Đại biểu Quốc hội: Cần cấm mô hình nhà trọ kết hợp kinh doanh trong khu dân cư

VÂN NGA
Chia sẻ

(PNTĐ) - Từ vụ cháy ở Trung Kính làm 14 người chết, các đại biểu Quốc hội đã có những đề xuất cần quy định trong luật về việc cấm nhà ở kết hợp kinh doanh, cho thuê trọ đông người.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) bày tỏ nỗi buồn về vụ cháy ở Trung Kính, và chỉ ra, thực tế các khu chung cư mini, nhà trọ mọc lên rất nhiều, để rà soát một cách triệt để trên địa bàn Hà Nội là rất khó.

Đại biểu Quốc hội: Cần cấm mô hình nhà trọ kết hợp kinh doanh trong khu dân cư - ảnh 1
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương)

Theo đại biểu Nga, nếu như xử lý theo hướng tất cả các khu nhà trọ và các chung cư mini không đảm bảo tiêu chuẩn phòng cháy, chữa cháy sẽ không cho thuê trọ nữa, sẽ dẫn đến hai hệ lụy.

Trước hết là tác động đến chủ đầu tư khi họ phải dừng phương tiện kinh doanh mang lại thu nhập. Mặt khác, nếu dừng thì tất cả những người lao động có thu nhập thấp đang sinh sống ở khu nhà đó sẽ đi đâu, về đâu, và con số này là không nhỏ.

Nếu cùng một lúc chúng ta làm theo hướng đó thì tác động xã hội vô cùng lớn và không thể buông lỏng. Theo đại biểu Nga, các quy định về phòng cháy chữa cháy đã có, trách nhiệm của từng cấp, từng ngành cũng đã rõ. Quan trọng là phải rà soát tích cực và có phương án với từng loại hình. 

Đặc biệt, bà Nga nhấn mạnh công tác tập huấn về phòng, chống cháy nổ và tập huấn về kỹ năng ứng phó khi có sự cố cháy xảy ra rất cần thiết.

"Tôi cảm giác chúng ta chỉ làm rốt ráo mỗi khi xảy ra vụ cháy thương tâm nhưng sau đó lại để trôi đi", bà Nga nêu.

Theo đại biểu, một trong số nguyên nhân xảy ra vụ cháy thương tâm nằm ở thức của con người. Nhiều khi chúng ta không nghĩ hành vi của mình lại bất cẩn có thể gây tai nạn thương tâm. Cho nên ngay chủ nhà, người thuê trọ cần hết sức cẩn trọng đối với hành vi của mình.

Đại biểu Quốc hội: Cần cấm mô hình nhà trọ kết hợp kinh doanh trong khu dân cư - ảnh 2
Đại biểu Trịnh Xuân An, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh

Bày tỏ đau xót khi nghe tin sự việc, đại biểu Trịnh Xuân An, Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho biết, đây là một vụ việc hết sức bi thảm, với 14 người chết và 1 người đang nguy kịch.

Đại biểu An chỉ ra thực tế: Dù quy định đã có, sau mỗi vụ chúng ta đều rút kinh nghiệm, chỉ đạo, triển khai các biện pháp nhưng quan trọng là nguy cơ cháy nổ nhà dân, nhà thuê trọ có thể xảy ra bất cứ khi nào, chỉ cần một chút không cẩn trọng sẽ dẫn đến hậu quả khôn lường". 

Rủi ro đó đang diễn ra hàng ngày, hàng giờ. Bởi thuê trọ là nhu cầu của người dân, của người lao động tại các thành phố lớn. 

Do đó, đại biểu cho rằng, từ hai vụ cháy thảm khốc ở Trung Kính, Thanh Xuân, biện pháp phòng ngừa phải được quan tâm trước tiên. Ý thức của người dân phải tăng cường, phải nhận thấy nguy cơ cháy lúc nào cũng hiện hữu thì mới không để xảy ra rủi ro. 

Bên cạnh đó là vai trò của cơ quan quản lý và cấp các cấp chính quyền, địa biểu cho rằng:Chúng ta sẽ không đủ lực lượng chuyên trách để đến từng nhà canh chừng, nhưng phường, các cấp đoàn thể cơ sở phải rất sát, phải vận động tuyên truyền nâng cao cảnh giác.

Tất cả các khu vực nhà trọ tại Hà Nội và TP.HCM và các thành phố lớn, kể cả những thành phố như Bình Dương, Đồng Nai, Hải Dương, Bắc Ninh - nơi tập trung đông người lao động, công nhân, phải rà soát một cách chặt chẽ, trang bị bình cứu hỏa, phải sắp xếp, bố trí cầu thang thoát hiểm...

