Phải đổi mới căn bản tư duy xây dựng pháp luật, chuyển từ quản lý sang phục vụ

VÂN NGA
Chia sẻ

(PNTĐ) - Chiều 17/5, thảo luận tại tổ 1, đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh: Trước hết, phải đổi mới căn bản tư duy xây dựng pháp luật, chuyển từ quản lý sang phục vụ, từ bị động sang chủ động, kiến tạo cho phát triển; phải hình dung trước sự phát triển đòi hỏi thế nào để có quy định phù hợp. Xây dựng pháp luật phải đi trước một bước, bảo đảm tính dự báo cao, phù hợp thực tiễn và yêu cầu sự vận dụng nhanh chóng, phục vụ yêu cầu phát triển.

Chiều nay 17/5, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ về các dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam; Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu thầu; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; Luật Hải quan; Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Luật Đầu tư; Luật Đầu tư công; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.

Để thẳng mới chạy thì người ta xa mình nhiều rồi

Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, thể chế đang là “điểm nghẽn” kìm hãm sự phát triển; đồng thời thể chế pháp luật cũng được xác định rõ là động lực nền tảng cho phát triển. Do đó, mấy kỳ họp gần đây, cả thường kỳ và bất thường, Quốc hội đều tập trung vào công tác lập pháp, nhất là Kỳ họp thứ 9 có khối lượng công việc rất lớn. Tuy nhiên, bước đầu mới nghiên cứu sửa đổi, bổ sung một số quy định có vướng mắc trên thực tế, về lâu dài sẽ nghiên cứu hoàn thiện, sửa đổi căn bản, toàn diện.

Phải đổi mới căn bản tư duy xây dựng pháp luật, chuyển từ quản lý sang phục vụ - ảnh 1
Tổng Bí thư Tô  (ảnh Phạm Thắng)

Tổng bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, trước đây, việc xây dựng pháp luật chỉ nghĩ đến quản lý xã hội, quản lý trật tự, quản lý hành vi… còn cái gì không quản được thì cấm. Trong khi đó, yêu cầu rất cao về huy động sức dân, quy định có tính mở đường, khuyến khích, có tầm nhìn cho phát triển để kiến tạo thì ít được để ý. Chính vì vậy, một trong những luật được đặt vấn đề sửa đầu tiên là Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Nghị quyết số 66-NQ/TW của Bộ Chính trị về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới ra đời với mục tiêu xây dựng hệ thống pháp luật đồng bộ, khả thi, minh bạch, tạo môi trường sản xuất kinh doanh, đổi mới sáng tạo, xử lý triệt để những chồng chéo, mâu thuẫn.

Phải đổi mới căn bản tư duy xây dựng pháp luật, chuyển từ quản lý sang phục vụ - ảnh 2
Quang cảnh buổi thảo luận tại tổ 1

“Giờ sửa hết thì không có đủ thời gian trong bối cảnh “vừa chạy vừa xếp hàng”. Hàng ngũ chưa được thẳng nhưng vẫn phải chạy, vì để thẳng mới chạy thì người ta xa mình nhiều rồi” – Tổng Bí thư nói.

Trước hết, phải đổi mới căn bản tư duy xây dựng pháp luật, chuyển từ quản lý sang phục vụ, từ bị động sang chủ động, kiến tạo cho phát triển; phải hình dung trước sự phát triển đòi hỏi thế nào để có quy định phù hợp.

Xây dựng pháp luật phải đi trước một bước, đảm bảo tính dự báo cao, phù hợp thực tiễn và yêu cầu sự vận dụng nhanh chóng, phục vụ yêu cầu phát triển.

Cùng với đó thi hành pháp luật nghiêm minh, công bằng và thực chất; gắn liền với công khai, minh bạch, thuận tiện tối đa cho người dân, DN và toàn xã hội. Luật pháp không phục vụ riêng cho nhóm nào mà cho toàn dân, cho mọi đối tượng.

Các quy định phải phân cấp, phân quyền rõ ràng, gắn với trách nhiệm, xóa bỏ cơ chế xin – cho; triệt tiêu lợi ích cục bộ, đặc quyền, lợi ích nhóm.

Hệ thống tín dụng phải bảo đảm quyền lợi của dân

Góp ý trực tiếp vào các luật tại Kỳ họp thứ 9, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, Quốc hội chủ yếu mới xem xét sửa một số điều để xử lý những vấn đề bức xúc, khó khăn, cản trở trên thực tiễn.

Phải đổi mới căn bản tư duy xây dựng pháp luật, chuyển từ quản lý sang phục vụ - ảnh 3
Tổng Bí thư Tô Lâm thảo luận tại tổ 1 (ảnh Phạm Thắng)

Như vấn đề quốc tịch, thì dòng máu Việt phải được tôn vinh, người có dòng máu Việt phải phải được xem xét có quốc tịch Việt Nam, trừ trường hợp họ từ bỏ, không thực hiện nghĩa vụ công dân mang quốc tịch Việt Nam.

Các quy định làm sao huy động được sức mạnh, tôn vinh được người đóng góp cho đất nước Việt Nam, trong đó có cả người nước ngoài. Người tâm huyết, tài năng, trách nhiệm với đất nước Việt Nam thì cần tôn vinh, thừa nhận. Nhiều nước, như Hoa Kỳ rất thành công khi chọn lọc nhân tài trên các lĩnh vực, thậm chí cả người giàu có đóng góp cho nước họ.

Tổng Bí thư Tô Lâm góp ý vào dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu thầu; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; Luật Hải quan; Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Luật Đầu tư; Luật Đầu tư công; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.

