Các địa phương cần bố trí kinh phí mua vắc xin phòng, chống dịch bệnh viêm da nổi cục ở trâu bò

Chia sẻ

(PNTĐ) - Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), các địa phương cần có kế hoạch và bố trí kinh phí để tổ chức phòng, chống dịch bệnh viêm da nổi cục, bao gồm kinh phí mua vắc xin để tiêm phòng, bảo đảm tỷ lệ tiêm phòng đạt tối thiểu hơn 80% số gia súc thuộc diện tiêm.

Ảnh minh họaẢnh minh họa bò bị viêm da nổi cục

Tại hội nghị trực tuyến phòng, chống bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức ngày 27/5, Cục Thú y cho biết, hiện nay, cả nước có 1.416 ổ dịch viêm da nổi cục chưa qua 21 ngày tại 199 huyện của 27 tỉnh, thành phố với 48.449 con gia súc mắc bệnh và 7.025 con gia súc chết và tiêu hủy. 

Bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò lần đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam vào tháng 10/2020, đến ngày 23/5, dịch bệnh đã xảy ra tại 2.252 xã, thuộc 252 huyện của 32 tỉnh, thành phố, với tổng số 63.714 con gia súc mắc bệnh và 9.170 con gia súc chết và tiêu hủy.

Hiện có hai doanh nghiệp đã được Bộ NN&PTNT cho phép nhập khẩu 3 loại vắc xin phòng, chống bệnh viêm da nổi cục của 3 nhà sản xuất tại Jordan, Thổ Nhĩ Kỳ và Ai Cập, số lượng là 4,12 triệu liều (bảo đảm đủ số lượng để tiêm phòng cho hơn 50% tổng đàn trâu, bò của Việt Nam). 

Thống kê đến ngày 10/5, các doanh nghiệp đã nhập khẩu hơn 2,7 triệu liều; đã cung ứng hơn 2 triệu liều cho các địa phương và các doanh nghiệp chăn nuôi trâu, bò (bao gồm: 1,45 triệu liều cho 33 tỉnh, thành phố; hơn 555 nghìn liều cho 27 cơ sở chăn nuôi); các doanh nghiệp còn hơn 750 nghìn liều đang được bảo quản tại kho. 

Thời gian tới, các doanh nghiệp tiếp tục nhập khẩu hơn 3 triệu liều, đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch bệnh.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng, các địa phương cần có kế hoạch và bố trí kinh phí để tổ chức phòng, chống dịch bệnh viêm da nổi cục, bao gồm kinh phí mua vắc xin để tiêm phòng, bảo đảm tỷ lệ tiêm phòng đạt tối thiểu hơn 80% số gia súc thuộc diện tiêm.

Đồng thời, cần tổ chức giám sát, phát hiện sớm, kịp thời cảnh báo và xử lý triệt để các ổ dịch mới phát sinh, không để lây lan diện rộng; hướng dẫn người chăn nuôi trâu, bò tăng cường áp dụng các biện pháp chủ động phòng dịch; tổ chức tổng vệ sinh, sát trùng, tiêu độc; tổ chức giám sát chặt chẽ việc tập kết, buôn bán trâu, bò, sản phẩm từ trâu, bò; xử lý nghiêm đối với các trường hợp vận chuyển, buôn bán trâu, bò, sản phẩm từ trâu, bò nhập lậu qua biên giới, không rõ nguồn gốc...

 VÂN NGA

Tin cùng chuyên mục