Những mong đợi mới cho năm 2025
(PNTĐ) - Ngày đầu tiên của năm mới 2025, phóng viên đã ghi lại cảm nhận, hy vọng và niềm tin của phụ nữ Thủ đô về một năm mới may mắn, thuận lợi và bình an, hạnh phúc bên gia đình.
1.Nguyễn Hải Linh - học sinh lớp 12 Trường THCS&THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (Cầu Giấy, Hà Nội), sáng lập Câu lạc bộ Thiện nguyện Dreamsy - NBK’s Charity Club: Mong một năm mới tiếp tục được cống hiến và sống có ích
3 tháng nay, Câu lạc bộ Thiện nguyện Dreamsy - NBK’s Charity Club do nữ sinh Nguyễn Hải Linh sáng lập đã tổ chức phát cơm thiện nguyện cho bệnh nhân và người nhà tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Bắt đầu từ 9 giờ 30, nhóm bạn trẻ có mặt tại bệnh viện. Sau đó, bệnh nhân được phát những chiếc phiếu “trao gửi yêu thương” - cách mà nhóm bạn trẻ gọi tên những chiếc thẻ đánh số thứ tự phát cơm. “Xin mời phiếu ăn số một, hai, ba...!”, từng bệnh nhân và người nhà bệnh nhân xếp thành hàng để nhận phần cơm của mình, trong sự chia sẻ yêu thương của cộng đồng. Đến 11giờ 30, khi các phần cơm được phát hết, cũng là lúc buổi thiện nguyện thành công tốt đẹp. Hải Linh cho biết, trung bình mỗi buổi thiện nguyện, CLB sẽ phát khoảng 150 phần cơm từ thiện.
“Chúng em nghĩ rằng, đây không chỉ đơn thuần là việc trao tặng những suất cơm từ thiện, mà còn là món quà tinh thần lớn lao, thể hiện sự quan tâm và sẻ chia đối với những bệnh nhân và người nhà đang phải trải qua những ngày tháng khó khăn tại bệnh viện. Mỗi suất cơm, tuy nhỏ bé nhưng chứa đựng cả tấm lòng và tình yêu thương mà các thành viên trong câu lạc bộ muốn gửi gắm”, nữ sinh Hải Linh chia sẻ.
Cô học trò lớp 12 này đã tham gia nhiều hoạt động thiện nguyện một cách say mê. Song hành cùng việc học, Hải Linh còn tham gia dự án “Niềm vui cho em” - dạy tiếng Anh cho trẻ em khuyết tật trí tuệ tại Trường Tiểu học Bình Minh. “Thành quả to lớn nhất của dự án không phải là các em học sinh khuyết tật đã thuộc bao nhiêu từ vựng hay hát được bao nhiêu bài hát, mà đó là chúng em đã có một cái nhìn mới về những người mắc khuyết tật về trí tuệ. Được đồng hành cùng các em ấy, chúng em học thêm được sự kiên nhẫn, tìm thấy nhiều niềm vui mới trong cuộc sống, bằng những cách thể hiện rất khác. Em nghĩ rằng, đó là một kỷ niệm đẹp, một bài học sống quý giá mà em may mắn có được, sẽ giúp em có một góc nhìn đa chiều, biết đồng cảm và sẻ chia”, Hải Linh tự hào chia sẻ.
Với Hải Linh, làm tình nguyện là một đam mê, giúp cô bạn được sống cống hiến, sống có ích. Vì vậy, bước sang năm mới 2024, bên cạnh hoàn thành tốt việc học và bước vào kỳ thi quan trọng - kỳ thi THPT Quốc gia đầy cam go, Hải Linh mong mỏi ngọn lửa tình nguyện, tham gia các hoạt động xã hội sẽ vẫn cháy bỏng, được gia đình, bạn bè ủng hộ. “Em hy vọng sắp xếp thời gian thật khoa học để vừa đảm bảo việc học tập, vừa được tham gia hoạt động xã hội và dành thời gian bên cạnh bố mẹ và người thân”.
2. Chị Phùng Thị Hoa, giảng viên Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Thương mại, admin cộng đồng Yêu sữa hạt: Mong một năm mới bình an, căn bếp của mọi nhà luôn ấm nóng những bữa cơm đông đủ, ngon lành
Là một người phụ nữ yêu tha thiết căn bếp, thích được nấu nướng, biến hóa những món ăn cho người thân trong gia đình, kỳ thực, mong mỏi lớn nhất của tôi về một năm mới là hai chữ bình an. Bởi lẽ có bình an thì mỗi bữa cơm trong gia đình mới thật sự đông đủ thành viên, ấm áp tiếng cười. Tôi nghĩ, không phải riêng mình, mà bất cứ ai, có thể hiện ra ngoài hay không thì trong lòng họ, được bình an vẫn là khát khao cháy bỏng nhất. Đối với người Việt Nam ta, bữa cơm gia đình là một nét văn hoá truyền thống, là “sợi chỉ hồng” gắn kết tình thân của các thành viên trong gia đình từ thế hệ này đến thế hệ khác. Đồng thời, là linh hồn của sự đoàn tụ yêu thương, nuôi dưỡng tâm hồn mỗi người. Thế nên, với tôi, vun vén cho gia đình bằng những bữa cơm thật sự là niềm hạnh phúc.
Tết Dương lịch đã đến và Tết cổ truyền của dân tộc cũng đang cận kề rồi. Trong không khí rộn ràng, hân hoan này, đây là thời điểm thích hợp để mỗi người trong chúng ta nhìn lại một năm cũ đã qua và tìm về những giá trị đắt giá bị ta lãng quên trong nhịp sống vội vã thường nhật. Sau một năm nhiều biến động, điều khiến tôi hạnh phúc nhất là những lúc được ở bên gia đình và bên bố mẹ khỏe mạnh - điều không thể cân đo được bằng vật chất.
Ngày nay, trong cuộc sống hiện đại, mọi dịch vụ đều có sẵn, nhiều gia đình không có thời gian để tổ chức Tết Nguyên đán đầy đủ phong tục, nghi lễ như ông bà, cha mẹ ta ngày xưa. Nhưng với gia đình tôi, tôi vẫn luôn cố gắng sắp xếp công việc để thực hiện được một vài phong tục truyền thống của ngày Tết cổ truyền như gói bánh chưng, trang trí nhà cửa, chúc Tết ông bà, cha mẹ…, mang lại cho gia đình một không khí Tết đầm ấm, hạnh phúc. Đồng thời, khi thực hiện những phong tục, nghi lễ đó, sẽ giúp cho con trẻ hiểu biết và học hỏi được những bài học về truyền thống của dân tộc Việt Nam ta. Và hơn cả, tôi nghĩ rằng, gia đình sum vầy đông vui bên những bữa cơm đầu xuân mang đậm hương vị quê nhà sẽ giúp mọi người cảm nhận được về tình yêu quê hương đất nước, về tình cảm gia đình, anh em bà con nội, ngoại ngày càng gắn kết thân tình. Trong cuộc sống đầy biến động này, sẽ chẳng động lực nào lớn bằng sự đoàn viên và giá trị tình thân.
3.Chị Lê Thị Thanh Tâm, Chủ tịch Hội LHPN phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông: Mong tiếp tục góp sức xây dựng tổ chức Hội Phụ nữ vững mạnh
Năm 2024 Hội LHPN phường đã xây dựng kế hoạch triển khai công tác thi đua và đạt được những kết quả nổi bật: Tỷ lệ phát triển hội viên đạt 3.02%; đạt và vượt 12/14 chỉ tiêu thi đua Quận Hội đề ra; vận động ủng hộ nhân dân bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 hơn 50 triệu đồng; tặng 45 xuất quà các gia đình khó khăn, hộ cận nghèo... nhân dịp Tết Nguyên đán và các ngày lễ lớn; 100% cán bộ, hội viên hoàn thành tốt các nhiệm vụ đề ra... Với những kết quả đã đạt được trong năm 2024. Hội LHPN phường Yên Nghĩa được đánh giá là đơn vị Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đề xuất tặng Bằng khen của Hội LHPN Thành phố Hà Nội.
Bước sang năm mới 2025, tôi mong rằng, công tác Hội Phụ nữ tại địa phương tiếp tục nhận được sự quan tâm sâu sát hơn nữa. Từ đó, nội dung và phương thức hoạt động của các phong trào, cuộc vận động tiếp tục được cụ thể hóa thành các chương trình để gần với hội viên, phối hợp lồng ghép tuyên truyền vào các cuộc tập huấn, hội họp tránh mang tính hình thức; mang lại hiệu quả để cán bộ hội viên nắm bắt được các phong trào, dễ áp dụng vào thực tiễn đem lại hiệu quả sâu rộng trong các tầng lớp.
Trên địa bàn phường Yên Nghĩa tới thời điểm hiện tại không còn hộ nghèo. Hội Phụ nữ phường đã chủ động tham mưu với cấp ủy Đảng, chính quyền làm tốt công tác giúp đỡ phụ nữ khuyết tật, phụ nữ đơn thân, có hoàn cảnh khó khăn, phụ nữ yếu thế… được vay nguồn vốn ưu đãi của NH CSXH quận Hà Đông; giới thiệu việc làm miễn phí… nhằm phát triển kinh tế hộ gia đình, từng bước thoát khó khăn ổn định cuộc sống. Tôi mong muốn trong năm 2025, Hội LHPN Thành phố sẽ quan tâm nhiều đến giải pháp phát triển kinh tế cho phụ nữ Đặc biệt là các giải pháp giúp phụ nữ đào tạo nghề, hỗ trợ sinh kế cho phụ nữ phát triển kinh tế, khởi nghiệp. Đồng thời có chính sách phù hợp để động viên, khuyến khích cán bộ chi, tổ hội tham gia nhiệt tình với công việc trước yêu cầu thực tế hiện nay.