Phát huy vai trò của phụ nữ trong phát triển chuỗi cung ứng, tiêu thụ nông sản an toàn
(PNTĐ) - Ngày 22/6/2022, Hội LHPN Hà Nội phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội tổ chức Hội thảo Phát huy vai trò của phụ nữ trong phát triển chuỗi cung ứng, tiêu thụ nông sản an toàn trong tình hình mới trên địa bàn thành phố Hà Nội. Hoạt động nhằm phát huy vai trò của phụ nữ trong phát triển chuỗi cung ứng, tiêu thụ nông sản an toàn, thực hiện một số chính sách về tiêu thụ nông sản an toàn trong tình hình mới.
Đồng chí Nguyễn Thị Thu Thủy, Ủy viên BCH Trung ương Hội LHPN Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội dự và có bài phát biểu khai mạc tại Hội thảo.
Tham dự Hội thảo còn có đồng chí Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; đại diện Sở Công thương; Liên minh HTX thành phố Hà Nội; Hiệp Hội nữ Doanh nhân Hà Nội; Công ty Cổ phần nông nghiệp sạch; đại diện lãnh đạo Hội LHPN các quận/huyện; đại diện các Hiệp hội ngành hàng, các doanh nghiệp sản xuất, chế biến và xuất khẩu nông sản và thủy sản trong thành phố Hà Nội, nữ chủ doanh nghiệp, nữ chủ hộ sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản.
Nhiều hoạt động hỗ trợ cung ứng, tiêu thụ nông sản an toàn
Khai mạc Hội thảo, đồng chí Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN Hà Nội cho biết: Phụ nữ là lực lượng chiếm tỷ lệ lớn trong sản xuất nông nghiệp đồng thời có vai trò đặc biệt quan trọng trong các khâu cung ứng và tiêu thụ sản phẩm. Những năm vừa qua các cấp Hội phụ nữ toàn thành phố đã tích cực, chủ động tham gia hoạt động kết nối cung cấp, tiêu thụ nông sản an toàn. Các cấp Hội phụ nữ thành phố linh hoạt tổ chức các hoạt động hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm nông, lâm, thủy sản tại các vùng sản xuất Hà Nội; phát động thực hiện chương trình “Nâng niu giá trị nông sản Việt - San sẻ yêu thương - Vượt qua đại dịch”. Từ năm 2021 đến nay các cấp Hội đã kết nối, hỗ trợ nông dân trên địa bàn thành phố, và các tỉnh, thành trong cả nước tiêu thụ hơn 2.500 tấn nông sản; Bên cạnh đó các mô hình kinh tế tập thể do phụ nữ làm chủ tập trung hướng mạnh vào việc liên kết sản xuất, cung ứng và tiêu thụ sản phẩm. Các cấp Hội cũng đẩy mạnh thương mại điện tử nhằm hỗ trợ quảng bá, giới thiệu sản phẩm, tiêu thụ các sản phẩm có thế mạnh của địa phương, kết nối nhà sản xuất - nhà phân phối - người tiêu dùng trên địa bàn Thành phố. Phối hợp với Chuỗi thực phẩm sạch Organic Green mở 141 điểm phân phối thực phẩm sạch tới người tiêu dùng các chuỗi sản xuất an toàn của Thành phố có sự tham gia của hội viên phụ nữ… Phối hợp với Cộng đồng nông nghiệp sạch tổ chức tốt các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức, thay đổi thói quen của người tiêu dùng trong tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo hướng an toàn, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Tuy nhiên, theo đồng chí lãnh đạo Hội LHPN Hà Nội Nguyễn Thị Thu Thủy, bên cạnh những kết quả đạt được, việc tham gia của phụ nữ trong phát triển chuỗi cung ứng, tiêu thụ nông sản an toàn trong tình hình mới còn nhiều mặt hạn chế và đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong tình hình mới. Đó là các hoạt động tuyên truyền, định hướng sử dụng các sản phẩm an toàn của các cấp Hội thiếu thường xuyên, chưa sâu rộng; Việc phối hợp kết nối cung cấp, tiêu thụ sản phẩm còn mang tính kỳ cuộc, thiếu tính kế hoạch nên tính bền vững chưa cao; Một số mô hình sản xuất do phụ nữ làm chủ hoạt động còn mang tính tập quán truyền thống, thủ công, chưa đảm bảo đầy đủ các tiêu chí, quy chuẩn; còn thiếu kinh nghiệm trong quảng bá sản phẩm; Một số cơ sở Hội chưa thực sự tích cực hỗ trợ các phụ nữ tham gia vào mạng lưới chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng sản nông sản an toàn trên địa bàn.
Vì vậy, Hội thảo có ý nghĩa quan trọng nhằm trao đổi kinh nghiệm thực tiễn, thảo luận các giải pháp phát huy vai trò của phụ nữ và tổ chức Hội phụ nữ trong tham gia phát triển chuỗi cung ứng, tiêu thụ nông sản an toàn trong tình hình mới.
