình khá giả, các mạnh thường quân, để mua một số bánh nướng bánh dẻo, sau đó cắt làm nhiều phần để chia, phát cho các em nhỏ trong địa phương. Kinh phí ít, vì thế số lượng bánh có hạn, vì vậy mỗi gia đình nghèo có khi chỉ nhận được vài phần bánh dẻo, bánh nướng nho nhỏ, mà do tôi là con cả, vì thế những phần bánh gia đình nhận được tôi đều phải nhường cho các em, chứ hầu như là không được ăn, hoặc chỉ khi nào các em thương tình bẻ cho một chút để nếm mà thôi!

Nhớ về những dịp Tết Trung thu của miền ấu thơ - ảnh 3
Ảnh minh họa

Bây giờ, khi không chỉ trẻ em thành phố, mà trẻ nông thôn thời nay cũng không còn cái cảm giác ngóng đợi và thèm món bánh nướng bánh dẻo như bọn nhỏ chúng tôi khi xưa nữa, bởi điều kiện kinh tế bây giờ đều khá hơn trước. Hơn thế bánh Trung thu được bày bán ở khắp nơi, bán mua tiện lợi, và giá thành thì cũng không đến nỗi đắt đỏ cho lắm, ngoại trừ vài loại bánh… cao cấp, bánh nhập ngoại. 

Nhớ về Trung thu của ngày xưa, trong tôi luôn chất chứa bao nỗi nghẹn ngào khi nhớ về công cha nghĩa mẹ lớn lao, bởi cả một đời gian lao vất vả, và trải qua đói nghèo, thiếu thốn nay khi mà các con dần trưởng thành, cuộc sống tạm đủ đầy để có thể báo đáp, vậy mà chưa kịp hưởng thụ thì bố mẹ tôi đã vội ra đi và thành thiên cổ mất rồi…

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.