Những câu hỏi thường gặp trong điều trị ung thư vú?

ThS.BS. TRƯƠNG THỊ KIỀU OANH - BV Ung bướu Hà Nội
Chia sẻ

(PNTĐ) - Tổ chức ghi nhận Ung thư thế giới GLOBOCAN thống kê năm 2020 ước tính thế giới có khoảng hơn 2,2 triệu ca ung thư vú mới mắc ở nữ và 680.000 ca tử vong. Tại Việt Nam, đây là bệnh ung thư phổ biến nhất ở nữ giới với hơn 21.555 ca mắc mới và 9.345 ca tử vong.

Trong quá trình điều trị, có không ít băn khoăn từ phía người bệnh. Dưới đây là một số câu hỏi thường gặp của bệnh nhân điều trị ung thư vú.

Bệnh nhân mắc ung thư vú thụ thể nội tiết dương tính thì tiên lượng bệnh có tốt không?

Trước tiên chúng ta cần hiểu ung thư vú thụ thể nội tiết dương tính là như thế nào. Bình thường trên bề mặt của các tế bào vú khỏe mạnh có các thụ thể nội tiết là estrogen receptor (viết tắt là ER) và progesterone receptor (viết tắt là PR). Các nội tiết tố nữ bao gồm estrogen và progesterone giúp các tế bào vú khỏe mạnh phát triển và thực hiện chức năng bằng cách gắn kết với các thụ thể nội tiết này.

Các tế bào ung thư vú có các thụ thể nội tiết ER, PR trên bề mặt đáp ứng với tín hiệu tăng trưởng của các thụ thể nội tiết khiến tế bào ung thư vú tăng sinh. Khoảng  70% các trường hợp ung thư vú có các thụ thể nội tiết trên bề mặt được gọi là nhóm có thụ thể nội tiết dương tính và đáp ứng với liệu pháp nội tiết.

Căn cứ vào dữ liệu nghiên cứu thì nhìn chung ung thư vú thụ thể nội tiết dương tính có tiên lượng tốt hơn với ung thư vú thể khác nếu được điều trị bằng liệu pháp nội tiết. Những bệnh nhân ung thư vú thụ thể nội tiết dương tính có thời gian sống dài hơn so với các thể khác.

Những câu hỏi thường gặp trong điều trị ung thư vú? - ảnh 1
Ảnh minh họa. Nguồn: Int

Tuy nhiên ung thư vú thụ thể nội tiết dương tính còn được chia làm 2 nhóm: nhóm có HER2 dương tính và nhóm có HER2 âm tính. HER2 (Human epidermal growth factor receptor 2) là thụ thể của yếu tố phát triển biểu bì, có mặt trên các tế bào biểu mô vú khỏe mạnh và các mô khác với một nồng độ thấp. Khi các tế bào ung thư vú có sự bộc lộ quá mức của HER2 được gọi là ung thư vú có HER2 dương tính.

Sự bộc lộ quá mức của HER2 sẽ gây tăng sinh và phát triển tế bào ung thư. Vì vậy cùng là ung thư vú thụ thể nội tiết dương tính nhưng nhóm có HER2 âm tính tiên lượng sẽ tốt hơn nhóm có HER2 dương tính. Ngày nay với sự phát triển của các thuốc nhắm trúng đích thì những bệnh nhân ung thư vú có HER2 dương tính cũng có tiên lượng tốt hơn nếu được điều trị bằng các thuốc kháng HER2.

Ngoài ra, tiên lượng của bệnh nhân ung thư vú thụ thể nội tiết dương tính còn phụ thuộc vào các yếu tố khác như: tuổi bệnh nhân, giai đoạn bệnh, mức độ bộc lộ thụ thể nội tiết ER, PR…. Những bệnh nhân có mức độ bộc lộ thụ thể nội tiết ER, PR càng cao thì càng đáp ứng tốt với liệu pháp nội tiết và có tiên lượng tốt hơn.

Bệnh nhân được chẩn đoán ung thư vú thụ thể nội tiết dương tính và đang điều trị bổ trợ bằng thuốc nội tiết uống kết hợp tiêm thuốc ức chế chức năng buồng trứng. Sau khi hoàn thành 5 năm tiêm thuốc ức chế chức năng buồng trứng, bệnh nhân có cần phẫu thuật cắt buồng trứng nữa không?

