Hội LHPN Hà Nội phát động Tháng hành động vì bình đẳng giới năm 2022:

Cam kết chung tay vì bình đẳng giới và xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới

Bài và ảnh: THANH THANH
Chia sẻ

(PNTĐ) - Sáng 27/11, tại Huyện ủy Gia Lâm, Hội LHPN thành phố Hà Nội đã tổ chức phát động hưởng ứng Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2022 với sự tham dự của 500 cán bộ, hội viên phụ nữ sôi nổi hưởng ứng và thể hiện quyết tâm chung tay vì bình đẳng giới và xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em.

Đây là hoạt động thiết thực, ý nghĩa hưởng ứng Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2022; hưởng ứng Ngày quốc tế xóa bỏ bạo lực đối với Phụ nữ 25/11; nhằm kêu gọi cán bộ, hội viên phụ nữ Thành phố và cộng đồng cùng chung tay hành động xây dựng Thành phố an toàn thân thiện, phòng chống bạo lực, xâm hại với phụ nữ và trẻ em.

Cam kết chung tay vì bình đẳng giới và xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới - ảnh 1
Các đại biểu tham dự Chương trình phát động cùng cam kết chung tay thực hiện bình đẳng giới

Tham dự chương trình Lễ phát động có bà Đàm Thị Vân Thoa - Ủy viên Đoàn chủ tịch, Trưởng ban Chính sách Luật pháp, Trung ương Hội LHPN Việt Nam; bà Bùi Thị Hòa – Bí thư Đảng Đoàn, Chủ tịch Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam; về phía đại biểu TP Hà Nội có bà Lê Kim Anh, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội LHPN Việt Nam, Thành ủy viên, Chủ tịch Hội LHPN thành phố Hà Nội cùng các Phó Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội; lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan của Thành phố, Chủ tịch Hội Chữ Thập đỏ Thành phố Hà Nội... Về phía đại  biểu Huyện Gia Lâm có ông Nguyễn Tiến Việt - Phó bí thư thường trực huyện ủy, Chủ tịch HĐND Huyện; ông  Nguyễn Đức Hồng - Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm.

Cam kết chung tay vì bình đẳng giới và xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới - ảnh 2
Bà Lê Kim Anh, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội LHPN Việt Nam, Thành ủy viên, Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội cùng các đại biểu viết lên những thông điệp cam kết chung tay phòng ngừa bạo lực, xây dựng thành phố an toàn cho phụ nữ và trẻ em tại Lế phát động.
Cam kết chung tay vì bình đẳng giới và xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới - ảnh 3
Bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN Hà Nội cùng các đại biểu viết lên thông điệp chung tay thực hiện bình đẳng giới và xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới

Vẫn còn nhiều khó khăn, định kiến giới

Chủ đề của Tháng hành động vì bình đẳng giới năm nay là “Đảm bảo an sinh xã hội, tăng quyền năng và tạo cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái nhằm thực hiện bình đẳng giới và xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới”. Phát biểu tại chương trình, Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội Lê Kim Anh nhấn mạnh: "Thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo tổ chức triển khai "Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới" từ ngày 15/11 đến ngày 15/12 trên phạm vi toàn quốc".  

Cam kết chung tay vì bình đẳng giới và xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới - ảnh 4
Bà Lê Kim Anh, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội LHPN Việt Nam, Thành ủy viên, Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội phát biểu tại chương trình

"Nhận thức được tầm quan trọng của công tác bình đẳng giới, xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em, Việt Nam đã rất tích cực tham gia và thực hiện nghiêm túc các cam kết quốc tế như Công ước về xóa bỏ tất cả các hình thức phân biệt đối xử chống lại phụ nữ; Công ước về quyền trẻ em; Tuyên bố và Cương lĩnh hành động Bắc Kinh - một trong những văn kiện toàn diện nhất của thế giới về bình đẳng giới và trao quyền của phụ nữ; Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững – trong đó có mục tiêu 5 là đạt được bình đẳng giới, tăng quyền và tạo cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái.

Việt Nam cũng đã được các tổ chức quốc tế đánh giá cao trong việc nỗ lực hoàn thiện hệ thống pháp luật về bình đẳng giới, phòng chống bạo lực trên cơ sở giới. Bên cạnh các văn bản luật, là các chiến lược, chương trình hành động quốc gia thể hiện sự quyết tâm chính trị mạnh mẽ của Đảng và Nhà nước ta nhằm xóa bỏ khoảng cách giới trên các lĩnh vực, hướng tới xây dựng xã hội an toàn, bình đẳng, văn minh.

