Hơn 200 người lao động được giải đáp về “An toàn lao động và chăm sóc sức khỏe cho người lao động“
(PNTĐ) - Sáng 11/10, Báo Lao động Thủ đô phối hợp với Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) huyện Gia Lâm tổ chức buổi đối thoại, giao lưu trực tuyến, truyền thông chính sách năm 2024 chuyên đề “An toàn lao động và chăm sóc sức khỏe cho người lao động”.
Đây là một trong những hoạt động của Báo Lao động Thủ đô và LĐLĐ huyện Gia Lâm chào mừng kỷ niệm 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 -10/10/2024). Hoạt động này cũng nhằm tuyên truyền, phổ biến, cung cấp những kiến thức hữu ích liên quan đến vấn đề an toàn lao động và chăm sóc sức khỏe cho người lao động, thể hiện phương châm của tổ chức Công đoàn luôn hướng về cơ sở, quan tâm chăm lo toàn diện cho người lao động.
Dự chương trình có bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội; ông Đào Xuân Trường, Trưởng ban Dân vận Huyện ủy; ông Ngô Vương Tuấn, Phó Tổng biên tập báo Tuổi trẻ Thủ đô; ông Nguyễn Xuân Khánh, Phó Tổng biên tập báo Kinh tế và đô thị… và hơn 200 cán bộ công đoàn, đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động đến từ các Công đoàn cơ sở trực thuộc LĐLĐ huyện Gia Lâm.
Phát biểu khai mạc, Phó Tổng Biên tập Báo Lao động Thủ đô Đinh Tuấn Anh cho biết: Đối với tổ chức Công đoàn, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, trang bị kiến thức, kỹ năng cho người sử dụng lao động và người lao động là một nhiệm vụ được quan tâm thường xuyên, liên tục.
Trong đó, Báo Lao động Thủ đô, song song với thông tin tuyên truyền trên các ấn phẩm, Báo lựa chọn đến gần hơn với người lao động bằng việc hằng năm tổ chức hàng chục cuộc đối thoại, giao lưu trực tiếp như tại đây ngày hôm nay.
“Qua các cuộc đối thoại giao lưu trước, chúng tôi nhận thấy, chủ đề liên quan đến sức khỏe, an toàn luôn được thảo luận rất sôi nổi. Vì thế, chúng tôi rất mong các đoàn viên, công nhân lao động của huyện Gia Lâm tích cực gửi câu hỏi, những vấn đề của mình.
Đồng thời, với một chương trình được truyền trực tuyến thì sức lan tỏa sẽ không chỉ dừng lại ở không gian trong hội trường, mà những anh, chị, em công nhân không có điều kiện tham dự trực tiếp chương trình có thể theo dõi và gửi câu hỏi qua hệ thống truyền trực tuyến của Báo Lao động Thủ đô để các chuyên gia giải đáp”- Phó Tổng Biên tập Đinh Tuấn Anh nhấn mạnh.
Phát biểu tại chương trình, Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Thu Thủy đánh giá cao ý nghĩa của chương trình khi được tổ chức đúng dịp các cấp Công đoàn Thủ đô đang triển khai nhiều hoạt động thiết thực chào mừng kỷ niệm 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Thủy, an toàn, vệ sinh lao động và chăm sóc sức khỏe để có sức khỏe tốt phục vụ lao động sản xuất là những vấn đề mà người lao động đặc biệt quan tâm. Bởi với người lao động, sức khỏe là vốn quý nhất. Chính vì thế, thời gian qua, các cấp Công đoàn Thủ đô đã triển khai nhiều giải pháp để góp phần đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc và chăm sóc sức khỏe cho người lao động.
Chương trình đối thoại - giao lưu trực tuyến - truyền thông chính sách với chủ đề “An toàn lao động và chăm sóc sức khỏe cho người lao động” do Báo Lao động Thủ đô phối hợp với LĐLĐ huyện Gia Lâm tổ chức ngày hôm nay cũng là một trong những hoạt động rất thiết thực nhằm góp phần nâng cao kiến thức, kỹ năng cho người lao động trong việc đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc và chăm sóc sức khỏe cho bản thân, gia đình.
Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Nguyễn Thị Thu Thủy đề nghị công nhân, viên chức, lao động tham dự chương trình mạnh dạn, thẳng thắn đưa ra những câu hỏi, vướng mắc của bản thân liên quan đến chủ đề của chương trình để các chuyên gia giải đáp. Mỗi công nhân, viên chức, lao động tham dự chương trình ngày hôm nay hãy là một tuyên truyền viên để truyền tải những kiến thức hữu ích mà mình tiếp thu được đến với đông đảo đồng nghiệp tại cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp của mình để cùng nhau xây dựng một môi trường làm việc an toàn và có sức khỏe tốt để lao động sản xuất.
Đồng thời, đề nghị sau chương trình này, các cấp Công đoàn Thủ đô tiếp tục có các giải pháp sáng tạo để tuyên truyền, phổ biến, trang bị kiến thức về mọi mặt, nhất là kiến thức pháp luật về lao động, việc làm, an toàn vệ sinh lao động, các chế độ chính sách, kiến thức chăm sóc sức khỏe và những vấn đề thiết thực gắn với đời sống, việc làm mà người lao động quan tâm đến với đông đảo đoàn viên, công nhân viên chức lao động.
Tham gia giải đáp các vấn đề mà đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động quan tâm có các chuyên gia: Bà Hồ Thị Kim Ngân, Phó Trưởng ban Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam); Tiến sĩ Nguyễn Huy Khoa, Phó Trưởng khoa Luật (Trường Đại học Công đoàn); bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, Phụ trách Trung tâm Ô xy cao áp Việt Nga.
Tại chương trình, người lao động quan tâm đặt câu hỏi về các vấn đề như khám khám sức khoẻ định kỳ, chế độ khám sức khoẻ khi thai sản, cách phòng chống bệnh hiểm nghèo, chế độ hưởng bảo hiểm xã hội, tai nạn lao động, các bệnh nghề nghiệp, điều kiện vệ sinh môi trường, vệ sinh lao động trong các doanh nghiệp...
Đặt câu hỏi tới chuyên gia, chị Trương Lan Phương, Công ty vận tải Đức Long hỏi: Đối với người lao động trong ngành vận tải thì sẽ khám sức khoẻ định kỳ theo Thông tư 32 hay có quy định nào riêng không, vì đặc thù của ngành giao thông vẫn tải nhất là đối với lái xe sẽ khác với các ngành khác?
Chuyên gia Nguyễn Huy Khoa giải đáp: Hiện nay pháp luật đã quy định rõ một trong những điều kiện đảm bảo sức khỏe cho NLĐ là đơn vị sử dụng lao động một năm ít nhất phải tổ chức khám sức khỏe cho NLĐ 1 lần. Với các ngành nghề có nguy cơ độc hại thì ít nhất 6 tháng một lần. Pháp luật cũng quy định rõ các danh mục, nội dung cụ thể đối với các nhóm lao động. Đối với lĩnh vực giao thông vận tải, một số ngành nghề trong lĩnh vực này nếu được quy định trong danh mục lao động ngành nghề độc hại thì sẽ phải khám sức khỏe theo quy định. Qua các chỉ số kiểm tra sức khỏe sẽ xác định người lao động đó có làm việc trong môi trường có nguy cơ độc hại hay không để thông qua các gói quyền lợi cho NLĐ.
Chị Trương Thị Ngọc Loan, Trường Trung học cơ sở Cổ Bi hỏi về những chế độ và chính sách nào với giáo viên, NLĐ bị mắc bệnh mãn tính (bệnh nghề nghiệp) như tuyến giáp, hô hấp hoặc những bệnh hiểm nghèo?
Chuyên gia Nguyễn Huy Khoa cho biết:Chế độ chính sách ốm đau với NLĐ trong hệ thống Nhà nước thì sẽ thực hiện theo quy định của Nhà nước, ở khu vực ngoài Nhà nước thì ngoài chế độ chính sách theo quy định của pháp luật thì hai bên có thể thỏa thuận, thương lượng về những chế độ có lợi hơn, nhất là với những bệnh nghề nghiệp hoặc những vấn đề liên quan sức khỏe do môi trường nặng nhọc, độc hại.
Cụ thể trường hợp chị hỏi, nếu chị là viên chức của một đơn vị sự nghiệp công lập, khi khám sức khỏe mà phát hiện ra các bệnh nghề nghiệp theo quy định về danh mục bệnh nghề nghiệp của Bộ Y tế thì sẽ được nghỉ việc điều trị bệnh và có hưởng chế độ theo quy định.
NLĐ nghỉ chữa bệnh trên 14 ngày thì tháng đó NLĐ sẽ không tham gia đóng Bảo hiểm xã hội và được hưởng trợ cấp ốm đau do Bảo hiểm xã hội chi trả. NLĐ được nghỉ chữa trị bệnh trong thời gian tối đa 180 ngày, tính cả thời gian nghỉ lễ, nghỉ tết hay nghỉ hàng tuần và được hưởng 75% bình quân tiền lương tháng liền kề.
Nếu NLĐ đã nghỉ hết 180 ngày nhưng vẫn phải tiếp tục điều trị thì vẫn đươc hưởng chế độ ốm đau. Tuy nhiên, mức hưởng sẽ thấp hơn và thời gian hưởng tối đa sẽ tính theo thời gian NLĐ đó đã đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, đó là dưới 15 năm đóng Bảo hiểm xã hội thì được hưởng 50%; từ 15 năm đến dưới 30 năm đóng bảo hiểm xã hội thì được hưởng 55% và từ 30 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên thì được hưởng 65%.
Sau khi điều trị bệnh, NLĐ quay trở lại làm việc mà sức khỏe không được đảm bảo như trước thì sẽ được cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp sắp xếp, bố trí công việc phù hợp với sức khỏe.
Phát biểu bế mạc Buổi đối thoại, giao lưu trực tuyến, ông Nguyễn Đức Thể, Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Chủ tịch LĐLĐ huyện Gia Lâm cho biết, buổi đối thoại, giao lưu trực tuyến ngày hôm nay đã có trên 20 ý kiến, câu hỏi của đoàn viên, NLĐ huyện Gia Lâm liên quan đến vấn đề ATVSLĐ, chính sách BHXH và chăm sóc sức khỏe cho NLĐ. Các ý kiến đã được các chuyên gia trả lời, giải đáp đầy đủ, cặn kẽ, rõ ràng; qua đó giúp cho đoàn viên, NLĐ nắm được các quy định pháp luật về ATVSLĐ, BHXH và kiến thức chăm sóc sức khỏe.