2 năm điều trị đau dạ dày không khỏi, đi khám phát hiện bị rối loạn “cơ thể hoá”

THẢO HƯƠNG
Chia sẻ

(PNTĐ) - Mới đây, Viện Sức khoẻ tâm thần (BV Bạch Mai) vừa tiếp nhận trường hợp nữ bệnh nhân T.M.H (54 tuổi, trú tại Lục Nam, Bắc Giang) nhập viện trong tình trạng nóng rát vùng thượng vị, ngực, hồi hộp, mất ngủ, khó chịu nhiều. Qua thăm khám, bệnh nhân được chẩn đoán mắc chứng rối loạn cơ thể hoá.

Qua khai thác tiền sử bệnh được biết, bệnh nhân H xuất hiện các triệu chứng bất thường khoảng 2 năm nay; ban đầu là ngủ kém, hay trằn trọc khó vào giấc, ngủ không sâu và thường thức dậy sớm (khoảng 4h sáng), không thể ngủ lại được. Sau đó bệnh nhân xuất hiện nóng rát vùng thượng vị, có lúc cảm giác nóng rát lan cả bụng, lan ra sau lưng, kèm theo đau tức vùng thượng vị, cảm giác thức ăn trào ngược lên họng.

Bệnh nhân đã đi khám ở bệnh viện tỉnh, được nội soi dạ dày thực quản, được chẩn đoán viêm dạ dày- trào ngược thực quản, uống thuốc theo đơn. Lúc đầu bệnh nhân có đỡ, cảm giác dễ chịu hơn, nhưng sau nửa tháng bệnh nhân lại có cảm giác nóng rát, mót đại tiện như trên, có lúc các biểu hiện cảm giác nặng hơn.

2 năm điều trị đau dạ dày không khỏi, đi khám phát hiện bị rối loạn “cơ thể hoá” - ảnh 1
BS Trịnh Thị Vân Anh thông tin về ca bệnh lâm sàng

BS Trịnh Thị Vân Anh – Phòng Rối loạn liên quan đến stress và sức khoẻ tình dục và giới tính (Viện Sức khoẻ tâm thần, BV Bạch Mai) thông tin thêm: Bệnh nhân cũng đã khám tại khoa tiêu hoá của bệnh viện Bạch Mai, bệnh viện Hồng Ngọc, đều được kết luận viêm dạ dày- HP (-); và điều trị theo phác đồ của khoa tiêu hoá. Tuy nhiên, tình trạng chỉ đỡ được vài tuần lại tái phát, ngay cả khi đang dùng thuốc.

Bệnh nhân có cảm giác lo lắng, thấy mình uống thuốc đỡ được vài hôm lại tái phát; sợ mình bị ung thư dạ dày nhưng chưa được phát hiện nên đã đi khám lại tại bệnh viện đại học Y Hà Nội. Kết quả nội soi không có u tại dạ dày, nhưng các biểu hiện của bệnh nhân không thuyên giảm. Bệnh nhân không đi làm được, cảm giác không thoải mái, thường xuyên lo lắng, suy nghĩ về bệnh, cảm giác chán nản, không hứng thú giao tiếp với mọi người, không hứng thú đi chơi.

Cách 6 tháng, bệnh nhân có thêm cảm giác nóng rát vùng ngực, hồi hộp, đánh trống ngực, cả khi bệnh nhân nghỉ ngơi vẫn cảm thấy tim đập mạnh, khi không ngủ được hoặc xúc động cảm giác trên tăng lên. Bệnh nhân có lúc cảm giác bốc hoả, nóng bừng mặt, dễ bị cáu gắt, đêm ngủ kém, khó vào giấc, ngủ không sâu, đến khoảng 3-4h bệnh nhân thức dậy hẳn.

2 năm điều trị đau dạ dày không khỏi, đi khám phát hiện bị rối loạn “cơ thể hoá” - ảnh 2
BS Trịnh Thị Vân Anh khám cho một trường hợp bệnh nhân.

