Bình đẳng giới phải được Chính phủ xem là vấn đề cốt lõi

Chia sẻ

Đây là kiến nghị của đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt (đoàn Đắk Lắk) trong phiên thảo luận trực tiếp tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV diễn ra vào sáng 9/11/2021.

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk thảo luận tại phiên họp.Đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk thảo luận tại phiên họp.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt, qua kết quả thực hiện mục tiêu của chiến lược quốc gia bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030 trong 6 tháng đầu năm đã cho thấy, một số vấn đề nổi lên rất đáng lo ngại. Đó là tỷ số giới tính khi sinh hiện nay của Việt Nam là 113,7 bé trai trên 100 bé gái (tăng hơn so với năm 2020), trong khi tỷ số thông thường ở mức 104 đến 106 bé trai trên 100 bé gái, mặc dù chúng ta vừa kết thúc chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020 với nhiều giải pháp, nhiều nhiệm vụ được triển khai, tổ chức thực hiện. Việc mất cân bằng giới tính khi sinh sẽ để lại hậu quả to lớn trong đời sống xã hội, hậu quả này sẽ không đến ngay lập tức mà chúng ta sẽ thấy rõ ràng hệ lụy của nó trong tương lai.

Một vấn đề khác cũng được đặt ra, theo vị đại biể đoàn Đắk Lắk đó là khoảng cách về giới ngày càng gia tăng trên nhiều lĩnh vực mà ở đây đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất vẫn là phụ nữ. Điều này thấy được rõ hơn qua những tác động của đại dịch COVID-19, đó là số doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ phải tạm ngừng một phần hoặc toàn bộ hoạt động kinh doanh cao gấp đôi so với các doanh nghiệp nhỏ và vừa do nam làm chủ. Tỷ lệ thất nghiệp của phụ nữ trong quý I năm 2021 tăng hơn so với quý IV năm 2020.

Đặc biệt sau mỗi lần dịch được kiểm soát, trung bình số giờ làm thêm của phụ nữ để bù đắp thu nhập bị mất trước đó cũng nhiều hơn so với nam giới, khi vốn dĩ hằng ngày số giờ trung bình làm công việc nội trợ và chăm sóc gia đình không được trả công của phụ nữ cũng tăng gấp 1,9 lần so với nam giới.

"Những vấn đề tôi vừa đề cập trên đây đã cho thấy bình đẳng giới không còn là vấn đề phụ hay bên lề mà phải được Chính phủ xem là vấn đề cốt lõi. Cùng với những tiến bộ từ những thành quả phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, bên cạnh những vấn đề bức thiết hiện nay mà Chính phủ đang cần giải quyết đối với vấn đề bình đẳng giới, tôi đề nghị Chính phủ cần có sự chỉ đạo điều hành đồng bộ và quyết liệt hơn, chọn lựa thứ bậc các mục tiêu ưu tiên để bố trí nguồn lực phù hợp mà trước mắt Chính phủ cần có chính sách cụ thể hơn về giới, nhất là đối với phụ nữ trong các gói hỗ trợ dành cho người dân và doanh nghiệp chịu ảnh hưởng đại dịch COVID-19 góp phần rút ngắn khoảng cách về giới ở nước ta hiện nay" - đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt nêu.

THẢO HƯƠNG

Tin cùng chuyên mục

Thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho Thủ đô

Thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho Thủ đô

(PNTĐ) - Ngày 25/4, Báo Kinh tế và Đô thị phối hợp với Trường Đại học Luật Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học “Thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)”. Ban tổ chức đã nhận được gần 20 tham luận gửi đến Hội thảo đóng góp ý kiến vào Dự thảo Luật.