Gói 120.000 tỷ đồng dành cho chủ đầu tư và người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân

VÂN NGA
Chia sẻ

(PNTĐ) - Chiều 31/3, tại buổi họp báo thông tin kết quả hoạt động ngân hàng quý I/2023, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, đến ngày 28/3, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 2,06% so với cuối năm 2022, tăng 11,17% so với cùng kỳ năm 2022.

Gói 120.000 tỷ đồng dành cho chủ đầu tư và người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân - ảnh 1
Quang cảnh hội nghị

Theo đó, cơ cấu tín dụng tiếp tục tập trung vốn cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng theo chủ trương của Chính phủ.

Tốc độ tăng trưởng tín dụng của mấy tháng đầu năm là không cao, nhưng cũng có những lý do khách quan lẫn chủ quan. Khó khăn của nhiều doanh nghiệp hiện nay khiến nhu cầu tín dụng bị chững lại. Thêm vào đó, giai đoạn đầu năm, một số dự án, giải ngân đầu tư chậm do bị ảnh hưởng bởi kỳ Tết Nguyên đán, dẫn đến tín dụng cũng tăng chậm.

Tháng 2/2023 Ngân hàng Nhà nước đã phân bổ hạn mức tín dụng cho các ngân hàng thương mại. Tuy tín dụng những tháng đầu năm tăng chậm, nhưng trong năm nay tín dụng vẫn tăng khoảng 14-15%. Room tín dụng không còn là vấn đề và hiện câu chuyện tín dụng lúc này là điều kiện vay vốn, nhu cầu tín dụng của các doanh nghiệp.

Đối với tín dụng bất động sản, 4 ngân hàng thương mại Nhà nước (Agribank, BIDV, Vietcombank, VietinBank) thống nhất có gói 120.000 tỷ đồng dành cho chủ đầu tư và người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ vay. Lãi suất trong thời gian ưu đãi thấp hơn 1,5-2% so với lãi suất cho vay trung dài hạn bình quân của 4 ngân hàng thương mại nhà nước trên thị trường.

Phó thống đốc cho biết thêm, trong 1-2 ngày tới sẽ có văn bản chính thức triển khai gói tín dụng 120 nghìn tỷ này, để có hướng dẫn cho vay thống nhất ở cả 4 ngân hàng.

Nói thêm về gói 120 nghìn tỷ đồng, bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, đối tượng cho vay của gói này là chủ dự án và người mua nhà tại nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, và nhà cải tạo chung cư cũ. Về nguyên tắc mỗi người mua nhà chỉ được vay một lần, khách hàng phải đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật của Bộ Xây dựng và các điều kiện vay vốn theo quy định hiện hành của các ngân hàng thương mại. Khi doanh số đạt 120.000 tỷ đồng thì chương trình sẽ dừng. Năm 2023, dự kiến lãi suất cho vay là 8,7%/năm đối với chủ đầu tư và áp dụng trong 3 năm và 8,2%/năm đối với người mua nhà áp dụng trong 5 năm.

Về điều hành lãi suất, Phó thống đốc Đào Minh Tú cho biết, trong hơn 2 tháng đầu năm 2023, Ngân hàng Nhà nước giữ nguyên các mức lãi suất điều hành nhằm ổn định lãi suất thị trường trong bối cảnh lãi suất thế giới tiếp tục tăng và neo ở mức cao, áp lực lạm phát trong nước gia tăng.

Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước đã giảm lãi suất tái chiết khấu từ 4,5%/năm xuống 3,5%/năm, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước đối với tổ chức tín dụng giảm từ 7%/năm xuống 6%/năm; lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của tổ chức tín dụng đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế giảm từ 5,5%/năm xuống 5,0%/năm, lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của Quỹ tín dụng nhân dân và Tổ chức tài chính vi mô đối với các nhu cầu vốn này giảm từ 6,5%/năm xuống 6,0%/năm.

Trong tháng 2/2023, Ngân hàng Nhà nước đã làm việc với các ngân hàng thương mại, khuyến khích các ngân hàng thương mại tiết giảm chi phí, tiếp tục giảm lãi suất tiền gửi để có điều kiện giảm lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp, nền kinh tế phục hồi sản xuất kinh doanh.

Theo đó, các ngân hàng thương mại đã điều chỉnh giảm lãi suất tiền gửi từ 0,2-0,5%/năm đối với các kỳ hạn từ 6-12 tháng kể từ ngày 6/3/2023. Trên cơ sở đó, ngân hàng thương mại có điều kiện để điều chỉnh giảm lãi suất cho vay hỗ trợ khách hàng giảm chi phí tài chính.

Theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục bám sát diễn biến thị trường, tình hình kinh tế trong và ngoài nước để điều hành linh hoạt, đồng bộ các công cụ và giải pháp chính sách tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối, kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng theo định hướng đề ra.

Bên cạnh đó, điều hành tăng trưởng khối lượng và cơ cấu tín dụng hợp lý, đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng cho nền kinh tế nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng nền kinh tế theo chủ trương của Chính phủ, kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng./.

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

 Bộ Công Thương chỉ đạo các đơn vị thực hiện nghiêm về hóa đơn điện tử bán lẻ xăng dầu

Bộ Công Thương chỉ đạo các đơn vị thực hiện nghiêm về hóa đơn điện tử bán lẻ xăng dầu

(PNTĐ) -Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên vừa ký ban hành Công điện gửi Tổng cục Quản lý thị trường và các Cục Quản lý thị trường tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc thực hiện nghiêm quy định về hóa đơn điện tử đối với hoạt động kinh doanh, bán lẻ xăng dầu.
Từ 1/4, Hà Nội thực hiện Điều tra dân số giữa kỳ năm 2024

Từ 1/4, Hà Nội thực hiện Điều tra dân số giữa kỳ năm 2024

(PNTĐ) - Theo Cục Thống kê thành phố Hà Nội, thực hiện cuộc Điều tra dân số giữa kỳ năm 2024 diễn ra từ ngày 1/4 đến 30/4, Thành phố có 2.441 địa bàn điều tra, với 58.440 hộ điều tra phiếu ngắn, 14.790 hộ điều tra phiếu dài tại 557 xã, phường, thị trấn của 30 quận, huyện, thị xã. Đến nay, công tác chuẩn bị đã cơ bản hoàn tất, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ.