Bệnh viện Hữu nghị: Can thiệp đường mật qua da, điều trị biến chứng sau mổ cắt túi mật
(PNTĐ) - Ê-kíp khoa Chẩn đoán hình ảnh và điện quang can thiệp của Bệnh viện Hữu Nghị, vừa điều trị thành công một trường hợp có biến chứng rò mật, hẹp đường mật sau phẫu thuật cắt túi mật.
Bệnh nhân 58 tuổi, xuất hiện triệu chứng đau tức vùng hạ sườn phải và sốt sau 1 tuần phẫu thuật cắt túi mật ở tuyến dưới. Căn cứ kết quả chụp cắt lớp vi tính và cộng hưởng từ cho thấy, bệnh nhân có ổ dịch lớn vùng giường túi mật sau mổ, ống gan chung bị tổn thương và rò dịch mật ra ổ bụng.
Bệnh nhân được đặt dẫn lưu giường túi mật ra da; đặt stent đường mật ngược dòng bằng nội soi tuy nhiên không tiếp cận được vị trí tổn thương. Tuy nhiên, do các cơn đau tại hạ sườn phải vẫn diễn ra; đồng thời sốt tái phát ảnh hưởng nghiêm trọng tới sinh hoạt và không thể làm việc được... nên bệnh nhân tới điều trị tại BV Hữu Nghị.
Tại đây, bệnh nhân được làm các xét nghiệm và tiến hành chụp đường mật qua da. Kết quả cho thấy: Men gan tăng, chức năng gan giảm, kèm tình trạng nhiễm trùng đường mật. Hình ảnh CT và MRI cho thấy ống gan chung (đường mật ngoài gan) bị gián đoạn, dịch mật không xuống được tá tràng mà rò trực tiếp ra ổ bụng.
Ngay lập tức, các phương án được hội chẩn và phương án can thiệp đặt stent đường mật qua da và qua vị trí đường mật tổn thương được đưa ra và tiến hành. Bs. Lê Hoàng Đạt cùng với chuyên gia TS.BS Nguyễn Thái Bình – người trực tiếp thực hiện kỹ thuật dẫn lưu và đặt stent đường mật qua da cho người bệnh chia sẻ: Đây là trường hợp khó, bệnh nhân đã được nội soi ngược dòng từ tá tràng nhưng không đi qua được đoạn đường mật tổn thương. Cho nên phương án tiếp cận từ trên xuống xuyên gan qua da có thể có cơ hội thành công cao hơn.
Nếu đặt được stent phủ qua vị trí tổn thương, dịch mật có thể không còn rò ra ổ bụng và xuống ruột non như người bình thường. Tuy nhiên hiện tại với tình trạng nhiễm trùng đường mật và tăng men gan, bệnh nhân cần được điều trị nội khoa trước khi tình trạng cải thiệp sẽ tiến hành can thiệp.
Như kế hoạch, bệnh nhân được chuyển tới Khoa Bệnh nhiệt đới và điều trị nội khoa và 1 tuần sau đó được tiến hành can thiệp đường mật qua da. Bước khó nhất vẫn là đi qua được đoạn đường mật tổn thương, với kinh nghiệm với các trường hợp khó, Ekip đã áp dụng và tiếp cận thành công, nong chỗ tổn thươn và đặt stent nhựa vào ống gan chung, ống mật chủ phủ qua vị trí tổn thương. Một dẫn lưu đường mật nhỏ được đặt thêm để đánh giá tình trạng đường mật.
Sau can thiệp, dẫn lưu giường túi mật không còn ra dịch, đồng nghĩa dịch mật không còn rò ra ổ bụng, dẫn lưu này được rút sau đó 2 ngày. Bệnh nhân hết sốt, các chỉ số xét nghiệm cải thiện rõ rệt. Bệnh nhân được khóa ống dẫn lưu đường mật và xuất viện 2 tuần sau can thiệp. Hai tuần sau bệnh nhân tái khám cho thấy siêu âm không có dịch bất thường, các thông số xét nghiệm về mức bình thường, bệnh nhân được tiến hành rút nốt dẫn lưu đường mật và không còn bất kỳ ống dẫn lưu qua da nào.
Kỹ thuật dẫn lưu đặt stent đường mật qua da đã được Khoa Chẩn đoán hình ảnh và kíp điện quang can thiệp triển khai từ năm 2017 đến nay đã thực hiện trên 100 người bệnh, chủ yếu áp dụng cho các trường hợp tắc mật do sỏi hoặc các bệnh lý ác tính. Đây là trường hợp đầu tiên can thiệp cho biến chứng sau phẫu thuật. Trong quá trình thực hiện, bác sĩ sẽ chọc đường mật xuyên gan qua da, tìm các đưa dây dẫn qua vị trí đường mật bị hẹp/ chèn ép/ xâm lấn và stent để đảm bảo dịch mật lưu thông xuống được ruột non.
Kỹ thuật này áp dụng cho các trường hợp không còn chỉ định phẫu thuật, hoặc phẫu thuật thất bại. Người bệnh không phải gây mê, giảm được các biến chứng như chảy máu, nhiễm trùng, hoặc dày dính vết mổ... Sau khi thực hiện kỹ thuật, người bệnh phục hồi rất nhanh, các chỉ số xét nghiệm được cải thiện đáng kể, người bệnh có thêm cơ hội kéo dài cuộc sống và cải thiện chất lượng sống.
Cùng với tán sỏi mật qua da, kỹ thuật dẫn lưu và đặt stent đường mật qua da là một trong rất nhiều kỹ thuật mới mà Khoa Chẩn đoán hình ảnh và kíp điện quang can thiệp thực hiện thành công. Sắp tới, Khoa sẽ triển khai thêm những kỹ thuật chuyên sâu về điều trị bệnh lý gan mật nói chung và các bệnh lý khác như hủy u gan, vú, giáp bằng vi sóng... giúp người bệnh và bác sĩ lâm sàng có thêm sự lựa chọn trong quá trình điều trị.