Hiện nay, Việt Nam đứng thứ 60 trên thế giới, thứ 4 ở châu Á và đứng đầu trong Hội đồng Liên minh nghị viện Hiệp hội các nước Đông Nam Á về tỷ lệ nữ tham gia cơ quan dân cử; đứng thứ 3 trong khu vực ASEAN và thứ 47/187 quốc gia trên thế giới tham gia xếp hạng về bình đẳng giới trong tham chính. Chỉ số bất bình đẳng giới của Việt Nam xếp thứ 65/162 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Với vị thế của Thủ đô, trái tim của cả nước, Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố luôn quan tâm chỉ đạo thúc đẩy bình đẳng giới và sự tiến bộ của phụ nữ. Quán triệt triển khai Chỉ thị số 22-CT/TU ngày 10/5/2018 về tiếp tục đẩy mạnh công tác phụ nữ của thành phố Hà Nội trong tình hình mới. UBND Thành phố đã ban hành kế hoạch thực hiện chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030; Chương trình phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn 2021-2025; Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2030; Đề án phòng ngừa ứng phó với bạo lực xâm hại phụ nữ và trẻ em, Đề án Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, Tầm soát, phát hiện sớm ung thư vú, ung thư cổ tử cung cho phụ nữ trên địa bàn Thành phố....; Công tác cán bộ nữ được quan tâm, tỷ lệ tham gia các vị trí lãnh đạo, quản lý các cấp tăng qua các nhiệm kỳ" - bà Lê Kim Anh nhấn mạnh.

Tuy nhiên, theo bà Lê Kim Anh, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác bình đẳng giới, phòng chống bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em vẫn còn nhiều khó khăn, định kiến giới, tình trạng bạo lực, xâm hại phụ nữ trẻ em còn xảy ra, một số vụ việc nghiêm trọng gây bức xúc dư luận xã hội.

Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội nhấn mạnh: Báo cáo Điều tra quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam năm 2019 cho thấy cả nước có gần 62,9%  phụ nữ chịu ít nhất một hình thức bạo lực do chồng hoặc bạn tình gây ra; Theo Báo cáo điều tra các mục tiêu phát triển bền vững về trẻ em và phụ nữ Việt Nam năm 2020-2021 do Tổng cục thống kê Việt Nam thực hiện có 70,8%  trẻ em dưới 15 tuổi đã từng phải chịu ít nhất một hình thức xử phạt bạo lực tâm lý hoặc thể xác bởi các thành viên gia đình; Theo báo cáo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, từ tháng 6/2019 đến tháng 6/2021, cả nước có hơn 4.009 trẻ em bị xâm hại, trong đó có hơn 3.600 trẻ em gái - chiếm 89,8%.

Trên địa bàn Hà Nội, trong 3 năm 2019-2021, theo báo cáo của Sở Văn hóa thể thao, toàn thành phố có 387 vụ bạo lực gia đình, trong đó nạn nhân chủ yếu là phụ nữ (Theo báo cáo kết quả thực hiện công tác gia đình năm 2019,2020,2021 của Sở Văn hóa và Thể thao). Theo báo cáo hàng năm của Tòa án nhân dân Thành phố, trong 3 năm 2019 -2021 và 6 tháng đầu năm 2022, tòa án đã thụ lý 283 vụ xâm hại tình dục trẻ em với 305 bị cáo, năm sau số vụ tăng hơn năm trước".

Cam kết chung tay vì bình đẳng giới và xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới - ảnh 5
Các đại biểu tham gia hưởng ứng tại chương trình

Cam kết chung tay phòng ngừa bạo lực, xây dựng thành phố an toàn cho phụ nữ và trẻ em

Đảm bảo bình đẳng giới, xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh, phòng ngừa, ứng phó với bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em là một trong những nhiệm vụ quan trọng, đòi hỏi sự vào cuộc trách nhiệm, đồng bộ của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.

Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội Lê Kim Anh nhấn mạnh: Là tổ chức chính trị-xã hội đại diện cho giới nữ, chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ, trẻ em, thời gian qua, các cấp Hội Phụ nữ Hà Nội đã tích cực phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, đoàn thể, Ban Vì sự tiến bộ của Phụ nữ triển khai các hoạt động truyền thông, tập huấn nâng cao nhận thức của hội viên, phụ nữ và nhân dân về phòng, chống bạo lực gia đình, phòng, chống xâm hại phụ nữ và trẻ em. Nhiều mô hình thiết thực xây dựng gia đình hạnh phúc, phòng ngừa bạo lực, vận động nam giới chia sẻ với phụ nữ, đề xuất giải quyết kịp thời các vụ bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em như: Hội đồng tư vấn tham gia giải quyết các vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ, các tổ tư vấn pháp luật, nhóm nòng cốt truyên truyền pháp luật, địa chỉ tin cậy tại cộng đồng; “Làng quê an toàn”, “Thành phố An toàn, thân thiện đối với phụ nữ và trẻ em gái”, “Nhà trọ an toàn”, “Chung cư an toàn”, Ngôi nhà tạm lánh, CLB “Nam giới lên tiếng”, CLB “nam giới đồng hành vì sự an toàn của phụ nữ và trẻ em”, Câu lạc bộ “Gia đình nói không với bạo lực”, CLB “Nam giới tiên phong trong phòng chống bạo lực gia đình”... Ký kết nhiều Chương trình phối hợp với các cơ quan tố tụng, các sở, ban, ngành hỗ trợ phụ nữ nâng cao quyền năng kinh tế, phòng ngừa bạo lực, xâm hại và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho phụ nữ, trẻ em. 

Để chung tay thực hiện tốt chương trình, bà Lê Kim Anh, Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội để nghị các cấp Hội Phụ nữ TP quan tâm một số nội dung trọng tâm: Một là, tiếp tục tham mưu với cấp ủy, chính quyền, phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tuyên truyền sâu rộng chủ đề, thông điệp truyền thông Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2022, Ngày Quốc tế xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ nhằm nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi của cán bộ, hội viên, phụ nữ và các tầng lớp Nhân dân.

Hai là, gắn hoạt động thúc đẩy bình đẳng giới, phòng chống bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em với thực hiện Cuộc vận động xây dựng gia đình 5 không 3 sạch, mô hình 5 có 3 sạch, trong đó chú trọng tiêu chí gia đình không có bạo lực, có ngôi nhà an toàn, có sinh kế bền vững; Phong trào thi đua “Xây dựng người Phụ nữ Việt Nam thời đại mới”, “Xây dựng người phụ nữ Thủ đô “Trung hậu – Sáng tạo – Đảm đang – Thanh Lịch”.

Ba là Triển khai, thực hiện hiệu quả chương trình, kế hoạch, đề án của Thành phố về bình đẳng giới, phòng chống bạo lực trên cơ sở giới: Kế hoạch số 139/KH-UBND ngày 03/6/2021 của UBND Thành phố Hà Nội thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2030; Kế hoạch số 106/KH-UBND ngày 19/4/2021 thực hiện Chương trình phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025, Kế hoạch số 129/KH-UBND ngày 25/4/2022 triển khai chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 trên địa bàn thành phố Hà Nội, Quyết định số 3101/QĐ-UBND ngày 29/8/2022 phê duyệt Đề án Phòng ngừa, ứng phó với bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2022-2026, Kế hoạch triển khai Đề án 938 “Tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề liên quan đến đến phụ nữ” …

Bốn là, Xây dựng và nâng cao chất lượng hoạt động của các mô hình tăng cường quyền năng cho phụ nữ và trẻ em gái, xây dựng thành phố an toàn, thân thiện với phụ nữ và trẻ em, trong đó thu hút sự tham gia của nam giới và những người có uy tín trong cộng đồng, gia đình, nhà trường…. 

Năm là, chủ động tham gia giám sát việc thực hiện luật pháp chính sách về bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực gia đình, quyền trẻ em. Kịp thời phát hiện, lên tiếng, đề xuất chính quyền, các ngành chức năng xử lý nghiêm các vụ việc bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em, hỗ trợ nạn nhân tiếp cận các dịch vụ trợ giúp, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ, trẻ em. 

