"NƯỚC MẮT" CỦA DI SẢN

Kỳ 1: 10 năm di sản vẫn khóc ở Đường Lâm

HOÀNG LAN
Chia sẻ

(PNTĐ) - Không chỉ là trung tâm chính trị, kinh tế, giáo dục của cả nước, Hà Nội còn tự hào là trung tâm văn hóa lớn với khối lượng di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đa dạng, phong phú. Tuy nhiên, trong quá trình chung sống, di sản quá khứ và con người hiện tại đã xảy ra không ít xung đột khiến nhiều di sản dường như trở nên lạc lõng, thậm chí bỗng hóa thành “rào cản” cho hậu thế. Loạt bài ““Nước mắt’ của di sản” đề cập đến câu chuyện ứng xử với di sản nhà cổ và làm gì để di sản trở thành “tài sản” thay vì “rào cản” cho sự phát triển Thủ đô nói riêng, đất nước nói chung.

 

Năm 2013, việc 78 người dân ở làng cổ Đường Lâm, thị xã Sơn Tây đồng loạt ký tên vào lá đơn xin trả lại danh hiệu (di tích quốc gia) làng cổ Đường Lâm cho Nhà nước đã tạo nên cú sốc với công chúng, nhất là những người quan tâm đến bảo tồn di sản. Những tưởng sau 10 năm, người dân ở Đường Lâm đã có thể yên vui cùng di sản, nhưng không, bức xúc ở Đường Lâm vẫn nóng, thậm chí hơn cả 10 năm trước.
Thay vì “viết đơn” trả lại danh hiệu, bây giờ, nhiều người dân Đường Lâm chọn cách ứng xử khác để duy trì cuộc sống của mình. Đồng nghĩa, sự cổ kính của Đường Lâm cũng đang dần mất đi.

 

Đường Lâm đang khác xa nhiều quá

Những ngày đầu tháng 8 năm 2022, phóng viên báo Phụ nữ Thủ đô về với Đường Lâm. Càng đi sâu vào làng, dọc hai bên đường, bên cạnh những ngôi nhà mái ngói, những bức tường đá ong màu vàng cổ kính, có thể dễ dàng bắt gặp những ngôi nhà mới cao hai tầng, mái bằng, bê tông cốt thép… Thậm chí, có những con ngõ, nhà bê tông san sát nhau, tạo cảm giác như tôi đang ở trên một làng quê bất kỳ nào khác chứ không phải ở ngôi làng cổ nổi tiếng với hàng trăm năm tuổi.

Xác nhận điều này, bà Dương Thị Lan, Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ thôn Mông Phụ, người gốc Đường Lâm cho biết: “Đường Lâm không còn nguyên sơ với những bức tường đá ong, những ngôi nhà cổ lợp ngói mũi di. Vài thập kỷ gần đây, Đường Lâm có sự biến đổi rất rõ rệt. Tôi còn nhớ khoảng giữa những năm 90, có đoàn làm phim tư liệu đã về đây quay được những thước phim đẹp lắm. Từ trên cao, làng cổ Đường Lâm thanh bình hiện ra với những hàng mái ngói rập rờn chim bồ câu trắng đậu. Bây giờ, khó mà tìm lại khung cảnh đó ở Đường Lâm”, bà bùi ngùi.

Kỳ 1: 10 năm di sản vẫn khóc ở  Đường Lâm - ảnh 1
Các ngôi nhà với nhiều kiểu kiến trúc khác nhau, bị đánh giá là không ăn nhập với khung cảnh truyền thống ở Đường Lâm

Đường Lâm đang bị “biến dạng ít nhiều” cũng là cảm nhận của PGS. TS. KTS. Khuất Tân Hưng, Chủ nhiệm bộ môn Lý luận và Bảo tồn di sản, Đại học Kiến Trúc Hà Nội. Đặc thù nghề nghiệp khiến ông Hưng nhiều lần trở đi trở lại Đường Lâm, nhưng mỗi lần đến sau, sự tiếc nuối trong ông lại nhiều thêm. “10 năm trước, khi người Đường Lâm chưa viết đơn trả lại danh hiệu, nét ổ kính ở Đường Lâm vẫn còn được bảo tồn khá rõ. Việc xây dựng mới các ngôi nhà bê tông thời đó rất khó. Nhưng bây giờ, ngay cả ở lõi bảo tồn cấp 1 là thôn Mông Phụ cũng đã mọc lên những ngôi nhà 2 tầng với kiến trúc không ăn nhập với khung cảnh truyền thống. Nhiều ngôi nhà cổ đã bị “bao vây” bởi những bức tường trát vữa xi măng thẳng đứng”, ông Hưng bùi ngùi nhận xét.

