Tay chân miệng diễn biến bất thường, người dân chớ chủ quan
(PNTĐ) - Thời gian gần đây, số ca mắc tay chân miệng có xu hướng gia tăng, đặc biệt ở khu vực phía Nam. Cụ thể, nếu như các năm trước, dịch sau khi đạt đỉnh sẽ giảm dần sau đó, nhưng trong năm 2023, dịch bệnh tay chân miệng đạt đỉnh vào tuần 23-31 rồi giảm chậm, sau đó tăng lại vào các tuần 41-43. Sau tuần 43, tình hình dịch tiếp tục giảm chậm, nhưng số ca mắc cao hơn so với cùng kỳ năm 2022.
Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi - Bệnh viện Bạch Mai: Tay chân miệng là một bệnh truyền nhiễm thường gặp ở trẻ nhỏ, nhất là các bé dưới 5 tuổi. Trẻ lớn hơn và người lớn cũng là đối tượng có nguy cơ mắc bệnh nhưng tỷ lệ sẽ thấp hơn đáng kể. Bệnh tay chân miệng có tốc độ lây lan nhanh, dễ thành dịch, cao điểm của bệnh là từ tháng 3 - 5 và từ tháng 8 - 9 hằng năm. Bệnh rất nguy hiểm nếu không phát hiện sớm và có phương pháp điều trị kịp thời.
Về dấu hiệu nhận biết sớm bệnh tay chân miệng, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng cho hay: Trẻ bị sốt, mệt mỏi là dấu hiệu nhận biết sớm nhất của bệnh tay chân miệng. Ngoài ra, bệnh còn có các biểu hiện khác như: Loét miệng (các vết loét thường ở vòm khẩu cái, niêm mạc má, miệng, lưỡi khiến trẻ đau, khó nuốt, ăn uống kém, quấy khóc khi ăn); ban phỏng nước nổi gồ trên da, sờ vào chắc, thường xuất hiện ở lòng bàn tay, bàn chân, đầu gối, mông. Trẻ có thể sốt nhẹ và sốt cao, nếu trẻ sốt cao khó hạ là dấu hiệu cảnh báo bệnh nặng.
Nếu trẻ bị tay chân miệng ở mức độ nhẹ chỉ có loét miệng và mọc ban da thì có thể được điều trị và theo dõi tại nhà. Chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ bằng cách uống nhiều nước mát và ăn thức ăn dễ tiêu, không cho ngậm vú nhựa, không cho ăn, uống đồ có vị chua hoặc có gia vị. Vệ sinh răng miệng và thân thể hàng ngày tránh bội nhiễm.
Theo các bác sĩ, bệnh tay chân miệng thường không dẫn đến các biến chứng nguy hiểm nếu phát hiện và điều trị sớm. Tuy nhiên, một số trường hợp phát hiện trễ, bệnh tiến triển nặng và gây ra một số biến chứng như: Bị viêm màng não virus (triệu chứng sốt, đau đầu, cứng cổ, đau lưng), bệnh nhân cần nhập viện để được điều trị.
Các biến chứng hiếm gặp khác bao gồm bại liệt, tê liệt hoặc viêm não. Đối với trẻ có biến chứng não sẽ xuất hiện những triệu chứng khó nhận thấy như khó ngủ, quấy khóc nhiều, thường xuyên giật mình lúc thức hay lúc bắt đầu ngủ, hoảng hốt, nói lảm nhảm, tay chân run, co giật, sốt cao, méo miệng. Khi xuất hiện biến chứng trên nếu không phát hiện, điều trị đúng và kịp thời trẻ có thể tử vong trong vài giờ. Nếu không được vệ sinh sạch sẽ thì bệnh nhân cũng có thể bị bội nhiễm tại các nốt mụn trên da.
Bệnh tay chân miệng hiện chưa có vaccine phòng bệnh đặc hiệu. Để phòng ngừa, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng khuyến cáo người dân nên áp dụng các biện pháp phòng bệnh lây theo đường tiêu hóa như ngăn chặn nguồn lây, vệ sinh sạch sẽ là điều rất quan trọng. Khi phát hiện một số dấu hiệu của bệnh, bố mẹ cần đưa trẻ đến thăm khám tại các cơ sở y tế có chuyên khoa Nhi để chẩn đoán đúng bệnh. Nên đưa trẻ thăm khám càng sớm càng tốt khi có các dấu hiệu bất thường.