Hiếm Thủ đô nào có lịch sử hàng ngàn năm như Hà Nội

Hoàng Lan (thực hiện)
Chia sẻ

(PNTĐ) - TS Ngôn ngữ học người Úc gốc Việt Nguyễn Thế Dương, Giám đốc Viet Academy - Brisbane Australia hiện đang sinh sống tại Australia. Xa quê hương, anh vẫn luôn dành cho Thủ đô Hà Nội những tình cảm đặc biệt, đồng thời nỗ lực triển khai nhiều hoạt động ý nghĩa để cùng bà con kiều bào giữ gìn nguồn cội, văn hóa Việt Nam. Chia sẻ của TS Nguyễn Thế Dương với phóng viên Báo Phụ nữ Thủ đô.

Xin chào TS Nguyễn Thế Dương. Được biết anh là một người Hà Nội gốc. Vậy anh có thể chia sẻ tình cảm, kỷ niệm của mình với Thủ đô?

Tôi được sinh ra và lớn lên ở Hà Nội nên tình yêu của tôi dành cho quê hương mình là một điều rất tự nhiên. Nhà tôi là một đại gia đình sống quây quần trong không gian một ngôi nhà cổ. Nền nếp gia phong, sự hòa hiếu là những thứ không cần nói ra, nó như ngấm vào trong máu thịt, trong suy nghĩ và ý thức của từng thành viên trong gia đình.

Lúc tôi còn bé, Hà Nội vẫn còn ở trong những năm tháng bao cấp. Hà Nội nhỏ và nghèo lắm. Nhưng đó cũng là một Hà Nội đẹp cổ kính và thanh bình đến lạ.

Tôi rất nhớ con ngõ 115 phố Nguyễn Khuyến nơi tôi ghi dấu bao kỉ niệm năm tháng tuổi thơ. Ngõ nằm đối diện với chùa Bà Ngô, thời xa xưa lắm còn có tên là ngõ Yên Sơn trên đường Sinh Từ. Hai dãy nhà thẳng tắp, vuông vắn được xây từ thời thuộc Pháp với những hàng cây cao vút, xòa tán rợp cả không gian ngõ nhỏ. Mỗi khi mùa thu về, những búp hoa nhỏ li ti rụng xuống theo làn gió heo may tạo nên những thảm hoa trắng tinh thơm ngát.

Tôi cũng thích phong vị Tết của Hà Nội, nhất là sự tất bật sửa soạn trong những ngày cận Tết. Tôi nhớ mãi cái cảm giác háo hức được ngồi quây quần với cả nhà gói bánh chưng và chờ vớt bánh, rồi cảm giác hân hoan khi được bố chở đi ngắm đào quất ở chợ hoa Hàng Lược…  

Tôi cũng được đôi lần đi tàu điện của Hà Nội trước khi nó ngừng hoạt động vào đầu những năm 1990. Tàu điện chạy ngang qua cửa nhà ông bà ngoại tôi ở phố Nguyễn Thái Học. Cái tiếng leng keng của nó như là một thỏi nam châm đầy mê hoặc với bất kì đứa trẻ con nào thời kì đó.

Lúc nhỏ, tôi hay được ông bà và bố mẹ chở đi chơi trên khắp các phố phường của Hà Nội. Tôi thích được cùng ông bà mình ngồi ngắm Hà Nội trên chiếc xích lô cũ. Sau này lớn lên, tôi vẫn luôn thèm cái cảm giác đi bát phố như vậy. Những con đường rợp bóng cây sấu, bàng, xà cừ, phượng vĩ, những mái nhà cổ kính rêu phong, những vỉa hè tấp nập người qua lại bán mua là những điều độc đáo và vô cùng đáng yêu của Hà Nội.

Hiếm Thủ đô nào có lịch sử hàng ngàn năm như Hà Nội - ảnh 1
TS Ngôn ngữ học người Úc gốc Việt Nguyễn Thế Dương.

Thưa TS Nguyễn Thế Dương, hiện nay, anh đang sinh sống, làm việc tại nước ngoài cũng như công việc đã đưa anh đến với nhiều Thủ đô trên thế giới. Vậy theo anh, đâu là bản sắc riêng của Hà Nội so với các Thủ đô mà anh đã từng đặt chân qua?

Phải nói là hiếm Thủ đô nào có lịch sử hàng ngàn năm như Hà Nội. Cho nên, nếu được nói một từ về bản sắc của Hà Nội thì tôi nghĩ đó là “văn hiến”. Thăng Long - Hà Nội là mảnh đất ngàn năm văn hiến.