*** Ngay sau phát biểu của Thường trực Hội LHPN Hà Nội phát động, chỉ đạo các cấp Hội triển khai các hoạt động thiết thực hưởng ứng Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2022, đại diện lãnh đạo Huyện Gia Lâm, Ông Nguyễn Đức Hồng - Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Phó Chủ tịch UBND huyện, Trưởng Ban vì sự tiến bộ của phụ nữ huyện Gia Lâm nhấn mạnh:  Để đạt được mục tiêu bình đẳng giới thực chất là một quá trình lâu dài, cần sự tham gia, vào cuộc một cách đồng bộ của các cơ quan, tổ chức và mọi người dân. Nhân buổi lễ phát động hưởng ứng ngày hôm nay, tôi kêu gọi sự cam kết, quan tâm và tham gia tích cực của các cơ quan, đoàn thể, chính quyền các xã, thị trấn, các tổ chức xã hội và cộng đồng dân cư trên địa bàn huyện. Chúng ta hãy xây dựng một cộng đồng an toàn, bình đẳng và thịnh vượng cho tất cả mọi người, xây dựng một Thủ đô mà nơi đó mọi người phụ nữ và trẻ em gái sẽ không phải chịu bất kỳ hình thức phân biệt, đối xử nào, không còn là nạn nhân của bất kỳ hình thức bạo lực nào ở mọi lúc, mọi nơi". 

"Hãy cùng hành động ngay hôm nay để “Đảm bảo an sinh xã hội, tăng quyền năng và tạo cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái nhằm thực hiện bình đẳng giới và xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới”. Các cấp Hội phụ nữ huyện Gia Lâm mong muốn sẽ tiếp tục nhận được sự đồng hành của các cơ quan chức năng, tổ chức xã hội trên địa bàn", bà Hoàng Thị Thúy Hằng - Ủy viên Ban chấp hành Hội LHPN huyện, Chủ tịch Hội LHPN xã Phú Thị, huyện Gia Lâm phát biểu hưởng ứng tại chương trình. 

Cam kết chung tay vì bình đẳng giới và xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới - ảnh 6
Ông Nguyễn Đức Hồng - Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Phó Chủ tịch UBND huyện, Trưởng Ban vì sự tiến bộ của phụ nữ huyện Gia Lâm  phát biểu hưởng ứng. 

Cam kết chung tay vì bình đẳng giới và xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới - ảnh 7

Hơn 300 cán bộ, hội viên, phụ nữ huyện Gia Lâm đồng diễn dân vũ sắc cam
Cam kết chung tay vì bình đẳng giới và xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới - ảnh 8
Các đại biểu cùng hưởng ứng và cổ vũ màn trình diễn dân vũ sắc cam của chị em hội viên phụ nữ

 

Trong khuôn khổ chương trình hơn 300 cán bộ, hội viên, phụ nữ huyện Gia Lâm đại diện cho hội viên, phụ nữ Thành phố có màn đồng diễn dân vũ sắc cam;  Đồng thời có hơn 500 đại biểu tham dự chương trình viết lên thông điệp cam kết chung tay phòng ngừa bạo lực, xây dựng thành phố an toàn cho phụ nữ và trẻ em.

Cam kết chung tay vì bình đẳng giới và xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới - ảnh 9
Tại chương trình, Chi hội luật sư bảo vệ quyền trẻ em của TP.HCM đã trao hỗ trợ 10 triệu đồng cho Hội LHPN huyện Gia Lâm để chung tay giúp phụ nữ và trẻ em. 

 

Cũng nhân dịp này, Hội LHPN Hà Nội phối hợp với Hội Chữ thập đỏ Thành phố trao tặng học bổng cho 36 trẻ em mồ côi có hoàn cảnh khó khăn, bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 với tổng số tiền 180 triệu đồng là viện trợ không hoàn lại của Đại sứ quán nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa tại Việt Nam hỗ trợ thông qua Hội Chữ thập đỏ Việt Nam.

Cam kết chung tay vì bình đẳng giới và xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới - ảnh 10
Bà  Bùi Thị Hòa – Bí thư Đảng Đoàn, Chủ tịch Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam trao quà cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Cam kết chung tay vì bình đẳng giới và xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới - ảnh 11

Bà Lê Kim Anh, Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội tặng quà cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19

Đồng thời thực hiện chỉ đạo của Trung ương Hội, cũng trong khuôn khổ chương trình phát động, Hội LHPN Hà Nội phối hợp với Chi hội Luật sư Bảo vệ quyền trẻ em của Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức phiên tòa giả định xét xử vụ việc xâm hại phụ nữ nhằm truyền thông, cảnh báo răn đe đối với các hành vi vi phạm.