Bệnh nhân tiếp tục đi khám ở bệnh viện đại học Y Hà Nội, được bác sĩ khoa tiêu hoá giới thiệu khám chuyên khoa tâm thần, được chẩn đoán rối loan hỗn hợp lo âu và trầm cảm, điều trị Mirzaten 45mg/ ngày, Paroxetine 30mg/ ngày; Sulpiride 50mg/ ngày. Bệnh nhân cảm thấy đỡ hơn, giảm nóng rát bụng, ngực; giảm hồi hộp, ngủ được.

Bệnh nhân điều trị thuốc theo đơn 4 tháng thì thấy gần như khỏi nên tự bỏ thuốc, không đi khám lại. Cách 2 tuần các biểu hiện của bệnh nhân tái phát, bệnh nhân nóng rát bụng, nóng ngực, hồi hộp, mất ngủ, khó chịu nhiều. Bệnh nhân đi khám tại viện sức khoẻ tâm thần, được chẩn đoán mắc chứng rối loạn cơ thể hoá, chỉ định nhập viện điều trị nội trú.

Lý giải về trường hợp bệnh trên, TS.BS Dương Minh Tâm – Trưởng phòng điều trị Rối loạn liên quan đến stress và sức khoẻ giới tính & tình dục (Viện Sức khoẻ tâm thần, BV Bạch Mai) cho hay: Rối loạn cơ thể hoá không phải bệnh mới nhưng có xu hướng trở nên phổ biến trong thời gian gần đây.

2 năm điều trị đau dạ dày không khỏi, đi khám phát hiện bị rối loạn “cơ thể hoá” - ảnh 3
TS. Dương Minh Tâm chia sẻ các biểu hiện của bệnh rối loạn cơ thể hoá

Theo đó, người bệnh hay tái diễn than phiền về các triệu chứng cơ thể, cùng với những yêu cầu dai dẳng đòi khám xét về y tế, mặc dù kết quả âm tính nhiều lần và thầy thuốc đảm bảo rằng các triệu chứng này không có cơ sở bệnh cơ thể. Nguyên nhân gây bệnh chủ yếu là do stress và nhân cách (tính cách) con người. Việc điều trị cần phối hợp giữa thuốc và phương pháp tâm lý - đây là biện pháp vô cùng quan trọng.

“Bởi từ những cơn đau thật của cơ thể nhưng đi khám nhiều nơi không phát hiện ra bệnh cụ thể nên dẫn đến tâm lý lo lắng, buồn phiền. Do đó, nếu mắc phải căn bệnh này thì cần có kế hoạch điều trị lâu dài. Phương pháp thư giãn luyện tập có tác dụng điều trị tốt đồng thời cũng có tác dụng phòng bệnh rất hiệu quả. Thuốc điều trị cần phải có sự chỉ định, theo dõi và giám sát của bác sĩ chuyên khoa tâm thần” – BS Tâm thông tin.

Cũng theo BS Tâm, để phòng ngừa, việc giáo dục và phát triển nhân cách cá nhân cho mỗi người, nhất là thế hệ trẻ rất quan trọng. Với trẻ, ngay từ nhỏ cha mẹ hãy uốn nắn, có kế hoạch dạy con sao cho đừng quá bao bọc, để trẻ có sự trải nghiệm, va chạm từ đó rèn luyện sự mạnh mẽ và khả năng chống đỡ. Những đứa trẻ có nhân cách tốt, sống trách nhiệm, có lý trí, kế hoạch, định hướng… sẽ giảm thiểu nguy cơ mắc chứng rối loạn cơ thể.

Tin cùng chuyên mục

Triển lãm thú cưng quy mô lớn sẽ diễn ra vào tháng 6/2025

Triển lãm thú cưng quy mô lớn sẽ diễn ra vào tháng 6/2025

(PNTĐ) - Triển lãm mang tên Petfair Vietnam 2025, là triển lãm chuyên ngành thú cưng với quy mô lớn được tổ chức tại Việt Nam từ ngày 25-27/6/2025 tại Trung tâm Hội Chợ và Triển lãm Sài Gòn (SECC), Thành phố Hồ Chí Minh. Petfair Vietnam 2025 có quy mô hơn 250 đơn vị của 20 quốc gia và vùng lãnh thổ, gồm: Hàn Quốc, Thái Lan, Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Việt Nam, Đức, Cộng hòa Séc…