Nuôi trẻ dưới 1 tuổi khi không có sữa mẹ

Chia sẻ

Thực tế có một số bà mẹ vì lý do nào đó (sức khỏe, bệnh tật) mà không thể cho con bú được, dẫn đến phải nuôi con bằng các loại sữa khác (sữa bò, sữa dê, sữa đậu nành...).

Tuy nhiên, so với sữa mẹ, thành phần chất dinh dưỡng trong các loại sữa bò, sữa dê… đều thừa đạm, thiếu đường; sữa đậu nành hay các sữa hạt khác nói chung lại quá ít chất béo.

So sánh các loại sữa

Sữa bò với giá trị dinh dưỡng cao, dễ tiêu hóa, hấp thu hơn các loại sữa khác… hiện là lựa chọn phổ biến nhất của các mẹ dành cho trẻ nhỏ, khi trẻ không được bú mẹ.

Sữa bò cũng có nhiều dạng khác nhau: Sữa bò tươi (thường khó bảo quản và dễ nhiễm khuẩn, ít sử dụng cho trẻ nhỏ); Sữa đặc có đường (tuy đã tiệt trùng tốt, nhưng tỷ lệ đường cao, nếu pha loãng sữa thì tỷ lệ đạm, mỡ quá ít vì vậy không nên sử dụng lâu dài để nuôi trẻ); Sữa bột (tốt hơn sữa đặc có đường vì tỷ lệ thành phần các chất cân đối hơn).

Trên thị trường có rất nhiều loại sữa bột. Các công thức chế biến đều hướng đến mô hình sữa mẹ nhằm đáp ứng nhu cầu tăng trưởng, phát triển não bộ, tăng cường hệ miễn dịch. Các nhãn hiệu sữa đều có vài loại sữa với các công thức theo lứa tuổi. Trong các công thức có sự thay đổi về thành phần các chất dinh dưỡng để phù hợp với chức năng gan, thận của trẻ còn non yếu.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Dẫu vậy, các mẹ cũng cần lưu ý: Khi cho trẻ ăn sữa bột cần pha chế theo chỉ dẫn đã ghi trên hộp. Không nên tự ý thêm hay giảm bớt lượng sữa hoặc nước vì nếu pha loãng quá thì không đủ dinh dưỡng cho trẻ, pha đặc quá, quá nhiều sữa thì trẻ không tiêu hóa hấp thu tốt.

Khi sử dụng một loại sữa, một nhãn hiệu nào đó không phù hợp với hệ tiêu hóa của trẻ (khẩu vị, nôn, táo bón, ỉa chảy, phân sống…) thì các mẹ mới thay đổi sữa khác. Khi mua sữa nên chọn hộp sữa được bảo quản tốt, còn thời hạn sử dụng.

Các loại sữa khác như: sữa dê, sữa đậu nành chỉ nên sử dụng cho trẻ trên 6 tháng tuổi. Bởi thành phần dinh dưỡng trong sữa dê gần giống như sữa bò tươi, nhưng hàm lượng đường ít hơn. Vì vậy nếu ăn sữa dê có thể bổ sung đường bằng cách thêm khoảng 50gr đường đun sôi để nguội pha cho mỗi 1 lít sữa dê (trường hợp trẻ không dung nạp hoặc kém dung nạp đường không thể ăn sữa bò thì không pha thêm đường).

Sữa đậu nành được chế biến từ 100gr đậu/lít sẽ có hàm lượng đạm tương đương sữa bò.

Một số vùng nông thôn do điều kiện kinh tế và tập quán, các bà mẹ còn sử dụng nước cháo đường để nuôi trẻ khi không có sữa mẹ. Trong nước cháo hàm lượng đạm, đường rất thấp và hầu như không có chất béo. Mặt khác trẻ chưa có đủ men tiêu hóa tinh bột nên dễ bị rối loạn tiêu hóa dẫn đến phù dinh dưỡng, thiếu vitamin A. Vì vậy không nên sử dụng nước cháo đơn thuần để nuôi trẻ khi không có sữa mẹ.

Cách cho trẻ ăn

Cha mẹ cần lưu ý, số lần ăn trong ngày tùy thuộc vào tháng tuổi của trẻ: Trẻ sơ sinh - 2 tháng ăn 7 bữa/ngày; Trẻ từ 3-5 tháng ăn 6 bữa/ngày; Trẻ từ 6-12 tháng ăn 5 bữa/ngày. Số lượng sữa trung bình 150ml/kg/ngày. Trẻ trên 6 tháng tuổi cho ăn bổ sung giống như trẻ được nuôi bằng sữa mẹ, duy trì 2-3 bữa sữa/ngày, mỗi bữa 200ml.

Vệ sinh ăn uống

Nuôi trẻ bằng thức ăn nhân tạo đặc biệt cần lưu ý đến vấn đề vệ sinh trong quy trình pha chế và sử dụng sữa: Trước khi pha sữa phải rửa tay sạch bằng xà phòng; Luộc dụng cụ pha chế hoặc nhúng kỹ vào nước sôi; Không nên dùng chai và đầu vú cao su vì khó rửa sạch, vi khuẩn dễ phát triển là nguyên nhân tiêu chảy.
Nếu trẻ ăn bằng chai thì phải dùng bàn chải cọ rửa chai sạch, luộc chai và đầu vú trước khi pha sữa. Sau khi pha sữa để ấm mới cho trẻ ăn. Không nên cho trẻ ăn sữa quá nguội dễ nôn trớ; Không nên cho trẻ ăn lại sữa còn thừa của bữa trước; Rửa sạch dụng cụ sau khi ăn và để nơi khô ráo, tránh ruồi bọ.

Nguyễn Thị Mai Nhiên
Trưởng khoa Dinh Dưỡng, bệnh viện Đa khoa Đức Giang

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.