Doanh nghiệp mong muốn hỗ trợ kinh phí, kết nối đầu ra
Phát biểu tại Hội thảo, đồng chí Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội chia sẻ về kết quả phát triển chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp và công tác đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản trên địa bàn thành phố Hà Nội, đồng thời đồng chí cũng chỉ ra một số tồn tại như công tác phát triển sản xuất tập trung chưa đồng đều giữa các vùng của Hà Nội, đặc biệt, công tác thông tin, tuyên truyền, quảng bá thương hiệu, sản phẩm, còn chưa được thường xuyên dẫn đến nhiều sản phẩm tốt, có giá trị cao, đảm bảo ATTP...chưa được các các doanh nghiệp phân phối và người tiêu dùng biết đến trong khi các hộ sản xuất, hợp tác xã, doanh nghiệp còn khó khăn và loay hoay tìm đầu ra cho sản phẩm. Đồng chí mong muốn trong thời gian tới, Hội Phụ nữ sẽ tiếp tục phát huy vai trò hơn nữa trong trong công tác phối hợp phát triển chuỗi cung ứng, tiêu thụ nông sản an toàn trong tình hình mới trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Đồng chí Nguyễn Thị Hoa, Phó Trưởng phòng Xúc tiến Thương Mại, Sở Công thương cho biết: Hà Nội là Thành phố có dân số đứng thứ 2 cả nước với khoảng 10,7 triệu dân nên nhu cầu tiêu dùng rất lớn, nhất là các sản phẩm nông sản, thực phẩm thiết yếu. Bên cạnh đó, Hà Nội có hệ thống hạ tầng thương mại đa dạng gồm: có 29 trung tâm thương mại, 141 siêu thị, 454 chợ truyền thống, trên 2.000 cửa hàng tiện ích, 56 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP. Theo đại diện Sở Công Thương, để tiếp tục đẩy mạnh kết nối tiêu thụ nông sản an toàn trên địa bàn Hà Nội sẽ cần tập trung triển khai một số giải pháp đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, quảng bá các vùng sản xuất, các sản phẩm an toàn, các sản phẩm có thế mạnh của địa phương. Bên cạnh đó cần tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối giao thương; đẩy mạnh phát triển hạ tầng thương mại (siêu thị, chợ đầu mối, chuỗi cửa hàng tiện lợi, điểm kinh doanh thực phẩm an toàn...) tại các địa phương. Đặc biệt, việc tăng cường công tác kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật về ATTP, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm để đảm bảo quyền lợi cho người sản xuất chân chính cũng như người tiêu dùng cũng rất quan trọng.
Ông Nguyễn Văn Chữ, Chủ tịch HĐQT chuỗi thực phẩm sạch Organic Green cho biết, năm 2018, Công ty được UBND thành phố Hà Nội chỉ định là tác nhân chính xây dựng Mô hình chuỗi sản xuất và cung cấp thực phẩm thịt lợn Organic Green trong khuôn khổ dự án “Chuỗi sản xuất và cung cấp sản phẩm chăn nuôi đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2016 - 2020”. Trong quá trình xây dựng và phát triển Chuỗi Thực phẩm sạch, theo ông Chữ, bên cạnh thuận lợi như được sự quan tâm của các cơ quan chức năng, sự đồng hành vào cuộc của các cấp Hội phụ nữ Hà Nội, nhưng cũng gặp thách thức lớn như tư duy người tiêu dùng về thực phẩm an toàn, truy xuất nguồn gốc vẫn còn hạn chế. Đặc biệt, khi xây dựng chuỗi đòi hỏi nguồn nhân lực lớn về nhân sự, tài chính … Chẳng hạn, để có thức ăn chăn nuôi sạch đảm bảo thì phải xây dựng nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi tối thiểu 1.5 đến 2 tỷ USD tương đương 35 tỷ đến 50 tỷ. Các trang trại chăn nuôi chuyên nghiệp, nuôi 100 con nái và 1000 con thịt thì chi phí đầu tư cũng khoảng 15 tỷ đến 20 tỷ. Nhà máy giết mổ theo tiêu chuẩn Châu Âu với quy mổ nhỏ nhất cũng khoảng 20 tỷ.
Vì vậy, ông mong muốn được đề nghị UBND thành phố Hà Nội có cơ chế chính sách thiết thực trong việc kết nối tiêu thụ sản phẩm đối với thực phẩm theo hướng hữu cơ; Sở Công thương, Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn hỗ trợ sát sao trong việc tuyên truyền, quảng bá sản phẩm, hỗ trợ các kênh tiêu thụ trên địa bàn thành phố Hà Nội. Riêng mới Hội Phụ nữ, ông mong muốn được phối hợp xây dựng các điểm bán hàng của hội phụ nữ Thành phố và các quận, huyện.
Tại Hội thảo, bà Nguyễn Thị Hảo, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển phụ nữ Hà Nội cũng đã đề xuất một số kiến nghị để có thể đẩy mạnh việc hỗ trợ kết nối cung ứng, tiêu thụ nông sản trên địa bàn thành phố. Đó là các đơn vị, trung tâm trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội tiếp tục phối hợp với Hội LHPN Hà Nội tạo nguồn lực tăng cường tổ chức các hoạt động truyền thông trực tiếp, trực tuyến làm thay đổi nhận thức, hành vi của phụ nữ trong sản xuất và tiêu dùng sản phẩm an toàn. Hỗ trợ xây dựng mạng lưới kế nối hỗ trợ tiêu thụ nông sản thông qua hệ thống tổ chức Hội LHPN Hà Nội, các hoạt động sự kiện quảng bá, gioi thiệu sản phẩm an toàn của phụ nữ, hỗ trợ phụ nữ sản xuất chế biến nông sản, thực phẩm ứng dụng chuyển đổi số và thương mại điện tử.
UBND Thành phố chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường giám sát kiểm tra giám sát quy trình sản xuất của các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh, sử lý nghiêm minh, công khai các hành vi sản xuất, kinh doanh nông sản, thực phẩm không an toàn, buôn bán các các chế phẩm, độc hại gây hại cho sức khỏe cộng đồng. Ngoài ra, cần tăng cường giám sát quy trình công nhận chất lượng sản phẩm. Kiểm tra chặt chẽ việc cho phép lưu hành các chế phẩm sinh học, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón để người nông dân được đảm bảo an toàn khi tiếp cận sản phẩm đưa vào sản xuất và tạo ra sản phẩm an toàn thực sự cho người tiêu dùng.