Góp ý Dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi):

Cần phải báo cáo xem việc sử dụng 2% kinh phí công đoàn thời gian qua như thế nào

VÂN NGA
Chia sẻ

(PNTĐ) - Ngày 8/6, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi).

Đề xuất giao biên chế 5.899 cán bộ công đoàn chuyên trách

Phát biểu thảo luận tại tổ, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang cho biết, trước năm 2004, cán bộ công đoàn được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam xác định và phân bổ cho các địa phương. Năm 2005 là năm cuối cùng Ban Tổ chức Trung ương thông báo chỉ tiêu biên chế. Do việc bàn giao giữa Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Ban Thường vụ các tỉnh, thành phố lúc đó có nhiều bất cập nên hiện nay, biên chế của tổ chức công đoàn ở các địa phương xuất hiện nhiều vấn đề.

Cần phải báo cáo xem việc sử dụng 2% kinh phí công đoàn thời gian qua như thế nào - ảnh 1
Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang 

Hiện cả nước có 12 tỉnh, thành phố công đoàn không được cấp ủy các tỉnh giao biên chế; 40 tỉnh, thành phố lại giao biên chế cán bộ công đoàn không tương xứng, không đủ khối lượng để làm việc. Sau khi báo cáo với Ban Tổ chức Trung ương và Ban Chỉ đạo biên chế Trung ương, Bộ Chính trị đã ra Kết luận 40 giao Đảng đoàn Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phối hợp Ban Tổ chức Trung ương báo cáo, đề xuất.

Sau khi tính toán, rà soát lại, đề xuất giao biên chế theo phương án của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là 5.899 cán bộ công đoàn chuyên trách trong toàn hệ thống. Hiện số người được cấp ủy các địa phương tạm giao là khoảng 5.200. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất 5.899 cán bộ công đoàn chuyên trách trên không bằng 1/3 biên chế của các tổ chức chính trị - xã hội khác.

Trong dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi): “Cơ quan có thẩm quyền quyết định số lượng cán bộ công đoàn chuyên trách là cán bộ, công chức, viên chức sau khi thống nhất với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam”, theo Chủ tịch Tổng LĐLĐ Nguyễn Đình Khang, điều này không trái với quy định về quản lý biên chế hiện nay.

Cần phải báo cáo xem việc sử dụng 2% kinh phí công đoàn thời gian qua như thế nào - ảnh 2
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung

Thảo luận tại tổ, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, vấn đề kinh phí công đoàn được tổ chức công đoàn quan tâm nhiều nhất trong quá trình sửa Luật. Kinh phí công đoàn bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động là do doanh nghiệp, người sử dụng lao động đóng góp.

Nguồn kinh phí này thực hiện hai mục tiêu lớn là chăm lo đời sống của người lao động và chi cho tổ chức, bộ máy hoạt động của tổ chức công đoàn. Bởi, tổ chức công đoàn hoạt động không lấy từ ngân sách Nhà nước.

Theo Bộ trưởng, trong thực tiễn, chỉ còn vài quốc gia như Trung Quốc, Việt Nam duy trì hình thức này. Bản thân 2% là một sắc thuế, chứ không phải đơn thuần. Vì vậy, đại biểu tán thành ý kiến của Ủy ban Xã hội là cần phải báo cáo xem việc sử dụng 2% kinh phí công đoàn thời gian qua như thế nào, mặt được và chưa được ra sao?

Theo Bộ trưởng, kinh phí công đoàn cần phải có kế hoạch định kỳ, có thời gian nhất định kiểm toán nhà nước hoặc thanh tra. Là một sắc thuế phải quản lý theo sắc thuế, không phải "ào ào" muốn ai quản lý thì được đâu. Sử dụng kinh phí công đoàn như thế nào, thậm chí sau này phải báo cáo Quốc hội cho định hướng.

Do đó, tới đây, không chỉ có công đoàn, mà còn các tổ chức người lao động khác thì vấn đề kinh phí công đoàn cần lưu tâm hơn nữa.

