Góc tâm linh ở bệnh viện - “liều thuốc tâm lý” tích cực

MAI THẢO
Chia sẻ

(PNTĐ) - Tôi vốn không phải người sống mê tín, nhưng dạo gần đây thường có thói quen hễ đến bệnh viện nào là sẽ quan sát; hoặc quen ai ở bệnh viện sẽ hỏi han vài câu xem ở đó có khu thờ cúng tâm linh nào không, chẳng hạn thờ phật, bồ tát hay gì đó. Sở dĩ quan tâm và có chút tò mò như vậy là bởi mấy nay tôi hay được nghe kể và chứng kiến những câu chuyện xung quanh nhu cầu tâm linh của người bệnh, người nhà người bệnh trong bệnh viện.

Một trong số các câu chuyện đó xảy ra ngay trước dịp Tết Quý Mão vừa rồi, do chị gái của bạn kể lại trong lần tôi vào thăm cậu ấy, tại một bệnh viện đa khoa trên địa bàn thành phố Hà Nội. Hôm đó cũng khoảng gần 11 giờ trưa, đúng lúc bạn tôi càu nhàu chị gái mình “đi gửi tờ giấy dưới phòng hành chính thôi mà cũng cả tiếng đồng hồ”, thì chị ấy trở về. Trả lời câu hỏi có vẻ bực dọc của bạn tôi: “Chị đi làm gì dưới đấy mà lâu thế?”, là sự vui vẻ kèm theo câu chuyện chị vừa chứng kiến dưới phòng tiếp dân. Tôi thì cười cười, nghĩ bụng hóa ra là bà chị mải buôn chuyện.

Nhưng kể ra câu chuyện ấy cũng khá thú vị. Đơn giản, ngắn ngọn thế này: Một gia đình đến phòng tiếp dân xin phép tới khu vực điều trị cho bệnh nhân Covid-19 trong bệnh viện để làm khóa lễ nhỏ cho người thân mới qua đời ở đấy. Trong đoàn người có cả các cụ cao niên đi cùng. Bạn nhân viên bệnh viện có giải thích rằng bệnh viện đã làm lễ cầu siêu cho tất cả bệnh nhân tử vong rồi, họ nói cảm ơn nhưng các cụ già vẫn đau đáu muốn làm lễ, còn xin làm ở gầm cầu thang cũng được. Lúc sau, thấy đội nhân viên trao đổi, đồng ý và mời gia đình lên khu vực thờ cúng chung của bệnh viện để làm lễ, họ rất cảm động, tư tưởng có lẽ cũng thoải mái hơn nhiều.

Góc tâm linh ở bệnh viện - “liều thuốc tâm lý” tích cực - ảnh 1
Khu tâm linh trong khuôn viên bệnh viện là nơi nhiều người bệnh, người nhà người bệnh gửi gắm thêm hy vọng.

Kể xong câu chuyện, chị của bạn tôi còn bình thêm một câu: “Thế mới thấy, cuộc sống càng hiện đại con người càng có nhu cầu văn hóa, tâm linh, tín ngưỡng. Nhưng nói gì thì nói, nhiều khi đấy cũng là “liều thuốc tâm lý” hiệu nghiệm, nhất là với những người không may rơi vào hoàn cảnh, số phận kém may mắn, chẳng hạn mắc ung thư hay bệnh nan y khó chữa”. Mấy cô, mấy chị khác trong phòng lúc nãy chăm chú nghe kể nên im re, giờ hết chuyện liền rôm rả kể thêm vài sự vụ khác minh họa, ý là đồng tình với nhận định mà chị của bạn tôi vừa nêu.

