Việt Nam được dự báo tăng trưởng vượt bậc

MINH THƯ
Chia sẻ

(PNTĐ) - Trong báo cáo mới nhất, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã nâng nhẹ dự báo tăng trưởng cho các nền kinh tế đang phát triển ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong năm 2024. Đáng chú ý, Việt Nam và Philippines nổi lên như những quốc gia hưởng lợi lớn từ nhu cầu gia tăng về chất bán dẫn và điện tử, cùng được dự báo đạt mức tăng trưởng ấn tượng 6% năm 2024, cao hơn các nước láng giềng trong khu vực.

Báo cáo Triển vọng Phát triển Châu Á do Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) công bố ngày 17/07 cho biết, dự kiến GDP của các nền kinh tế đang phát triển ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ tăng trưởng 5% năm nay 2024, cao hơn một chút so với mức 4,9% được dự báo hồi tháng 4.

Đáng chú ý, dự báo tăng trưởng cho năm 2025 vẫn giữ nguyên ở mức 4.9%, phản ánh kỳ vọng về sự ổn định trong dài hạn. "Nhu cầu nội địa mạnh mẽ cùng với xuất khẩu và sản xuất cải thiện sẽ hỗ trợ tăng trưởng trong năm nay", báo cáo của ADB nhấn mạnh. Đây có thể xem là một tín hiệu tích cực cho 46 thành viên đang phát triển của ngân hàng trong khu vực.

Dù vậy, ADB cũng cảnh báo một loạt rủi ro có thể ảnh hưởng đến triển vọng tăng trưởng. Các yếu tố đó bao gồm cuộc bầu cử sắp tới ở Mỹ, căng thẳng địa chính trị leo thang ở Ukraina và Trung Đông, hay lo ngại về phân mảnh thương mại có thể "một lần nữa làm gián đoạn chuỗi cung ứng". Chưa hết, một mối lo đáng kể là khả năng suy thoái sâu hơn của thị trường bất động sản đất nước tỷ dân Trung Quốc.

Việt Nam được dự báo tăng trưởng vượt bậc - ảnh 1

Trong báo cáo, ADB giữ nguyên dự báo tăng trưởng Trung Quốc ở mức 4.8% năm nay và 4.5% năm 2025. Trong khi đó, các dự báo cho các nước Đông Nam Á, Hồng Kông và Ấn Độ năm 2024 không thay đổi. Tuy nhiên, Hàn Quốc và Đài Loan được ADB điều chỉnh tích cực, với dự báo tăng trưởng lần lượt được nâng lên 2.5% (từ 2.2%) và 3.5% (từ 3%). Điều này đến từ sự bùng nổ nhu cầu trên toàn thế giới về điện tử.

Ở khu vực Đông Nam Á, Philippines và Việt Nam nổi lên như những quốc gia có thể hưởng lợi lớn từ nhu cầu gia tăng về chất bán dẫn và điện tử. Hai quốc gia này đều được dự báo đạt mức tăng trưởng ấn tượng 6% năm 2024, cao hơn so với các nước láng giềng khác trong khu vực.

ADB cũng đưa ra dự báo đầy hứa hẹn về tình trạng lạm phát. Tỷ lệ lạm phát ở khu vực Châu Á đang phát triển được dự báo giảm xuống còn 2.9% năm nay, thấp hơn dự báo 3.2% hồi tháng 4 và mức 3.3% năm 2023. Xu hướng này là kết quả của các biện pháp thắt chặt tiền tệ được thực hiện trước đó.

Song, một số nước trong khu vực đã bắt đầu nới lỏng chính sách tiền tệ nhằm kích thích tiêu dùng. ADB lưu ý, các quốc gia như Philippines đang theo dõi sát động thái của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), và "lãi suất tại Mỹ và các nền kinh tế phát triển khác tiếp tục định hình triển vọng" cho toàn khu vực.

Trong tương lai, ADB dự báo lạm phát ở khu vực châu Á đang phát triển sẽ tiếp tục giảm, đạt 2.9% trong năm nay và ổn định ở mức 3% năm 2025. Đây có thể là một tin tốt cho các nhà hoạch định chính sách và doanh nghiệp trong khu vực, tạo thuận lợi cho công tác lập kế hoạch dài hạn và đầu tư.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Lãnh đạo các nước gửi thư, điện, thông điệp thăm hỏi, chia sẻ với Việt Nam về ảnh hưởng của cơn bão số 3

Lãnh đạo các nước gửi thư, điện, thông điệp thăm hỏi, chia sẻ với Việt Nam về ảnh hưởng của cơn bão số 3

(PNTĐ) - Bày tỏ tình đoàn kết và sẻ chia với Việt Nam về những thiệt hại do cơn bão số 3 (Yagi) gây ra, lãnh đạo các nước trên thế giới tiếp tục gửi thư, điện, thông điệp tới Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn. Đồng thời các nước và tổ chức quốc tế cũng kịp thời hỗ trợ trực tiếp và gián tiếp nhân lực, vật lực cho Việt Nam để khắc phục hậu quả trong thời gian sớm nhất.