Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
Hà Nội: Đẩy mạnh chăm lo sức khỏe cho đồng bào dân tộc thiểu số
(PNTĐ) - Thực hiện mục tiêu cải thiện sức khoẻ của người dân tộc thiểu số về thể chất và tinh thần, tầm vóc, tuổi thọ; Tiếp tục khống chế, tiến tới loại bỏ dịch bệnh ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thuộc Dự án 7, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, những năm qua, thành phố đã có nhiều cơ chế, chính sách và đầu tư nguồn lực không nhỏ vào công tác y tế tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Xác định chăm sóc sức khỏe là 1 trong 9 mục tiêu quan trọng
Căn cứ Nghị quyết của Quốc hội, đặc điểm tình hình vùng đồng bào DTTS và miền núi (DTTS&MN) của Thủ đô, Kế hoạch 253/KH-UBND ngày 11/11/2021 của UBND Thành phố về Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN của Thủ đô đoạn 2021 - 2030 đã đề ra 09 nội dung để phát triển toàn diện kinh tế, xã hội vùng đồng bào DTTS&MN của Thủ đô Hà Nội.
Theo thống kê, hiện nay trên địa bàn Hà Nội có khoảng hơn 100.000 người thuộc 50/53 DTTS sinh sống đan xen cùng người Kinh ở tất cả 30/30 quận, huyện, thị xã, chiếm 1,3% dân số toàn thành phố. Trong đó, đồng bào các DTTS sống quần cư thành thôn ở 5 huyện: Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ và Mỹ Đức, với dân số trên 55.000 người, chiếm 51% người DTTS trong toàn thành phố.
Trong số 09 nội dung để phát triển toàn diện kinh tế, xã hội vùng đồng bào DTTS&MN của Thủ đô Hà Nội, mục tiêu thứ 7 được đặt ra là: Chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số; phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em. Cụ thể hóa mục tiêu này, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 221/KH - UBND, triển khai tại địa bàn 13 xã thuộc 4 huyện vùng đồng bào DTTS&MN của Thủ đô, gồm 7 xã của huyện Ba Vì, 3 xã của huyện Thạch Thất, 2 xã thuộc huyện Quốc Oai và 1 xã thuộc huyện Mỹ Đức.
Dự án thực hiện nhằm cải thiện sức khỏe của người DTTS về thể chất, tinh thần, tầm vóc, tuổi thọ; tăng cường công tác y tế cơ sở để đồng bào DTTS được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc có chất lượng, hiện đại về sức khỏe, dinh dưỡng cho bà mẹ, trẻ em; tiếp tục khống chế, tiến tới loại bỏ dịch bệnh ở vùng đồng bào DTTS&MN, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN.
Mục tiêu đến năm 2025, dự án sẽ hỗ trợ đào tạo bác sĩ Chuyên khoa I, Chuyên khoa II và sinh viên ngành Điều dưỡng, các ngành thuộc nhóm: kỹ thuật, y học cho các huyện nghèo, khó khăn, vùng đồng bào DTTS&MN. Dự án cũng đặt ra các nội dung thực hiện như tiến tới không có virus bại liệt hoang dại.
Phấn đấu 85% người cao tuổi được khám sức khỏe định kỳ ít nhất 1 lần/năm tại các xã thuộc vùng đồng bào DTTS&MN. Với phụ nữ có thai, trên 95% được khám thai ít nhất 4 lần trong 3 thời kỳ của thai kỳ; trên 99,9% phụ nữ sinh con ở cơ sở y tế hoặc có sự giúp đỡ của cán bộ y tế. Đặc biệt chú trọng duy trì tỷ suất tử vong mẹ dưới 10 ca/100.000 trẻ đẻ sống; duy trì tỷ suất tử vong trẻ dưới 1 tuổi xuống dưới 4%.
Về giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thể gày còm ở trẻ em dưới 5 tuổi xuống dưới 3%; giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi xuống dưới 11,5%; giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân ở trẻ em dưới 5 tuổi xuống còn 6,8%.
