Phấn đấu xây dựng huyện Đan Phượng văn minh, giàu đẹp
(PNTĐ) - Ngày 30/11, Hội Nhà báo Thành phố Hà Nội tổ chức chuyến đi thực tế cho phóng viên, biên tập viên của cơ quan báo chí của Hà Nội tới huyện Đan Phượng.
Đây là chuyến thực tế nhằm giúp các phóng viên, biên tập viên thêm nguồn tư liệu phục vụ công tác chuyên môn, được cảm nhận rõ hơn các giá trị văn hóa, lịch sử cũng như tiềm năng phát triển kinh tế - xã hội của huyện Đan Phượng.
Tham dự với đoàn có nhà báo Kiều Thanh Hùng - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Thành phố Hà Nội; đồng chí Nguyễn Đức Nghĩa, Phó Phòng Báo chí – Xuất bản, Ban tuyên giáo Thành ủy Hà Nội; Nguyễn Sỹ Lâm, Phó Chánh Văn phòng, Hội Nhà báo Thành phố Hà Nội và đại diện phóng viên, BTV của 14 cơ quan báo chí.
Tại buổi làm việc với đoàn báo chí, đồng chí Trần Đức Hải, Thành ủy viên, Bí thư Huyện ủy Đan Phượng chia sẻ: Đan Phượng là vùng đất giàu truyền thống văn hóa lịch sử, có nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, nổi tiếng như chèo Tàu (xã Tân Hội), ca trù (xã Thượng Mỗ), nhất là diều làng Bá Giang (xã Hồng Hà).
Cả nước có rất nhiều làng nghề làm diều, kể cả thế giới cũng có nhưng diều các nước thuần túy ở mô hình, còn diều sáo Đan Phượng rất hiếm và nhiều đặc sản.
Bí thư Huyện ủy Đan Phượng Trần Đức Hải cho biết, định hướng của huyện là phát triển theo hướng đô thị hóa nông thôn, xanh, văn minh, văn hiến. Khi phát triển theo hướng đô thị, cần vận hành quản lý theo mô hình chính quyền đô thị, đòi hỏi tư duy, tác phong, sinh hoạt, lối sống cũng phải thay đổi.
Huyện Đan Phương là địa phương nổi bật nhất trong 30 quận, huyện, thị xã trên địa bàn Thành phố về xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu.
Chia sẻ về kết quả này, Bí thư Huyện ủy Đan Phượng cho biết, từ năm 2015, Đan Phượng là huyện đầu tiên của Hà Nội được công nhận huyện nông thôn mới. Đến năm 2020, 15/15 xã của Đan Phượng đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Hết năm 2022. Đan Phượng là địa phương dẫn đầu toàn TP với 12/15 xã đã được UBND TP Hà Nội công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Hiện nay, 3 xã còn lại là Liên Hồng, Hạ Mỗ, Thọ An cũng đã hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu.
UBND huyện đã có kết quả thẩm tra, chấm điểm. Theo đó xã Thọ An đạt 95,5 điểm; xã Hạ Mỗ đạt 97,05 điểm; xã Liên Hồng đạt 96,8 điểm. Huyện đã yêu cầu các xã hoàn thiện hồ sơ theo quy định trình huyện báo cáo TP xem xét, công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
Đồng chí Trần Đức Hải cho rằng, Đan Phượng có rất nhiều tài nguyên, nhưng huyện xác định con người là nguồn tài nguyên vô giá và quan trọng nhất. Chính vì vậy, khi xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, huyện luôn chú trọng tới đầu tư cho giáo dục. Hiện nay, huyện có 55 trường ở các cấp học thì cả 55 trường đều đã đạt chuẩn quốc gia, trong đó cấp độ 2 chiếm hơn 70%. Huyện Đan Phượng luôn quan tâm tới vấn đề công dân số, công dân toàn cầu, nên rất chú trọng vào đào tạo học ngoại ngữ trong các cấp học.
Trong xây dựng nông thôn mới của Đan Phượng có một “đặc sản”, đó là huyện tổ chức cuộc thi “Thôn, tổ dân phố sáng – xanh – sạch – đẹp”, được thực hiện trong nhiều năm trước khi có đại dịch Covid-19. Sau 20 tháng triển khai cuộc thi kể trên, khi sơ kết, không tính giá trị ngày công, chỉ thuần túy vật chất của người dân đóng góp, tham gia ước tính hơn 30 tỷ đồng.
“Chủ trương đúng, chính sách đúng thì người dân sẽ chủ động tham gia để phát triển nông thôn mới”- đồng chí Trần Đức Hải, chia sẻ.
