Tham nhũng, một thứ “giặc nội xâm” nguy hiểm

BẮC VĂN
Chia sẻ

(PNTĐ) -Tại Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTN, TC) mới đây, nhiều đại biểu cho rằng, tham nhũng như một thứ “giặc nội xâm”, nguy hiểm khôn lường. Bởi nó liên quan đến cán bộ có chức, có quyền, những người vẫn được gọi là “công bộc của dân”; được Đảng, Nhà nước đào tạo, trọng dụng; được nhân dân tin tưởng, gửi trao quyền lực, nhưng lại lợi dụng chính những điều ấy để làm việc phi pháp, trục lợi. Muốn bộ máy của Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh, thì dù đau đớn đến mấy cũng phải cắt bỏ cái “ung nhọt” ấy.

Tham nhũng, một thứ “giặc nội xâm” nguy hiểm - ảnh 1
“Tham nhũng, tiêu cực vẫn là một trong những "kẻ thù hung ác", nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ ta”- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng Ảnh: TTXVN

Có nhà nước là có tham nhũng, ở nước ta, hay với bất kỳ quốc gia nào và thời nào cũng thế. Vì vậy, người ta mới gọi đó là “khuyết tật bẩm sinh của quyền lực”. Khi cách mạng mới giành chính quyền, Bác Hồ đã nhiều lần nhắc nhở, cảnh báo cán bộ về căn bệnh nan y này. Năm 1950, nhận được bức thư của một nhà thơ, phản ánh cách ăn bớt vải thô khi may màn, ăn bớt bông thay vào đó bằng bao tải khi may áo trấn thủ cho bộ đội; tổ chức đám cưới xa hoa cho cán bộ dưới quyền, toàn chim quay, gà tần, giò chả, nấm hương, thịt bò thui, thuốc lá thơm hảo hạng của Đại tá, Cục trưởng Cục Quân nhu Trần Dụ Châu, Bác Hồ đã yêu cầu Thanh tra Quân đội làm rõ, xử lý nghiêm minh. Bị Tòa án binh tối cao kết án tử hình vì tội “Biển thủ công quỹ, nhận hối lộ, phá hoại công cuộc kháng chiến”, Trần Dụ Châu gửi đơn xin Bác Hồ tha tội chết, nhưng bị từ chối. Người cho rằng, một cái ung nhọt, dẫu có đau cũng phải cắt bỏ, không để nó lây lan, nguy hiểm… Nếu phải giết đi một con sâu mà cứu được cả rừng cây thì việc đó là cần thiết, hơn nữa còn là một việc làm nhân đạo.
Công tác đấu tranh PCTN, TC đã được Đảng ta tiến hành từ lâu, nhưng chưa bao giờ mang lại kết quả nức lòng nhân dân như những năm gần đây. Quan điểm là xử lý nghiêm minh nhưng cũng rất nhân văn đối với bất kỳ ai phạm tội, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Có trường hợp dừng nghị án cho bị cáo có thời gian trả lại tiền nhận hối lộ để được giảm hình phạt. Tham nhũng từng bước được kiềm chế và ngăn chặn; 93% số người dân được hỏi bày tỏ tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCTN, TC. Làm được như thế là do sự chỉ đạo quyết liệt, kiên trì với cách làm bài bản của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, trực tiếp là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - người đã nhóm lửa, giữ lửa và truyền lửa cho cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc trên mặt trận không tiếng súng phức tạp, nhạy cảm này. 
Tại Hội nghị toàn quốc về công tác PCTN, TC, đồng chí Tổng Bí thư rất buồn khi công bố những con số chưa từng có đối với Đảng, chế độ ta: 10 năm qua, kể từ khi Hội nghị Trung ương 5, khóa XI (tháng 5/2012) quyết định chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN trực thuộc Bộ Chính trị, có 170 cán bộ diện Trung ương quản lý bị thi hành kỷ luật, trong đó có 4 Ủy viên, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị; 29 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương; 50 sĩ quan cấp tướng. Riêng từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay đã kỷ luật 50 cán bộ diện Trung ương quản lý (gấp 4 lần so với nhiệm kỳ khóa XI, bằng gần 1/2 số cán bộ cấp cao bị xử lý trong nhiệm kỳ khóa XII), trong đó có 8 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương, 20 sĩ quan cấp tướng. Nhiều trường hợp, cả nguyên Ủy viên Bộ Chính trị bị kết án tù; cá biệt có đối tượng án chồng án. Thật đau lòng, nhưng không thể làm khác để bảo vệ uy tín, danh dự, sự trong sạch của Đảng.
Chống tham nhũng làm nghiêm như vậy nhưng nó vẫn diễn ra phức tạp là sự trăn trở của nhiều người. Điển hình là các vụ liên quan Công ty CP Công nghệ Việt Á và Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao. Giữa lúc toàn Đảng, toàn dân gồng mình phòng, chống đại dịch Covid-19, có ngày hàng trăm người mất, nhân dân nhiều lúc hoang mang, thì gần 100 cán bộ đang tâm lợi dụng hoàn cảnh đó làm trái để trục lợi, nhận tiền “hoa hồng” từ Công ty Việt Á vì mua kít test của họ với giá chênh lệch bất thường; vòi tiền của kiều bào trong chiến dịch Nhà nước đưa đồng bào ta ở các tâm dịch về nước. Chưa bao giờ đội ngũ cán bộ, viên chức ngành Y vất vả, hy sinh quên mình vì sức khỏe, tính mạng người dân như hai năm vừa qua. Vậy mà một số cán bộ trong ngành đã suy thoái, hư hỏng, vụ lợi, mất hết cả nhân tính, làm hoen ố màu trắng thanh tao của chiếc áo blouse. Chua xót biết chừng nào! 
Vì sao lại có tình trạng như vậy? Đành rằng đã gọi là “khuyết tật bẩm sinh” thì khó tìm được phương thuốc đặc trị, nhưng cũng không thể để cho nó lây lan như thế. Vì sao một Phan Quốc Việt, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty Việt Á lại làm cho nhiều người vướng vào vòng lao lý đến thế. Có phải vì 800 tỷ đồng “hoa hồng” mà đối tượng dùng thao túng cán bộ hay còn khuất tất, mờ ám nào nữa? Tin rằng nếu có sẽ được cơ quan chức năng làm sáng tỏ bởi đây là vụ án mà Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, TC theo dõi, chỉ đạo đang được tiến hành rất khẩn trương, để xử lý nghiêm minh.
Nhìn lại chặng đường 10 năm PCTN, TC, chúng ta có nhiều bài học kinh nghiệm quý và đó cũng là những phác đồ để điều trị căn bệnh trầm kha này trong thời gian tới. Trước hết là không ngừng nâng cao nhận thức về sự nguy hại của tham nhũng, tiêu cực đe dọa đến sự an nguy của chế độ; tiếp tục hoàn thiện thể chế, các cơ chế chính sách để không thể, không dám và không muốn tham nhũng. Từng tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị và bản thân mỗi cán bộ, công chức, viên chức phải biết tự tu dưỡng, rèn luyện, lấy các vụ án, vụ việc đã, đang và sẽ xử lý làm bài học cho chính mình để tỉnh táo trước mọi cám dỗ của vật chất tầm thường, sự mua chuộc, lôi kéo của những kẻ quen đường chạy chọt, đút lót để trục lợi. Cán bộ có chức, có quyền, nhất là người đứng đầu càng phải nêu gương và luôn nhớ lời căn dặn, chia sẻ sâu sắc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, “tiền nhiều mà để làm gì, chết có mang theo được đâu; danh dự mới là điều thiêng liêng, cao quý nhất”. Thực tế đã minh chứng điều ấy, không ít cán bộ nhà cao cửa rộng, tiền nhiều như nước nhưng khi bị phanh phui những việc làm sai trái, bị phạt tù thì bản thân lụn bại, gia đình đau đớn, tiền cũng trở nên vô nghĩa, còn gì nữa đâu?
Một giải pháp nữa rất quan trọng là đồng thời với việc hoàn thiện thể chế chính sách pháp luật là đẩy mạnh xử lý nghiêm minh, kịp thời những vụ án, vụ việc cụ thể với tinh thần PCTN như chống “giặc nội xâm”; gắn PCTN với phòng chống tiêu cực, loại bỏ các thói hư tật xấu, nhất là sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, công chức, viên chức. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đặc biệt là kiểm soát quyền lực; quyền lực đến đâu quy định rõ trách nhiệm đến đó; bất kể ai lạm dụng quyền lực để trục lợi đều phải truy cứu trách nhiệm. PCTN luôn là việc “nóng”, phải thực hiện đồng bộ các biện pháp chính trị, tư tưởng, tổ chức, hành chính, kinh tế, hình sự với bước đi vững chắc, chủ động, có trọng tâm, trọng điểm với cơ chế phòng ngừa chặt chẽ, răn đe, trừng trị nghiêm minh, thu hồi triệt để tài sản tham nhũng, trong đó phòng ngừa là chính, là cơ bản lâu dài; phát hiện xử lý là đột phá quan trọng, rõ đến đâu xử lý đến đó. 
Để PCTN, TC hiệu quả, các cơ quan có chức năng này phải không ngừng củng cố tổ chức bộ máy, có quy chế, cơ chế hoạt động rõ ràng, đặc biệt là phòng ngừa, chống tham nhũng ngay trong cơ quan mình. Các địa phương chưa thành lập Ban Chỉ đạo PCTN, TC cấp tỉnh thì khẩn trương thành lập. Cùng với Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, TC, đây là lực lượng nòng cốt, tiên phong, tin tưởng của nhân dân, để tạo ra tinh thần mới, quyết tâm mới, trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt, từng bước ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục