Nâng cao nhận thức về rác thải nhựa thông qua cuộc thi Thợ săn ảnh nhựa
(PNTĐ) - Sau hơn 2 tháng phát động, cuộc thi PlasPics Hunter - Thợ săn ảnh nhựa đã kết thúc tốt đẹp, để lại nhiều ấn tượng sâu sắc trong lòng các tác giả dự thi và công chúng.
11 tác phẩm xuất sắc nhất được xướng tên trong lễ trao giải với tổng giá trị giải thưởng lên đến 28 triệu đồng. Cuộc thi do Quỹ Vì Tầm Vóc Việt (VSF), Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Xanh (GreenHub) và Liên minh Không rác Việt Nam (VZWA) phối hợp tổ chức với sự bảo trợ truyền thông của Tạp chí điện tử Kinh tế & Môi trường.
Cuộc thi “PlasPics Hunter - Thợ săn ảnh nhựa” được thực hiện trong khuôn khổ hợp tác giữa các dự án “Giảm ô nhiễm rác thải nhựa với các giải pháp địa phương” (LSPP) thực hiện bởi GreenHub, tài trợ bởi Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), dự án “Giảm thiểu rác thải nhựa” của VZWA và là một trong những hoạt động hợp tác giữa các thành viên của Đối tác Hành động về Nhựa và Sức khỏe (PHA). Đồng thời, cuộc thi được tài trợ bởi Công ty Nhựa Tái chế Duy Tân và công ty Cổ phần Vietcycle.
Mục tiêu của cuộc thi nhằm tìm kiếm những bức hình phản ánh chân thực hiện trạng rác thải nhựa qua ống kính sáng tạo. Những bức ảnh sẽ là tài nguyên để PHA đóng góp vào nền tảng số (nhuavasuckhoe.vn) chia sẻ dữ liệu khoa học và khoa học công dân về rác thải nhựa và sức khỏe. Cuộc thi hướng đến nâng cao nhận thức của người dân về thực trạng rác thải nhựa và khuyến khích các hành động tích cực nhằm giảm thiểu rác thải nhựa và tác động của rác nhựa đến môi trường và sức khỏe. Đây cũng là cơ hội kết nối cộng đồng thỏa sức đam mê về nhiếp ảnh với chủ đề môi trường.
Trải qua hơn 2 tháng diễn ra, cuộc thi thu hút 364 bài dự thi thể hiện thực trạng rác thải nhựa tại nhiều tỉnh, thành trên toàn quốc. Các tác phẩm độc đáo và gần gũi với người xem, trong đó có một số nội dung nổi bật gồm: Địa điểm chụp đa dạng khi các tác phẩm không chỉ phản ánh thực trạng rác thải nhựa trên biển như cộng đồng vẫn thường hiểu, các tác phẩm cho thấy rác thải nhựa là thứ mà chúng ta có thể gặp tại bất kỳ đâu, và rất gần với cuộc sống của mỗi người dân, như con đường trước nhà, các khu công cộng, kênh, rạch, sông, tại chính nơi các tác giả sinh sống. Mỗi người khi xem những tác phẩm này đều có thể thấy vấn đề về rác thải nhựa đang thực sự gắn liền và ảnh hưởng trực tiếp đến bản thân.
Bên cạnh đó, nhiều tác phẩm trong cuộc thi năm nay chụp hình ảnh cuộc sống của người dân với rác thải nhựa. Những hình ảnh người công nhân phải lội đến lưng người tại các kênh rạch để dọn rác, những bãi rác bên cạnh khu sinh sống của người dân. Mỗi hình ảnh đều “chạm” vào cảm xúc của người xem và có giá trị tác động cao.
Ngoài ra, các tác giả cũng thể hiện được sự quan sát tinh tế khi tìm kiếm bối cảnh chụp về rác thải nhựa để tham gia dự thi. Những bức ảnh cận rác thải nhựa ảnh hưởng đến môi trường sống của các sinh vật ngoài thiên nhiên cho thấy sự tồn tại của rác thải nhựa không những ảnh hưởng đến cuộc sống của con người, mà còn ảnh hưởng đến hệ sinh thái trên toàn Trái đất.
Ban giám khảo cuộc thi là đều là những chuyên gia kỳ cựu trong lĩnh vực Môi trường, Truyền thông và Nghệ thuật. Dựa theo những tiêu chí chấm điểm gồm nội dung, bố cục, chất lượng hình ảnh, sự sáng tạo và thuyết minh cho tác phẩm dự thi, Ban giám khảo đã làm việc công tâm và lựa chọn được 10 tác phẩm xuất sắc để trao giải, thay vì 3 giải khuyến khích như dự định, BTC đã quyết định trao 5 Giải Khuyến khích cho các tác phẩm dự thi xuất sắc. Ban tổ chức cũng trao 1 Giải Yêu thích nhất dựa vào số lượt bình chọn qua nền tảng số Nhựa và sức khỏe.
PGS.TS. Trương Mạnh Tiến, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế Môi trường chia sẻ: “Những cuộc thi như Thợ săn ảnh nhựa có ý nghĩa thực tiễn cao khi lột tả được hiện trạng rác thải nhựa theo quan sát đời thường của mỗi người dân Việt Nam. Hàng trăm tác giả đã tham gia hưởng ứng cuộc thi thông qua những tác phẩm đa dạng với thông điệp rõ ràng, mạnh ý và có giá trị lan tỏa đã cho thấy sự quan tâm của cộng đồng với vấn đề này”.
Tác giả Vương Thùy Trang với tác phẩm “Những dòng kênh chết giữa Sài Gòn hoa lệ” chia sẻ về tác động của cuộc thi đến bản thân: “Với nhóm mình, không chỉ dừng lại ở những bức ảnh về rác thải mà Plaspics Hunter còn trực tiếp tác động đến tư duy của người trẻ nói riêng và xã hội nói chung về thực trạng môi trường, đồng thời phản ánh lối sống "nhựa hóa" như ngày nay. Sau khi có cơ hội được đặt chân đến những nơi có tình trạng ô nhiễm nhựa cao, cá nhân nhóm mình đã phần nào nhận ra được mối nguy hại và mức độ nghiêm trọng của rác thải nhựa trong môi trường sống. Từ việc ý thức đúng dẫn đến hành động, chúng em sẽ cố gắng góp thêm phần công sức nhằm lan tỏa thêm nhiều thông điệp sống xanh hơn nữa đến với cộng đồng như một trách nhiệm của một thế hệ xanh”.