Hà Nội thử nghiệm cơ chế, chính sách mới trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo

Chia sẻ

Trong triển khai chương trình, cần lấy doanh nghiệp làm trung tâm, trên cơ sở khai thác, sử dụng có hiệu quả mọi tiềm lực khoa học và công nghệ trong và ngoài nước... Đó là nội dung truyền đạt của đồng chí Nguyễn Văn Phong, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội tại hội nghị trực tuyến cán bộ chủ chốt học tập, nghiên cứu, quán triệt 10 chương trình công tác.

Chiều ngày 23/4, tiếp tục hội nghị trực tuyến cán bộ chủ chốt Thành phố học tập, nghiên cứu, quán triệt, tuyên truyền 10 chương trình công tác toàn khóa của Thành ủy Hà Nội khóa XVII, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong đã truyền đạt nội dung Chương trình số 07-CTr/TU về “Đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025”. Đây là một trong 3 chương trình công tác mới, nhằm khai thác tiềm năng, thế mạnh rất lớn của Hà Nội về khoa học, công nghệ với tư cách là trung tâm của cả nước, tập trung nhiều cơ sở nghiên cứu, nhiều nhà khoa học và đội ngũ trí thức cả nước.

Đồng chí Nguyễn Văn Phong, Phó Bí thư Thành ủy truyền đạt nội dung Chương trình số 07-Ctr/TU.Đồng chí Nguyễn Văn Phong, Phó Bí thư Thành ủy truyền đạt nội dung Chương trình số 07-Ctr/TU.

Theo Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong, Chương trình số 07-CTr/TU nhằm phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo để thực sự trở thành động lực chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô; xây dựng Hà Nội trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao và phát triển công nghệ hàng đầu của cả nước, tiến tới là trung tâm khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của khu vực Đông Nam Á trong một số lĩnh vực.

Định lượng rõ hơn mục tiêu chung nêu trên, chương trình đề ra 5 mục tiêu cụ thể.

Thứ nhất là xây dựng thành phố Hà Nội trở thành trung tâm công nghệ cao với tiềm lực nghiên cứu khoa học, năng lực nghiên cứu, sáng chế và ứng dụng chuyển giao công nghệ dẫn đầu cả nước; tiến tới nhóm dẫn đầu khu vực Đông Nam Á trong nghiên cứu cơ bản về toán, vật lý và y học.

Thứ hai là trở thành đầu tàu của cả nước trong việc thúc đẩy, hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa của doanh nghiệp trên nền tảng đổi mới công nghệ và áp dụng các hệ thống quản lý, quản trị tiên tiến, các công cụ cải tiến nâng cao năng suất, chất lượng, áp dụng các tiêu chuẩn hài hòa với tiêu chuẩn khu vực và quốc tế.

Thứ ba là hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của thành phố dẫn đầu cả nước vào năm 2025, thuộc nhóm dẫn đầu khu vực ASEAN vào năm 2030 và thuộc nhóm dẫn đầu ở châu Á vào năm 2045.

Thứ tư là trở thành trung tâm cung ứng đào tạo nguồn nhân lực công nghệ thông tin, đáp ứng trình độ quốc tế hàng đầu cả nước; là một trung tâm phần mềm hàng đầu châu Á.

Thứ năm là cơ bản hoàn thành chuyển đổi số trong các cơ quan của hệ thống chính trị thành phố; xây dựng chính quyền điện tử, tiến tới chính quyền số; tiếp tục xây dựng thành phố thông minh.

Các mục tiêu này được cụ thể hóa thành 7 nhóm chỉ tiêu. Trong đó, thành phố phấn đấu đạt năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đóng góp trên 50% vào tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP); tốc độ tăng năng suất lao động đạt 7-7,5%; tỷ lệ sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt trên 70% trên tổng sản phẩm nông nghiệp; tỷ trọng kinh tế số chiếm khoảng 30% GRDP; doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo đạt trên 50%... 

Nhiệm vụ, giải pháp đầu tiên được Thành ủy Hà Nội xác định trong chương trình là tập trung xây dựng và hoàn thiện thể chế. Cụ thể là nghiên cứu, đề xuất Trung ương hoàn thiện các chính sách, pháp luật về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo...; cho phép Hà Nội thực hiện cơ chế, thử nghiệm chính sách mới trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, trước hết là các chính sách thúc đẩy ứng dụng, chuyển giao công nghệ mới, triển khai một số mô hình kinh tế mới, thu hút nguồn lực xã hội đầu tư cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo…; xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù của Thủ đô trong thúc đẩy việc ứng dụng, chuyển giao công nghệ, làm chủ công nghệ mới và hỗ trợ hoạt động đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp.

Ngoài ra, để phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ, Hà Nội sẽ xây dựng và phát triển các giải pháp đồng bộ về tài chính và đầu tư; khơi thông và sử dụng hiệu quả các nguồn lực xã hội đầu tư cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Phấn đấu đến năm 2025, tổng đầu tư cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đạt trên 1% GRDP Thủ đô.

“Thành phố cũng sẽ phối hợp xây dựng, phát triển Khu công nghệ cao Hòa Lạc thành trung tâm nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo của quốc gia, là mô hình điểm cho việc liên kết nghiên cứu, phát triển công nghệ giữa các trường đại học, viện nghiên cứu và doanh nghiệp, là vùng lõi của đô thị vệ tinh Hòa Lạc...”, đồng chí Nguyễn Văn Phong nói.

HẢI NAM

 

Tin cùng chuyên mục

Chuyển đổi xanh và chuyển đổi số ngày càng trở nên cấp thiết

Chuyển đổi xanh và chuyển đổi số ngày càng trở nên cấp thiết

(PNTĐ) - Ngày 10/5, Bộ Nông nghiệp và Môi trường phối hợp với UBND tỉnh Bắc Ninh tổ chức Hội nghị triển khai “Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia” trong lĩnh vực nông nghiệp và môi trường (NN&MT).
Hà Nội đẩy mạnh truyền thông về lấy ý kiến về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 2013

Hà Nội đẩy mạnh truyền thông về lấy ý kiến về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 2013

(PNTĐ) - Ngày 10/5, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn - Chủ tịch Hội đồng Phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật TP đã ban hành Văn bản số 04/CV-HĐ về đẩy mạnh truyền thông về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.