"Lâu nay chúng ta chỉ rà soát thông thường, dừng lại nhắc nhở, còn giờ phải có biện pháp mạnh tay. Nếu thấy nguy cơ cao, đe dọa tính mạng người dân thì phải cưỡng chế, yêu cầu bỏ ngay các vật cản, mái tôn và phải thiết kế thêm lối thoát hiểm", đại biểu An nói.

Dẫn lại vụ cháy tại Trung Kính, ông An chỉ ra khu vực ở trên mái nhà quây tôn kín còn ở dưới là kinh doanh xe. Nếu là người có trách nhiệm, phải yêu cầu gỡ bỏ mái tôn hoặc mở đường thoát hiểm.

Đại biểu đề xuất: "Việc này khó đưa vào quy định pháp luật nhưng trong thực thi phải chú ý đến những tiểu tiết như vậy". Đặc biệt, phải có quy định cụ thể đối với nhà ở kết hợp với sản xuất kinh doanh.

"Khi kết hợp như vậy, phải có phương án và các giải pháp phòng cháy. Trong trường hợp kết hợp với sản xuất kinh doanh có cả phòng trọ thì nên cấm để không thể tạo ra những rủi ro cao", ông An nói. 

Bên cạnh đó, theo đại biểu An, cần rà soát lại yêu cầu, tiêu chuẩn cho phép kinh doanh các mặt hàng dễ cháy ở khu đông dân cư, ví dụ kinh doanh xe điện, mút xốp, hóa chất, hàng hóa có nguy cơ cháy cao… Từ đó, cần thiết có yêu cầu khắt khe hơn về phòng cháy, chữa cháy trong những trường hợp này.

Với đại biểu Phạm Văn Hoà (đoàn Đồng Tháp), việc để xảy ra nhiều vụ cháy nghiêm trọng, trách nhiệm đầu tiên thuộc về chủ đầu tư.

Đồng thời, trách nhiệm của chính quyền địa phương, của đơn vị phòng cháy, chữa cháy cũng rất lớn, đặc biệt, trong công tác kiểm tra, đánh giá phòng cháy chữa cháy và cảnh báo để người dân nắm được tình hình và phòng tránh cháy nổ.

Đại biểu cho rằng: "Phải thường xuyên kiểm tra, đánh giá mới biết được để cảnh báo, còn không thường xuyên cảnh giác thì làm sao cảnh báo? Một khi đã đánh giá khu nhà trọ, chung cư mini không đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy thì tước giấy phép hành nghề, không cho hoạt động. Nếu cương quyết như thế thì tất cả các nhà trọ, khách sạn, chung cư mini... ở Thủ đô Hà Nội, TP.HCM và khắp cả nước sẽ không dám lơ là".

Bên cạnh đó, thực tế rất nhiều vụ cháy xảy ra mà khi kiểm tra đều không có cửa thoát hiểm, thang thoát nạn, hệ thống chữa cháy yếu, hệ thống điện không đảm bảo an toàn... và cho rằng đây là một vấn đề cần phải kiểm điểm, lại phải có nghiên cứu để khắc phục.

Tin cùng chuyên mục

Cử hành trọng thể Lễ truy điệu và an táng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Cử hành trọng thể Lễ truy điệu và an táng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

(PNTĐ) - Chiều ngày 26/7, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và gia đình đã tổ chức trọng thể Lễ truy điệu đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, theo nghi thức Quốc tang tại Nhà Tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông (Hà Nội); Hội trường Thống Nhất (Thành phố Hồ Chí Minh) và tại quê nhà Nhà Văn hóa, thôn Lại Đà, xã Đông Hội, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội.
Đồng chí Nguyễn Phú Trọng là tấm gương tiêu biểu, mẫu mực, sáng ngời về bản lĩnh, đạo đức cách mạng, "chí công vô tư"

Đồng chí Nguyễn Phú Trọng là tấm gương tiêu biểu, mẫu mực, sáng ngời về bản lĩnh, đạo đức cách mạng, "chí công vô tư"

(PNTĐ) - Trong Lời điếu đọc tại Lễ Truy điệu đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam do đồng chí Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Trưởng Ban Lễ tang đọc trước lĩnh cữu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Nước nhấn mạnh: "Đồng chí Nguyễn Phú Trọng là tấm gương tiêu biểu, mẫu mực, sáng ngời về bản lĩnh, đạo đức cách mạng, "chí công vô tư". Báo Phụ nữ Thủ đô xin trân trọng đăng toàn văn lời điếu.