Áo dài đồng hành cùng phụ nữ Việt trên hành trình phát triển
(PNTĐ) - Tối 13/4/2025, tại Hà Nội, TƯ Hội LHPN Việt Nam tổ chức chương trình Áo dài nghệ thuật "Hương Sắc Việt Nam". Chương trình góp phần tôn vinh giá trị của Áo dài trong đời sống, văn hóa, xã hội; đồng thời khơi dậy tình yêu, niềm tự hào, trách nhiệm giữ gìn, phát huy giá trị di sản Áo dài và quảng bá văn hóa, đất nước, con người Việt Nam nói chung và phụ nữ Việt Nam nói riêng đến gần gũi hơn với đông đảo bạn bè trong nước và quốc tế.
Tham dự chương trình có bà Ngô Phương Ly, Phu nhân Tổng Bí thư Tô Lâm; bà Nguyễn Thị Thanh, Ủy viên TƯ Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội; bà Lâm Thị Phương Thanh, Ủy viên TƯ Đảng, Phó Chánh Văn phòng Thường trực, Văn phòng TƯ Đảng; bà Nguyễn Thị Thu Hà, Ủy viên TƯ Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban TƯ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; bà Nguyễn Thị Tuyến, Ủy viên TƯ Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam… và các nữ lãnh đạo các ban, bộ, ngành, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể; lãnh đạo TW Hội LHPN Việt Nam, lãnh đạo các ban, đơn vị TW Hội, các đơn vị trực thuộc; đại diện lãnh đạo UBND, lãnh đạo và cán bộ, hội viên Hội LHPN TP Hà Nội; các ông, bà Đại sứ các nước, đại diện các tổ chức quốc tế…

Chương trình Áo dài nghệ thuật “Hương sắc Việt Nam” cũng là dịp để tôn vinh những nhà thiết kế Áo dài tiêu biểu, đại diện cho hơn 10.000 hội viên phụ nữ đã trưởng thành từ chương trình đào tạo “Khởi nghiệp từ Áo dài” do Hội LHPN Việt Nam phối hợp với NTK Đỗ Trịnh Hoài Nam triển khai trong giai đoạn 2023 - 2025. Họ là những nhà thiết kế trẻ đến từ ba miền, sáng tạo, tự chủ, hội nhập, vừa dựng xây sự nghiệp bền vững, vừa lan tỏa vẻ đẹp Áo dài Việt Nam ra thế giới như những sứ giả văn hóa thời đại mới. Đây là minh chứng sinh động cho nỗ lực bền bỉ của Hội LHPN Việt Nam trong việc trao quyền, tạo cơ hội để phụ nữ phát triển kinh tế, tự tin khởi nghiệp và khẳng định vị thế bản thân thông qua việc gìn giữ và phát huy di sản văn hóa truyền thống. Đồng thời, chương trình cũng góp phần cụ thể hóa chủ trương thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân - một động lực quan trọng để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển mới.

Phát biểu tại chương trình, bà Nguyễn Thị Tuyến, Ủy viên TƯ Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, cho biết: “Thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá XI) về xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước; đồng thời nhằm quảng bá, lan tỏa những giá trị đặc biệt của Áo dài - một biểu tượng của văn hóa Việt Nam, từ năm 2019, Hội LHPN Việt Nam đã khởi xướng và phối hợp với Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch tổ chức các sự kiện với chủ đề “Áo dài - Di sản Văn hoá Việt Nam” với mục tiêu đưa Áo dài trở thành di sản văn hóa phi vật thể của quốc gia và đề nghị tổ chức UNESCO công nhận Áo dài là Di sản Văn hóa phi vật thể của nhân loại. Bên cạnh những điều kiện mang tính pháp lý, một trong các tiêu chí UNESCO đánh giá cao đó là sức sống của di sản trong cộng đồng”.

