Vĩnh biệt nhạc sĩ Phạm Duy: Đi lạc vào những phía không đường về...

Chia sẻ

PNTĐ-Vậy là cây đại thụ của nền tân nhạc Việt Nam - Nhạc sĩ Phạm Duy đã đột ngột ra đi trong sự tiếc thương vô hạn của gia đình và sự ngỡ ngàng của người yêu nhạc xa gần.

 
Vĩnh biệt nhạc sĩ Phạm Duy:  Đi lạc vào những phía không đường về... - ảnh 1
Nhạc sĩ Phạm Duy
 
Ông rời cõi tạm vào hồi 14h30 ngày 27.1.2013 (tức ngày 16 tháng Chạp năm Nhâm Thìn), để lại cho đời một gia tài âm nhạc đồ sộ và tình yêu đời, yêu người sâu nặng…
 
Tháng trước, gặp ca sĩ Thái Thảo, cô con gái yêu của ông tại Hà Nội trong đêm nhạc Trịnh Công Sơn có chồng chị, ca sĩ Tuấn Ngọc tham gia diễn. Chị buồn bã nói lo cho bố lắm vì sức khỏe ông sa sút đi nhiều từ khi hay con trai mình - ca sĩ Duy Quang qua đời tháng trước đó. Thái Thảo cho biết thêm, khi cả nhà biết ca sĩ Duy Quang không thể qua khỏi, đã bàn nhau định giấu nhạc sĩ Phạm Duy, từ từ mới để ông biết vì sợ ảnh hưởng đến sức khỏe, nhưng không ngờ thông tin từ truyền thông đã bay đến ông từ hồi nào không hay. Có nỗi đau nào bằng nỗi đau lá xanh rụng trước lá vàng hay không? Tuy nhiên, nhạc sĩ Phạm Duy và gia đình chị cũng cảm thấy được an ủi phần nào khi ca sĩ Duy Quang đã nhận được sự chia sẻ, yêu mến của rất đông công chúng. Với người nghệ sĩ, đó là một hạnh phúc bởi khi mất đi vẫn được ở trong tình yêu thương của khán giả.
 
Trước những mất mát, Thái Thảo dự tính sẽ sớm trở về Mỹ để lo lắng cho gia đình, cho những đứa cháu là con của nhạc sĩ Duy Quang, và “cắt cử” Tuấn Ngọc vừa đi hát vừa ở Việt Nam với bố. Chị không thể nào nghĩ được mọi việc lại có thể nhanh đến dường này. Lá vàng giờ cũng đã theo lá xanh rơi xuống đất. Nỗi buồn mất anh trai chưa vơi thì nỗi buồn mất cha ập đến.
 
Đối với các thế hệ yêu nhạc Việt Nam kể cả những người định cư ở trong và ngoài nước thì những nhạc phẩm của Phạm Duy đã trở nên quen thuộc, là một người bạn tâm tình trong suốt chiều dài của cuộc đời mình. Nghệ sĩ hát Xẩm Mai Tuyết Hoa kể: Bố chị mê nhạc Phạm Duy, ngay từ khi còn nhỏ suốt ngày nghe bố hát nên đã thuộc những lời ca dài dằng dặc như thế này: “Bóng trăng trắng ngà, có cây đa to, có thằng cuội già ngồi ôm một mối mơ. Lặng im ta nói cuội nghe, ở trên cung trăng mãi làm chi. Gió không có nhà gió bay muôn phương, biền biệt chẳng ngừng, trên trời nước ta…Các con dế mèn, suốt trong đêm khuya, hát Xẩm không tiền nên nghèo xác xơ…”.
 
Vĩnh biệt nhạc sĩ Phạm Duy:  Đi lạc vào những phía không đường về... - ảnh 2
Nhạc sĩ Phạm Duy
 
Ấy nhưng phải trong một cuộc trò chuyện với nhạc sĩ Thao Giang chị mới vỡ lẽ đó không phải một bài Xẩm mà là ca khúc “Thằng Cuội” của Phạm Duy. Chất Xẩm xuất hiện trong nhiều ca khúc của Phạm Duy, chẳng hạn như “Cây đàn bỏ quên” được sáng tác khai thác đậm đặc chất liệu làn điệu Xẩm Tàu điện, song, phải nghiên cứu thật kỹ, phải bóc tách từng lớp thì mới phát hiện được dấu ấn của Xẩm, bởi nó đã được khoác bên ngoài cái áo của một bản tình ca pop một cách vô cùng khéo léo và tài tình.
 
Chẳng riêng Xẩm, chất dân gian đồng bằng Bắc bộ từ âm nhạc đến văn học thơ ca đã có ảnh hưởng lớn tạo nên phong cách âm nhạc của Phạm Duy. Trong quan niệm về sáng tác, quan điểm dân tộc luôn mang tính chủ đạo đối với Phạm Duy, ông cho rằng mình là người Việt Nam nên sáng tác phải mang tinh thần của người Việt, phải mang chất liệu Việt, phải đắm mình trong dân ca.
 
