Đoàn cán bộ Thủ đô Viêng Chăn (Lào) thăm, làm việc tại huyện Gia Lâm
(PNTĐ) - Chiều 2/8, Đoàn cán bộ thuộc Lớp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Thủ đô Viêng Chăn (Lào) đã đến thăm và làm việc tại huyện Gia Lâm.
Tham dự có: Đồng chí Khăm-Ma-Sẻng Mi-Xay, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tổ chức Thủ đô Viêng Chăn - Trưởng đoàn công tác; đại diện lãnh đạo các sở, ngành của Thủ đô Viêng Chăn; Phó Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội Nguyễn Minh Long- Trưởng ban Quản lý Lớp đào tạo bồi dưỡng cán bộ Thủ đô Viêng chăn; đại diện lãnh đạo Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Gia Lâm.
Tại buổi làm việc, Phó Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội Nguyễn Minh Long cho biết: Chương trình làm việc được thực hiện theo nội dung thỏa thuận hợp tác giữa Đảng bộ, chính quyền Thủ đô Hà Nội và Đảng bộ, chính quyền Thủ đô Viêng Chăn (Lào) giai đoạn 2022-2025; căn cứ kết quả hội đàm giữa đoàn đại biểu cấp cao Thủ đô Hà Nội với đoàn đại biểu cấp cao Thủ đô Viêng Chăn vào tháng 3/2024; sau khi tổ chức thành công lớp thứ nhất dành cho cán bộ khối Đảng, đoàn thể, được sự thống nhất của lãnh đạo Thành ủy Hà Nội và Thành ủy Viêng Chăn, Thành ủy Hà Nội tiếp tục tổ chức khai giảng lớp thứ hai, đào tạo bồi dưỡng cán bộ khối chính quyền của Thủ đô Viêng Chăn.
Đoàn cán bộ Viêng Chăn mong muốn được trao đổi kinh nghiệm với huyện Gia Lâm trong công tác xây dựng chính quyền, tình hình phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới, xây dựng huyện trở thành quận.
Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Dương Viết Cường thông tin: Trong công tác xây dựng chính quyền, huyện đã triển khai thực hiện tốt chủ đề công tác của năm của thành phố Hà Nội về “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”, tạo bước chuyển mạnh về kỷ luật, kỷ cương hành chính, ý thức trách nhiệm trong phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, người lao động.
Đối với công tác tổ chức, huyện thường xuyên rà soát, sắp xếp, kiện toàn bộ máy cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; thực hiện tốt các quy định về phân cấp quản lý nhà nước ở một số lĩnh vực kinh tế - xã hội theo quy định, giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí quản lý hành chính cho 14 đơn vị, 22/22 xã, thị trấn; giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính cho 79/79 trường học, 5 đơn vị sự nghiệp, đạt 100%...
Về công tác xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, Gia Lâm đã huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư. Theo đó, tổng nguồn vốn huy động thực hiện nông thôn mới trên địa bàn huyện từ năm 2010 đến 2023 là 8.730 tỷ đồng từ nguồn ngân sách nhà nước, trong đó có 208 tỷ đồng nhân dân đóng góp. Toàn huyện có hơn 600 hộ dân hiến 61.000m2 đất thổ cư và đất nông nghiệp, tham gia 18.338 ngày công lao động để làm các công trình nhà văn hóa, nghĩa trang, giao thông nông thôn…
Năm 2018, Gia Lâm được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Giai đoạn 2019-2023, Gia Lâm tiếp tục đẩy mạnh công tác xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu. Đến hết năm 2023, huyện có 20/20 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 5/20 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; huyện đáp ứng đủ 9/9 tiêu chí với 38 chỉ tiêu huyện nông thôn mới nâng cao.
Huyện Gia Lâm hiện đã hoàn thiện hồ sơ để trình Trung ương thẩm định, xét công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2023. Năm 2024, huyện dự kiến có thêm 3 xã Văn Đức, Đa Tốn, Yên Thường hoàn thành nông thôn mới kiểu mẫu, tập trung xây dựng mô hình xã nông thôn mới thông minh thí điểm của thành phố tại xã Dương Xá gắn với tiêu chuẩn phường để triển khai nhân rộng.
Về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, Gia Lâm hiện có hơn 4.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ, hơn 14.000 hộ kinh doanh cá thể, 5 cụm công nghiệp, 7 làng nghề… Huyện luôn chủ động, linh hoạt trong công tác chỉ đạo điều hành, bảo đảm hiệu quả, kịp thời các nhiệm vụ từ huyện đến cơ sở, giải quyết kịp thời các vấn đề thường xuyên, đột xuất phát sinh.
Các chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội hằng năm của huyện cơ bản hoàn thành và hoàn thành vượt chỉ tiêu thành phố và HĐND huyện giao. Giá trị sản xuất các ngành kinh tế chủ yếu do huyện quản lý tăng bình quân 10,27%/năm, riêng 6 tháng đầu năm 2024 tăng 11,80%; thu nhập bình quân tính đến hết năm 2023 đạt 75,8 triệu đồng/người/năm.
Về công tác đầu tư xây dựng huyện thành quận, đến hết năm 2023, huyện Gia Lâm đánh giá đã đạt 4/4 tiêu chuẩn, nhóm tiêu chuẩn và 31/31 tiêu chuẩn của nhóm tiêu chuẩn về cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế xã hội thành lập quận; 16/16 xã (theo phương án sắp xếp đơn vị hành chính) đạt tiêu chuẩn thành phường… Định hướng đến năm 2030, Gia Lâm trở thành quận văn hiến, văn minh, hiện đại, giàu tiềm năng của Thủ đô.
Tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo và các đơn vị chức năng huyện Gia Lâm đã tích cực trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn về các mặt công tác với đoàn cán bộ Thủ đô Viêng Chăn, liên quan đến: Giải phóng mặt bằng, quản lý sử dụng đất đai, việc hỗ trợ các hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống, tập trung hoàn thành các tiêu chí xây dựng huyện thành quận.
Trước đó, đoàn cán bộ Thủ đô Viêng Chăn đã đi khảo sát thực tế, đến thăm làng nghề gốm sứ Bát Tràng (xã Bát Tràng), khu đô thị Gia Lâm.