Bổ sung quy định chi tiết, cụ thể hơn về cơ chế thu chi, quản lý sử dụng

Cần phải báo cáo xem việc sử dụng 2% kinh phí công đoàn thời gian qua như thế nào - ảnh 3
Đại biểu Lê Nhật Thành (Đoàn Hà Nội)

Thảo luận tại tổ 1, đoàn đại biểu Hà Nội, đại biểu Lê Nhật Thành cho rằng: Hiện nay tại Bộ Luật Lao động đã có quy định về tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp bảo đảm cơ chế bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động nước ngoài. Bên cạnh đó, Công đoàn Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội, việc cho phép người nước ngoài gia nhập sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến an ninh trật tự.

Vì vậy, đại biểu đề nghị Cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung quy định chi tiết, cụ thể hơn về cơ chế thu chi, quản lý sử dụng, cơ chế kiểm tra, giám sát, kiểm toán độc lập, định kỳ đối với tài chính Công đoàn, tài sản Công đoàn theo hình thức công khai, minh bạch hóa tạo điều kiện cho đoàn viên, người lao động và các cơ quan, tổ chức, người dân tham gia giám sát. 

Cần phải báo cáo xem việc sử dụng 2% kinh phí công đoàn thời gian qua như thế nào - ảnh 4
Đại biểu Nguyễn Hải Trung (đoàn Hà Nội) 

Đại biểu Nguyễn Hải Trung (đoàn Hà Nội) cho biết, Công đoàn là tổ chức chính trị-xã hội, chịu sự lãnh đạo của Đảng, do vậy các thành viên tham gia tổ chức Công đoàn phải chấp hành nghiêm túc tôn chỉ hoạt động. Vì thế, nếu quy định có thành viên Công đoàn là người nước ngoài thì phải quy định kèm theo nguyên tắc, tiêu chí, cam kết...

Bày tỏ đồng tình với phương án 1 quy định về gia nhập Công đoàn của người lao động và công nhận tổ chức của người lao động ngoài Công đoàn, đại biểu Quốc hội Bùi Huyền Mai cho rằng, trong bối cảnh hội nhập sâu rộng với thế giới thì việc bảo đảm cơ chế pháp luật để người lao động nước ngoài và các tổ chức gia nhập Công đoàn Việt Nam là rất cần thiết. Tuy nhiên, vấn đề là quy định kèm theo cơ chế ràng buộc để phù hợp với hệ thống pháp luật hiện hành của Việt Nam.

Cần phải báo cáo xem việc sử dụng 2% kinh phí công đoàn thời gian qua như thế nào - ảnh 5
Đại biểu Nguyễn Thị Lan (đoàn Hà Nội)

Góp ý vào điều 16 Dự thảo Luật về nội dung giám sát của Công đoàn, đại biểu Nguyễn Thị Lan (đoàn Hà Nội) cho biết hiện nay tồn tại 2 ý kiến: thứ nhất cho rằng quy định nhiệm vụ chủ trì giám sát, chủ trì phản biện xã hội của Công đoàn là để bảo đảm chủ trương thể chế hóa của Đảng và đáp ứng yêu cầu thực tiễn về bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho người lao động; ý kiến thứ hai cho rằng cần cân nhắc, xem xét lại có nên quy định như vậy hay không.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Lan, trên cơ sở ý kiến giải trình của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam thì nên dung hòa 2 phương án để bảo đảm đạt được tối ưu. Vì thế, nên sửa cụm từ "chủ trì giám sát" và thay bằng cụm từ "thực hiện giám sát" tại khoản 1 điều 16 để phù hợp với việc thực hiện Luật Dân chủ cơ sở năm 2022. 

Đại biểu Nguyễn Thị Lan nhất trí giám sát của Công đoàn chỉ là giám sát mang tính xã hội để phù hợp với các quy định khác có liên quan; đồng thời đại biểu khẳng định: thực tế qua khảo sát của Tổng Liên đoàn lao động cho thấy, nếu để Công đoàn chủ động tham gia giám sát thường xuyên sẽ phát hiện được nhiều vi phạm tại đơn vị sử dụng lao động, bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích của người lao động.

Góp ý vào điều 17 về phản biện xã hội của tổ chức Công đoàn, đại biểu Nguyễn Hải Trung băn khoăn khi Hiến pháp năm 2013 không quy định quyền phản biện xã hội của Công đoàn Việt Nam mà chỉ quy định về phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam (Công đoàn là tổ chức thành viên thuộc MTTQ). 

