Ho kéo dài không rõ nguyên nhân, cụ bà phát hiện sợi dây kim loại mắc trong amidan

THẢO HƯƠNG
Chia sẻ

(PNTĐ) - Một cụ bà 79 tuổi ở Nam Định nhập viện vì ho dai dẳng nhiều tuần mà không rõ nguyên nhân. Không sốt, không đau họng, không biểu hiện nhiễm trùng hô hấp - chỉ là những cơn ho mỏi mệt lặp lại từng ngày khiến bà mất ngủ, ăn uống kém. Điều không ai ngờ đến là nguyên nhân đến từ một sợi kim loại sắc nhỏ đang mắc sâu trong khe amidan trái - vị trí mà mắt thường không thể quan sát được.

Cụ bà tên N.T.T, đến khám tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương trong tình trạng ho kéo dài nhiều tuần không rõ nguyên nhân. Theo người nhà, bà không sốt, không đau rát họng, không khàn tiếng - những triệu chứng thường gặp ở bệnh lý hô hấp. Điều duy nhất khiến cụ khó chịu là cảm giác đau mơ hồ vùng mang tai trái mỗi khi nuốt, nhưng không dữ dội.

Trước đó, cụ đã tự dùng thuốc ho trong thời gian dài, nhưng không hiệu quả. Các biểu hiện kéo dài khiến cụ mệt mỏi, sút cân và mất ngủ triền miên. Nghi ngờ nguyên nhân nằm sâu trong vùng hầu họng, các bác sĩ chỉ định nội soi tai - mũi - họng. Kết quả khiến chính đội ngũ y tế cũng bất ngờ: Một dị vật bằng kim loại nhỏ, sắc, cong nhẹ như đoạn sợi dây đang mắc trong khe amidan trái - khu vực rất khó phát hiện qua thăm khám thông thường.

Dị vật được gắp ra nhẹ nhàng qua nội soi mà không gây chảy máu hay tổn thương mô. Điều đáng chú ý là ngay sau khi dị vật được lấy ra, cơn ho biến mất hoàn toàn, sức khỏe bệnh nhân cải thiện rõ rệt chỉ sau vài ngày theo dõi.

Ho kéo dài không rõ nguyên nhân, cụ bà phát hiện sợi dây kim loại mắc trong amidan - ảnh 1
Bác sĩ BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương khám cho bệnh nhân

Theo bác sĩ Trịnh Thùy Liên - chuyên khoa Tai Mũi Họng - Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, đây là một ca hiếm gặp nhưng rất đáng lưu ý trong thực hành lâm sàng: Dị vật đường tiêu hóa trên, đặc biệt là các dị vật nhỏ, sắc nhọn như kim loại, xương nhỏ… hoàn toàn có thể “ẩn mình” trong cơ thể nhiều ngày mà không gây triệu chứng điển hình. Ở người cao tuổi, do phản xạ ho và nuốt giảm, việc phát hiện càng trở nên khó khăn hơn.

Bác sĩ Liên nhấn mạnh, các triệu chứng tưởng như nhẹ như ho kéo dài, đau một bên tai khi nuốt, cảm giác vướng nhẹ vùng cổ họng… hoàn toàn có thể là dấu hiệu cảnh báo dị vật hoặc tổn thương sâu trong vùng hầu họng. Việc nội soi tai mũi họng – một thủ thuật đơn giản nhưng hiệu quả - có thể giúp phát hiện sớm những “thủ phạm giấu mặt” này trước khi chúng gây biến chứng nguy hiểm.

Nếu để lâu, dị vật kim loại trong vùng amidan hoặc thực quản có thể gây viêm loét, áp xe, thủng thực quản, nhiễm trùng huyết - thậm chí đe dọa đến tính mạng. Đáng chú ý, có những trường hợp dị vật tồn tại hàng tuần, thậm chí hàng tháng mà người bệnh hoàn toàn không biết.

Các bác sĩ khuyến cáo, người cao tuổi, trẻ nhỏ, người đeo răng giả hoặc có bệnh lý thần kinh là những nhóm có nguy cơ nuốt phải dị vật mà không nhận ra. Bên cạnh đó, thói quen ăn nhanh, nhai không kỹ, vừa ăn vừa nói chuyện, cười đùa trong bữa ăn cũng làm tăng khả năng dị vật bị nuốt nhầm.

Không giống các ca hóc dị vật điển hình như nuốt xương cá hay hóc thuốc, nhiều dị vật lại “giấu mình” kỹ càng hơn, chỉ bộc lộ qua những biểu hiện mờ nhạt như ho kéo dài, khó nuốt nhẹ một bên, cảm giác vướng cổ họng sau ăn... và dễ bị xem nhẹ hoặc nhầm lẫn với viêm họng thông thường.

Bác sĩ Liên khuyến nghị: Với bất kỳ trường hợp nào có dấu hiệu bất thường kéo dài vùng tai - mũi - họng, nhất là ở người lớn tuổi, cần đến cơ sở y tế chuyên khoa để được nội soi kiểm tra kịp thời. Chỉ một mảnh nhỏ như sợi dây kim loại cũng có thể gây ra hậu quả lớn nếu không được xử lý đúng lúc.

May mắn với cụ bà 79 tuổi, dị vật đã được phát hiện và lấy ra an toàn trước khi gây biến chứng. Song trường hợp này cũng là một lời nhắc tỉnh táo cho mỗi người: Không xem nhẹ các dấu hiệu mơ hồ kéo dài liên quan đến đường hô hấp - tiêu hóa trên. Sự thận trọng và kiểm tra đúng chuyên khoa có thể là yếu tố quyết định giữa phục hồi đơn giản hay biến chứng nguy hiểm.

Tin cùng chuyên mục

Bài cuối: Cần quyết liệt từ chủ trương đến hành động

Bài cuối: Cần quyết liệt từ chủ trương đến hành động

(PNTĐ) - Từng được xác định là “người gác cổng” của hệ thống y tế, y tế cơ sở vẫn đang loay hoay trong bài toán niềm tin và năng lực. Đầu tư đã có, nhưng người dân chưa mặn mà; cơ chế đã bàn, nhưng chưa vận hành đồng bộ. Vậy đâu là hướng đi để đánh thức tiềm lực y tế tuyến đầu - nơi gần dân nhất, thiết thực nhất và cũng đang cần sự "tiếp sức" mạnh mẽ nhất?
Gần 60 trẻ em được phẫu thuật khe hở môi - vòm miệng miễn phí

Gần 60 trẻ em được phẫu thuật khe hở môi - vòm miệng miễn phí

(PNTĐ) - Ngày 15/4, Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cu Ba phối hợp với Tổ chức Operation Smile khởi động chương trình phẫu thuật nhân đạo cho gần 60 trẻ em không may mắc dị tật bẩm sinh khe hở môi - vòm miệng. Đây là hoạt động thường niên có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, góp phần đem lại nụ cười trọn vẹn và tương lai tươi sáng hơn cho hàng nghìn trẻ em trên cả nước.