Văn hiến của Hà Nội được thể hiện qua những di sản vật chất như Hoàng thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, quần thể Hồ Gươm… Văn hiến Hà Nội được thể hiện qua tinh thần hiếu học và trọng đạo học. Đã có rất nhiều người con ở kinh thành Thăng Long ghi dấu bảng vàng trong các khoa thi xưa. Vào thế kỉ 19, các sĩ phu Hà Thành như Nguyễn Văn Lý, Nguyễn Văn Siêu, Vũ Tông Phan, Bùi Huy Tùng… đã cùng nhau gây dựng nên Văn Chỉ Thọ Xương, một di tích rất đặc biệt của Hà Nội và cả nước, nơi vinh danh và thờ phụng những bậc tiên hiền, và cũng là một trung tâm để chấn hưng văn hóa và giáo dục của mảnh đất Thăng Long - Hà Nội.

Lúc nhỏ, tôi cứ băn khoăn với câu hỏi, nhiều trung tâm các thành phố trên thế giới là những tòa cao ốc chọc trời nhưng vì sao trung tâm của Hà Nội lại chỉ là Hồ Gươm? Sau này, càng đi nhiều thì tôi mới nhận ra rằng đó là nét đặc trưng riêng vô cùng độc đáo của Hà Nội. Hồ Gươm có lẽ là tiêu biểu cho nét văn hiến của Thủ đô Hà Nội. Không chỉ có vẻ đẹp tự nhiên, mỗi một công trình và truyền thuyết về Hồ Gươm cũng hàm chứa những biểu trưng văn hiến quan trọng. Chẳng hạn, truyền thuyết về vua Lê trả gươm cho rùa thần truyền đi một thông điệp: Hà Nội là thành phố của hòa bình hữu hảo. Đài Nghiên và tháp Bút là biểu tượng của văn hóa, của sự tôn thờ đạo học, của sự hướng thiện. Còn đền Ngọc Sơn có thờ Văn Xương, vị thần của văn học và học vấn. 

Anh thường trăn trở điều gì khi nghĩ về quê hương Việt Nam và thủ đô Hà Nội nơi anh sinh ra, lớn lên? Và những trăn trở ấy có phải là động lực để anh đang triển khai nhiều hoạt động gìn giữ ngôn ngữ, văn hóa Việt Nam, văn hóa Hà Nội?

Sống ở nước ngoài nên thực sự tôi rất nhớ Hà Nội. Kí ức Hà Nội lúc nào cũng ngập tràn tâm trí của tôi. Trong từng việc làm của mình, tôi vẫn hướng đến Hà Nội như một lẽ rất tự nhiên. Trong bộ sách “Tiếng Việt của em” do tôi cùng hai đồng nghiệp biên soạn để dạy tiếng Việt cho con em kiều bào, hình ảnh Hà Nội hiện lên rất đậm nét, từ các địa danh quen thuộc như Hồ Gươm, Hồ Tây, Văn Miếu, làng Quảng Bá, chùa Trấn Quốc, công viên Thủ Lệ, phố Hàng Bông, phố Cửa Nam… đến những món đặc sản Hà Thành như bánh tôm, bún ốc… Chắc có lẽ tôi cũng hơi “thiên vị” cho Hà Nội như vậy đấy.

Với tư cách là một người giảng dạy và nghiên cứu tiếng Việt ở nước ngoài, điều tôi trăn trở nhất là làm sao truyền được tình yêu tiếng Việt, tình yêu về Hà Nội nói riêng và đất nước Việt Nam nói chung cho học sinh của mình để các em giữ được sợi dây kết nối với nguồn cội. Hà Nội và Việt Nam vẫn hiện diện trong từng tiết học hàng ngày của tôi và trở nên gần gũi và thân thiết với các em học sinh, dù nhiều bạn chưa bao giờ đặt chân đến Hà Nội cả.

Hiếm Thủ đô nào có lịch sử hàng ngàn năm như Hà Nội - ảnh 2
Một tiết dạy tiếng Việt cho con em kiều bào của TS Ngôn ngữ học người Úc gốc Việt Nguyễn Thế Dương.

Và thành quả của những nỗ lực ấy của anh là gì?

