Xét xử vụ án “Chuyến bay giải cứu”: Một số bị cáo được VKS đề nghị giảm án
(PNTĐ) - Trong phần đối đáp tại phiên toà ngày 21/7 vụ án "chuyến bay giải cứu", Viện kiểm sát đã đề nghị lại mức án đối với một số bị cáo.
Không thể nói hành vi nhận tiền là “vô ý”
Theo đối đáp của đại diện VKS, đa số các vị luật sư (LS) và các bị cáo đã đồng ý với quan điểm truy tố của VKS, những trường hợp này VKS không đối đáp lại. Có một số luật sư nêu các tình tiết giảm nhẹ cho các bị cáo, một số bị cáo tiếp tục nộp tiền khắc phục hậu quả nên VKS đề nghị HĐXX xem xét quyết định.
Đối với quan điểm của LS và các bị cáo cho rằng hành vi đưa nhận tiền là “tự nguyện cảm ơn”, “vô ý”, VKS khẳng định các bị cáo nhận hối lộ là người có chức vụ quyền hạn, họ đã lợi dụng chức vụ được giao để nhận tiền hoặc qua trung gian nhận tiền của các đại diện doanh nghiệp để cấp phép chuyến bay đưa công dân về nước.
Hành vi này diễn ra trong thời gian dài khi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, trong khi trước đó phần lớn các bị cáo đưa nhận hối lộ không quen biết nhau. “Không thể có những món quà cảm ơn có giá trị lớn, tiền tỷ như vậy”, kiểm sát viên (KSV) nói và cho rằng việc hứa hẹn giữa họ là ngầm định.
Ngoài ra, VKS cho rằng các bị cáo đưa nhận hối lộ là người có đủ nhận thức và trách nhiệm, biết rõ việc này là vi phạm pháp luật nhưng vì mong muốn đạt được mục đích nên đã có sai phạm. Đây là hành vi cố ý, không phải vô ý như các luật sư nêu. Người chịu thiệt thòi là công dân Việt Nam ở nước ngoài đang gặp nhiều khó khăn trong tình hình dịch COVID-19.
“Các bị cáo đã trục lợi trên chính sách nhân đạo của Nhà nước, tạo ra cơ chế xin - cho, tạo ra liên minh lợi ích. Đây là hình thức tham nhũng nguy hiểm, gây ảnh hưởng xấu và làm mất niềm tin trong nhân dân”, đại diện cơ quan giữ quyền công tố tại tòa nói.
Về tình tiết tăng nặng “lợi dụng hoàn cảnh dịch bệnh để phạm tội”, VKS xét thấy vụ án này xảy ra trong khi dịch Covid-19 bùng phát, Thủ tướng ban hành chỉ thị phòng chống dịch bệnh, trong đó có nội dụng tạm thời ngừng các chuyến bay về Việt Nam từ vùng có dịch. “Thời điểm đó, mọi người phải căng mình chống dịch nhưng các bị cáo lại lợi dụng tình hình này để phạm tội. Như vậy VKS khẳng định không có lý do để loại bỏ tình tiết này”, KSV nói và đề nghị HĐXX xem xét khi quyết định hình phạt.
Đề nghị lại mức hình phạt với một số bị cáo
Trước khi dừng lời, đại diện VKS cho biết, họ điều chỉnh mức án đối với 1 số bị cáo nhận hối lộ so với đề nghị ban đầu. Theo đó, giảm 1 năm tù so với đề nghị ban đầu với 4 bị cáo. Cụ thể, bị cáo Trần Văn Dự (cựu Cục phó Cục Quản lý xuất nhập cảnh) bị đề nghị còn 8-9 năm tù, Trần Văn Tân (cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam) 7-8 năm tù, Chử Xuân Dũng (cựu Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội) 3-4 năm tù và Vũ Hồng Nam (cựu Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản) 3-4 năm tù.
Ngoài ra, VKS đề nghị cho 4 bị cáo môi giới hối lộ được hưởng án treo. Cụ thể, Vũ Thùy Dương (Giám đốc Cty Lữ Hành Việt) 2-3 năm tù nhưng cho hưởng án treo, Phạm Bá Sơn (nhân viên Cty CP Xây dựng Thái Hòa) 18-20 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, Tào Đức Hiệp (Giám đốc Cty TNHH Du lịch và Dịch vụ Công đoàn đường sắt) 18-20 tháng tù nhưng cho hưởng án treo và Trần Quốc Tuấn (cựu Giám đốc Cty CP xúc tiến Thương mại và Du lịch Việt Nam) 2-3 năm tù nhưng cho hưởng án treo.
VKS cũng đề nghị giảm 1 năm cho bị cáo Nguyễn Anh Tuấn (cựu Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội) so với đề nghị ban đầu. Bởi theo VKS, sau lời luận tội của VKS, bị cáo đã tác động gia đình khắc phục toàn bộ hậu quả. VKS đề nghị trả lại cho Nguyễn Anh Tuấn số tiền 210.000 USD, 146 cây vàng, đề nghị hủy bỏ phong tỏa tài khoản có số tiền 1 tỷ đồng ở ngân hàng.
Đối với Lê Hồng Sơn (TGĐ Cty Blue Sky), Nguyễn Thị Thanh Hằng (Phó Tổng giám đốc Cty Blue Sky) phạm tội “Đưa hối lộ”, VKS cho rằng đối với số tiền 800.000 USD là tiền dùng vào việc chạy án nên không có căn cứ để trả lại cho bị cáo Lê Hồng Sơn và Nguyễn Thị Thanh Hằng như ý kiến đề nghị của luật sư và các bị cáo.
Đối với một số bị cáo khác, VKS bảo lưu quan điểm như đã đề nghị trước đó.