Với mục tiêu này, hàng năm Hội LHPN Việt Nam đã phát động các tầng lớp phụ nữ trong cả nước hưởng ứng “Tuần lễ Áo dài” định kỳ vào dịp 8/3; hướng dẫn các cấp Hội tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa nhằm tôn vinh Áo dài Việt Nam như: các cuộc đồng diễn, diễu hành với quy mô lớn xác lập kỷ lục Guinness Việt Nam; các hoạt động tặng Áo dài cho phụ nữ nghèo, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn của Hội phụ nữ nhiều địa phương; chương trình “Khởi nghiệp từ Áo dài” giai đoạn 2023 - 2025 cho hơn 10.000 hội viên phụ nữ do nhà thiết kế Đỗ Trịnh Hoài Nam phối hợp với TW Hội tổ chức;..
Bên cạnh đó, Hội LHPN các tỉnh, thành phố đã phối hợp với các sở, ngành địa phương tổ chức nhiều hoạt động nhằm khẳng định áo dài là di sản văn hoá của Việt Nam, điển hình như Thành phố Huế đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận “Tri thức may, mặc áo dài Huế” là di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Năm 2025, Hội LHPN Việt Nam đã phát động “Tuần lễ Áo dài” từ ngày 1/3 đến ngày 8/3/2025 trên phạm vi toàn quốc, đồng thời chỉ đạo Hội LHPN TP Hồ Chí Minh triển khai xây dựng các bài dân vũ mẫu, trên nền các bài hát về chủ đề thống nhất đất nước để phát động hội viên, phụ nữ trên cả nước đồng diễn dân vũ trong trang phục áo dài hướng tới kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Tại Lễ hội Áo dài của Thành phố Hồ Chí Minh được tổ chức dịp kỷ niệm 8/3 vừa qua, Hội LHPN TP Hồ Chí Minh đã phát động hơn 50.000 cán bộ, hội viên, phụ nữ, nam giới, giáo viên, học sinh sinh viên, người nước ngoài tham gia đồng diễn dân vũ trong trang phục áo dài, đã trở thành dấu ấn rực rỡ trong hành trình tôn vinh và bảo tồn vẻ đẹp áo dài; sự kiện Diễu hành áo dài và xếp hình bản đồ Việt Nam do Trung ương Hội LHPN Việt Nam phối hợp với Báo Phụ nữ Việt Nam tổ chức tại phố đi bộ Hồ Gươm, Hà Nội xếp hình bản đồ đất nước Việt Nam với sự tham gia của hơn 1.000 phụ nữ đã tạo dấu ấn mạnh mẽ trong việc quảng bá Áo dài Việt Nam ra thế giới. Đồng thời, Hội LHPN các địa phương cũng tổ chức các chương trình diễu hành và trình diễn áo dài quy mô lớn, thu hút hàng nghìn phụ nữ tham gia, qua đó tôn vinh giá trị văn hóa truyền thống, thể hiện sức mạnh đoàn kết và tinh thần sáng tạo của phụ nữ Việt Nam trong việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc.

Trong khuôn khổ Chương trình Áo dài nghệ thuật “Hương sắc Việt Nam”, các đại biểu và khán giả đã được mãn nhãn với các bộ sưu tập Áo dài theo 3 chương: Chương Tinh hoa Áo dài Việt với áo dài được trình diễn theo 5 chủ đề: Xuân, Hạ, Thu, Đông và Vũ khúc tình yêu; Chương Một vòng Việt Nam trình diễn những Bộ sưu tập Áo dài Di sản của hơn 40 nhà thiết kế đến từ ba miền trưởng thành qua chương trình “Khởi nghiệp từ Áo dài”, Chương “Hương sắc Việt Nam” ra mắt Bộ sưu tập “Áo dài mang Biểu trưng Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam” lấy cảm hứng từ biểu tượng chim bồ câu trong Biểu trưng của Hội LHPN Việt Nam. Bộ sưu tập không chỉ tôn vinh nét đẹp Áo dài mà còn lan tỏa thông điệp ý nghĩa về sự vươn cao, bay xa của phụ nữ Việt trong hành trình làm chủ tương lai, hội nhập và tỏa sáng toàn cầu.

Những bộ sưu tập Áo dài trình diễn tại chương trình đều là các tác phẩm mang đậm dấu ấn văn hóa dân tộc, được lấy cảm hứng từ kho tàng di sản văn hóa Việt Nam, cảnh sắc thiên nhiên ba miền, cùng tinh thần giao lưu văn hóa quốc tế, thể hiện vẻ đẹp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại, góp phần để từng bước đưa các giá trị của Áo dài Việt Nam trở thành Di sản văn hóa thế giới, đồng hành cùng hình ảnh người phụ nữ Việt trên hành trình phát triển bền vững và vươn xa trong thời đại mới.
