Khởi động Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2024
(PNTĐ) - Tổng cục Quản lý thị trường vừa ban hành Văn bản số 716/TCQLTT-CNV yêu cầu Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng xây dựng Kế hoạch triển khai “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2024 và triển khai công tác hậu kiểm an toàn thực phẩm năm 2024.
Theo đó, Tổng cục Quản lý thị trường yêu cầu và chỉ đạo Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố chú trọng kiểm tra việc chấp hành các quy định về sản xuất, kinh doanh thực phẩm; kiểm tra về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm; kiểm tra việc thực hiện các quy định về công bố sản phẩm; về tiêu chuẩn chất lượng, ghi nhãn hàng hóa, việc quảng cáo thực phẩm, nguồn gốc xuất xứ, nguồn gốc nguyên liệu sử dụng để sản xuất thực phẩm...
Cùng đó chỉ đạo kiểm tra việc sử dụng phụ gia, phẩm màu trong chế biến thực phẩm và các quy định có liên quan. “Tập trung kiểm tra các mặt hàng thực phẩm chế biến, bao gói sẵn, các mặt hàng thực phẩm thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Công Thương như rượu, bia, nước giải khát, sữa chế biến, dầu thực vật, bột, tinh bột, bánh, mứt, kẹo...” - Tổng cục Quản lý thị trường chỉ đạo và cho biết thời gian triển khai “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2024 sẽ kéo dài từ ngày 15/4/2024 đến ngày 15/5/2024.
Riêng đối với công tác hậu kiểm an toàn thực phẩm năm 2024, Tổng cục Quản lý thị trường đề nghị Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố chủ trì, phối hợp với các cơ quan, lực lượng trên địa bàn kiểm tra việc thực hiện các quy định về tự công bố sản phẩm, điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm, việc chấp hành các quy định về sản xuất, kinh doanh thực phẩm, về ghi nhãn và quảng cáo thực phẩm.
Song song đó, kiểm tra việc thực hiện các quy định về chất lượng, việc sử dụng phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến, phẩm màu trong chế biến thực phẩm; nguồn gốc thực phẩm, nguồn gốc nguyên liệu sử dụng để sản xuất thực phẩm.
Tổng cục Quản lý thị trường đặc biệt chỉ đạo, Cục Quản lý thị trường các địa phương tập trung vào kiểm tra các nhóm mặt hàng thực phẩm do Bộ Công Thương quản lý, các sản phẩm sữa và thực phẩm chức năng dành cho trẻ em dưới 6 tuổi.
Mặt khác, chú trọng kiểm tra việc kinh doanh thực phẩm theo mô hình đa cấp, thương mại điện tử đối với thực phẩm, chú trọng nhóm thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm chức năng, ngăn chặn việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm là giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ, thực phẩm nhập lậu, không bảo đảm chất lượng.
Bên cạnh nhiệm vụ chuyên môn kiểm tra, kiểm soát thị trường, Tổng cục Quản lý thị trường cũng đề nghị Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố tập trung đến công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật trong sản xuất, kinh doanh, việc sử dụng nguyên liệu, phụ gia thực phẩm bảo đảm an toàn trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm, kết hợp tuyên truyền thông qua công tác kiểm tra, xử lý vi phạm nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn.
Đồng thời, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về tác hại của việc sử dụng thực phẩm giả, kém chất lượng, thực phẩm không rõ nguồn gốc, không bảo đảm an toàn thực phẩm và kịp thời cung cấp thông tin về các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm có dấu hiệu vi phạm đến các cơ quan chức năng để kịp thời kiểm tra, xử lý vi phạm và công khai các cơ sở vi phạm theo quy định của pháp luật.