Thật vậy, không chỉ có chất liệu Xẩm, dường như đối với Phạm Duy chất dân gian Việt Nam, nhất là vùng Bắc bộ tựa một mỏ vàng với trữ lượng vô tận để ông dựa vào, miệt mài khai thác và chưa bao giờ sợ cạn nguồn tài nguyên quý giá ấy. Chẳng hạn như: Áo anh sứt chỉ đường tà, Ông Trăng xuống chơi, Đố ai, Nụ tầm xuân, Ngày trở về, Người về, Tình nghèo, Đừng xa nhau, Ngày đó chúng mình, Tìm nhau... Hay bài Hẹn hò được khai thác từ nhạc Huế, Em bé quê thì khai thác chất liệu âm nhạc từ những câu đồng dao cho trẻ con…
 
Trong suốt hành trình âm nhạc của mình, Phạm Duy sáng tác chừng 800 tác phẩm, chủ yếu là ca khúc. Và cuộc đời sáng tác của ông được chia ra thành nhiều giai đoạn khác nhau, nhưng có lẽ đáng chú ý nhất là giai đoạn đầu khi ông còn hoạt động sáng tác ở Hà Nội. Bởi đây là giai đoạn ghi dấu ấn tên tuổi của một nhạc sĩ tài ba có ảnh hưởng lớn tới nền tân nhạc Việt Nam và cả nền âm nhạc Việt Nam sau này.
 
Trong số những người bạn nhạc, Phạm Duy thân thiết với Văn Cao, cả hai cùng chia sẻ hỗ trợ nhau trong sáng tác âm nhạc. Chính nhạc phẩm Bến Xuân nổi tiếng của Văn Cao do Phạm Duy viết lời. Ngoài ra, Phạm Duy còn là một người viết bình luận, khảo cứu và nghiên cứu âm nhạc. Nhiều bài viết về âm nhạc Việt Nam của ông đã trở thành tài liệu tham khảo cho giới nghiên cứu âm nhạc các thế hệ sau này. Năm 2005 ông trở về Việt Nam định cư tại TPHCM, kể từ đó ông thực hiện nhiều đêm nhạc của mình tại Hà Nội, TPHCM và nhiều nơi trên cả nước.
 
Mới đây, nhà sách Phương Nam (TPHCM) kết hợp cùng NXB Âm nhạc đang chuẩn bị ấn hành Tập ca khúc Phạm Duy với hơn 100 ca khúc đã được phổ biến tại Việt Nam. Tiếc là tập ca khúc chưa kịp ra mắt công chúng yêu nhạc thì nhạc sĩ Phạm Duy đã đi xa. Bỗng trong tôi vang lên câu hát: “Thế rồi cuộc đời là những cuộc thì chia xa/ Đi lạc vào những phía không đường về/ Đứng ngoài đầu rừng, đứng ở đầu con sông/ Nhớ về con đường cũ mênh mông, mênh mông…” (Ca khúc Con đường ta đi). Nhạc sĩ Phạm Duy đã đi lạc vào những phía không đường nhưng biết đâu ông lại được trở về Bến xuân...

Quang Long

Tin cùng chuyên mục

Bài 1: Thước đo đầu tàu liên kết vùng đồng bằng sông Hồng

Bài 1: Thước đo đầu tàu liên kết vùng đồng bằng sông Hồng

(PNTĐ) - Ngày 8/11/2024, UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định số 5832/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề cương nhiệm vụ “Giải pháp liên kết vùng trong phát triển một số sản phẩm công nghiệp văn hóa Thủ đô với một số tỉnh thuộc Vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030”. Đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhằm góp phần hiện thực hóa các mục tiêu phát triển các ngành công nghiệp văn hóa của Hà Nội. Việc thúc đẩy liên kết vùng nhằm tạo ra các sản phẩm công nghiệp văn hóa có giá trị gia tăng cao không chỉ là nhu cầu phát triển của Thủ đô, mà còn là xu thế tất yếu đối với cả Vùng đồng bằng sông Hồng.
“Không gia đình” – Món quà nhạc kịch đầy cảm xúc cho thiếu nhi mùa hè 2025

“Không gia đình” – Món quà nhạc kịch đầy cảm xúc cho thiếu nhi mùa hè 2025

(PNTĐ) -Chào mừng Ngày Quốc tế Thiếu nhi 1/6, Nhà hát Tuổi trẻ mang đến cho khán giả nhỏ tuổi và gia đình vở nhạc kịch “Không gia đình”, chuyển thể từ kiệt tác văn học kinh điển của nhà văn Pháp Hector Malot. Đây là lần đầu tiên tác phẩm được dàn dựng trên sân khấu nhạc kịch tại Việt Nam, mở ra một không gian nghệ thuật giàu cảm xúc, nhân văn và đầy cảm hứng sống.
Làng nghề may áo dài Trạch Xá mong tăng cường kết nối thị trường để phát triển nghề

Làng nghề may áo dài Trạch Xá mong tăng cường kết nối thị trường để phát triển nghề

(PNTĐ) - Làng Trạch Xá (xã Trầm Lộng, huyện Ứng Hòa, Hà Nội) từ lâu đã nổi tiếng là một trong những cái nôi của nghề may áo dài truyền thống Việt Nam. Nơi đây, từng đường kim mũi chỉ không chỉ là sản phẩm của đôi bàn tay khéo léo mà còn là kết tinh của văn hóa, truyền thống và tâm huyết của nhiều thế hệ người dân.
Huyền Trang và “nốt lặng” khiến khán giả rưng rưng, dâng trào cảm xúc khi hát về Bác Hồ

Huyền Trang và “nốt lặng” khiến khán giả rưng rưng, dâng trào cảm xúc khi hát về Bác Hồ

(PNTĐ) - Trong Chương trình nghệ thuật đặc biệt “Người là Hồ Chí Minh” diễn ra ngày 18/5 vừa qua tại Quảng trường Ba Đình (quận Ba Đình, thành phố Hà Nội) kỷ niệm 135 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, phần thể hiện của sao mai Huyền Trang đã gây xúc động mạnh cho khán giả được chia sẻ sôi nổi trên mạng xã hội với nhiều lời khen ngợi.