Trăn trở tình trạng bạo lực ở lứa tuổi học trò

TÚ AN
Chia sẻ

(PNTĐ) - Bạo lực học đường diễn ra ở tất cả các môi trường, từ vùng sâu, vùng xa đến các thành phố lớn. Tuy không phải là hiện tượng mới, song đây vẫn là trăn trở của xã hội. Đã có khoảng thời gian dài ngành giáo dục nói riêng và xã hội nói chung nỗ lực hết sức để giảm thiểu vấn đề này.

Liên tiếp xảy ra những vụ bạo lực học đường 

Dư luận đang xôn xao và có ý kiến đa chiều về vụ bạo lực học đường xảy ra tại một trường quốc tế ở TP Hồ Chí Minh thời gian gần đây. Theo đó, chị T.H.T, phụ huynh nhận mình có con theo học tại trường Quốc tế TP.HCM - American Academy (ISHCMC-AA) cho biết con của mình đã bị bạn học đánh sau khi tham gia dã ngoại tại Hồ Tràm. Theo lời của phụ huynh này, ngày 26/5, con chị bị một học sinh cùng trường đánh, đấm vào ngực trong khuôn viên trường, có một giáo viên nhìn thấy nhưng không can ngăn. Thậm chí, học sinh kia còn muốn lôi con gái chị ra ngoài để đánh tiếp. Một số học sinh khác bất bình can ngăn cũng bị nữ sinh kia đánh; để lại trên cơ thể các em nhiều vết xước, bầm tím, thậm chí gây ra sự hoảng loạn về tâm lý.

Đây không phải là vụ việc bạo lực học đường đầu tiên xảy ra trong thời gian qua. Tình trạng bạo lực học đường giảm xuống khi các học sinh học online, tuy nhiên, khi bắt đầu học trực tiếp trở lại, tình trạng này lại tăng lên. Như vụ việc xảy ra tại tỉnh Bắc Kạn ngày 20/5/2022, nữ sinh T.D, lớp 9 đã bị nhóm bạn đánh hội đồng dẫn đến nhập viện. Trong 1 clip ghi lại vụ hành hung, 3 em học sinh đã sử dụng mũ bảo hiểm đánh liên tiếp vào đầu, người em D, kèm theo nhiều câu mắng chửi thô tục, xúc phạm nạn nhân. Em D không chống cự được nên đành ngồi im chịu trận. Sau sự việc xảy ra, em D đã được nhà trường đưa đến trung tâm y tế khám và có biểu hiện chóng mặt, đau đầu, chấn thương phần mềm. 

Trăn trở tình trạng bạo lực ở lứa tuổi học trò - ảnh 1
Ảnh minh họa

Ngày 21/5, tại tỉnh Bình Phước, một nữ sinh cấp 2 bị bạn cùng trường đánh hội đồng rồi quay clip tung lên mạng xã hội gây xôn xao dư luận. Nguyên nhân được xác định là do bị hại và các nữ sinh khác có mâu thuẫn cá nhân từ trước vì cho rằng bạn “nhìn đểu”. Sau khi sự việc xảy ra, cơ quan chức năng đã vào cuộc, mời các em học sinh và phụ huynh lên làm việc, đồng thời phối hợp với nhà trường, gia đình giáo dục, răn đe các em. Ngày 29/3 tại THPT Hương Trà, Huế, một nữ sinh bị bạn học đánh chấn thương não. Cũng trong tháng 3, trước đó 4 hôm, tại THPT Phan Bội Châu (Hải Dương) một nam sinh lớp 12 dùng dao đâm trọng thương một nam sinh lớp 10. Trước đó nữa, cũng tại Hải Dương, ngày 23/3, ba học sinh Trung tâm giáo dục thường xuyên Nam Sách dùng hung khí vây đánh một học sinh gây trọng thương phải đi cấp cứu. Hôm 17/3, tại xã Tú Sơn, Kiến Thụy, Hải Phòng nhóm 4 nữ sinh đánh 2 nữ sinh nhập viện.

Tháng 4 thì có vụ video ghi lại cảnh nữ sinh lớp 8 trường THCS Hà Thành (Hà Nội) bị bạn học đánh hội đồng trước cổng trường. Rồi một clip quay lại 2 nữ sinh lớp 8 ở Quảng Trị vây đánh 1 nữ sinh lớp 7. Sang tháng 5, tại THCS Chi Lăng (Khánh Hòa) một nữ sinh lớp 7 bị bạn học đánh đập dã man rồi đăng tải clip lên mạng xã hội. Tại trường THCS Đồng Khởi, TP.HCM một nữ sinh lớp 7 cũng bị nhóm bạn đánh hội đồng tại khu vực nhà vệ sinh của trường… Đáng nói là những vụ bạo lực học đường này xảy ra giữa ban ngày, nơi có nhiều người đi đường nhìn thấy, nhưng không can ngăn. Thậm chí, rất nhiều em học sinh đã có mặt tại hiện trường, theo dõi sự việc và quay clip tung lên mạng xã hội với thái độ cổ vũ, reo hò, “khoe” chiến tích của kẻ thắng cuộc, nhưng tuyệt nhiên, không ai lên tiếng bảo vệ nạn nhân!

Gia tăng bạo lực học đường: Do đâu?

Bạo lực học đường trở thành mối quan tâm của nhiều gia đình, nhà trường, nỗi trăn trở của toàn xã hội. Đây là một biểu hiện cụ thể của hành vi hung tính, trong đó hành vi hung tính được hiểu là hành vi mang tính thù địch, có liên quan đếm cảm giác tuyệt vọng và hẫng hụt, được biểu hiện rõ ràng bằng cường độ biểu đạt lời nói (đe dọa, chỉ trích, vu khống), hành vi (lăng nhục đánh đập) và thái độ (ánh mắt thù địch).

Theo thống kê của ngành giáo dục, mỗi năm, toàn quốc xảy ra cả ngàn vụ việc học sinh đánh nhau ở trong và ngoài trường học. Cứ trên 5.200 học sinh thì có một vụ đánh nhau; hơn 11.000 học sinh thì có một em bị buộc thôi học vì đánh nhau; cứ 9 trường thì có một trường có học sinh đánh nhau. So với 10 năm trước, số vụ bạo lực học đường đã tăng gấp hơn 10 lần… Trong khi đó, theo thống kê của Bộ Công an, mỗi tháng có hơn 1.000 thanh thiếu niên phạm tội. Trước đây, tội phạm giết người trong độ tuổi từ 30 đến dưới 45 chiếm số lượng cao nhất, thì hiện nay độ tuổi từ 18 đến 30 tuổi chiếm 41%. Trong đó, có hơn 75% các trường hợp bạo lực mà đối tượng là học sinh và sinh viên gây ra. Tình trạng này đang có dấu hiệu trẻ hóa và mức độ ngày càng nghiêm trọng.
Theo các chuyên gia, phần lớn các vụ học sinh xô xát, đánh nhau xảy ra gần đây xuất phát từ những mâu thuẫn nhỏ nhặt trên lớp, trong cuộc sống, nói xấu nhau trên mạng xã hội hay xuất phát từ sự kích động của bạn bè… Hậu quả của các vụ việc đánh nhau là gây thương tích cho cơ thể, còn hành vi quay video và đưa lên mạng xã hội để làm nhục người khác gây hậu quả vô cùng nghiêm trọng về tinh thần của nạn nhân. Đáng nói, hiện tượng này đã diễn ra trong nhiều năm nay nhưng thời gian gần đây có chiều hướng gia tăng. Đây là nỗi trăn trở của nhiều gia đình và là nỗi bức xúc của toàn xã hội.

Trăn trở tình trạng bạo lực ở lứa tuổi học trò - ảnh 2
Ảnh minh họa

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến bạo lực học đường, nhưng phần lớn cả thủ phạm lẫn nạn nhân thường có hoàn cảnh neo đơn, thiếu sự quan tâm chăm sóc của người lớn. Không ít gia đình vì miếng cơm manh áo đã phó mặc chuyện dạy dỗ con em cho nhà trường. Trong khi đó, với áp lực thành tích, giáo viên phải vừa chạy theo chương trình vừa phải cáng đáng hàng chục thứ sổ sách khác nhau, nên ít thời gian quan tâm đến hoàn cảnh, tâm lý từng học sinh. Hơn thế nữa, mảng tư vấn tâm lý học đường vẫn còn bị bỏ ngỏ, chưa được quan tâm đúng mức. 

Thực tế hiện nay, đa số các nhà trường vẫn đang thiếu một bộ phận tư vấn về tâm lý học đường cho học sinh. Hầu hết các vụ bạo lực học đường đều do những xung đột cá nhân tiềm ẩn trong các em học sinh. Khi xung đột không được giải tỏa, tích tụ lâu ngày như giọt nước tràn ly sẽ dẫn đến những hành vi tiêu cực. Do đó, nếu giáo viên hiểu được tâm lý học đường, tâm lý học sinh, tâm lý tuổi vị thành niên, có kỹ năng, kiến thức về tâm lý thì có thể tư vấn ngăn chặn và giải tỏa những vấn đề kìm nén trong từng cá nhân học sinh, chắc chắn những sự việc đáng tiếc sẽ không xảy ra.

Để ngăn chặn bạo lực học đường, bên cạnh sự quan tâm của nhà trường, giải pháp căn cơ vẫn xuất phát từ phía gia đình. Mỗi một gia đình cần có một nền tảng giáo dục con cái nhất định. Môi trường gia đình là yếu tố trực tiếp quan trọng nhất tác động vào tâm lý hình thành nên cách cư xử của trẻ, giúp trẻ phân biệt được điều có lợi và có hại khi thực hiện hành vi, biết lễ nghĩa kính trên nhường dưới, tôn trọng người nhiều tuổi hơn mình và giúp đỡ, che chở người nhỏ tuổi, yếu thế hơn mình…

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.