Chúng tôi đã tìm gặp ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã Đường Lâm để làm rõ thêm căn nguyên của việc làng cổ Đường Lâm đang mất dần nét cổ. Ông Dũng cho biết: 10 năm trước, một số người dân Đường Lâm ký tên vào đơn trả lại danh hiệu di sản là do bức xúc về chỗ ở. 10 năm sau, chỗ ở cũng vẫn là bức xúc của người dân. 10 năm trước, ở xã Đường Lâm chỉ có khoảng 2.100 hộ dân. 10 năm sau, số hộ dân đã tăng lên 2.900 hộ, trong khi nhà cổ và đất đai thì không thể “nở” ra.

Kỳ 1: 10 năm di sản vẫn khóc ở  Đường Lâm - ảnh 2
Những bức tường trát xi măng xen cùng tường cổ ở Đường Lâm (ảnh K.T.H chụp tháng 6/2022)

Ông Dũng cho biết, theo quy định, để đảm bảo không phá vỡ không gian làng cổ, các nhà xây ở Đường Lâm chỉ được  cao không quá 7m, lợp mái ngói… Tuy nhiên, không phải nhà nào cũng có đủ đất để xây như vậy. Đơn cử như có những nhà chỉ hơn 40 m2, nếu chỉ xây 1 tầng mái ngói thì làm sao đủ chỗ cho cả đại gia đình sinh hoạt, con cái học hành. Và thế là, dù có giấy phép thì khi xây dựng, họ vẫn xây thành nhà tầng, vi phạm quy định về khoảng lùi, chiều cao, vi phạm lợp mái tôn, mái fibro xi măng. Phía chính quyền cũng đành “bất lực” vì có đủ chỗ ở là nhu cầu chính đáng của người dân. Đó là lý do ở Đường Lâm hiện nay, có một danh sách các nhà xây dựng không phép, sai phép mà… không thể (hoặc không đành) xử lý. Cũng đã có cả trường hợp xin dỡ cả nhà cổ vì bố mẹ chia đất cho các con. Giờ các con muốn làm nhà thì phải dỡ nhà cổ.

Kỳ 1: 10 năm di sản vẫn khóc ở  Đường Lâm - ảnh 3
Những ngôi nhà bê tông xây cạnh nhà cổ (ảnh K.T.H chụp tháng 5/2022)

Ông Dũng cho biết thêm, cách đây nhiều năm, làng cổ Đường Lâm đã được triển khai dự án giãn dân ra làng Phụ Khang cũng thuộc xã Đường Lâm. Hiện, việc xây dựng hạ tầng khu giãn dân giai đoạn I hiện đã xong, tuy  nhiên lại vướng quy định cơ chế chính sách  hỗ trợ người dân ra khu ở  mới. Phần nghĩa vụ tài chính phải nộp cao quá khả năng chi trả của người dân. Và thế là, người dân làng cổ nhìn thấy quỹ đất mà không thể đi, đành tiếp tục ở lại trong làng cổ, nhà cổ và xây thêm các ngôi nhà mới để ở.

Cũng theo ông Dũng, trước đây, Ban Quản lý di tích làng cổ Đường Lâm đã đưa ra một số mẫu nhà để người dân chọn khi xây nhà nhưng, các mẫu này chưa hợp lý nên không áp dụng được. Vì thế, hiện nay, người dân tự xây nhà theo mẫu riêng của mình nên dẫn tới tình trạng kiến trúc có phần lộn xộn, mới cũ đan xen. Bên cạnh đó, hệ thống cảnh quan đường làng ngõ xóm, cảnh quan cây xanh, rặng tre… đang ngày một bị xuống cấp, thu  hẹp hoặc mất dần. Hệ thống ao hồ tạo cảnh quan cũng bị ô nhiễm do  hệ thống thoát nước thải của khu dân cư xả trực tiếp hàng ngày… Tất cả những yếu tố đó đang làm phá vỡ cảnh quan của di tích.