Với tôi, thành quả lớn nhất chính là tình yêu tiếng Việt và tình yêu dành cho đất nước, cho Hà Nội cứ lớn dần lên trong các bạn nhỏ. Nhìn thấy sự tiến bộ của các em là một niềm vui khôn tả. Những bài học trên lớp cứ thấm dần vào các em và nuôi dưỡng tình yêu quê hương đất nước và tiếng mẹ đẻ trong lòng các em. Tình yêu tiếng Việt được đánh thức giúp các em học tiếng Việt tốt hơn, hiệu quả hơn. Tình yêu với quê hương đất nước giúp các em gắn bó mật thiết hơn với gia đình và nguồn cội. Có những bạn nhỏ về tới Hà Nội là ngay lập tức đòi bố mẹ đưa đến tận nơi để xem và chụp ảnh về những nơi mình đã được học trong sách. Khi nhận được những bức ảnh như vậy, tôi rất xúc động.

Năm 2023, trường Yêu Tiếng Việt tổ chức một chuyến đi vòng quanh Hà Nội trên xe buýt 2 tầng, tham quan những địa điểm nổi tiếng của Thủ đô. Với nhiều bạn nhỏ người Việt ở nước ngoài, đây là lần đầu tiên được về Hà Nội. Những danh thắng như từ trong trang sách bước ra thật sống động đối với các em học sinh.  

Năm 2024 này, tôi được Bộ Ngoại giao trao tặng danh hiệu “Sứ giả tiếng Việt”. Nhưng với tôi, mỗi một em học sinh tại trường Yêu Tiếng Việt chính là những “sứ giả tiếng Việt” tí hon vì các em sẽ là thế hệ tiếp theo mang trọng trách gìn giữ, duy trì, bảo tồn và lan tỏa tiếng Việt 

Câu hỏi cuối cùng, anh mong muốn thủ đô Hà Nội của hôm nay và mai sau sẽ như thế nào?

Là một người con Hà Nội xa xứ, tôi mong muốn được thấy một Hà Nội vừa hiện đại, phát triển kinh tế mạnh mẽ, vừa giữ được bản sắc văn hóa, lịch sử lâu đời. Tôi nghĩ Hà Nội dù phát triển tới đâu thì cái gốc của nó vẫn là một thành phố ngàn năm văn hiến.

Do đó, Hà Nội cần bảo tồn thật tốt các di tích lịch sử và phát triển mạnh mẽ du lịch văn hóa. Đó là hướng đi thực sự bền vững và Hà Nội vẫn còn rất nhiều tiềm năng có thể khai thác. Hà Nội cũng cần phát triển những khu đô thị mới có quy hoạch thân thiện với môi trường, nhiều cây xanh, công viên và hồ nước, hệ thống giao thông đồng bộ và kết nối cao, đồng thời bảo vệ những khu vực sinh thái hiện có như Hồ Tây, sông Hồng.

Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện thú vị này.

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Dừng lại ở hai con để nuôi dạy cho tốt

Dừng lại ở hai con để nuôi dạy cho tốt

(PNTĐ) - Hiện nay, Hà Nội đã đạt mức sinh thay thế, công tác dân số - KHHGĐ chuyển hướng sang dân số và phát triển. Lứa tuổi vị thành niên, thanh niên, đặc biệt là các bé gái được quan tâm hơn. Có được kết quả đó, cùng với các chính sách của Thành phố, còn phải kể tới việc nâng cao nhận thức của người dân ngay từ trong gia đình
Lớp lớp cờ hoa đón đoàn quân tiến về Thủ đô

Lớp lớp cờ hoa đón đoàn quân tiến về Thủ đô

(PNTĐ) - Trong chuyến đi đặc biệt tìm lại những nhân chứng lịch sử tham gia giải phóng Thủ đô, chúng tôi may mắn được gặp Đại tá Lê Văn Tính, chiến sĩ liên lạc Đại đội 283, Trung đoàn Thủ đô. 17 năm làm lính cụ Hồ, với Đại tá Lê Văn Tính, đó là đoạn đời nên thơ. Đặc biệt, ký ức về ngày lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên cột cờ Hà Nội trong ngày Giải phóng Thủ đô 10/10/1954 vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí người lính già.
70 năm trưởng thành vượt bậc của Thủ đô

70 năm trưởng thành vượt bậc của Thủ đô

(PNTĐ) - Nhân kỷ niệm 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024), Báo Phụ nữ Thủ đô có dịp trò chuyện cùng Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Quang Ngọc - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Giám đốc Trung tâm Hà Nội học và Phát triển Thủ đô về những đổi thay của Hà Nội trong suốt 7 thập kỷ đổi mới và phát triển.