Cơ chế nào để thu hút người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện?

Chia sẻ

Thảo luận trực tuyến tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV về tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) năm 2020, các đại biểu Quốc hội kiến nghị rằng cần sớm điều chỉnh quy định của pháp luật về mức hỗ trợ, chế độ hưởng... của BHXH tự nguyện để khuyến khích, thu hút người dân tham gia BHXH.

Tỷ lệ tham gia BHXH còn khiêm tốn so với tiềm năng

Trong những năm qua, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, các bộ, ngành, nhất là ngành BHXH Việt Nam và Bộ Y tế đã tích cực tham mưu, tổ chức thực hiện tốt các chính sách BHXH, bảo hiểm y tế trên phạm vi cả nước, đã góp phần thực hiện tốt công tác an sinh xã hội quốc gia.

Theo báo cáo về tình hình thực hiện chính sách, chế độ BHXH, quản lý và sử dụng Quỹ BHXH năm 2020, việc phát triển đối tượng tham gia BHXH trong năm 2020 đạt kết quả khả quan với tổng số người tham gia là 16,176 triệu người, tăng gần 400.000 người so với năm 2019 và chiếm 33,5% lực lượng lao động trong độ tuổi. Đặc biệt, số người tham gia BHXH tự nguyện có sự tăng trưởng vượt bậc, đạt 1 triệu 128.000 người tăng gấp hơn 2 lần so với năm 2019, vượt 1,31% so với chỉ tiêu 1% được giao tại Nghị quyết 28 của Ban Chấp hành Trung ương.

Ảnh minh họa. Nguồn: IntẢnh minh họa. Nguồn: Int

Nhưng đáng lưu ý là số người tham gia BHXH tự nguyện tuy có tăng so với năm 2019 nhưng mức đóng và số tiền đóng BHXH không cao, chủ yếu người tham gia chọn đóng BHXH tự nguyện ở mức chuẩn nghèo nông thôn 700.000 đồng một tháng. Mặt khác, tổng số người tham gia BHXH tự nguyện còn khá khiêm tốn, mới đạt 2,31% tổng lực lượng lao động trong độ tuổi của đất nước. Đến hết năm 2020 còn khoảng 66,5% người lao động trong độ tuổi chưa tham gia BHXH.

Từ những thống kê trên, đa số các đại biểu Quốc hội cho rằng, dư địa để chúng ta phát triển BHXH còn rất lớn, tỷ lệ người tham gia BHXH, đặc biệt là BHXH tự nguyện còn khiêm tốn so với tiềm năng.

Cần nghiên cứu bổ sung chế độ thụ hưởng của BHXH tự nguyện

Lý giải nhận định trên, đại biểu Quốc hội Hoàng Ngọc Định (đoàn Hà Giang) cho rằng, nguyên nhân dẫn đến việc đối tượng tham gia BHXH tự nguyện còn thấp, có một phần do chế độ được hưởng chưa đủ sức hấp dẫn, mới chỉ dừng lại ở chế độ hưu trí và tử tuất, nên cũng kém thu hút so với các loại hình mạo hiểm bắt buộc và bảo hiểm thương mại là có các chế độ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động.

Bởi vậy, theo đại biểu Định, để khuyến khích, thu hút người tham gia BHXH, cần nghiên cứu bổ sung điều kiện và hình thức hưởng chế độ của người tham gia BHXH tự nguyện và bắt buộc giống nhau. “Theo quy định hiện hành, người tham gia BHXH tự nguyện phải đóng BHXH từ đủ 60 tháng trở lên, khi đến chết thân nhân mới được hưởng trợ cấp mai táng và hưởng trợ cấp tuất một lần. Trong khi đó, người tham gia BHXH bắt buộc chỉ quy định từ đủ 12 tháng trở lên và được trợ cấp tuất một lần và hàng tháng. Điều này rất bất hợp lý, chưa động viên được sự tự nguyện tham gia BHXH”.

Cũng cho rằng một trong những nguyên nhân khiến bảo hiểm xã hội tự nguyện chưa được như mong muốn, đó là những quy định về chính sách chưa đủ sự hấp dẫn, thu hút người tham gia, đại biểu Nguyễn Hải Anh (đoàn Đồng Tháp) bổ sung thêm lý do về quy định về thời gian đóng còn tương đối dài 20 năm, chế độ hưởng còn hạn chế, đặc biệt là còn thiếu sự linh hoạt và đa dạng về hình thức đóng so với các loại hình bảo hiểm thương mại có tính chất tương tự trên thị trường.

