Ngày Tết, người bệnh đái tháo đường điều trị bằng insulin cần biết những gì?

TS.BS NGUYỄN QUANG BẢY - Trưởng Khoa Nội tiết Đái tháo đường, BV Bạch Mai
Chia sẻ

(PNTĐ) - Tất cả các bệnh nhân (BN) đái tháo đường (ĐTĐ) type 1 và khoảng 30 - 40% các bệnh nhân ĐTĐ type 2 cần điều trị bằng insulin, từ 1 - 4 mũi/ngày.

Những BN này có nguy cơ cao bị tăng hoặc hạ đường huyết quá mức, đặc biệt trong dịp Tết, một số phải nhập viện cấp cứu vì hiểu sai về điều trị insulin. Để có kỳ nghỉ Tết vui vẻ và khỏe mạnh, các bệnh nhân ĐTĐ cần chú ý những điểm sau:

Tuân thủ phác đồ điều trị insulin

Luôn nhớ phải ăn sau khi tiêm từ 10 - 30 phút, tùy loại insulin. Không tiêm khi chưa có/chưa thấy đồ ăn. Tuyệt đối tránh tiêm xong rồi mới đi tìm/chế biến đồ ăn vì sẽ có nguy cơ bị hạ đường huyết.

Ngay cả khi bị ốm, sốt, mệt nhiều hay ăn kém, buồn nôn cũng không được bỏ mũi tiêm insulin. Lưu ý là khi bị ốm sốt thì đường huyết sẽ tăng cao dù ăn ít hay không ăn.

Ngày Tết, người bệnh đái tháo đường điều trị bằng insulin cần biết những gì? - ảnh 1
Ảnh minh hoạ. Nguồn: Int

Không tự động bỏ hay bớt mũi tiêm insulin. Nếu không thể tiêm được trước ăn thì có thể tiêm bù vào ngay sau bữa ăn. Các loại insulin đều có thời gian tác dụng nhất định, nên khi 1 mũi tiêm hết tác dụng thì sẽ cần đưa thêm vào 1 mũi insulin mới. Vì vậy dù ngày Tết thì bệnh nhân ĐTĐ vẫn cần tiêm đúng giờ như ngày thường, tất nhiên có thể sớm hoặc chậm hơn 30 - 60 phút.

Không được tăng liều thuốc uống để bù cho mũi tiêm insulin vì các thuốc uống đều có liều tối đa. Uống liều quá cao chưa chắc đã giảm được đường huyết mà lại gây tổn thương gan thận. Khi đi chơi xa cần tính toán để mang đủ số lọ/bút insulin kèm bơm/kim tiêm thừa ít nhất 2-3 ngày để phòng khi ở thêm hoặc trục trặc tàu xe thì vẫn có đủ thuốc. Tốt nhất là mang thêm 1 lọ hoặc 1 bút insulin mỗi loại.

Tiêm insulin đúng kỹ thuật

Tiêm đúng vị trí ở bụng (tiêm xa rốn, không phải quanh rốn) hoặc đùi (mặt trước ngoài). Các mũi tiêm nên cách nhau 3 cm, không được tiêm nhiều mũi chỉ ở 1 vùng hay 1 vị trí.

Dù trời lạnh vẫn phải bộc lộ rộng vùng tiêm để xác định chính xác vị trí tiêm và sát trùng  đầy đủ. Thay bơm tiêm hoặc kim tiêm thường xuyên hoặc thay hàng ngày. Khi tiêm bút, nên bỏ kim sau mũi tiêm cuối ngày, không nên để kim tiêm gắn trên bút qua đêm. 

Không được vứt kim tiêm bừa bãi, phải có lọ đựng kim đã dùng để gửi đến chỗ hủy dụng cụ y tế.

Biết cách chỉnh liều insulin

Duy trì đúng liều insulin bác sỹ kê nếu đường huyết đạt mục tiêu (đói từ 4,4 – 7,2 mmol/L và sau ăn < 11 mmol/L). Cân nhắc tăng liều mũi insulin từ 1-2 đơn vị khi đường huyết (đo trước khi tiêm) cao hơn mục tiêu, ăn đồ ngọt, ăn nhiều bánh chưng hay cơm, thịt...

Cân nhắc giảm liều mũi insulin từ 2-4 đơn vị khi đường huyết (đo trước khi tiêm) thấp hơn mục tiêu, ăn ít hơn ngày thường, uống rượu nhiều, vận động nhiều hay leo núi...

Bảo quản insulin

Không cần bảo quản lạnh các lọ/bút insulin đang sử dụng. Lưu ý là lọ/bút insulin chưa sử dụng thì phải bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh (từ 2-8 độ), nhưng lọ/bút đang dùng thì sau có thể để ở nhiệt độ dưới 30 độ C là được, do đó không nên cất lại vào tủ lạnh và cũng không cần để insulin trong phích đá hay túi có đá khô khi đi chơi xa/ dài ngày. Khi đi chơi, tránh để ánh nắng mặt trời chiếu trực tiếp vào lọ/bút insulin.

Một số lưu ý khác

Bệnh nhân tiêm insulin cần có máy đo đường huyết cá nhân, và đo thường xuyên trong những ngày Tết. Tốt nhất là có máy đo đường huyết liên tục (Continuos Glucose Monitoring - CGM).

Khi đi chơi xa, phải luôn có đồ ăn, kẹo... để ăn ngay khi đường huyết thấp hoặc đói nhiều. Những người đang phải tiêm nhiều mũi insulin hàng ngày thì không nên lái xe. Phải có ít nhất 1 người thân hoặc người đi cùng biết bệnh nhân đang tiêm insulin.

Tin cùng chuyên mục

Nguy cơ trẻ cận thị sau kỳ nghỉ hè

Nguy cơ trẻ cận thị sau kỳ nghỉ hè

(PNTĐ) - Cận thị đang trở thành một vấn nạn liên quan đến sức khỏe và kinh tế xã hội toàn cầu và là loại tật khúc xạ mắc phải phổ biến nhất ở lứa tuổi học sinh. Đặc biệt, trong kỳ nghỉ hè, các con càng dễ bị cận thị, tăng độ hoặc nhanh mỏi mắt khi đi học trở lại.
Tăng cường hợp tác, ứng dụng công nghệ mới trong y khoa

Tăng cường hợp tác, ứng dụng công nghệ mới trong y khoa

(PNTĐ) - Sáng 17/7/2024, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội và công ty Fujifilm Việt Nam đã tổ chức ký kết biên bản ghi nhớ; hợp tác triển khai các hoạt động đào tạo nguồn nhân lực cao trong lĩnh vực y tế, đặc biệt là lĩnh vực nội soi tiêu hóa; tập trung nghiên cứu khoa học, trao đổi để tiếp cận công nghệ mới; thúc đẩy nghiên cứu phát triển những kỹ thuật mới đang được ứng dụng ở các nước tiên tiến như Nhật Bản, Châu Âu.
Hà Nội: Ghi nhận 11 ổ dịch sốt xuất huyết mới

Hà Nội: Ghi nhận 11 ổ dịch sốt xuất huyết mới

(PNTĐ) - Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, trong tuần qua (từ ngày 5/7 đến ngày 12/7) toàn thành phố ghi nhận 109 ca mắc sốt xuất huyết tại 20 quận, huyện; trong đó huyện Đan Phượng có số mắc cao với 43 ca. Cộng dồn từ đầu năm 2024 đến nay, ghi nhận 1.166 ca mắc, 0 tử vong, số mắc tăng so với cùng kỳ năm 2023 (990/0).