Đến thời điểm có dịch Covid-19, ngoài “sáng– xanh – sạch – đẹp”, Đan Phượng đã thêm tiêu chí “an toàn” để phục vụ công tác phòng, chống dịch. Khi đại dịch Covid-19 đi qua, Đan Phượng thêm một tiêu chí nữa, đó là “thông minh”. Vì thế, 129 thôn/Tổ dân phố của huyện đều là thôn/Tổ dân phố “thông minh”. Lực lượng đoàn viên thanh niên, các thành viên là doanh nghiệp công nghệ trên địa bàn huyện là nòng cốt chính để thực hiện thành công yếu tố “thông minh” của địa phương này.
Về nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới huyện Đan Phượng đặt ra là khai thác tiềm năng, lợi thế, huy động, sử dụng tốt mọi nguồn lực, hoàn thành quy hoạch, đầu tư xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội theo hướng hiện đại, đồng bộ, tạo bước đột phá cho phát triển. Phấn đấu xây dựng huyện Đan Phượng văn hiến, văn minh, giàu đẹp, xanh, an toàn, phát triển nhanh, bền vững và hoàn thành các tiêu chí lên quận đến năm 2025.
Chuyến đi thực tế, chúng tôi có dịp đi qua các đoạn đê của huyện Đan Phượng, các đoạn đường tuyến phố nở hoa, cảnh quan được cải tạo trồng hoa, cây bên đê đã giúp Đan Phượng thêm sắc màu. Đặc biệt, qua chuyến đi thực tế, đoàn đã được tìm hiểu một số mô hình sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới và các gương điển hình tiên tiến, người tốt việc tốt tại một số xã trên địa bàn huyện như Hợp tác xã lan Đan Hoài. HTX rau Cuối Quý.
HTX lan Đan Hoài là một trong những mô hình trồng hoa lan công nghệ cao đầu tiên của Hà Nội, được coi là một hình mẫu của mô hình nông nghiệp đô thị hiện đại. Qua gần 20 năm đầu tư sản xuất, hợp tác xã đã hợp tác với nhiều đơn vị khoa học hàng đầu về lĩnh vực nông nghiệp trong và ngoài nước để ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất hoa lan Hồ Điệp.
Hiện tại hợp tác xã đang sản xuất gần 100 loại hoa lan Hồ Điệp. Đồng thời, hợp tác xã cũng tham gia nhiều dự án với đơn vị nhà nước về nghiên cứu sản xuất, tiêu thụ hoa lan chất lượng cao, quy mô công nghiệp...
Rời HTX Lan, đoàn đã tới thăm mô hình sản xuất rau của HTX Rau hữu cơ công nghệ cao Cuối Quý. Bằng kinh nghiệm hơn 16 năm làm thuê ở những đồn điền trồng rau hữu cơ tại Đài Loan (Trung Quốc) cùng với quyết tâm "dám nghĩ, dám làm", bà Đặng Thị Cuối - Giám đốc HTX Rau hữu cơ công nghệ cao Cuối Quý đã trở thành một nữ tỷ phú nông dân của quê hương Đan Phượng (Hà Nội).
Chia sẻ về sự đóng góp của các HTX vào việc phát triển kinh tế của địa phương và huyện, ông Vũ Đình Tuấn, Bí thư đảng ủy xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng cho hay: Hiện nay, xã có 5 HTX gồm trồng lan, rau quả, nấm, dịch vụ thương mại nông nghiệp. Trung bình mỗi HTX giúp công ăn việc làm ổn định cho khoảng 20-30 lao động cố định và một số lao động thời vụ. Để góp phần xây dựng nông thôn mới tại xã Đan Phượng, trong những năm qua Hợp tác xã Đan Phượng đã làm tốt vai trò, chức năng của mình để hướng dẫn thành viên phát triển kinh tế nông nghiệp, một số chỉ tiêu chủ yếu đều đạt và vượt kế hoạch.
Đến nay quy mô sản xuất của xã phân theo vùng sản xuất với từng chủng loại cây trồng chủ lực theo kế hoạch đã đề ra, cơ cấu cây trồng chuyển dịch theo hướng hiệu quả, diện tích trồng rau hữu cơ, hoa, cây cảnh, cây ăn quả tiếp tục được mở rộng.
Bên cạnh đó, công tác khuyến nông, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật được đẩy mạnh, giúp nông dân mạnh dạn sản xuất theo hướng hàng hóa. Đồng thời bước đầu đã hình thành các mô hình ứng dụng công nghệ cao như: Sản xuất nấm ăn và nấm được liệu, dưa lưới, cây dược liệu, rau hữu cơ, nho hạ đen... đã khẳng định thành công và hiệu quả.