Tại điều 6 của Luật ban hành Văn bản Quy phạm pháp luật quy định chỉ MTTQ mới có quyền phản biện xã hội đối với các văn bản quy phạm pháp luật, còn các tổ chức thành viên muốn thực hiện quyền phản biện xã hội đề nghị phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam - chủ thể thực hiện phản biện. Do đó đại biểu Nguyễn Hải Trung đề nghị Cơ quan soạn thảo cân nhắc sửa đổi cho phù hợp.

Về vấn đề công tác cán bộ của tổ chức Công đoàn tại điều 26 Dự thảo Luật, theo đại biểu Nguyễn Thị Lan, để Công đoàn hoạt động tốt thì vấn đề nhân sự chuyên trách làm công tác Công đoàn rất quan trọng. Làm thế nào để thu hút được đội ngũ cán bộ có kinh nghiệm ở cấp cơ sở tham gia vào hoạt động Công đoàn chuyên trách, nếu như chỉ có tuyển dụng mà khôgn có chính sách đặc biệt thì rất khó thu hút. Đề nghị Cơ quan soạn thảo nghiên cứu để có chính sách đặc biệt hấp dẫn, thu hút đội ngũ cán bộ có năng lực, kinh nghiệm tốt chuyên trách làm công tác này.

Cần phải báo cáo xem việc sử dụng 2% kinh phí công đoàn thời gian qua như thế nào - ảnh 6
Đại biểu Bùi Huyền Mai (đoàn Hà Nội)

Góp ý về thời gian hoạt động của cán bộ Công đoàn không chuyên trách ở cơ sở quy định lại khoản 2, điều 27, đại biểu Quốc hội Bùi Huyền Mai (đoàn Hà Nội) cho rằng: theo quy định tại Luật Công đoàn năm 2012 thì các cán bộ Công đoàn chuyên trách ở các Công đoàn cơ sở có thời gian tối đa cho hoạt động Công đoàn là 24 giờ/tháng. Việc dành thời gian ở mức độ này rất hạn chế, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động khi họ cần được bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp - đặc biệt tại các doanh nghiệp. Do đó, đại biểu tán thành phương án bố trí thời gian cho cán bộ công đoàn hoạt động tại cơ sở căn cứ vào số lượng đoàn viên công đoàn của từng đơn vị.

Đại biểu Bùi Huyền Mai đề xuất tiếp tục giữ nguyên mức thu kinh phí Công đoàn theo phương án duy trì mức đóng góp 2%. Việc quy định này hoàn toàn phù hợp với các quy định hiện hành cũng như thực tế về vai trò của tổ chức Công đoàn hiện nay đang ngày càng đáp ứng được yêu cầu của người lao động.

Tin cùng chuyên mục

Cử hành trọng thể Lễ truy điệu và an táng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Cử hành trọng thể Lễ truy điệu và an táng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

(PNTĐ) - Chiều ngày 26/7, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và gia đình đã tổ chức trọng thể Lễ truy điệu đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, theo nghi thức Quốc tang tại Nhà Tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông (Hà Nội); Hội trường Thống Nhất (Thành phố Hồ Chí Minh) và tại quê nhà Nhà Văn hóa, thôn Lại Đà, xã Đông Hội, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội.
Đồng chí Nguyễn Phú Trọng là tấm gương tiêu biểu, mẫu mực, sáng ngời về bản lĩnh, đạo đức cách mạng, "chí công vô tư"

Đồng chí Nguyễn Phú Trọng là tấm gương tiêu biểu, mẫu mực, sáng ngời về bản lĩnh, đạo đức cách mạng, "chí công vô tư"

(PNTĐ) - Trong Lời điếu đọc tại Lễ Truy điệu đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam do đồng chí Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Trưởng Ban Lễ tang đọc trước lĩnh cữu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Nước nhấn mạnh: "Đồng chí Nguyễn Phú Trọng là tấm gương tiêu biểu, mẫu mực, sáng ngời về bản lĩnh, đạo đức cách mạng, "chí công vô tư". Báo Phụ nữ Thủ đô xin trân trọng đăng toàn văn lời điếu.