Thật ra bản thân tôi cũng có sự đồng tình phần nào với suy nghĩ của chị ấy. Mới ngày 6/4 vừa qua, tôi đọc được một bài báo khá xúc động trên tờ Thanh niên với tựa: “Người cha từng quỳ dưới tượng Phật trong bệnh viện: Hạnh phúc khi con xuất viện”. Nhân vật trong bài báo là một người đàn ông, một người cha thường xuyên quỳ dưới gốc cây mẹ nơi thờ đức Phật Quan Thế Âm, trong khuôn viên Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP Hồ Chí Minh). Có ngày thời tiết nóng như đổ lửa, người cha ấy vẫn ở đó chắp tay cầu nguyện gần một giờ đồng hồ mong cho đứa con vượt qua lằn ranh sinh tử. Trước đó, con trai anh ta bị tai nạn, chấn thương nặng, bác sĩ nói có thể tử vong bất cứ lúc nào. “Trong hoàn cảnh đó, anh chỉ có thể tin vào tâm linh, mong đức Phật ban phép màu cho con vượt qua kiếp nạn này. Ngày nào anh cũng cầu nguyện, túc trực thường xuyên trong bệnh viện” – bài báo viết.

Góc tâm linh ở bệnh viện - “liều thuốc tâm lý” tích cực - ảnh 2
Nhân vật người cha trong câu chuyện của báo Thanh niên đề cập

Gần một năm trước, tôi từng thường xuyên ra vào bệnh viện K Trung ương để chăm mẹ nuôi bị K thực quản. Hồi đó những bệnh nhân tái khám mỗi lần vào bệnh viện đều phải xếp hàng dài ở sân, để kiểm tra kết quả test Covid-19, các loại giấy hẹn rồi chờ bác sĩ của khoa xuống đón. Mỗi lần xếp hàng như vậy đều phải chờ khá lâu, có khi tới 30 phút. Để giết thời gian, tôi hay quan sát xung quanh, và lần nào cũng hướng mắt ngắm nhìn tượng phật quan âm ở ngay cạnh chỗ xếp hàng. Có hôm thấy tôi đang ngắm ra hướng bức tượng, một bác ngồi dãy bên hơi ghé sang kể: “Đợt chưa dịch, người nhà bệnh nhân đi lại tự do, chiều nào cô cũng xuống dưới đi bộ rồi qua lễ ở đấy, linh nghiệm hay không chưa biết nhưng ít nhất tâm mình cũng nhẹ nhàng, cảm thấy có thêm điểm tựa”.

Về vấn đề tâm lý, tôi từng đọc một bài phân tích của chuyên viên tâm lý Nguyễn Quý Quỳnh – Khoa tâm lý, Bệnh viện Nhi đồng 2 rằng: Khi có thân nhân nằm viện, nhất là các bệnh nhi, người ta cần đến niềm tin tâm linh. Người bệnh dù là bệnh nhi hay người trưởng thành, dưới mắt của thân nhân đều là ốm yếu và mỏng giòn, người thân cầu mong có một sức mạnh vô hình nào đó hỗ trợ thêm cho người bệnh. Một số người có niềm tin mãnh liệt đến mức họ tin vào “phép màu” - một “liệu pháp phép màu”. Đây như một “liều thuốc tâm lý” đôi khi có tác dụng rất tốt. Trong y khoa, các thực nghiệm placebo (giả dược) đã chứng minh tính hiệu quả của liều thuốc tâm lý - tinh thần này. Thật ra phân tích này cũng có lý của nó.

Góc tâm linh ở bệnh viện - “liều thuốc tâm lý” tích cực - ảnh 3
Góc tâm linh trong khuôn viên bệnh viện K trung ương

Dần dần qua quan sát, tích cóp thông tin, tôi biết thêm rằng không chỉ Bệnh viện K mà ở ngoài Hà Nội, nhiều cơ sở y tế khác cũng có những “góc tâm linh” nho nhỏ nhưng ý nghĩa như ở Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương Hà Nội, Bệnh viện Hồng Ngọc, Nhi Trung ương… Nhiều chuyên gia phong thủy tôi quen khi nghe nhắc tới vấn đề góc tâm linh ở bệnh viện, đều nhìn nhận đây là việc nên làm. Theo họ, bệnh viện là nơi y bác sĩ và ngườ bệnh cùng nhau giành giật giữa sinh và tử, giữ sự sống và cái chết. Chính vì vậy, xét về mặt tâm lý sẽ luôn là những trạng thái bất ổn về tâm lý. Còn xét về mặt tâm linh thì chắc chắn sẽ có ít nhiều sự ảnh hưởng bởi yếu tố tâm linh. Không cúng lễ mang tính mê tín dị đoan, những khu vực này hầu hết chỉ thuần là nơi để người bệnh, người nhà người bệnh có thêm chốn gửi gắm nỗi buồn, sự lo lắng, muộn phiền; củng cố thêm niềm tin vào cơ hội tốt đẹp hơn…”.

