Chủ tịch Hồ Chí Minh với Thủ đô Hà Nội

Đỗ Hoàng Linh Nguyên Phó Giám đốc phụ trách Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch
Chia sẻ

(PNTĐ) - Đất Thăng Long kinh kỳ từ xưa đến nay vẫn giữ được vẻ đẹp hào hoa, thanh lịch, văn hiến, là nơi lắng đọng hồn núi sông ngàn năm và là đất hội tụ nhân tài của quốc gia, đang vững bước trở thành biểu tượng của “niềm tin và hy vọng”, cùng cả nước quyết tâm hoàn thành tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh “đoàn kết phấn đấu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ, giàu mạnh và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh với Thủ đô Hà Nội - ảnh 1
Chủ tịch Hồ Chí Minh xem sơ đồ quy hoạch Hà Nội (1/1959).

Vua Lý Thái Tổ từng nhận xét vùng đất Đại La: “Địa thế rộng mà bằng, đất đai cao mà thoáng. Dân cư khỏi chịu cảnh khốn khổ ngập lụt, muôn vật cũng rất mực phong phú, tốt tươi. Xem khắp đất Việt ta, chỉ nơi này là thánh địa. Thật là chốn tụ hội trọng yếu của bốn phương đất nước…”. Trải qua chặng đường dài hơn nghìn năm tuổi với nhiều tên gọi khác nhau Thăng Long, Đông Đô, Đông Quan, Đông Kinh, Bắc Thành và từ 1831 đến nay là Hà Nội, nơi đây diễn ra nhiều sự kiện lịch sử cận hiện đại và chứng kiến những thăng trầm của đất nước.

Bắt đầu bằng buổi lễ Độc lập ngày 2/9/1945, Hà Nội tưng bừng màu đỏ cờ hoa. Một vùng trời bát ngát cờ, đèn và hoa. Hơn 50 vạn người có mặt tại quảng trường Ba Đình để nghe Chủ tịch Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Hồ Chí Minh trịnh trọng tuyên bố với quốc dân đồng bào và cả thế giới rằng: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập”.

 Nhưng sau đó gần 30 vạn lính quân đội nước ngoài dồn dập kéo vào nước ta dưới danh nghĩa Đồng Minh tước vũ khí quân Nhật! Cách mạng Việt Nam đứng trước một tình thế cực kỳ hiểm nguy. Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng suốt, linh hoạt giải quyết kịp thời, hiệu quả, đưa đất nước từng bước vượt qua khó khăn.

 Bên cạnh những giải pháp đối phó với nạn đói, nạn dốt, giặc ngoại xâm như phong trào hũ gạo cứu đói, tăng gia sản xuất,  mở các lớp bình dân học vụ, lấy ngoại giao để bảo vệ hoà bình, Chủ tịch Hồ Chí Minh thông báo gặp gỡ rộng rãi các tầng lớp nhân dân Hà Nội và các tỉnh: “…1. Gửi thơ nói trước, để tôi sắp thì giờ, rồi trả lời cho bà con, như vậy thì khỏi phải chờ đợi mất công. 2. Mỗi đoàn đại biểu, xin chớ quá 10 vị. 3. Mỗi lần tiếp chuyện, xin chớ quá 1 tiếng đồng hồ... “. Người cũng quan tâm tới thanh niên: “…Phải làm sao cho tổ chức thanh niên Hà Nội phải thành một khối thanh niên khuôn mẫu cho thanh niên toàn xứ và toàn quốc...”. 

Chủ tịch Hồ Chí Minh với Thủ đô Hà Nội - ảnh 2
Bác Hồ thăm và chúc Tết gia đình cụ Nguyễn Thị Khánh, phố Lò Đúc, Hai Bà Trưng, Hà Nội, ngày 30/01/1957 (30 Tết Nguyên đán Đinh Dậu).
  Ảnh  Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Trước khi tổng tuyển cử, Chủ tịch Hồ Chí Minh ngỏ lời với đồng bào Hà Nội: “…Tôi rất cảm động thấy toàn thể đồng bào ngoại thành Hà Nội đã có lòng quá yêu tôi, mà quyết nghị tôi không phải ứng cử trong kỳ Tổng tuyển cử sắp tới. Nhưng tôi là một công dân nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, nên không thể vượt qua thể lệ Tổng tuyển cử đã định...”. Và Người đã trúng cử với tỷ lệ 98,4% số phiếu. 

Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục kiên trì thực hiện chính sách ngoại giao mềm dẻo để có thời gian chuẩn bị cho kháng chiến. Ngày 6/3/1946, Hiệp định sơ bộ được ký tại Hà Nội, sau đó Chủ tịch Hồ Chí Minh sang Pháp để giải quyết những vấn đề quan trọng. Trước khi đi, Người nói với đồng bào Thủ đô: “Bất kỳ bao giờ, bất kỳ ở đâu, tôi cũng chỉ theo đuổi một mục đích, làm cho ích quốc lợi dân. Vậy nên lần này, tôi xin hứa với đồng bào rằng: “Tôi cùng anh em đại biểu sẽ gắng làm cho khỏi phụ lòng tin cậy của quốc dân...”. 

Hội nghị Fontainebleau thất bại, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Tạm ước 14/09/1946 để cứu vãn nền hòa bình. Ngày 21/10/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh về đến ga Hàng Cỏ. Hàng vạn nhân dân Hà Nội hân hoan đón Người. Tuy chúng ta đã nhún nhường nhưng với dã tâm xâm lược, thực dân Pháp vẫn lấn tới, liên tiếp gây ra xung đột để phát động chiến tranh. Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến. 20 giờ 3 phút tối 19/12/1946, cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Toàn thể dân tộc Việt Nam đứng lên: “Thà hy sinh tất cả chứ quyết không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ”. 

Chủ tịch Hồ Chí Minh với Thủ đô Hà Nội - ảnh 3
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm và trò chuyện với cán bộ và nhân dân Hợp tác xã Phú Diễn, huyện Từ Liêm (nay là phường Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm) ngày 31/1/1965. Ảnh Tư liệu

Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư thăm hỏi, động viên chiến sĩ Hà Nội: “… Các em cảm tử để cho Tổ quốc quyết sinh”. Người khuyên nhủ các cháu nhi đồng công giáo: “…- Biết giữ kỷ luật - Siêng học, siêng làm - yêu Chúa, yêu nước”. Người dặn dò Trung đoàn Thủ đô: “…Bất kỳ bao giờ, bất kỳ ở đâu, ta phải liên lạc mật thiết với dân, phải làm cho dân mến, dân tin. Như thế nhất định thắng lợi...”. Người động viên đội du kích Hà Nội: “…Tôi chắc rằng từ nay du kích Thủ đô sẽ lập công nhiều hơn nữa, to hơn nữa...”. Người dành lời khen nữ chiến sĩ du kích Sơn Tây: “Bác thưởng cháu 1 chiếc khăn tay”, hay các chiến sĩ địa phương Hà Đông: “Bác gửi lời thân ái khen các chú và khuyên các chú học tập kinh nghiệm trong trận vừa qua, ra sức củng cố lực lượng của mình, để tranh lấy thắng lợi mới to hơn nữa, nhiều hơn nữa”. 

Sau khi Hà Nội được giải phóng, ngày 16/10/1954, tiếp đại biểu nhân dân Thủ đô, Người nói: “Tôi chắc rằng đồng bào Thủ đô sẽ hăng hái phấn đấu làm cho mọi ngành hoạt động của Thủ đô ngày thêm phát triển, để làm gương mẫu, để dẫn đầu cho nhân dân cả nước ta trong công cuộc củng cố hoà bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập và dân chủ trong khắp nước ta”. 

Lúc mới về Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh ở tạm căn phòng số 14 trong nhà thương Đồn Thuỷ. Đến tháng 12/1954, Người chuyển về ở tại một ngôi nhà nhỏ của công nhân điện trong khu Phủ Toàn quyền cũ (nay là Khu di tích Phủ Chủ tịch), Người đã sống và làm việc tại đây trong 15 năm. Trong giai đoạn này, Chủ tịch Hồ Chí Minh dành nhiều thời gian đến với nhân dân, chỉ đạo khôi phục sản xuất nông nghiệp. Người đi thăm các trường phổ thông, các lớp bình dân học vụ và nói rõ tại Đại hội giáo dục: “Giáo dục phải cung cấp cán bộ cho kinh tế. Kinh tế tiến bộ thì giáo dục mới tiến bộ được”. Người căn dặn: “Dạy và học cần phải theo nhu cầu của dân tộc, của Nhà nước”. 

Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đặc biệt quan tâm đến quy hoạch, phát triển Thủ đô: “Hà Nội phải làm thế nào để trở thành một Thủ đô xã hội chủ nghĩa”. Tuy lúc đó kinh tế còn rất nhiều khó khăn, nghèo nàn, lạc hậu, nhưng Người vẫn khẳng định: “Chúng ta nhất định vượt được mọi khó khăn và đạt được mục đích chung: Làm cho Hà Nội thành một Thủ đô yên ổn, tươi vui và phồn thịnh”. 

