Sức hấp dẫn của những tác phẩm điện ảnh Việt kinh điển về chiến tranh

Chia sẻ

Kỷ niệm 74 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2021) là dịp để khán giả được sống lại, trải nghiệm khí thế chiến đấu anh dũng bất khuất cũng như lịch sử hào hùng, vẻ vang của dân tộc qua những tác phẩm điện ảnh kinh điển đề tài chiến tranh. Cùng điểm lại những bộ phim chiến tranh đáng xem của điện ảnh Việt.

1

Phim về đề tài chiến tranh ở Việt Nam thời gian gần đây không nhiều. Truyền thuyết về Quán Tiên (2019) do Đinh Tuấn Vũ đạo diễn, chuyển thể từ truyện cùng tên của nhà văn Xuân Thiều, là phim chiến tranh nổi bật gần đây nhất của điện ảnh Việt. Phim lấy bối cảnh kháng chiến chống Mỹ, khi ba nữ chiến sĩ Mùi, Phượng và Tuyết Lan được giao nhiệm vụ tổ chức một chốn nghỉ chân giữa rừng, chuẩn bị thức ăn cho bộ đội trên đường hành quân - gọi là Quán Tiên.

Ở nơi hiu quạnh, cả ba đối mặt hiểm nguy từ bom đạn, môi trường hoang dã xung quanh, lẫn sự thiếu thốn tình cảm. Tác phẩm lồng nhiều cảnh thể hiện sự mất mát, nguy hiểm trong chiến tranh, nhưng tập trung thể hiện khát khao của phụ nữ thời chiến qua những cảm xúc rất đỗi đời thường. Truyền thuyết về Quán Tiên đoạt Bông Sen Bạc ở Liên hoan Phim Việt Nam năm 2019, Cánh Diều Bạc năm 2020.

Một cảnh trong phim “Truyền thuyết về Quán Tiên”Một cảnh trong phim “Truyền thuyết về Quán Tiên”

2

Những người viết huyền thoại (2013) của đạo diễn Bùi Tuấn Dũng, biên kịch Nguyễn Anh Dũng cũng được truyền thông, giới phê bình đánh giá là bộ phim hấp dẫn, xúc động đề tài chiến tranh.

Phim được lấy cảm hứng từ một câu chuyện đầy bi tráng quanh việc lắp đặt đường ống dẫn dầu dài 5.000km xuyên Trường Sơn trong những năm tháng khốc liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ (1968-1969). Đi suốt từ Bắc vào Nam, đi qua những tọa độ chết khủng khiếp nhất của cuộc chiến là biết bao tuổi thanh xuân tươi đẹp, là Hà, là Đức, là Mai... hồn nhiên yêu đời, là Nghĩa dũng mãnh như một chiến binh...

Và bên cạnh đường ống huyền thoại ấy là rất nhiều những con người anh dũng khác đã ngã xuống, máu của họ hòa vào đất vào nước của đại ngàn Trường Sơn để đường ống dẫn dầu được hoàn thành, nối dài mãi vào chiến trường, đưa những đoàn quân ra trận...

Những người viết huyền thoại nhận 6 giải quan trọng từ Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ 18 năm 2013: Bông Sen Vàng cho phim truyện nhựa xuất sắc nhất, Nam diễn viên chính xuất sắc nhất, Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất, Biên kịch xuất sắc nhất, Thiết kế mỹ thuật xuất sắc nhất và Giải khán giả bình chọn.

Một cảnh trong phim “Những người viết huyền thoại”Một cảnh trong phim “Những người viết huyền thoại”

3

Mùi cỏ cháy (2012) đạo diễn Nguyễn Hữu Mười, được giới chuyên môn đánh giá cao về nội dung, giành giải Bông Sen Bạc tại Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ 17. Phim cũng được trao 4 giải Cánh Diều Vàng cho phim điện ảnh xuất sắc, Âm nhạc xuất sắc (nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân), Biên kịch xuất sắc (Hoàng Nhuận Cầm) và Quay phim xuất sắc nhất (NSƯT Phạm Thanh Hà) tại Lễ trao giải Cánh Diều năm 2011. Tác phẩm nhận giải do Bộ Quốc phòng trao tặng cho phim có đề tài về chiến tranh xuất sắc nhất và được lựa chọn dự Oscar 2013.

