Kỷ niệm 120 năm ngày sinh đồng chí Lê Hồng Phong (6/9/1902 – 6/9/2022):

Lê Hồng Phong - người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Nguyễn Nam
Chia sẻ

(PNTĐ) -Là thế hệ cán bộ đầu tiên được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trực tiếp tuyển chọn, huấn luyện và đào tạo, đồng chí Lê Hồng Phong đã được dẫn dắt và nâng tầm nhận thức, từ một thanh niên giàu lòng yêu nước, dám xả thân vì sự nghiệp cứu nước, cứu dân, trở thành người cộng sản kiên trung và là một học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Lê Hồng Phong - người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh - ảnh 1
Vợ chồng đồng chí Lê Hồng Phong và Nguyễn Thị Minh Khai      Ảnh tư liệu

Đồng chí Lê Hồng Phong tên thật là Lê Huy Doãn, sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh đất nước bị nô lệ nên sớm nuôi trong mình tư tưởng yêu nước và ý chí làm cách mạng cứu nước. Năm 1923, Lê Hồng Phong và Phạm Hồng Thái bí mật sang Thái Lan, rồi sang Trung Quốc tìm con đường làm cách mạng. Cuối năm 1924, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về Quảng Châu (Trung Quốc) và thành lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, mở lớp huấn luyện cán bộ cách mạng. Lê Hồng Phong được dự lớp huấn luyện chính trị do Nguyễn Ái Quốc phụ trách, trở thành một trong những cán bộ đầu tiên của cách mạng Việt Nam được trang bị lý luận của chủ nghĩa Mác-Lênin

 Ngay từ khi được dự khóa huấn luyện chính trị ở Quảng Châu (1925), đồng chí Lê Hồng Phong đã bộc lộ tư chất, tài năng của người cán bộ cách mạng và được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc phát hiện. Chính vì thế, Người đã gửi đồng chí vào những cơ sở đào tạo cán bộ cao cấp của Chính phủ Trung Hoa và trường đào tạo lãnh tụ của Quốc tế Cộng sản ở Liên Xô. Trong suốt thời gian đồng chí Lê Hồng Phong đi học tập, đào tạo ở Liên Xô, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc vẫn thường xuyên liên lạc thông qua đường dây của Quốc tế Cộng sản. Không phụ lòng của người thầy dẫn dắt, đồng chí Lê Hồng Phong đã từng bước trưởng thành cả về nhận thức lý luận và năng lực lãnh đạo.

Với những đóng góp to lớn đối với việc khôi phục và phát triển phong trào cách mạng Việt Nam trong những năm 1932-1935, đồng chí được mời tham dự Đại hội VII Quốc tế Cộng sản và được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản; được Đại hội lần thứ nhất của Đảng Cộng sản Đông Dương bầu làm Tổng Bí thư của Đảng.

Trong thời kỳ Mặt trận Dân chủ Đông Dương (1936-1939), với vai trò Ủy viên Thường vụ Ban Chấp hành Trung ương, đồng chí Lê Hồng Phong đã có rất nhiều đóng góp vào việc hình thành chủ trương, đường lối của Đảng, góp phần đưa cách mạng Việt Nam phát triển lên một tầm cao mới. Đồng chí Lê Hồng Phong đã thể hiện một tấm gương sáng ngời của người cộng sản: Sống vì Đảng, chết không rời Đảng, trọn đời hy sinh phấn đấu vì độc lập, tự do của dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân.
Ngày 22/6/1939, đồng chí bị thực dân Pháp bắt tại Sài Gòn. Biết đồng chí là cán bộ lãnh đạo cao cấp của Đảng, bọn mật thám dùng mọi thủ đoạn tra tấn dã man; dụ dỗ, lừa phỉnh, nhưng chúng không thể lay chuyển được tinh thần và ý chí của người cộng sản kiên cường. Khi chiến tranh thế giới thứ II bùng nổ, mật thám Nam Kỳ đã ra Nghệ An bắt Lê Hồng Phong và áp giải vào giam giữ tại Sài Gòn. Trong thời gian gần 1 năm trời bị tra tấn, hành hạ, kẻ địch tìm mọi cách để khép đồng chí vào tội xử tử hình, nhưng không đủ chứng cứ, chúng giở đủ mọi thủ đoạn, kể cả dùng đòn tâm lý hòng lung lạc tinh thần của đồng chí.

 Biết đồng chí Lê Hồng Phong và Nguyễn Thị Minh Khai là vợ chồng, có con nhỏ (Hồng Minh) mới được mấy tháng, chúng đưa hai người đến gặp nhau, hy vọng họ sẽ nhận nhau, qua đó có cớ khép tội đồng chí dính líu tới “âm mưu lật đổ Chính phủ Nam Kỳ”. Mặc dù hai vợ chồng lâu ngày không được gặp nhau, nay gặp lại trong cảnh tù đày, sống chết chia ly không biết thế nào, lòng đầy thương cảm, nhưng đồng chí vẫn kìm nén tình cảm riêng, kiên quyết phủ nhận mọi chứng cứ của kẻ thù đưa ra, làm thất bại âm mưu của chúng. Mặc dù vậy, thực dân Pháp vẫn buộc tội đồng chí phải “chịu trách nhiệm tinh thần” cho cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ, kết án 5 năm tù giam và 10 năm quản thúc, đày ra Côn Đảo.

Trong những ngày bị biệt giam trong hầm đá, kẻ thù luôn tìm cách hành hạ, tra tấn, đánh đập dã man đồng chí Lê Hồng Phong, hòng làm nhụt tinh thần, ý chí của người lãnh đạo cộng sản. Những trận đòn tàn ác dã man liên tục làm đồng chí dần dần kiệt sức. Đồng chí Lê Hồng Phong hy sinh khi mới 40 tuổi đời, trong đó có hơn 20 năm liên tục hoạt động, cống hiến cho Đảng, cho cách mạng. Đồng chí là người chiến sĩ cộng sản tiêu biểu cho chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam. Hình ảnh, tên tuổi và sự nghiệp của đồng chí mãi mãi được khắc ghi trong trái tim, tâm hồn của các thế hệ người Việt Nam hôm nay và mai sau.

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Xã Dương Xá đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì và khai mạc Lễ hội truyền thống Đền - Chùa Bà Tấm 2024

Xã Dương Xá đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì và khai mạc Lễ hội truyền thống Đền - Chùa Bà Tấm 2024

(PNTĐ) - Tối 28/3, Đảng ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Dương Xá, huyện Gia Lâm long trọng tổ chức Lễ đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì và khai mạc Lễ hội truyền thống Đền - Chùa Bà Tấm năm 2024, chào mừng kỷ niệm 980 năm Ngày sinh Hoàng Thái Hậu Ỷ Lan (07/3/1044 - 07/3/2024)
 Bộ Công Thương chỉ đạo các đơn vị thực hiện nghiêm về hóa đơn điện tử bán lẻ xăng dầu

Bộ Công Thương chỉ đạo các đơn vị thực hiện nghiêm về hóa đơn điện tử bán lẻ xăng dầu

(PNTĐ) -Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên vừa ký ban hành Công điện gửi Tổng cục Quản lý thị trường và các Cục Quản lý thị trường tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc thực hiện nghiêm quy định về hóa đơn điện tử đối với hoạt động kinh doanh, bán lẻ xăng dầu.