Ngày 29/8/1958, dự họp Hội nghị Bộ Chính trị bàn về quy hoạch sông Hồng và mở rộng Hà Nội, Người yêu cầu: “Mở rộng thành phố phải căn cứ vào thiên thời (mưa, gió, nắng…), địa lợi (địa chất, sông hồ…) và nhân hoà (lợi ích của nhân dân, của Chính phủ…). Công tác quy hoạch thành phố phải hợp lý, bảo đảm được cả về kinh tế, mỹ quan và quốc phòng, phải có kế hoạch vận động quần chúng tham gia, có ban phụ trách để chịu trách nhiệm, tránh lối làm đại khái, lãng phí…”. 

Từ năm 1964, Mỹ bắt đầu ném bom phá hoại miền Bắc và Hà Nội, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kịp thời chỉ đạo và tổ chức nhân dân sơ tán. Người gửi quà cho các cháu nhà trẻ và động viên, khen thưởng các chiến sĩ bộ đội, dân quân tự vệ Thủ đô. Người đã dùng tiền tiết kiệm từ nhuận bút của mình mua nước uống cho các chiến sĩ phòng không. Được sự quan tâm của Người và Trung ương Đảng, dù chiến tranh phá hoại ác liệt, quân dân Hà Nội vẫn vững vàng trong tuyến lửa, kiên cường đánh trả kẻ thù, bắn rơi hàng trăm máy bay, bắt nhiều giặc lái… 

Trước khi đi xa cách đây vừa tròn 55 năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại Tài liệu tuyệt đối bí mật (Di chúc) của Người cùng muôn vàn tình thương yêu cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta. Dưới ánh sáng tư tưởng của Hồ Chí Minh, Đảng Cộng sản Việt Nam, nhân dân Việt Nam cũng như Đảng bộ, nhân dân Thủ đô Hà Nội không ngừng phấn đấu, nỗ lực vươn tới những tầm cao mới. Trong thời kỳ chiến tranh ác liệt, thế giới đã ngợi ca Hà Nội là “Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người”; Sang thời kỳ xây dựng, đổi mới, hội nhập, UNESCO đã vinh danh Hà Nội là “Thành phố vì hòa bình”, “Thành phố sáng tạo”. 

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Agribank - Doanh nghiệp đạt chuẩn Văn hóa kinh doanh Việt Nam năm 2024

Agribank - Doanh nghiệp đạt chuẩn Văn hóa kinh doanh Việt Nam năm 2024

(PNTĐ) - Chiều 10/11/2024, tại Nhà hát Lớn Hà Nội diễn ra Diễn đàn quốc gia thường niên “Văn hóa với Doanh nghiệp” lần thứ tư năm 2024 và Chương trình xét, công nhận “Doanh nghiệp đạt chuẩn Văn hóa kinh doanh Việt Nam” năm 2024 nhằm tôn vinh các doanh nghiệp thực thi tốt văn hóa kinh doanh, đáp ứng các chuẩn mực, tiêu chí văn hóa kinh doanh Việt Nam. Agribank là đại diện ngân hàng duy nhất được vinh danh là “Doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa kinh doanh Việt Nam” năm 2024.
Chất vấn tại Quốc hội: “Nóng” về quản lý thị trường vàng, đô la Mỹ

Chất vấn tại Quốc hội: “Nóng” về quản lý thị trường vàng, đô la Mỹ

(PNTĐ) - Mở đầu Phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, tiến hành theo cách thức "hỏi nhanh, đáp gọn", ngày 11/11, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng đã giải đáp nhiều cầu hỏi liên quan đến bình ổn thị trường vàng, lượng kiều hối về Việt Nam.
Quốc hội bắt đầu phiên chất vấn và trả lời chất vấn

Quốc hội bắt đầu phiên chất vấn và trả lời chất vấn

(PNTĐ) - Sáng nay (11/11), tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Phát biểu khai mạc phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tin tưởng với trí tuệ, tinh thần trách nhiệm cao, kinh nghiệm thực tiễn công tác, phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 8 sẽ diễn ra sôi nổi, dân chủ, trên tinh thần xây dựng, có nhiều thông tin phản ánh thực trạng tình hình, có nhiều đề xuất, kiến nghị, hiến kế cho Chính phủ, các Bộ trưởng, Trưởng ngành.