Góp ý dự thảo luật Bảo vệ Quyền lợi Người tiêu dùng (sửa đổi):
Đề nghị bổ sung quy định quảng cáo không đúng về chất lượng hàng hóa
(PNTĐ) - Sáng 26/4, Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hà Nội tổ chức hội nghị góp ý kiến vào dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi Người tiêu dùng (sửa đổi).

Chủ trì hội nghị có Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Nguyễn Thị Kim Anh và Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Anh Tuấn.
Tại Hội nghị, đại biểu cho rằng, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có phạm vi ảnh hưởng rộng rãi đối với mọi người dân, với nhiều bên liên quan như doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân kinh doanh, cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ... Sau gần 12 năm, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã góp phần tạo hành lang pháp lý, nền tảng thúc đẩy công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại Việt Nam. Tuy nhiên, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng đã bộc lộ những hạn chế, bất cập cần điều chỉnh, đổi mới để phù hợp với sự phát triển kinh tế, thị trường, nhất là yêu cầu hội nhập thương mại toàn cầu như hiện nay.

Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) gồm 7 chương, 79 điều nhằm hoàn thiện thể chế bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, khắc phục vướng mắc, bất cập, góp phần nâng cao đời sống nhân dân và thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước. Đồng thời, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) nhằm đảm bảo sự thích ứng với môi trường kinh doanh mới; đáp ứng yêu cầu trong xu thế hội nhập kinh tế và phù hợp với các cam kết quốc tế.
Góp ý tại khoản 9, Điều 3 về giải thích từ ngữ, các đại biểu đề nghị bổ sung thêm người có ảnh hưởng còn có văn nghệ sĩ, người dẫn chương trình truyền thông.
Tại Điều 2, khoản 1, đại biểu đề nghị bổ sung giải thích khái niệm “người tiêu dùng”, ở đây phải giải thích “người tiêu dùng” gồm cá nhân và tổ chức.

Về các hành vi bị cấm quy định tại Điều 10, đại biểu đề nghị đưa hành vi lợi dụng uy tín, hình ảnh và sức ảnh hưởng của cá nhân người nổi tiếng để quảng cáo sai sự thật, quảng cáo gây nhầm lẫn công dụng của sản phẩm đối với công chúng. Nhiều người lợi dụng nổi tiếng của mình mà quảng cáo không đúng về sản phẩm.
Điều 40, trách nhiệm công bố công khai quảng cáo sản phẩm, đại biểu đặt vấn đề ai là người có trách nhiệm này? Đề nghị phương thức công bố công khai?
Dự thảo Luật cũng nên quy định rõ trách nhiệm đối với hàng hóa giao dịch trên nền tảng không gian mạng, mua sắm trực tuyến nhằm đảm bảo quyền, lợi ích chính đáng cho người tiêu dùng, nhất là đối với các hành vi lừa dối, quảng cáo không đúng sự thật để bán hàng không đảm bảo chất lượng. Cần bổ sung thêm các chế tài cụ thể, xử lý mạnh đối với các vi phạm.
Điều 43, về khái niệm “hàng hóa khuyết tật”, đại biểu đề nghị cần có giải thích rõ. có thể thay bằng hàng hóa không đảm bảo an toàn…
Tại Điều 74 về trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đại biểu đề nghị bổ sung quy định Chính phủ quy định cụ thể về cơ chế bố trí nguồn lực và cơ chế tài chính thống nhất cho hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Về 4 phương thức giải quyết bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đại biểu đề nghị nên rút gọn phương thức thương lượng với hòa giải làm một…
Đại biểu cũng đề nghị ban soạn thảo cần giải thích rõ các thuật ngữ chuyên ngành, cần giải thích sao cho dễ hiểu, dễ thực hiện; cần rà soát nội dung, quy định trong dự thảo Luật để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành, tránh sự trùng lắp, chồng chéo với các luật khác, gây cản trở khi thực hiện.

Phát biểu kết luận hội nghị, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Nguyễn Thị Kim Anh đánh giá cao 13 ý kiến xác đáng, trách nhiệm và tâm huyết của các chuyên gia, trong đó có nhiều người đã từng công tác trong lĩnh vực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và đã nghiên cứu kỹ dự thảo Luật.
Theo bà Nguyễn Thị Kim Anh, các ý kiến tại hội nghị sẽ được tiếp thu, hoàn thiện hơn nữa để đảm bảo vừa phù hợp thông lệ quốc tế và nhu cầu xã hội ngày càng phát triển giúp bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc với chức năng phản biện, giám sát, sẽ góp phần cùng đồng hành với cơ quan Quốc hội để hoàn thiện thể chế, trực tiếp là Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cho phù hợp và đi vào cuộc sống.