Cam kết chung tay vì bình đẳng giới và xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới - ảnh 12
Các đại biểu tham dự phiên tòa giả định xét xử vụ việc xâm hại phụ nữ 
Cam kết chung tay vì bình đẳng giới và xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới - ảnh 13
Phiên tòa giả định thu hút sự quan tâm của các cấp Hội và cán bộ hội viên phụ nữ Hà Nội

 

Trong Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2022, Hội LHPN Hà Nội tổ chức các sự kiện truyền thông về bình đẳng giới, phòng chống xâm hại phụ nữ trẻ em gái tại quận Thanh Xuân, Đống Đa, Ứng hòa với gần 1.000 hội viên phụ nữ tham gia; Tổ chức 02 tọa đàm với chuyên đề “Quan niệm đúng – nền tảng thành công của bình đẳng giới ở Việt Nam”. Hội LHPN các quận huyện đã chủ động, tích cực phối hợp tổ chức nhiều hình thức hưởng ứng Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới như truyền thông hưởng ứng, tập huấn, tọa đàm, treo các băng rôn khẩu hiệu tại đơn vị, nơi công cộng…

"Thông qua các hoạt động cụ thể này, Hội LHPN mong muốn được lan tỏa thông điệp về bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em sẽ lan tỏa mạnh mẽ tới 30 quận, huyện, thị xã và 579 xã, phường, thị trấn để phụ nữ và trẻ em luôn được sống trong tình yêu thương, được chăm lo phát triển toàn diện, vì Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại", bà Lê Kim Anh, Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội chia sẻ. 

Dưới đây là một số hình ảnh tại Lễ phát động "Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới" vừa tổ chức sáng nay, 27/11/2022:

Cam kết chung tay vì bình đẳng giới và xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới - ảnh 14
Các đại biểu tham dự phiên tòa giả định. 

Cam kết chung tay vì bình đẳng giới và xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới - ảnh 15

Các em nhỏ phấn khởi nhận quà từ chương trình
Cam kết chung tay vì bình đẳng giới và xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới - ảnh 16
Chị em cán bộ hội viên vui mừng phấn khởi khi có mặt từ sớm để tham gia chương trình, đặc biệt là tham gia chương  trình dân vũ sắc cam.
Cam kết chung tay vì bình đẳng giới và xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới - ảnh 17
Chị em hội viên phụ nữ cùng nhau lưu giữ những hình ảnh đẹp khi được tham dự chương trình do Hội LHPN Hà Nội tổ chức
Cam kết chung tay vì bình đẳng giới và xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới - ảnh 18
Bình đẳng giới, phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới cần sự chung tay và cộng đồng trách nhiệm của toàn xã hội là thông điệp mà cán bộ, hội viên phụ nữ tham gia màn trình diễn dân vũ sắc cam muốn lan tỏa tới cộng đồng.

Tin cùng chuyên mục

Xã Kim Sơn (Sơn Tây) đón nhận Bằng công nhận xã đạt chuẩn Nông thôn mới kiểu mẫu

Xã Kim Sơn (Sơn Tây) đón nhận Bằng công nhận xã đạt chuẩn Nông thôn mới kiểu mẫu

(PNTĐ) - Ngày 20/4, Đảng ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Kim Sơn (thị xã Sơn Tây) đã tổ chức Lễ đón Bằng công nhận xã Kim Sơn đạt chuẩn Nông thôn mới kiểu mẫu. Đây là những ghi nhận cho sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Kim Sơn trong việc xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu năm 2023 (đạt chuẩn với 5 lĩnh vực: An ninh trật tự, Văn hóa, Y tế, Du lịch, Chuyển đổi số).
Liên tục nợ thuế, Kim Oanh Group có đủ sức làm dự án 15.000 tỷ đồng?

Kim Oanh Group nợ thuế triền miên vẫn được Bình Dương chấp thuận làm dự án 15.000 tỷ đồng

Nhiều công ty nằm trong hệ sinh thái của Kim Oanh Group liên tục nằm trong danh sách nợ thuế, báo lỗ nhưng gần đây vẫn được UBND tỉnh Bình Dương chấp thuận cho làm dự án Đầu tư xây dựng Một Thế Giới – The One World (dự án Hoà Lân) với tổng vốn đầu tư khoảng 15.000 tỷ đồng.