Ông Dũng không ngần ngại thừa nhận: “Nếu không có biện pháp tháo gỡ khả thi, chỉ 10 năm nữa, chắc làng cổ Đường Lâm sẽ… không còn”.

Khi người dân bị đẩy vào thế “đường cùng”

Ông Phan Văn Hùng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đường Lâm chia sẻ thêm: Nhà cổ ở Đường Lâm thường có cấu trúc 5 gian, 2 dĩ nhưng gian ở giữa được bố trí để ban thờ, một gian là nơi đặt bàn uống nước, sập gụ, tủ chè, một gian thường kê sập 2 tấm. Các nhà cổ chủ yếu chỉ có 2 buồng ngủ. Nhà nào có các cặp vợ chồng trẻ hay con gái lớn… dù chật cũng không thể bố trí cho ngủ ở gian giữa ngay sát ban thờ được. Vì vậy nhà cổ nhìn có vẻ rộng nhưng chỗ sinh hoạt, nghỉ ngơi lại thiếu. Chưa hết, mỗi khi mưa gió, người dân sống trong nhà cổ cũng khổ vì lau chùi, dọn dẹp do bụi bặm. Nhà vệ sinh thì vẫn theo kiểu “xí xổm”, nhà cổ “thông thống” cũng không lắp được điều hòa. Trong khi đó, cuộc sống phát triển, người dân muốn được sinh hoạt trong nhà mái bằng kín đáo, sạch sẽ, có điều hòa, nhà vệ sinh tự hoại, nhà tắm lắp vòi sen… Sống trong trong nhà cổ vừa chật, chất lượng sống lại không cao nên… họ cứ bung ra, tự xây nhà bê tông mới.

“Trước, người dân xin trả lại danh hiệu. Nay, người dân không cần trả lại mà tự xử lý theo cách của mình”, ông Hùng nói. Cũng theo lời kể, ở Đường Lâm, đã có việc người dân khi xây nhà bê tông… bị chính quyền “dọa” xử phạt còn tuyên bố sẽ mang cả dao ra nếu ai dám động vào nhà mới xây của mình.

Kỳ 1: 10 năm di sản vẫn khóc ở  Đường Lâm - ảnh 4
Anh Đỗ Việt Đức chỉ tay vào dấu vết của ngôi nhà cổ, cạnh đó là ngôi nhà bê tông xây  mới của vợ chồng anh

Rời trụ sở UBND xã, chúng tôi tìm tới nhà của anh Đỗ Việt Đức, thế hệ thứ 3 sống trong ngôi nhà cổ ở số nhà 19, xóm Đình, thôn Mông Phụ. Anh Đức cũng chính là người đã dọa “vác dao” bảo vệ nhà xây mới “không phép” của mình.

Anh Đức cho biết: Ngôi nhà cổ có tuổi đời đã khoảng 300 năm là nơi sinh sống của bà anh đã 98 tuổi, mẹ anh, vợ chồng anh chị anh, vợ chồng anh, các con, cháu. Từng đó con người phải chen chúc trong ngôi nhà chỉ có 2 phòng ngủ, bí bách quá, mẹ anh đã làm đơn xin được cấp đất giãn dân nhưng mãi vẫn chỉ nhận được “lời hứa”. Bị đẩy vào thế đường cùng, vợ chồng anh quyết định “làm liều”, tự xây thêm một ngôi nhà trên đất chuồng lợn dù không được cấp phép. Nhà rộng khoảng 30m2 nối liền sát với nhà cổ và che mất nhà cổ nếu nhìn từ ngoài đường vào.  “Lúc đó, chính quyền đến yêu cầu tháo dỡ nhưng tôi nói, ai dám phá nhà tôi sống chết luôn”.

Bây giờ, nghĩ lại việc đã qua, anh Đức vẫn thấy mình làm đúng, nếu không, vợ chồng anh làm gì có chỗ để sinh tồn. Chỉ tay ra phía ngoài đường, anh Dũng cho biết, giờ, người dân Đường Lâm cũng không còn quá bí bách về chỗ ở, cũng là do họ đã tự xây nhà bê tông khang trang để ở rồi.

 “Chúng tôi phải lo cho cuộc sống của mình trước, không thể chỉ ngồi đó mà nghĩ đến những điều vĩ mô như di sản, di tích, cảnh quan được”. Anh Đức ước, giá như nhiều năm trước, nhà anh được giãn dân, áp lực về chỗ ở không nhiều thì vợ chồng anh đã không xây nhà bê tông như thế này. Và vậy thì cái chuồng lợn cũ, cùng cả cảnh quan khuôn viên ngôi nhà cổ của nhà anh vẫn sẽ được bảo tồn. Nhưng tiếc nuối gì giờ đều đã muộn rồi.

Kỳ 1: 10 năm di sản vẫn khóc ở  Đường Lâm - ảnh 5
Ngôi nhà cổ đã 400 tuổi của gia đình bà Dương Thị Lan

Bà Dương Thị Lan, Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ thôn Mông Phụ chia sẻ: Tổ chức hội phụ nữ cũng có nhiệm vụ tuyên truyền, vận động người dân gìn giữ di sản nhà cổ. Nhưng, nhiều khi, vận động vậy thôi chứ  gốc vấn đề nằm ở chỗ người dân thiếu chỗ ở thì Hội không thể giải quyết được. Có người khi bà đến vận động còn nói với bà: “Cô có nhà cổ nhưng không bí bách về chỗ ở thì cô không cần cơi nới. Còn chúng tôi thì phải xây thêm nhà”.

Ngôi nhà bà Lan đang ở đã 400 năm tuổi, đứng thứ hai về tuổi đời trong các ngôi nhà cổ và đứng thứ nhất về không gian cổ ở Đường Lâm hiện vẫn giữ được vẻ cổ kính nguyên trạng. Bà có hai con, cả hai đều đã lập nghiệp và mua nhà ở Hà Nội. Đúng như người dân nói, vì thế, bà không bức bách về nhà ở. Còn ở Đường Lâm hiện nay, không phải gia đình nào cũng có con thoát ly, mua được nhà, xây được nhà ở nơi khác. 

Tin cùng chuyên mục

Tuyên truyền không sử dụng xe ba bánh, xe tự chế chở hàng cồng kềnh

Tuyên truyền không sử dụng xe ba bánh, xe tự chế chở hàng cồng kềnh

(PNTĐ) -  Trước tình hình hoạt động của hàng loạt các phương tiện xe ba bánh, xe tự chế, xe mô tô kéo theo xe khác chở hàng cồng kềnh lưu thông trên đường gây nguy hiểm, tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn, Đội CSGT số 3 (Phòng CSGT – Công an Hà Nội) đã cử cán bộ chiến sĩ xuống địa bàn thực hiện tuyên truyền, hướng dẫn các tiểu thương và tài xế kí cam kết không sử dụng các phương tiện tự chế để chở hàng cồng kềnh, sai quy định.
Hơn 5 triệu đội viên, thiếu nhi tham dự ngày hội “Thiếu nhi vui khoẻ”

Hơn 5 triệu đội viên, thiếu nhi tham dự ngày hội “Thiếu nhi vui khoẻ”

(PNTĐ) - Sáng ngày 18/3/2024, Hội đồng Đội Trung ương phối hợp tổ chức ngày hội “Thiếu nhi vui khỏe”, phát động 07 tuần thi đua cao điểm của thiếu nhi Việt Nam chào mừng kỷ niệm 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ tại tỉnh Hà Tĩnh. Đây là hoạt động có quy mô lớn chào mừng kỷ niệm 93 năm ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3/1931 - 26/3/2024), 70 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (07/5/1954 - 07/5/2024).
30.000 lớp học được lồng ghép kiến thức sức khỏe học đường

30.000 lớp học được lồng ghép kiến thức sức khỏe học đường

(PNTĐ) - Ngày 14-15/3/2024, Tổ chức Cứu trợ Trẻ em phối hợp với Quỹ Mars Wrigley tổ chức Hội thảo chia sẻ về công tác y tế trường học và tổng kết Dự án “Sức khỏe và Dinh dưỡng Học đường” sau 12 năm triển khai (2011-2024) tại 125 trường mầm non, tiểu học và trung học cơ sở thuộc Hà Đông (Hà Nội), Hải Phòng, TP. Hồ Chí Minh và Tiền Giang. Hội thảo không chỉ đánh giá hiệu quả các hoạt động dự án mà còn là cơ hội để các đối tác chia sẻ các bài học kinh nghiệm và những mô hình tốt trong công tác y tế trường học tại Việt Nam.