“Để thực hiện các mục tiêu mà Nghị quyết 28 năm 2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã đề ra, cần có những giải pháp cả về chính sách và tổ chức thực hiện một cách mạnh mẽ để gia tăng tỷ lệ bảo hiểm xã hội tự nguyện, bởi dư địa từ khu vực này còn rất lớn. Trong thời gian tới, cần sớm xem xét điều chỉnh về quy định chính sách, rút ngắn thời gian đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện và đa dạng hóa hình thức tham gia, nhất là có những phương thức và cách tính theo giá trị dòng tiền, tạo sự hấp dẫn thu hút ngày càng nhiều người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện” – vị đại biểu đoàn Đồng Tháp nói.

Ảnh minh họa. Nguồn: IntẢnh minh họa. Nguồn: Int

Cân nhắc nâng mức hỗ trợ đóng cho người tham gia BHXH tự nguyện

Thảo luận về tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, đại biểu Đoàn Thị Lê An (đoàn Cao Bằng) cũng đề nghị nâng mức hỗ trợ đóng cho người tham gia BHXH tự nguyện, nhất là người dân ở vùng nông thôn, miền núi, vùng cao biên giới, người có thu nhập dưới trung bình.

Chia sẻ về câu chuyện thực tế tại tỉnh Cao Bằng, bà Lê An thông tin: “Đối với tỉnh Cao Bằng, thực hiện Quyết định số 861 của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Cao Bằng có 33 xã, phường, thị trấn thuộc khu vực 1, tăng 22 xã, phường, thị trấn, trong đó có 6 xã, thị trấn khu vực biên giới so với giai đoạn 2016-2020. Theo đó, có trên 41.800 người dân các dân tộc thiểu số không còn thuộc đối tượng được ngân sách nhà nước đóng bảo hiểm y tế”.

Qua một thời gian triển khai tuyên truyền, vận động thì đến thời điểm hiện tại mới có 24.600 người tiếp tục tham gia bảo hiểm y tế, còn trên 17.000 người dân tộc thiểu số không có đủ điều kiện để tham gia bảo hiểm y tế. Bên cạnh đó, nhiều người dân tự đóng bảo hiểm y tế theo hộ gia đình nhưng cũng chỉ có khả năng đăng ký tham gia 3 tháng dẫn đến tham gia không bền vững.

Bởi vì, đại đa số người dân tộc thiểu số làm nông nghiệp, thu nhập thấp và không ổn định, cuộc sống còn gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, số lượng người dân tộc thiểu số không có điều kiện để tiếp cận và thụ hưởng chính sách bảo hiểm y tế sẽ rất lớn, ảnh hưởng đến sức khỏe, kinh tế của gia đình, nguy cơ dẫn đến phát sinh hộ nghèo và tái nghèo cao.

“Để người dân tộc thiểu số tiếp tục được tiếp cận và thụ hưởng chính sách bảo hiểm y tế, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, trật tự, an toàn xã hội tại các địa bàn vùng cao biên giới, tôi đề nghị Chính phủ nghiên cứu có chính sách hỗ trợ cho người dân tộc thiểu số, nhất là người dân tộc thiểu số sinh sống ở các khu vực mới ra khỏi vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn theo quy định tại Quyết định số 861 của Thủ tướng Chính phủ, Quyết định 612 của Ủy ban Dân tộc, hoặc nghiên cứu nâng mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước đối với một số đối tượng.

Theo đó, nâng mức hỗ trợ bằng 100% đối với người thuộc hộ nghèo đa chiều theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Nghị định 146; nâng mức hỗ trợ bằng 70% đối với học sinh, sinh viên tham gia bảo hiểm y tế; nâng mức hỗ trợ bằng 70% đối với người thuộc hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp có mức sống trung bình; hỗ trợ bằng 30% trên mức đóng bảo hiểm y tế đối với người tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình” – đại biểu Đoàn Thị Lê An kiến nghị.

Ngoài ra, các đại biểu cũng cho rằng, BHXH Việt Nam cần tiếp tục tăng cường hơn nữa hoạt động tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân, để họ chuyển biến về nhận thức và nhận thức đầy đủ giá trị, tính ưu việt của chính sách BHXH tự nguyện của nhà nước. BHXH các địa phương cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan trong hệ thống chính trị để xây dựng mạng lưới cộng tác viên, tuyên truyền viên về chính sách BHXH tận thôn, phố, bản.

THẢO HƯƠNG

Tin cùng chuyên mục

Thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho Thủ đô

Thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho Thủ đô

(PNTĐ) - Ngày 25/4, Báo Kinh tế và Đô thị phối hợp với Trường Đại học Luật Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học “Thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)”. Ban tổ chức đã nhận được gần 20 tham luận gửi đến Hội thảo đóng góp ý kiến vào Dự thảo Luật.