Người dân phấn khởi vì được chăm lo
Cùng với việc đề ra các chỉ tiêu nhằm cải tiện sức khỏe người DTTS, nhằm bảo đảm an sinh xã hội, những năm qua, thành phố cũng quan tâm, chỉ đạo, bố trí kinh phí hỗ trợ chính sách chăm sóc sức khỏe toàn diện đến với đông đảo bà con. Điển hình là việc đầu tư nguồn nhân lực, vật lực cho các tuyến y tế có sở cả về y học lâm sàng và y học dự phòng, y học gia đình; bảo đảm 100% số xã dân tộc thiểu số đạt chuẩn về y tế xã theo tiêu chí mới, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu chuyên môn của ngành y tế.
Tại xã An Phú (huyện Mỹ Đức, Hà Nội), trạm trưởng trạm y tế xã chia sẻ: Với sự đầu tư của thành phố nhất là từ 2019, Trạm y tế xã được xây mới, có trang thiết bị đạt chuẩn quốc gia như: Máy hút dịch, máy siêu âm, máy điện tim, máy doppler tim thai, máy xét nghiệm, máy dùng cho sơ cấp cứu... đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân xã miền núi An Phú. Mấy năm gần đây, Trạm luôn duy trì đạt tiêu chí, phát huy tốt nhất những thành quả đạt được, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho người dân.
Phòng khám đa khoa khu vực Tản Lĩnh, huyện Ba Vì, cũng được thành phố đầu tư xây dựng theo mô hình bệnh viện thu nhỏ và chính thức đưa vào hoạt động từ tháng 7/2018, phục vụ khám, chữa bệnh cho người dân một số xã, như Tản Lĩnh, Ba Trại, Vân Hòa, Yên Bài… Với cơ sở rộng hơn 4.400 m2, Phòng khám có 6 bác sĩ và một số y sĩ, điều dưỡng… Trung bình hằng tháng, Phòng khám tổ chức khám chữa bệnh cho khoảng 1.000 - 1.500 bệnh nhân…, đáp ứng tốt nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân ở các xã miền núi.
Với việc đầu tư cơ sở hạ tầng về tận cơ sở, hoạt động khám sức khỏe cho nhân dân nói chung, bà con đồng bào DTTS nói riêng có rất nhiều thuận lợi, nhất là khi thành phố tổ chức chương trình khám, tư vấn sức khỏe và phát thuốc miễn phí cho đồng bào vùng dân tộc theo thông lệ.
Là một trong hàng ngàn người dân được khám bệnh, cấp thuốc miễn phí theo chương trình của thành phố, bà Quách Thị Mẻo (67 tuổi, dân tộc Mường, thôn Lụa, xã Yên Bình, huyện Ba Vì) phấn khởi cho biết: "Tôi thường xuyên bị mất ngủ và đau nửa người bên trái, nhưng do điều kiện kinh tế gia đình khó khăn nên chưa lần nào đi khám, chữa bệnh ở tuyến trên.
Những lúc đau quá, tôi chỉ biết đến trạm y tế xã khám bệnh và xin thuốc giảm đau về uống. Tôi cũng chưa từng được sử dụng máy móc, thiết bị hiện đại khi khám bệnh... nên có đợt bác sĩ tuyến trên về khám bệnh miễn phí tại trạm y tế xã, tôi đã có mặt từ rất sớm, xếp hàng để được khám tổng quát. Tôi không chỉ được khám bệnh, cấp thuốc miễn phí, mà cháu ngoại của tôi còn được tặng sách vở, sữa, bánh, kẹo... nữa".
Có thể nói, việc đẩy mạnh chăm lo đời sống, sức khỏe cho bà con DTTS với nhiều hoạt động thiết thực, là một trong những cách thể hiện truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái giữa đồng bào các dân tộc; đồng thời thể hiện trách nhiệm của các sở, ban, ngành của thành phố, đặc biệt là tấm lòng của các y, bác sĩ đối với cộng đồng dân tộc thiểu số và miền núi của Thủ đô.