Phim dõi theo 4 chàng trai dọc đường ra chiến trận, mô tả một cách sinh động sự hồn nhiên trẻ thơ của những anh lính trẻ trong đội ngũ, với những trò tinh nghịch trẻ con, những khoảnh khắc run sợ trong cuộc chiến ác liệt, những giây phút bối rối bên ngưỡng của tình yêu… đến những ngày chiến đấu đẫm máu, họ lần lượt hy sinh.

Không cố gắng tái hiện toàn cảnh cái khốc liệt của cuộc chiến, phim chỉ chấm phá một cách ấn tượng cái khốc liệt đó để chia sẻ, cảm nhận những khát vọng sống của tuổi trẻ một thời: Thành luôn ước mong ngày chiến thắng để trở về bên mẹ, khỏi ân hận vì những lỗi lầm đã làm mẹ giận trước đây; Long khát vọng sum họp vì trước giờ nhập ngũ đã phải chứng kiến cảnh bố mẹ ly dị trong tòa án; Thăng với khát vọng hòa bình và Hoàng với khát vọng tình yêu…

Qua nỗi niềm tâm sự và suy nghĩ đời thường của những số phận bình dị nhỏ bé, ê-kíp sản xuất mong muốn gửi gắm vào phim tinh thần trong sáng thánh thiện của tuổi trẻ thời chiến tranh đã từng thể hiện trong các cuốn nhật ký nổi tiếng Nguyễn Văn Thạc, Đặng Thùy Trâm cùng những ký ức tình bạn, tình thơ mộc mạc, trong sáng thời chiến. Mùi cỏ cháy được đánh giá là một khúc tráng ca đầy tự hào về lòng yêu nước, niềm tin và tinh thần sẵn sàng xả thân vì độc lập, tự do của dân tộc, của non sông xứ sở.

Một cảnh trong phim “Mùi cỏ cháy”Một cảnh trong phim “Mùi cỏ cháy”

4

Đừng đốt (2009) là một bộ phim theo dòng chính kịch lịch sử do Đặng Nhật Minh đạo diễn và viết kịch bản. Phim được tạo dựng dựa trên hai quyển nhật ký nổi tiếng cùng tên của nữ bác sĩ - liệt sĩ Đặng Thùy Trâm, được cô viết từ ngày 8/4/1968 đến ngày 20/6/1970 (trước khi cô hi sinh 2 ngày). Cuốn nhật ký được Frederic Whitehurst giữ suốt 35 năm và trả lại cho gia đình cô vào tháng 4/2015.

Đừng đốt đã giành được giải Bông Sen Vàng tại Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ 16 năm 2009 và chiến thắng 6 hạng mục của giải Cánh Diều Vàng năm 2010 bao gồm Phim nhựa xuất sắc nhất, Nữ diễn viên chính xuất sắc (Minh Hương), Đạo diễn xuất sắc (NSND Đặng Nhật Minh), Họa sĩ xuất sắc (NSƯT Phạm Quốc Trung), Âm thanh xuất sắc (NSƯT Bành Bắc Hải) và Giải phim khán giả bình chọn.

Tác phẩm được Viện Văn hóa - Giáo dục VN (IVCE) giới thiệu và trình chiếu tại các trường đại học danh tiếng ở Mỹ năm 2009 như đại học Brown, đại học Wesleyan, đại học Harvard và đại học Washington... khán phòng luôn chật kín người. Không chỉ có kiều bào và những người Việt đang công tác tại Mỹ đến xem, mà còn có khá đông giáo sư, sinh viên Mỹ tham dự và dành tình cảm rất tốt cho bộ phim. Đừng đốt cũng là bộ phim được chọn tranh giải Oscar năm 2010.

5

Cánh đồng hoang (1978) vẫn được coi là một trong những bộ phim kinh điển của điện ảnh cách mạng Việt Nam. Bộ phim xoay quanh cuộc sống của gia đình du kích Ba Đô (diễn viên Lâm Tới đóng) giữa vùng Đồng Tháp Mười. Với bối cảnh mênh mông, trắng xóa mùa nước nổi, trên trời là máy bay Mỹ quần thảo ngày đêm, ê-kíp phim Cánh đồng hoang đã dựng lên cuộc sống đơn sơ, đầm ấm của một gia đình du kích Nam Bộ. Họ quyết tâm bám trụ mảnh đất, gieo nên một cánh đồng lúa dù đêm phải gặt vội, ngày bị giặc cày xới điên cuồng.

Phim khiến người xem xúc động bởi tình yêu chân chất của đôi vợ chồng dành cho nhau và đặc biệt là tình yêu mà họ dành cho mảnh đất quê nhà. Đặc biệt, tác phẩm muốn nhấn mạnh rằng chiến tranh là sự mất mát không chừa một ai, mỗi người tham gia vào cuộc chiến ấy đều có gia đình, có những người thân yêu mà họ phải bỏ lại phía sau để lên đường chiến đấu.

Cánh đồng hoang do nhà văn Nguyễn Quang Sáng biên kịch, Trịnh Công Sơn viết nhạc và Nguyễn Hồng Sến làm đạo diễn. Phim đoạt nhiều giải thưởng danh giá như Bông Sen Vàng tại Liên hoan Phim Việt Nam 1980, Huy chương Vàng Liên hoan Phim quốc tế Moscow 1981...

Cùng với những tác phẩm nổi tiếng kể trên, điện ảnh Việt Nam đương đại vẫn có một số những thước phim về chiến tranh, thể hiện cách nhìn mới mẻ, đa diện của những người trẻ về lịch sử, đáng suy ngẫm, có thể kể đến: Mười ba bến nước (2009, đạo diễn Đặng Thái Huyền), Áo lụa Hà Đông (2006, đạo diễn Lưu Huỳnh), Đường thư (2005), đạo diễn Bùi Tuấn Dũng)...

Chiến tranh luôn là đề tài hấp dẫn khán giả và cả người làm phim. Dẫu vậy, các đạo diễn vẫn “sợ” đề tài này bởi vấn đề kinh phí, nhân lực, tài năng… Từng tác phẩm đề tài về người lính, về chiến tranh giải phóng đất nước dù ít ỏi nhưng vô cùng ý nghĩa, góp phần giúp các bạn trẻ hiểu được giá trị lịch sử mà thế hệ cha anh đã làm nên.

NGUYÊN VŨ

Tin cùng chuyên mục

Đổ vỡ vì xuất khẩu lao động

Đổ vỡ vì xuất khẩu lao động

(PNTĐ) - Bên cạnh những lợi ích về việc làm, tay nghề, thu nhập, xuất khẩu lao động cũng bộc lộ nhiều mặt trái mà một trong số đó là sự tan vỡ hạnh phúc ở những gia đình có người xuất ngoại. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến ly hôn nhưng chủ yếu vẫn là vợ chồng xa nhau lâu ngày, thiếu thốn tình cảm nên rất dễ nảy sinh tình cảm “ngoài luồng”. Một nguyên nhân khác là do ảnh hưởng của lối sống tự do ở nước ngoài nên khi về quê hương, đối mặt với cuộc sống thực tại thấy không còn phù hợp nên sẵn sàng … “đường ai nấy đi”.
Làm gì khi con biết yêu?

Làm gì khi con biết yêu?

(PNTĐ) - Khi phát hiện con, nhất là con đang trong cấp học phổ thông biết yêu, một số cha mẹ lo lắng, hoang mang, một số lại bình tĩnh đón nhận. Cũng có cha mẹ chọn cách quyết liệt ngăn cấm, nhưng có người lại “ngó lơ” để con được tự nhiên với những rung động đầu đời. Chia sẻ của Thạc sĩ Tâm lý lâm sàng Nguyễn Hải Vân, chuyên viên tâm lý học đường Trường liên cấp Tiểu học và THCS Ngôi Sao Hà Nội sẽ giúp các cha mẹ có thêm câu trả lời cần làm gì khi con biết yêu.
Góp sức đưa xã đảo thành điểm du lịch xanh

Góp sức đưa xã đảo thành điểm du lịch xanh

(PNTĐ) - Xã đảo Minh Châu là nơi bao đời nay người dân sống dựa vào nghề chăn nuôi với những chuồng trại lợn, bò, mùi hôi từ chất thải gia súc. Và rồi, có một người phụ nữ nhỏ nhắn đang mạnh dạn góp sức để biến Minh Châu thành một điểm du lịch xanh, sạch trong tương lai. Đó chính là bà Ngô Thị Thanh Vân – Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ và Dịch vụ Bảo vệ môi trường Minh Châu Organic Farm.