Ấy là chưa nói tới việc nhiều người, chẳng hạn gia đình trong câu chuyện mà chị gái của bạn tôi kể lại, hẳn là họ tin tưởng rằng, con người dù người mất thì sẽ còn linh hồn phảng phất ở lại. Nếu không may qua đời trong bệnh viện, mà nơi đó có một không gian tâm linh sẽ giúp các linh hồn sớm siêu sinh tịnh độ. Đây cũng là một việc làm tốt ở trong Đạo Pháp.

Cá nhân tôi cũng không khuyến khích các hoạt động cúng bái linh đình bởi vì vừa tốn kém chi phí mà lại vừa gây ảnh hưởng đến không gian chung của cộng đồng. Xưa nay việc thờ cúng cốt yếu ở tấm lòng thành tâm chứ không phải là không gian tâm linh to hay nhỏ. Nhưng trong khuôn viên bệnh bệnh, nếu có không gian nho nhỏ, trang trọng, ý nghĩa, chắc chắn sẽ giúp nhiều người bệnh, người nhà người bệnh thêm một điểm tựa, sự giải tỏa tâm lý hữu ích.

Tin cùng chuyên mục

Sữa giả hoành hành: Lộ bất cập trong công bố sản phẩm thực phẩm

Sữa giả hoành hành: Lộ bất cập trong công bố sản phẩm thực phẩm

(PNTĐ) - Vừa qua, vụ sản xuất và buôn bán sữa bột giả quy mô lớn tại Hà Nội và các tỉnh lân cận đã gây chấn động dư luận. Vụ việc này làm dấy lên nhiều câu hỏi về hiệu quả của chính sách "tự công bố sản phẩm" và những lỗ hổng trong công tác quản lý an toàn thực phẩm tại Việt Nam.
Hà Nội đẩy mạnh chuyển đổi số, hướng tới hệ thống y tế thông minh, hiện đại

Hà Nội đẩy mạnh chuyển đổi số, hướng tới hệ thống y tế thông minh, hiện đại

(PNTĐ) - Nhằm không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh, thời gian qua, ngành Y tế Hà Nội đã và đang đẩy mạnh chuyển đổi số trong mọi hoạt động, từ quản trị bệnh viện đến quản lý hồ sơ bệnh án, từng bước xây dựng một hệ thống y tế thông minh, hiện đại và chuyên nghiệp.
Bệnh viện Ba Vì nâng tầm chuyên môn Nội khoa

Bệnh viện Ba Vì nâng tầm chuyên môn Nội khoa

(PNTĐ) - Ngày 9/4, Bệnh viện Đa khoa Ba Vì phối hợp với Hội Nội khoa thành phố Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học chuyên ngành Nội khoa với chủ đề: “Bệnh viêm loét dạ dày và viêm gan do vi rút”. Sự kiện là bước đi quan trọng nhằm tăng cường trao đổi chuyên môn, cập nhật kiến thức y học hiện đại, góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế trên địa bàn.
Điều trị thành công bệnh nhân cao tuổi tắc động mạch phổi cấp biến chứng sốc

Điều trị thành công bệnh nhân cao tuổi tắc động mạch phổi cấp biến chứng sốc

(PNTĐ) - Các bác sĩ khoa Hồi sức tích cực và chống độc, Bệnh viện Hữu Nghị, vừa điều trị thành công một bệnh nhân bị tắc động mạch phổi cấp có biến chứng suy hô hấp và rối loạn huyết động (sốc). Nhờ áp dụng kỹ thuật tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch, bệnh nhân đã được tái thông mạch phổi kịp thời, tránh được các biến chứng nguy hiểm.