Theo Tổng Bí thư, việc thực hiện các quy định hiện hành còn quá khó khăn, cần tháo gỡ. Nhu cầu nguồn lực cho phát triển đất nước rất lớn, phải đi vay mà nhiều năm có tiền không tiêu được hết. Như mục tiêu của đấu thầu là để hiệu quả nhất, tốc độ nhanh nhất, chất lượng tốt nhưng xét ra lại nhiều “tội”, vì gây chậm tiến độ, chất lượng kém, không tiết kiệm, thậm chí mất cán bộ.

Rồi hợp tác công - công cũng khó khăn. Cùng tiền Nhà nước mà hai bên không hợp tác được với nhau. Hay công - tư, muốn phát triển phải huy động sức toàn dân mà muốn đóng góp vào có khi cũng không được… Những “bệnh” này trên thực tế nhiều lắm, do đó, các quy định phải làm sao khắc phục được.

Với doanh nghiệp tư nhân, đôi khi đối xử chưa công bằng. Họ có vốn, sức lực, tâm huyết nhưng khi muốn tham gia lại bảo thế này thế kia, nói thuộc hệ sinh thái gì đó… Như thế không phát huy được. Trong khi đó chính họ tiêu thụ nguồn lực rất lớn từ nước ngoài, nhất là đầu tư gián tiếp, qua các quỹ, với số vốn vài chục nghìn tỷ đô la, còn FDI chỉ mới chỉ mấy chục tỷ đô la.

Nguồn lực vô cùng lớn nhưng chưa huy động, kêu gọi được thành ra gây nhiều bức xúc, nên phải nghiên cứu sửa ngay một số điều để khơi thông nguồn lực, tháo gỡ khó khăn; để giải ngân vốn đầu tư công phải nhanh, hợp tác công, tư rành mạch.

Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh: “Đấu thầu để ngăn chặn tiêu cực nhưng thực chất ngăn chặn được không? Hay là thông thầu, bán thầu hết rồi? Ông thầu rất to nhưng ra làm đường có thấy ông làm đâu, bán đến F9, F10 rồi. Đó có phải mục tiêu đấu thầu đâu! Tại sao không lên án, tố cáo, chỉ ra? Như mình làm nhà, chọn ông kiến trúc sư giỏi, ông xây dựng giỏi rồi hết bao tiền thì trả. Công trình nhà nước cũng phải như nhà mình. Còn không tin ông thì tôi quản lý ông bằng cách khác".

Phải đổi mới căn bản tư duy xây dựng pháp luật, chuyển từ quản lý sang phục vụ - ảnh 4
Quang cảnh buổi thảo luận tại tổ 1 (ảnh Phạm Thắng)

Liên quan quy định về các tổ chức tín dụng, Tổng Bí thư Tô lâm cũng lưu ý phải làm sao thực sự phục vụ sản xuất kinh doanh, huy động được nguồn lực xã hội. Bởi, nguồn lực xã hội lớn lắm, làm sao để người dân đóng góp vào kiến thiết đất nước mà vẫn hưởng được quyền lợi xứng đáng. Quy định phải huy động được toàn bộ sức của dân, không để tiền nhàn rỗi.

Theo Tổng Bí thư, một vấn đề nữa là việc tiếp cận tín dụng còn khó, “tín dụng đỏ” không phát triển thì “tín dụng đen” lại có cơ hội. Dân cần vốn mà tiếp cận ngân hàng lại khó khăn, thủ tục này kia thì nhiều người vay “tín dụng đen” cho nhanh, rồi sinh câu chuyện lãi cao, bóc lột. Do đó, hệ thống tín dụng phải thực sự huy động vốn của dân, phục vụ doanh nghiệp đưa vào sản xuất kinh doanh.

Tổng Bí thư Tô Lâm lưu ý hệ thống tín dụng phải bảo đảm quyền lợi của dân. Bởi tiền dân gửi là hợp pháp, còn tổ chức tín dụng được Nhà nước cấp phép, xét duyệt điều lệ, kiểm soát.

 

 

Tin cùng chuyên mục

Sư đoàn Phòng không 361 đón nhận Huân chương Bảo vệ Tổ quốc Hạng Nhất

Sư đoàn Phòng không 361 đón nhận Huân chương Bảo vệ Tổ quốc Hạng Nhất

(PNTĐ) - Tròn 60 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, sáng 17/5, Sư đoàn Phòng không 361 long trọng kỷ niệm Ngày truyền thống và đón nhận phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước: Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất. Đây không chỉ là sự ghi nhận những chiến công hiển hách trong lịch sử, mà còn là động lực to lớn để cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn vững bước bảo vệ vững chắc bầu trời Tổ quốc trong tình hình mới.
Đề xuất bổ sung nội dung “đảm bảo tính đặc thù của các tổ chức thành viên” trong Hiến pháp sửa đổi

Đề xuất bổ sung nội dung “đảm bảo tính đặc thù của các tổ chức thành viên” trong Hiến pháp sửa đổi

(PNTĐ) - Thống nhất với Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 2013, bà Trần Thu Thủy, Nguyên Chánh văn phòng Trung ương Hội LHPN Việt Nam cho rằng Dự thảo đã nêu khá rõ những vấn đề của hệ thống các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Do vậy, việc thực hiện chủ trương của Đảng về nghiên cứu sắp xếp lại các tổ chức chính trị - xã hội, hội quần chúng do Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ về trực thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là điều cần thiết.
Đề nghị bỏ quy định cấm áp dụng hợp đồng thu phí trực tiếp từ người sử dụng đối với các dự án PPP

Đề nghị bỏ quy định cấm áp dụng hợp đồng thu phí trực tiếp từ người sử dụng đối với các dự án PPP

(PNTĐ) - Sáng 17/5, Quốc hội đã nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu thầu; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; Luật Hải quan; Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Luật Đầu tư; Luật Đầu tư công; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.