Tấm vé số

Chia sẻ

Cơn mưa bất chợt làm phố chiều hốt hoảng. Dòng người ken đặc ngã tư, như đàn kiến chạy ngổn ngang khi nước dâng. Vân vừa kịp chạy vào quán cafe chờ ngớt cơn giận của ông trời.

May mắn cho nàng còn một bàn nhỏ gần cửa ra vào. Vân thư thái ngồi ôm cốc socola nóng, nhấm từng ngụm ngọt sắc, xen chút vị đắng thơm nơi đầu lưỡi. Một ông lão nem nép ở sát cửa, trú nhờ mái hiên nhỏ của hiệu cafe, tay khẳng khiu ôm chặt chồng vé số vào ngực.

Nàng bỗng nhớ tới người ông đã xa mình 20 năm. Cái dáng hơi còng quen thuộc quá. Vân bước ra cửa, lấy lý do muốn mua vé số, mời ông một ly sữa ấm. Ông lão chọn cho nàng 5 tờ vé đuôi lộc phát, cảm ơn và chúc nàng đạt giải đặc biệt 200 triệu. "Nếu cháu trúng, nhất định cháu sẽ biếu ông một nửa" - Vân cười.

Tạnh mưa, Vân chào ông lão ra về. Nàng không tin lắm vào trò may rủi. Trước giờ Vân vốn không phải người may mắn. Giải bốc thăm cuối năm ở công ty, nàng luôn là người tay trắng. Nhưng Vân vui khi cầm mấy tờ vé số trong tay, nhớ lại ánh mắt ông lão lấp lánh.

Minh họa sưu tầmMinh họa sưu tầm

Trong bữa tối, Vân kể với chồng nàng. Ông lão bảo em người tốt sẽ gặp may. Em hứa nếu trúng giải đặc biệt sẽ biếu ông một nửa, nàng thao thao.

Kiên cằn nhằn: Em điên à, 5 vé là 1 tỷ, em định biếu không người ta 500 triệu à?

Vân cãi: Anh không thấy ông ấy khổ thế nào đâu. Nếu trúng em biếu thật, lộc bất tận hưởng, vẫn còn 500 triệu cơ mà.

Kiên gắt: Đã mời uống nước, mua vé ủng hộ là quá lắm rồi. Em toàn đi tốt với người dưng, mẹ và chị anh còn cần hơn kia kìa.

Vân ngỡ ngàng nhìn chồng: Sao anh chuyện nọ xọ chuyện kia. Ý anh là em không tốt với gia đình anh phải không?

Kiên sẵng: Rõ ràng nếu trúng cô cũng không cho nhà tôi quá 5 triệu. Tôi hiểu tính cô quá còn gì. Hồi đầu năm bảo cô rút tiền cho anh chị vay làm ăn, cô bảo tiền đang để ngân hàng chưa đến kỳ, nếu rút về thì mất hết mấy tháng lãi. Mẹ tôi bảo góp tiền mua đất ở quê chờ mở đường tăng giá, cô cũng không chịu. Cô sợ nhà tôi ăn quỵt tiền của cô đúng không? Khác máu tanh lòng mà.

Vân nước mắt vòng quanh nhìn chồng: Chẳng phải tiền chúng ta gom góp gửi ngân hàng chờ đủ để mua nhà sao? Nếu cho anh chị anh vay hoặc đưa mẹ anh mua đất thì lúc cần phải làm sao? Em giữ tiêu cho một mình em đâu mà anh nói thế? Trước giờ em đối xử với nhà anh thế nào, có Tết tư nào không quà bánh, biếu tiền mọi người không? Anh hãy hỏi bản thân xem anh quan tâm gì đến bố mẹ em?

Nước mắt của vợ càng khiến Kiên bực bội. Anh gằn giọng: Cô nên nhớ dâu là con, rể là khách. Hơn nữa cô tay hòm chìa khóa, tiền lương của tôi đưa cô quá nửa, ai biết lúc nào ma ăn cỗ. Cô giấu giếm đưa bố mẹ cô thì tôi cũng chịu.

Vân hét: Anh đừng có gắp lửa bỏ tay người. Bố mẹ tôi có đồng nào cũng gom góp vào làm hồi môn cho tôi, tiền gửi ngân hàng quá nửa là của bố mẹ tôi cho. Bố mẹ tôi nói về ở chung, anh bảo không muốn chó chui gầm chạn, tôi cũng lếch thếch xách đồ theo anh thuê nhà. Bây giờ anh nói vô ơn như thế...

Xoảng

Kiên hất đổ mâm bát, chỉ tay vào mặt vợ: Đúng rồi, tôi vô ơn, tồi tệ. Cô đã tiếc cái thằng bác sĩ bố cô muốn cô lấy hay chưa? Bố mẹ cô đâu thích gì đứa nghèo hèn như tôi. Thế nên nhà tôi lúc nào cũng phải cúi đầu trước nhà cô. Mẹ tôi đến cưới con trai cũng không được quyết. Nhà hàng, tiệc cưới đều nhà cô chỉ đạo. Giờ nếu thấy khổ quá, cô gói ghém đồ đạc về ở với bố mẹ cô đi.

Kiên đá cái nồi cơm điện đang nằm chỏng chơ, thay đồ, cầm chìa khóa đi ra khỏi nhà. Vân chết lặng, khóc không thành tiếng.

Mãi không thấy chồng về, Vân mở điện thoại, không có cuộc gọi hay tin nhắn nào từ Kiên. Hồi yêu nhau, mỗi lần Vân giận, đúng sai Kiên luôn là người làm hòa. Vân chọn Kiên với niềm tin: Lấy người yêu mình hơn là lấy người mình yêu.

Vân lau nước mắt, đứng dậy vào phòng mở laptop, lọ mọ lên google tra kết quả xổ số. Trượt trắng, không trúng một giải nào. Nàng mở Word, đánh đơn xin ly hôn, phần lý do được đề ngắn gọn: Mua vé số.

Truyện ngắn của NGỌC TRÂM

Tin cùng chuyên mục

Phụ nữ dân tộc thiểu số gìn giữ văn hóa dân tộc

Phụ nữ dân tộc thiểu số gìn giữ văn hóa dân tộc

(PNTĐ) - Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước và Thành phố Hà Nội luôn dành sự quan tâm sâu sắc đến công tác bình đẳng giới, không ngừng thúc đẩy vai trò, quyền lợi và sự đóng góp của phụ nữ trong mọi lĩnh vực của đời sống chính trị, kinh tế - xã hội. Nhờ những nỗ lực bền bỉ, Hà Nội đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, đặc biệt là trong việc nâng cao quyền bình đẳng giới cho phụ nữ vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Không chỉ khẳng định vị thế của người phụ nữ trong xã hội, không ít cá nhân còn phát huy vai trò của họ trong công cuộc bảo tồn và gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc.
Đất lành

Đất lành

(PNTĐ) - Thoan vẫn còn nhớ như in ngày hôm đó, khi vợ chồng cô được mời bạn bè, hàng xóm tới tân gia. Căn nhà nhỏ thôi, nhưng là mồ hôi nước mắt và tâm huyết hàng chục năm cố gắng của cả hai vợ chồng...
Xây dựng môi trường an toàn cho phụ nữ, trẻ em

Xây dựng môi trường an toàn cho phụ nữ, trẻ em

(PNTĐ) - Thời gian qua, Hội LHPN Hà Nội đã ra mắt nhiều mô hình cụ thể như “Thôn, tổ dân phố an toàn cho phụ nữ, trẻ em”, “Thành phố an toàn, thân thiện với phụ nữ và trẻ em”, “Làng quê an toàn”… Các mô hình nhằm thúc đẩy bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình, mua bán người, xâm hại tình dục, bạo lực học đường; tạo điều kiện cho phụ nữ, trẻ em phát huy nội lực, vai trò chủ động phòng ngừa ứng phó với bạo lực…
Sau những lời khó nghe

Sau những lời khó nghe

(PNTĐ) - Mẹ chồng Phương khó tính, hay chê bai và ít khi thể hiện cảm xúc. Nhưng sau những lời góp ý lạnh lùng ấy, cô nhận ra một điều: Yêu thương đôi khi không cần phải nói ra, mà thể hiện qua những hành động nhỏ mỗi ngày.