Trong điều trị nội tiết bổ trợ ở bệnh nhân ung thư vú thụ thể nội tiết dương tính chưa mãn kinh, có 3 phương pháp ức chế chức năng buồng trứng (hay còn gọi là cắt buồng trứng) là cắt buồng trứng bằng phẫu thuật, bằng xạ trị và bằng thuốc. Theo dữ liệu nghiên cứu thì hiệu quả của 3 phương pháp này là tương đương nhau.

Tuy nhiên mỗi phương pháp có ưu nhược điểm riêng. Cắt buồng trứng bằng phẫu thuật hay xạ trị là phương pháp cắt buồng trứng vĩnh viễn, thời gian điều trị ngắn, chi phí đỡ tốn kém nhưng chức năng buồng trứng không hồi phục, bệnh nhân phải chịu các nguy cơ biến chứng của phẫu thuật, gây mê, hay các tác dụng phụ của xạ trị.

Cắt buồng trứng bằng thuốc là phương pháp cắt buồng trứng tạm thời, chức năng buồng trứng có thể hồi phục sau kết thúc điều trị, tuy nhiên bệnh nhân phải tiêm thuốc trong thời gian dài, chi phí điều trị cao. Việc lựa chọn phương pháp cắt buồng trứng tùy thuộc vào sự ưa thích của từng bệnh nhân.

Nếu bệnh nhân được điều trị nội tiết bổ trợ với phương pháp cắt buồng trứng bằng thuốc thì thời gian điều trị là 5 năm. Đây là thời gian đã được nghiên cứu và chứng minh mang lại lợi ích cho bệnh nhân. Sau khi ngừng tiêm thuốc chức năng buồng trứng có thể sẽ hồi phục, đời sống sinh lý của bệnh nhân sẽ được trở lại bình thường, giảm được tác dụng phụ của tình trạng mãn kinh như đau xương khớp, khô da, gãy rụng tóc, các cơn bốc hỏa…; chất lượng cuộc sống của bệnh nhân sẽ tốt hơn.

Đây cũng là ưu điểm của phương pháp cắt buồng trứng bằng thuốc so với cắt buồng trứng bằng phẫu thuật và xạ trị. Vì vậy sau khi hoàn thành 5 năm tiêm thuốc ức chế chức năng buồng trứng, bệnh nhân không cần phẫu thuật cắt buồng trứng nữa.

Bệnh nhân đang điều trị nội tiết bổ trợ và mong muốn có con. Bệnh nhân có nên tạm dừng điều trị nội tiết để có thai không và việc dừng điều trị nội tiết có ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị không?

Theo dữ liệu hiện có từ các nghiên cứu, việc mang thai sau kết thúc điều trị ung thư vú không làm tăng nguy cơ tái phát bệnh ung thư vú. Nếu bệnh nhân muốn có con, một số bác sĩ khuyên bệnh nhân nên đợi sau kết thúc điều trị ung thư vú ít nhất 2 năm trước khi mang thai. Thời điểm tốt nhất để bệnh nhân mang thai sau kết thúc điều trị không rõ ràng, nhưng 2 năm được cho là khoảng thời gian để phát hiện bất kỳ sự tái phát sớm của bệnh ung thư, điều này có thể ảnh hưởng đến quyết định mang thai của bệnh nhân.

Đối với phụ nữ bị ung thư vú thụ thể nội tiết dương tính, thời gian điều trị bổ trợ nội tiết thường được khuyến cáo là 5 đến 10 năm. Những phụ nữ muốn có con trong thời gian này thường được khuyên điều trị nội tiết bổ trợ ít nhất 2 năm trước khi ngừng và có ý định mang thai và sau đó bắt đầu lại sau khi sinh con.

Hãy nhớ rằng lời khuyên về việc chờ đợi 2 năm không dựa trên dữ liệu từ bất kỳ nghiên cứu nào. Một số bệnh nhân ung thư vú vẫn có thể tái phát sau mốc 2 năm, hơn nữa việc gián đoạn lịch trình điều trị sẽ không đảm bảo được hiệu quả điều trị tối ưu. Chính vì vậy, bệnh nhân nên cân nhắc giữa mong muốn sinh con và việc từ bỏ điều trị, cái nào là quan trọng hơn.

Việc đưa ra lời khuyên có nên từ bỏ điều trị để sinh con hay không thật là khó. Điều này phải dựa trên mong muốn thực sự của bệnh nhân và tình trạng bệnh ung thư vú của bệnh nhân như bệnh ở giai đoạn nào, độ tuổi nào, nguy cơ tái phát, tình trạng sức khỏe hiện tại ra sao… Bệnh  nhân phải thực sự khỏe và có tiên lượng sống thêm lâu dài thì mới nên có con.

Nếu bệnh nhân lo sợ việc chờ đợi sau kết thúc điều trị lâu thì tuổi sẽ quá cao khó sinh nở, thì bệnh nhân có thể chủ động dự trữ trứng trước điều trị và cân nhắc áp dụng các biện pháp hỗ trợ sinh sản phù hợp. Bênh nhân nên xin ý kiến của bác sỹ điều trị ung thư và bác sỹ sản phụ khoa để được tư vấn chi tiết hơn về vấn đề này.

Bệnh nhân ung thư vú thụ thể nội tiết dương tính, có quan hệ tình dục thì có làm tăng nội tiết hay không?

Quan hệ vợ chồng không ảnh hưởng đến yếu tố làm tăng nội tiết trong cơ thể và không ảnh hưởng đến kết quả điều trị ung thư. Bệnh nhân sau điều trị ung thư vú cần phải duy trì tinh thần tốt cũng như lối sống lành mạnh. Tăng cường thể dục, thể thao, ăn uống khoa học hợp lý, việc sinh hoạt vợ chồng cũng nên duy trì miễn là cơ thể cho phép. Cân bằng tâm sinh lý, quan hệ tình dục an toàn là việc tốt cho cơ thể. Luôn chú ý việc dùng các biện pháp bảo vệ để tránh việc có thai ngoài ý muốn trong quá trình điều trị ung thư.

Tin cùng chuyên mục

Sữa giả hoành hành: Lộ bất cập trong công bố sản phẩm thực phẩm

Sữa giả hoành hành: Lộ bất cập trong công bố sản phẩm thực phẩm

(PNTĐ) - Vừa qua, vụ sản xuất và buôn bán sữa bột giả quy mô lớn tại Hà Nội và các tỉnh lân cận đã gây chấn động dư luận. Vụ việc này làm dấy lên nhiều câu hỏi về hiệu quả của chính sách "tự công bố sản phẩm" và những lỗ hổng trong công tác quản lý an toàn thực phẩm tại Việt Nam.
Hà Nội đẩy mạnh chuyển đổi số, hướng tới hệ thống y tế thông minh, hiện đại

Hà Nội đẩy mạnh chuyển đổi số, hướng tới hệ thống y tế thông minh, hiện đại

(PNTĐ) - Nhằm không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh, thời gian qua, ngành Y tế Hà Nội đã và đang đẩy mạnh chuyển đổi số trong mọi hoạt động, từ quản trị bệnh viện đến quản lý hồ sơ bệnh án, từng bước xây dựng một hệ thống y tế thông minh, hiện đại và chuyên nghiệp.
Bệnh viện Ba Vì nâng tầm chuyên môn Nội khoa

Bệnh viện Ba Vì nâng tầm chuyên môn Nội khoa

(PNTĐ) - Ngày 9/4, Bệnh viện Đa khoa Ba Vì phối hợp với Hội Nội khoa thành phố Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học chuyên ngành Nội khoa với chủ đề: “Bệnh viêm loét dạ dày và viêm gan do vi rút”. Sự kiện là bước đi quan trọng nhằm tăng cường trao đổi chuyên môn, cập nhật kiến thức y học hiện đại, góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế trên địa bàn.
Điều trị thành công bệnh nhân cao tuổi tắc động mạch phổi cấp biến chứng sốc

Điều trị thành công bệnh nhân cao tuổi tắc động mạch phổi cấp biến chứng sốc

(PNTĐ) - Các bác sĩ khoa Hồi sức tích cực và chống độc, Bệnh viện Hữu Nghị, vừa điều trị thành công một bệnh nhân bị tắc động mạch phổi cấp có biến chứng suy hô hấp và rối loạn huyết động (sốc). Nhờ áp dụng kỹ thuật tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch, bệnh nhân đã được tái thông mạch phổi kịp thời, tránh được các biến chứng nguy hiểm.